TẠO THÓI QUEN SỐNG CHỦ ĐỘNG

STEPHEN R. COVEY

Trích: 7 Thói Quen Tạo Gia Đình Hạnh Phúc; Việt dịch: First News; NXB. Trẻ; Công ty VH-ST Trí Việt - First News, 2009

Bốn kỹ năng chỉ có ở con người

Để hiểu rõ 4 kỹ năng, tôi sẽ đưa ra ví dụ về một phụ nữ đã vận dụng những kỹ năng ấy để tạo nên sự thay đổi trong gia đình mình. Cô ấy kể:

Suốt mấy năm trời tôi phải vật lộn với lũ trẻ, bọn chúng thường xuyên cắn đắng với nhau. Tôi phải đứng ra phân xử, trách mắng. Tôi biết, việc tôi thường rầy la đã làm tổn thương lòng tự trọng của chúng.

Hết lần này đến lần khác tôi đều cố gắng để thay đổi, nhưng mỗi lần như vậy tôi không sao từ bỏ được thói quen cũ. Lúc đó tôi thấy chán ghét bản thân mình, và thế là tôi lại trút giận lên con cái. Sự thể như thế càng khiến tôi cảm thấy đáng trách hơn. Cơ hồ tôi đang tuột dần xuống một vòng xoáy. Tôi biết mình cần phải làm một cái gì đó, nhưng không biết cụ thể đó là cái gì.

Cuối cùng tôi quyết định là phải suy xét kỹ lưỡng, dàn xếp, nhìn nhận nghiêm túc vấn đề của mình. Và rồi tôi đã nhận thức được hai nguyên nhân sâu xa khiến tôi có hành vi gay gắt và tiêu cực như vậy.

Đầu tiên, đó là những trải nghiệm từ thuở ấu thơ đã tác động đến thái độ và hành vi của tôi. Tôi bắt đầu nhận ra chính cách thức nuôi dạy của cha mẹ đã để lại trong tôi những vết sẹo tâm lý. Ngôi nhà tuổi thơ của tôi đầy những rạn nứt. Tôi nhớ là chưa từng thấy cha mẹ ngồi nói chuyện với nhau vì họ luôn bất đồng quan điểm. Hoặc là họ cãi nhau, hoặc đánh nhau, hoặc đường ai nấy đi và giữ thái độ im lặng. Cuối cùng cuộc hôn nhân của cha mẹ tôi đi đến chỗ kết thúc.

Vì thế, khi gặp phải những vấn đề rắc rối tương tự xảy ra trong chính gia đình mình, tôi không biết phải xoay xở thế nào. Tôi không có một hình mẫu nào để làm theo. Thay vì tìm ra một khuôn mẫu hay tự tìn cách giải quyết, tôi lại trút hết những thất vọng và bối rối lên con cái. Mặc dù không thích “giận cá chém thớt”, tôi nhận ra chính tôi lại đang đối xử với các con theo như cách của bố mẹ đối xử với tôi trước đây.

Nguyên nhân thứ hai, đó là tôi muốn thông qua cách cư xử của con cái để giành thiện cảm của mọi người. Tôi muốn mọi người yêu mến tôi vì lũ trẻ nhà tôi có hành vi tốt. Tôi luôn lo sợ bọn trẻ sẽ khiến tôi phải xấu hổ khi bước ra bên ngoài khung cửa gia đình. Chính vì không tin tưởng vào bọn trẻ nên tôi đã đe nẹt, uốn nắn, bắt chúng phải cư xử theo cách mà tôi muốn. Tôi bắt đầu nhận ra việc tôi luôn cố gắng giữ thể diện cho mình đã khiến con tôi không thể trưởng thành và sống có trách nhiệm. Oái oăm thay, cách tôi dạy dỗ lại gây ra điều mà tôi vô cùng lo sợ: bọn trẻ bắt đầu có những hành vi vô trách nhiệm.

Hai nguyên nhân trên giúp tôi hiểu ra: tôi cần phải tự mình giải quyết, thay vì bắt người khác phải thay đổi. Tuổi thơ bất hạnh khiến tôi phần nào có thái độ tiêu cực, nhưng cũng không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho cha mẹ. Tôi đã có thể lựa chọn những cách ứng xử hoàn toàn khác.

Tôi đã trải qua một quãng thời gian dài, hết sức khó khăn để có thể thừa nhận lỗi do mình. Tôi đã phải đấu tranh với niềm kiêu hãnh tự tạo bấy lâu. Nhưng khi vượt qua được những khó khăn đó, tôi cảm thấy hết sức thoải mái, tự do. Tôi đã kiểm soát được bản thân để tìm ra một hướng đi tốt đẹp hơn. Tôi nhận ra phải có trách nhiệm với chính mình.

Giờ đây mỗi khi lâm vào hoàn cảnh ngặt nghèo đến đâu đi nữa, tôi chọn “điểm dừng” để xác định lại phương hướng, so sánh thực tế với cách nhìn nhận chủ quan của mình. Tôi tránh không ăn nói bộp chộp, không xử sự gay gắt. Tôi luôn cố gắng để có được một kết cục tốt đẹp và kiểm soát được mình.

Cuộc đấu tranh nội tâm vẫn luôn tiếp diễn. Những lúc như thế, tôi thường rút về một góc yên tĩnh trong tâm hồn mình để kiềm chế và chiến thắng chính mình, để mình không đi chệch hướng.

Khi gặp phải khó khăn, người phụ nữ trong câu chuyện vừa kể đã biết dừng đúng lúc, trước khi đưa ra quyết định. Trong khoảng thời gian dừng lại, cô ấy suy xét để tìm ra hành động phù hợp thay vì phản ứng xốc nổi. Cô ấy đã thực hiện như thế nào?

Hãy lưu ý cách thức cô ấy suy xét lại bản thân để hiểu về hành vi của chính mình. Cô ấy đã áp dụng kỹ năng thứ nhất: tự nhận thức. Là con người, chúng ta có thể đứng ngoài cuộc sống của mình để nhìn nhận một cách khách quan, thậm chí còn biết nhìn nhận cả những suy nghĩ bên trong, để từ đó từng bước tạo nên sự thay đổi và hoàn thiện. Loài vật không thể làm được điều này nhưng con người thì có thể. Kỹ năng thứ hai mà cô ấy sử dụng là lương tâm. Chính lương tâm, “tiếng nói tâm hồn”, đã giúp người phụ nữ nhận ra cách thức cô ấy đối xử với con cái là không tốt, vì đi theo vết xe đổ mà cô đã trải qua trước kia. Lương tâm cũng là môt kỹ năng riêng có của con người. Nó giúp chúng ta đánh giá những gì nhìn thấy trong cuộc sống của bản thân. Giống như chiếc máy tính, lương tâm giúp ta phân biệt được cái gì đúng, cái gì sai, cái gì nên ghi vào “ổ cứng” của chúng ta. Tuy nhiên, nếu chúng ta cài quá nhiều “phần mềm về những giá trị thứ yếu”, đồng thời sử dụng sai hoặc xem nhẹ khả năng đặc biệt của lương tâm, rất có thể chúng ta sẽ đánh mất kỹ năng đặc biệt này. Lương tâm còn cho ta sức mạnh của tâm hồn. Bằng cách này hay cách khác, và dù có sự khác biệt về ngôn ngữ thì những tôn giáo lớn trên thế giới (như Thiên Chúa giáo, Phật giáo, Hồi giáo…) đều răn dạy con người về lương tâm.

Kỹ năng thứ ba được dùng đến: trí tưởng tượng. Cô ấy hình dung về một viễn cảnh hoàn toàn khác với những gì cô đã trải qua, với một kết cục thú vị hơn so với quá khứ. Cô ấy đã nhận ra khả năng này khi nói: “Tôi đã kiểm soát được bản thân và có thể tìm ra một hướng đi tốt đẹp hơn”.

Vậy kỹ năng thứ tư là gì? Đó là ý chí độc lập – sức mạnh để hành động. Hãy nhìn vào những dự định to lớn và sức mạnh của ý chí mà cô ấy rèn luyện. Cô ấy đang bơi ngược dòng, thậm chí cố thoát khỏi hướng đi trước kia. Cô ấy dồn hết công sức để cố gắng làm chủ chính mình. Dĩ nhiên không dễ dàng chút nào, nhưng đó là điều cốt lõi để có được hạnh phúc đích thực. Cần phải biết hy sinh những lợi ích trước mắt để vươn đến đích cuối cùng. Người phụ nữ này đã biết tiết chế sự bốc đồng, điều chỉnh lại bản thân, chiến thắng cái tôi – vì mong muốn cuối cùng của cô là đạt được một điều gì đó to tát và tốt đẹp hơn trước đây.

Tự nhận thức, lương tâm, trí tưởng tượng sáng tạoý chí độc lập là 4 kỹ năng giúp ích cho con người khi đối mặt với những vấn đề khó khăn và đưa ra quyết định.

Loài vật không bao giờ rơi vào hoàn cảnh như vậy. Chúng chỉ dựa vào bản năng và sự rèn luyện tự nhiên. Mặc dù chúng cũng có những khả năng đặc biệt khác mà con người không có, nhưng về cơ bản, hoạt động của loài vật chỉ là đấu tranh sinh tồn và duy trì nòi giống.

Trong cuộc đời, con người liên tục gặp phải vô vàn khó khăn và buộc phải tìm ra giải pháp. Đây cũng là một áp lực để giúp chúng ta trưởng thành. Nói cách khác, “trưởng thành hay chết” là yêu cầu tất yếu để hiện hữu.

Sự kiện nhân bản vô tính chú cừu Dolly ở Scotland đã làm dấy lên mối quan tâm về khả năng nhân bản con người với hàng loạt vấn nạn đạo đức. Đa số các cuộc thảo luận đều dựa trên giả định “con người chỉ là động vật cao cấp” – điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta chỉ là sản phẩm của điều kiện tự nhiên (cụ thể là gen) và điều kiện xã hội (bao gồm sự nuôi nấng, dạy dỗ, chăm sóc, môi trường văn hóa). Nhưng giả định này không thể lý giải được tại sao Gandhi, Nelson Mandela hay Mẹ Teresa làm được những điều vĩ đại, hay tại sao những ông bố bà mẹ trong cuốn sách này có thể làm nên kỳ tích. Đó là vì họ biết vận dụng và phát triển những kỹ năng riêng có của con người, để đạt được những thành tựu, cống hiến vĩ đại.

Một khi biết cách hoàn thiện và vận dụng “điểm dừng”, người mẹ trong câu chuyện trên đã trở nên chủ động. Cô ấy điều chỉnh hướng đi của gia đình để không dẫm lên vết xe đổ của thế hệ trước (nào là thù hận, ưa bạo lực, nào là thích gây gổ…), bằng sự rèn luyện bản thân, bằng đấu tranh nội tâm, khắc phục sai lầm.

Rất chậm rãi, tinh tế, khéo léo, người phụ nữ ấy đang làm nên sự biến đối sâu sắc trong nề nếp văn hóa gia đình. Cô ấy đang viết nên một kịch bản mới và đã trở thành tác nhân của sự đổi thay.

Thật thú vị là tất cả chúng ta đều có thể làm được điều đó, nếu nhận thức rõ ràng về 4 kỹ năng riêng có của con người. Xuyên suốt cuốn sách này, chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn về từng kỹ năng, thông qua kinh nghiệm của những người đã từng hoàn thiện và vận dụng chúng.

Một khi đã có 4 kỹ năng, bạn sẽ không trở thành nạn nhân của những tác động tiêu cực. Ngay cả khi bạn sống trong một gia đình đầy rẫy sự ngược đãi, bạn vẫn có thể trở thành người tử tế và giàu lòng yêu thương. Nếu bạn muốn mình trở nên tốt đẹp theo cách mà bạn mong muốn, hãy rèn luyện 4 kỹ năng vừa nêu.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. THÁI ĐỘ SỐNG TÍCH CỰC
  2. SỐNG TÍCH CỰC LÀ CON ĐƯỜNG TỚI THÀNH CÔNG
  3. XÂY DỰNG MỘT CUỘC SỐNG TÍCH CỰC

Bài viết khác của tác giả

  1. THÓI QUEN THỨ BA: ƯU TIÊN NHỮNG VIỆC QUAN TRỌNG
  2. LẤY NGUYÊN TẮC LÀM TRUNG TÂM
  3. MỘT SỐ THÁCH THỨC CỦA KỶ NGUYÊN MỚI

Bài viết mới

  1. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT KHỞI LÒNG SÙNG MỘ
  2. QUẢN LÝ NĂNG LƯỢNG THAY VÌ THỜI GIAN CỦA BẠN
  3. KIÊN TRÌ ĐẾN LÚC THÀNH CÔNG