THẦN CHÚ CỦA TÂM ĐẠI BI

SOGYAL RINPOCHE

Trích: Tạng Thư Sống Chết; Thích Nữ Trí Hải dịch; NXB Hồng Đức.

 

OM MANI PADME HUM, Tạng ngữ đọc là Om Mani Pémé Hung. Thần chú này tiêu biểu tâm đại bi và ân sủng của tất cả chư Phật, Bồ-tát, nhất là ân sủng của Quán Tự Tại, vị Phật của lòng bi mẫn. Quán Tự Tại (hay Quán Thế Âm) là hiện thân của Phật trong hình thức Báo thân, và thần chú của ngài được xem là tinh túy của lòng bi mẫn của chư Phật đối với hữu tình. Nếu Liên Hoa Sanh là bậc thầy quan trọng nhất của người Tây Tạng, thì Quán Tự Tại là vị Phật quan trọng nhất của họ, là vị thần hộ mạng của dân tộc này. Có câu nói nổi tiếng là vị Phật của lòng bi mẫn đã ăn sâu vào tiềm thức Tây Tạng tới nỗi một hài nhi vừa biết nói tiếng “Mẹ” là đã biết đọc thần chú này, OM MANI PADME HUM.

Tương truyền vô lượng kiếp về trước có một ngàn thái tử phát tâm Bồ-đề  nguyện thành Phật. Một vị nguyện thành Phật Thích-ca mà ta đã biết; nhưng Quán Tự Tại thì nguyện sẽ không đạt thành Chánh giác khi mà tất cả ngàn thái tử chưa thành. Với tâm đại bi vô biên, ngài còn nguyện giải thoát tất cả chúng sanh ra khỏi khổ sanh tử luân hồi trong lục đạo. Trước mười phương chư Phật, ngài phát nguyện: “Nguyện cho con cứu giúp được tất cả hữu tình, và nếu có khi nào con mệt mỏi trong công việc lớn lao này thì nguyện cho thân con tan thành một ngàn mảnh”. Đầu tiên, ngài xuống cõi địa ngục, tiến lên dần các cõi ngạ quỷ, cho đến các cõi trời. Từ đấy ngài tình cờ nhìn xuống và trông thấy than ôi, mặc dù ngài đã cứu vô số chúng sanh thoát khỏi địa ngục, vẫn còn vô số khác đang sa vào. Điều này làm cho ngài đau buồn vô tận, trong một lúc ngài gần như mất tất cả niềm tin vào lời nguyện vĩ đại mà ngài đã phát, và thân thể ngài liền nổ tung thành ngàn mảnh. Trong cơn tuyệt vọng, ngài kêu cứu tất cả chư Phật. Những vị này từ mười phương thế giới đều bay đến như mưa tuyết để tiếp cứu. Với thần lực nhiệm màu, chư Phật làm cho ngài hiện toàn thân trở lại, và từ đấy Quán Tự Tại có mười cái đầu, một ngàn cánh tay, trên mỗi lòng bàn tay có một con mắt. Ý nghĩa rằng sự phối hợp giữa trí huệ và phương tiện thiện xảo là dấu hiệu của đại bi chân thực. Trong hình thức này, ngài còn sáng chói rực rỡ, và có nhiều năng lực hơn trước để cứu giúp tất cả chúng sanh. Tâm đại bi của ngài khi ấy còn mảnh liệt hơn nữa, và ngài lại phát lời nguyện này trước chư Phật: “Con nguyện không thành Chánh giác khi tất cả chúng sanh chưa thành.”

Tương truyền rằng vì đau buồn trước nỗi khổ luân hồi sinh tử, hai giọt nước mắt đã rơi từ đôi mắt ngài, và chư Phật đã làm phép biến hai giọt nước mắt ấy thành hai nữ thần Tara. Một nữ thần có màu xanh lục, năng lực hoạt động của tâm đại bi, và một nữ thần có màu trắng, khía cạnh như mẹ hiền của tâm đại bi. Tara có nghĩa là người giải cứu, người chuyên chở chúng ta vượt qua biển sanh tử.

Theo kinh điển Đại thừa, chính Quán Tự Tại đã cho đức Phật câu thần chú, và đức Phật trở lại giao phó cho ngài công tác cao quý đặc biệt là cứu giúp tất cả chúng sanh tiến đến giác ngộ. Vào lúc ấy, chư Thiên tung hoa xuống ca ngợi hai ngài, quả đất chấn động, và không trung vang lên âm thanh OM MANI PADME HUM HRI.

Có câu thơ về ngài ý nghĩa như sau:

Quán Thế Âm như vầng trăng,

Với ánh sáng mát dịu, dập tắt những thiêu đốt của sinh tử.

Trong ánh sáng ấy, đóa sen từ bi – loại hoa nở về đêm

Mở ra những cánh trắng tinh khôi.

Giáo lí giải thích rằng mỗi âm trong sáu âm của thần chú OM MANI PADME HUM có một hiệu quả đặc biệt để mang lại sự chuyển hóa thuộc nhiều tầng lớp khác nhau của bản thể ta. Sáu âm này tịnh hóa tất cả sáu phiền não gốc, biểu hiện của vô minh khiến chúng ta làm những ác nghiệp của thân, lời, ý, tạo ra luân hồi sanh tử và những khổ đau của chúng ta, trong đó kiêu mạn, ganh tị, dục vọng, ngu si, thèm khát và giận dữ, nhờ thần chú mà được chuyển hóa trở về bản chất thực của chúng, trí giác của sáu bộ tộc Phật thể hiện trong tâm giác ngộ.

Bởi thế, khi ta tụng thần chú OM MANI PADME HUM thì sáu phiền não nói trên được tịnh hóa, nhờ vậy ngăn ngừa được sự tái sanh vào sáu cõi, xua tan nỗi khổ ẩn tàng trong mỗi cõi. Đồng thời thần chú này cũng tịnh hóa các uẩn thuộc ngã chấp, hoàn thành sáu hạnh siêu việt của tâm giác ngộ (Sáu Ba-la-mật): bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ. Người ta cũng nói rằng thần chú OM MANI PADME HUM có năng lực hộ trì rất lớn, che chở ta khỏi những ảnh hưởng xấu và các thứ tật bệnh.

Thường có chủng tự HRIH của Quán Thế Âm được thêm vào sau câu thần chú, làm thành OM MANI PADME HUM HRIH. HRIH là tinh yếu tâm đại bi của tất cả chư Phật, là chất xúc tác đã khởi động tâm đại bi của chư Phật để chuyển hóa các phiền não của ta thành bản chất trí tuệ của các ngài.

Kalu Rinpoche viết:

      Một cách khác để giải thích thần chú này là: OM là tính chất của thân giác ngộ, MANI PADME tiêu biểu ngữ giác ngộ, HUM tiêu biểu ý giác ngộ. Thân, ngữ, ý của tất cả chư Phật được tàng ẩn trong âm thanh của thần chú này. Thần chú này tịnh hóa những chướng ngại của thân, khẩu, ý, và đưa tất cả hữu tình đến trạng thái chứng ngộ. Khi tụng thần chú này mà phối hợp với đức tin và tinh tấn thiền định thì năng lực chuyển hóa của thần chú sẽ phát sinh và tăng trưởng. Quả vậy, chúng ta có thể tịnh hóa bản thân bằng phương pháp ấy.”

Đối với những người đã quen thuộc với thần chú này, suốt đời tụng đọc với nhiệt thành và niềm tin, thì Tử Thư Tây Tạng nói, ở trong cõi Trung ấm: “Khi âm thanh của pháp tánh gầm thét như ngàn muôn sấm sét, nguyện cho tất cả tiếng này trở thành âm thanh của thần chú sáu âm”. Tương tự, kinh Lăng Nghiêm cũng nói:

      Mầu nhiệm thay là âm thanh siêu việt của Quán Thế Âm. Đấy là âm thanh tối sơ của vũ trụ… Đó là tiếng thì thầm âm ỉ của thủy triều trầm lắng. Tiếng mầu nhiệm ấy đem lại giải thoát bình an cho tất cả hữu tình đang kêu cứu trong cơn đau khổ, và đem lại một sự an trú thanh tịnh cho tất cả những ai đang tìm sự thanh tịnh vô biên của Niết-bàn.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. CHÂN NGÔN THỐT RA LỜI VÀ CHÂN NGÔN TRONG TÂM
  2. OM MANI PADME HUM
  3. THẦN LỰC CỦA QUÁN ÂM

Bài viết khác của tác giả

  1. TÂM VÀ TỰ TÍNH CỦA TÂM
  2. LUYỆN TẬP CHÁNH NIỆM
  3. TÍNH SÁNG TẠO-THIỆN TÂM

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP