TÁNH THẤY VỐN KHÔNG Ô NHIỄM, CHẲNG PHẢI HÒA HỢP CHẲNG PHẢI KHÔNG HÒA HỢP

KINH LĂNG NGHIÊM

Phật dạy:

A Nan, nay ta vì ông lấy hai sự việc ấy lui tới, kết hợp mà chỉ rõ.

A Nan, như cái vọng thấy biệt nghiệp của chúng sanh kia, thấy nơi ngọn đèn hiện ra bóng tròn, tuy hiện giống như tiền cảnh mà rốt cuộc là do bệnh nhặm của người ấy tạo thành. Nhặm thì mắt lòa, chẳng phải có sắc tướng được tạo ra. Nhưng cái thấy được mắt nhặm thì cái thấy ấy không có lỗi lầm.

So với ông hôm nay dùng con mắt xem núi sông, cõi nước và các chúng sanh, đều là do cái thấy bị bệnh từ vô thủy tạo thành. Cái thấy và cái được thấy giống như có cảnh trước mắt, nguyên là tánh giác sáng tỏ của ta có bệnh nhặm mà thành năng kiến sở kiến.

Những sự thấy biết đều là bệnh nhặm, còn bản giác minh tâm biết các duyên thì chẳng phải bệnh. Cái biết và cái được biết đều là bệnh nhặm, còn cái bản giác thì không ở trong bệnh nhặm. Đây mới thật là tánh thấy hằng thấy, làm sao còn gọi được là thấy, nghe, hay, biết?

Thế nên, nay ông thấy ta và ông cùng mười loại chúng sanh thế gian đều là cái thấy bị nhặm, chứ chẳng phải cái thấy được bệnh nhặm. Tánh thấy chân thật kia vốn chẳng hề nhặm nên không gọi là thấy nữa.

A Nan, cái vọng thấy đồng phận của chúng sanh so với cái vọng thấy biệt nghiệp của một người thì người trong một nước kia cũng đồng như một người bị bệnh mắt.

Người thấy bóng tròn là do mắt nhặm hư vọng sanh ra, còn các chúng sanh kia đồng thấy những điềm không lành hiện ra, là do nghiệp chướng xấu ác đồng phận sanh khởi. Cả hai đều do vọng thấy từ vô thủy sanh ra.

Như vậy ba ngàn châu trong cõi Diêm Phù Đề, cùng bốn biển lớn, thế giới Ta Bà, cho đến các cõi hữu lậu trong mười phương cùng các chúng sanh đồng là diệu tâm giác minh vô lậu, nhưng do cái bệnh duyên hư vọng tạo thành thấy nghe hay biết hòa hợp vọng sanh, hòa hợp vọng tử.

Nếu xa lìa các bệnh duyên hòa hợp và chẳng hòa hợp này, tức thì diệt trừ trở lại các nhân sanh tử, đây là tánh giác ngộ vốn viên mãn chẳng sanh chẳng diệt, bản tâm vốn giác thanh tịnh thường trụ vậy.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. KINH TỪ BI

Bài viết khác của tác giả

  1. MƯỜI BỐN CÔNG ĐỨC VÔ ÚY CỦA BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM
  2. ĐÁNH CHUÔNG ĐỂ THỂ NGHIỆM TÍNH THƯỜNG TRỤ
  3. MƯỜI BỐN CÔNG ĐỨC VÔ ÚY CỦA BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM

Bài viết mới

  1. THỰC HÀNH BỒ ĐỀ TÂM
  2. LÒNG TỰ TRỌNG
  3. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT KHỞI LÒNG SÙNG MỘ