TÁNH KHÔNG VÀ SỰ TẠO TÁC TƯƠNG THUỘC

HH. DALAI LAMA XIV

DALAI LAMA

Vậy thì theo phái Prasangika, “tánh Không” có nghĩa là “không có sự hiện hữu nội tại”. Nói như thế không có nghĩa là chẳng có gì cả, ý nghĩa đơn giản là mọi vật thể không hàm chứa thực thể mà chúng ta đã gán cho chúng bằng sự ngây thơ của ta, thế thôi. Vậy thì phương cách hiện hữu của những hiện tượng ra sao? Thực sự chúng hiện hữu bằng cách nào? Chúng ta bắt buộc phải tự hỏi như thế. Trong chương 24 của tập Luận, Long Thọ cho thấy cương vị hiện sinh của mọi hiện tượng chỉ có thể hiểu được trong giới hạn của sự tạo tác liên đới. Trong khuôn khổ vài học phái thấp, chữ “liên đới” chỉ định sự kiện lệ thuộc vào những nguyên nhân và điều kiện, nhưng đối với phái Prasangika, sự kiện lệ thuộc vào cách nhận biết bằng quy ước của một chủ thể đối với một đối tượng ưu tiên hơn.

Kinh sách đã khẳng định về quan điểm này. Trong tập luận Những câu hỏi của Anavatapta, người ta tìm thấy một đoạn nói rằng bất cứ cái gì đã được hiện hữu bằng cách lệ thuộc vào những điều kiện khác, thì nhất định và bắt buộc không thể hàm chứa một sự tạo tác nội tại nào:

Cái gì sinh ra bởi những điều kiện (lệ thuộc), (thật sự) không sinh ra.
Chỉ vì (nó) không có sự tạo tác nội tại.
Cái gì lệ thuộc vào những điều kiện (khác) được xem là trống không.
Người nào biết được sự trống không đó, đạt được an bình.

Người ta thường thấy những trích dẫn tương tự trong sách Giảng yếu về các Bài thuyết giảng (tiếng Phạn: Soutrasamuccaya) của Long Thọ và trong sách Giảng yếu về các cách luyện tập của Shantideva. Trong chương nói về trí tuệ, Shantideva trích dẫn rất nhiều kinh sách có cùng chủ trương bác bỏ khái niệm về sự hiện hữu nội tại và đưa ra một bản liệt kê thật dồi dào về rất nhiều hiện tượng này tương tự với những hiện tượng đã thấy trong Tâm Kinh. Shantideva kết luận và nhấn mạnh rằng tất cả những hiện tượng nêu ra trong bản liệt kê trên đây chỉ thuần là những tên gọi và cách thức để chỉ định các hiện tượng mà thôi.

Cần phải hiểu thật rõ là nếu những vật thể và những hiện tượng không hiện hữu gì cả, thì nhất định không thể nào biện minh hợp lý cho những gì đã được liệt kê trong Tâm Kinh, chẳng hạn như năm thành phần cấu hợp và ba mươi bảy phụ trợ cho Giác ngộ. Nếu như học thuyết về tánh Không phủ định sư thực về những hiện tượng ấy, thì việc thiết lập một bản liệt kê cho chúng quả thật là không hợp lý chút nào. Điều này đòi hỏi những vật thể phải có thực, nhưng chúng không có thực một cách nội tại; sự hiện hữu của chúng chỉ có thể nắm bắt được trong lãnh vực của sự tạo tác lệ thuộc mà thôi.

Nếu ta hiểu được tánh Không đúng như sự giải thích của trường phái Madhyamaka – Prasangika, tức là tất cả mọi hiện tượng, không trừ ra một trường hợp nào, tất cả đều không mang một dấu vết thực thể nào cả, và cũng đơn giản như thế, không có một lý do nào cho phép sự nhận biết về cái ta có thể đứng vững. Trên thực tế, thấu triệt được tánh Không theo học phái Madhyamaka – Prasangika, tức là đạt được sự hiểu biết cao nhất và tinh tế nhất những lời thuyết giảng của Phật về vô ngã.

—*—
“TÂM KINH NHỮNG BÀI HỌC VỀ TRÍ TUỆ”– Hoang Phong dịch
NXB Tổng Hợp TPHCM, 2007.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. NHỮNG CÂU NÓI CỦA DALAI LAMA 14TH
  2. TÂM TỪ BI: CON NGƯỜI MÀ CHÚNG TA MUỐN TRỞ THÀNH
  3. TÂM BÌNH AN TRƯỚC NHỮNG KHÓ KHĂN KHÔNG THỂ TRÁNH

Bài viết mới

  1. TÂM BÌNH THƯỜNG, TÂM PHẬT
  2. ĐỜI SỐNG XÃ HỘI: CƠ HỘI TẠO DỰNG HẠNH PHÚC
  3. MẠN ĐÀ LA – NỐI KẾT XƯA VÀ NAY