THANH TOÁN BỆNH ĐẬU MÙA TRÊN QUY MÔ TOÀN CẦU

LOIS N. MAGNER

Trích: Lịch Sử Y Học – Bác sĩ Võ Văn Lượng dịch; Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Lương hiệu đính – NXB Trẻ.

 

Mặc dù bệnh đậu mùa đã làm chết trên 15 triệu người/năm trong thập niên 1950, đến năm 1960, đối với phần lớn cư dân tại các nước công nghiệp hóa giàu có, nguy cơ bị các tác dụng xấu của việc chủng đậu bò lại cao hơn cơ hội mắc bệnh đậu mùa. Tuy nhiên, căn cứ vào mức độ chuyển dịch nhanh chóng và rộng khắp của người dân trong thời đại máy bay phản lực, khi nào bệnh đậu mùa còn hiện diện tại một nơi nào đó trên thế giới, thì cũng không được xem thường mối nguy hiểm bùng nổ các vụ dịch khi có ca bệnh đậu mùa được du nhập. Đối với nước Mỹ, Anh, và Nga, sự thanh toán trên quy mô toàn cầu bệnh đậu mùa đã đem lại một giải pháp nhân đạo và kinh tế cho vấn nạn tiêm chủng đậu bò.

Tổ chức Y tế Thế giới đã chấp thuận Chương trình thanh toán bệnh đậu mùa vào năm 1958, nhưng mãi đến năm 1967 chiến dịch thanh toán toàn cầu tập trung mới được phát động, khi bệnh này còn lưu hành tại 33 quốc gia và 11 ca khác chỉ được báo cáo là ca bệnh du nhập. Mặc dù đã có sẵn một số lượng lớn vaccine được gởi tặng, không có mấy chuyên gia y tế công cộng lạc quan về khả năng thanh toán được bệnh đậu mùa tại các quốc gia kém phát triển nhất trên thế giới với nguồn lực y tế nghèo nàn và chồng chất gánh nặng nghèo khó và bệnh tật. Đáng ngạc nhiên là chỉ trong vòng 4 năm, các chương trình thanh toán tại Tây và Trung Phi đã gặt hái thành công. Trong giai đoạn triển khai chiến dịch toàn cầu, các chuyên gia y tế công cộng đã học cách thay đổi chiến thuật sao cho phù hợp với từng thử thách.

Dịch bệnh đậu mùa ở trẻ em

Lúc đầu, chiến lược thanh toán bệnh đậu mùa đề nghị sử dụng súng tiêm chủng qua da (jet immunization guns) để có thể chủng hàng trăm liều trong một giờ. Để thanh toán bệnh đậu mùa tại một nước nhỏ nào đó, các nhà dịch tễ học cho rằng cần phải tiêm chủng từ 80 đến 100% dân số. Các chuyên gia y tế công cộng sau đó gặp phải những khó khăn hầu như không thể nào vượt qua được khi phải bảo quản số vaccine và súng tiêm thuốc trong các điều kiện sơ khai tại các vùng có khí hậu nóng và ẩm. Một trang bị đơn giản hơn, giống như một cái kim có hai ngạnh chứng tỏ hữu hiệu và đáng tin cậy hơn. Do không có đủ nhân viên và trang bị tại vùng phía đông Nigeria, các chuyên gia y tế công cộng đã phát hiện, hầu như tình cờ, một chiến lược gọi là “giám sát-kiềm chế” có thể chặt đứt chuỗi lây truyền đầy hiệu quả. Bằng cách tập trung các nguồn lực ít ỏi vào những nơi bệnh hoành hành nhiều nhất, chiến lược mới này đã đạt được thành công ngay cả khi chỉ có 50% dân số được tiêm chủng. Vào tháng 10 năm 1977, Ali Maow Maalin tại Somalia trở thành người cuối cùng mắc phải bệnh đậu mùa ngoài phòng thí nghiệm. Trường hợp này có thể gây nên tai họa cho chương trình kiềm chế. Maalin là đầu bếp trong một bệnh viện thành phố có nhiều bệnh nhân và bệnh của anh ta lúc đầu tiên bị chẩn đoán sai là sốt rét sau đó là thủy đậu (chicken pox). Trong suốt giai đoạn lây nhiễm nhất của bệnh, Maalin đã lây cho trên 160 người tiếp xúc, nhưng không có ca bệnh đậu mùa nào xảy ra.

Mặc dù các động cơ nhân đạo không hề vắng mặt trong quyết định tuyên bố cuộc chiến toàn cầu chống lại bệnh đậu mùa, nhưng rõ ràng là các yếu tố kinh tế đóng vai trò quan trọng khi chọn lựa mục tiêu này. Thanh toán bệnh đậu mùa trên quy mô toàn cầu tiêu tốn hàng tỷ đôla, nhưng, khi thanh toán được bệnh, các nước tài trợ cho chiến dịch không còn phải lo sợ mối đe dọa của các ca bệnh được du nhập, không cần phải áp đặt các nguy hiểm vì chủng đậu cho chính người dân trong nước. Đối với các nước đang phát triển, sốt rét và những thứ gọi là bệnh nhiệt đới tạo ra nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn là bệnh đậu mùa. Đa số các nạn nhân mắc đậu mùa hoặc là chết hoặc hồi phục trong vòng vài tuần lễ, và tại những nơi bệnh đậu mùa lưu hành, thì đây chỉ là một trong rất nhiều thứ bệnh của con nít. Ngược lại, sốt rét là một bệnh gây hao mòn, phát đi phát lại, làm giảm sức đề kháng đối với các bệnh khác, giảm sức sản xuất và giảm tỷ suất trẻ sinh sống.

Trong báo cáo kết luận tháng 12 năm 1979 của Ủy ban Toàn cầu chứng nhận Thanh toán bệnh đậu mùa đã long trọng tuyên bố rằng: “Thế giới và các con dân thế giới từ đây không còn mắc bệnh đậu mùa nữa”. Khi chương trình thanh toán chấm dứt, Tổ chức Y tế thế giới và một số nước đã dự trữ riêng đủ vaccine phòng đậu mùa cho khoảng 60 triệu người và một nguồn cung cấp virus vaccinia có thể sử dụng để làm vaccine. Trong những năm 1980, việc chủng đậu bò hầu như bị bãi bỏ trên khắp thế giới, ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt, chẳng hạn như các nhà khoa học thực hiện nghiên cứu các virus vaccinia hoặc các loại poxviruses. Tại Mỹ, việc chủng thường xuyên đậu bò cho trẻ em đã chấm dứt từ năm 1972; bên quân đội còn khuyến cáo chủng đậu mãi đến cuối thập niên 1980. Khi tả lại việc hoàn tất thành công của Chương trình Thanh toán bệnh đậu mùa, Donald A. Henderson, giám đốc của Chương trình Thanh toán từ năm 1966 đến 1977, đã đề ra một bước hợp lý kế tiếp: những gì học được từ chiến dịch thanh toán bệnh đậu mùa sẽ là cơ sở cho các chương trình tiêm chủng toàn cầu để phòng chống bệnh bạch hầu, ho gà, uốn van, sởi, liệt mềm cấp và bệnh lao. Những chiến dịch toàn cầu như thế có thể làm biến đổi sứ mạng của ngành y tế “từ y học điều trị dành cho người giàu thành y học dự phòng cho mọi người”.

Tăng cường sức đề kháng cho cơ thể để phòng bệnh.

Sau những vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001, Henderson trở thành Giám đốc Văn phòng Y tế công cộng nhằm đáp ứng và chuẩn bị sẵn sàng trong tình huống khẩn cấp của Mỹ. Thấy rằng thế giới có nguy cơ “thụt lùi” trong trận chiến chống lại một chứng bệnh đã tưởng chừng bị thanh toán trong những năm 1970, Henderson bày tỏ sự phẫn nộ và buồn rầu của những ai đã từng hình dung về một thời đại của các chương trình phòng chống bệnh tật toàn cầu. Ngoài sự nghiệp xuất sắc tại Khoa Dịch tễ và Y học quốc tế tại trường Y tế công cộng John Hopkins, Henderson là giám đốc sáng lập của Trung tâm Nghiên cứu phòng vệ sinh học dân sự (Center for Civilian Biodefense Studies) của đại học John Hopkins. Ông cũng còn đảm nhiệm các chức vụ của liên bang như Phó Giám đốc Văn phòng Chính sách Khoa học và kỹ thuật, Văn phòng điều hành của Tổng thống, Phụ tá Bộ trưởng và cố vấn khoa học cấp cao cho Bộ Y tế và Dịch vụ con người về các vấn đề phòng vệ sinh học cho dân thường, và Chủ tịch Ủy ban tư vấn quốc gia về việc sẵn sàng trong Y tế công cộng. Ông cũng nhận được nhiều giải thưởng trong đó có National Medal of Science, Huy chương vì Tự do của Tổng thống, và Huy chương Edward Jenner của Hội Y học Hoàng gia.

Vào thời điểm đạt được thanh toán toàn cầu bệnh đậu mùa, thì những ổ chứa duy nhất virus bệnh đậu mùa là các mẫu nghiệm được cất giữ cố ý hoặc do sơ suất bởi một số phòng thí nghiệm nghiên cứu. Mối nguy hiểm từ việc duy trì các kho dự trữ trong labô như thế được phơi bày vào năm 1978, khi Janet Parker, một nhà nhiếp ảnh y học 40 tuổi làm việc tại trường y đại học Birmingham bị mắc đậu mùa. Virus chắc hẳn đã chui vào các phòng làm việc nằm tầng trên của một phòng thí nghiệm nghiên cứu virus qua các ống dẫn khí. Parker được nhập viện và được chẩn đoán sau 13 ngày sau khi bị bệnh, cô ta chết hai tuần sau đó. Khoảng 300 người đã tiếp xúc với cô này đều được cô lập để kiểm dịch. Người cha chết vì một cơn đau tim sau khi đến thăm cô. Mẹ của Parker mắc bệnh đậu mùa, nhưng phục hồi. Tai nạn này dẫn đến cái chết của Henry Bedson, 49 tuổi, giám đốc phòng thí nghiệm virus. Sau khi kiểm chứng nguồn gốc virus đã giết Parker, Bedson để lại một ghi chú thừa nhận rằng ông ta đã bỏ lờ đi sự thận trọng bảo đảm an toàn trong khi làm nghiên cứu. Lòng trĩu nặng vì tội lỗi, Bedson tự tử. Phòng thí nghiệm của ông ta buộc phải đóng cửa cuối năm đó bởi vì các thanh tra cho rằng nơi này đã quá cũ và không an toàn cho việc nghiên cứu bệnh đậu mùa. Các nhà virus học ghi nhận rằng, ngoài số lượng virus tồn kho bất hợp pháp trong các phòng thí nghiệm, những con virus còn khả năng sinh sản vẫn còn tồn tại trong các hầm mộ và quan tài thời xa xưa, hoặc trong các xác chết nằm trong lớp băng vĩnh cửu (permafrost) của vùng đài nguyên Siberia.

Khi mối đe dọa của bệnh đậu mùa tự nhiên không còn nữa, thì nổi lên những mối lo sợ là virus có thể được dùng làm vũ khí khủng bố sinh học hoặc chiến tranh vi trùng. Các quốc gia không còn bệnh đậu mùa khi chiến dịch toàn cầu bắt đầu đều đã bãi bỏ các chương trình tiêm chủng từ thập niên 1970, bỏ lại các thế hệ mới phải đối đầu với khả năng bị bọn khủng bố hay các quốc gia côn đồ chiếm lấy những kho chứa virus đậu mùa. Virus đậu mùa được coi là tác nhân lý tưởng trong chiến tranh vi trùng bởi vì virus này ổn định, dễ nuôi, dễ phát tán và, trên hết mọi thứ, gây ra một chứng bệnh mang tính khủng bố, có tính lây nhiễm cao và thường gây chết người. Bọn khủng bố có thể sử dụng các “tên lửa bằng người” hoặc “kẻ tử đạo mang bệnh đậu mùa” – những người được cho nhiễm virus và sau đó được gởi tới các khu vực đông đúc dân cư để phát tán virus khi ho và hắt hơi vào giai đoạn truyền nhiễm cao nhất của bệnh. Những tiến bộ trong ngành sinh học phân tử đã bổ sung khả năng giúp cho bọn khủng bố tạo ra những tác nhân gây bệnh mới hoặc được biến đổi mã di truyền, bao gồm những chủng virus đậu mùa kháng lại vaccine. Những phát hiện về các chương trình chiến tranh vi trùng được thực hiện tại Liên xô cũ đã nhấn mạnh những mối nguy hiểm tiềm tàng về các tác nhân gây bệnh được sử dụng làm vũ khí. Thông tin về chương trình chiến tranh vi trùng của chế độ Xô viết, bao gồm chương trình phát triển virus đậu mùa thành một loại vũ khí, đã được Kanatjan Kalibekov (còn gọi là Ken Alibek) tiết lộ. Alibek đào thoát sang Mỹ năm 1992 và cũng cảnh báo rằng các nhà khoa học thất nghiệp có thể đã bán những kho chứa virus khi Liên xô sụp đổ. Sau đó, Alibek thử tiếp cận với một lượng độc giả lớn hơn qua quyển sách Nguy cơ sinh học(1999), một sự kiện trong văn chương hiện đại về các vũ khí sinh học. Một báo cáo đưa ra vào năm 2002 cho thấy một thí nghiệm thực địa của Liên xô về việc sử dụng virus đậu mùa làm vũ khí có thể là nguyên nhân của một vụ dịch tại Aralsk, một thành phố cảng tại Kazakhstan vào năm 1971. 10 người mắc bệnh đậu mùa và 3 người chưa tiêm chủng đã bị chết vì thể đậu mùa có xuất huyết. 7 người sống sót là nhờ trước đó đã được tiêm chủng thường xuyên. Các toán cấp cứu đã cô lập kiểm dịch hàng trăm người và đã tổ chức tiêm chủng cho khoảng 50.000 người trong chưa đầy hai tuần lễ.

Ngoài việc lo lắng về mối đe dọa là bọn khủng bố có thể dùng virus đậu mùa để làm vũ khí, các nhà virus học còn lo về khả năng xuất hiện những bệnh mới hoặc trước đây vốn là hiếm chẳng hạn như bệnh đậu khỉ (monkeypox). Bệnh này được phát hiện đầu tiên vào thập niên 1950 trên khỉ tại Zaire. Virus bệnh đậu khỉ trên thực tế thường gặp ở sóc, chuột và các loài gặm nhấm nhỏ tại Tây Phi và Trung Phi. Mặc dù virus bệnh đậu khỉ chưa truyền sang người hoặc truyền từ người sang người, hàng ngàn ca rải rác ở người đã được ghi nhận, tỷ lệ tử vong trong số các ca được báo cáo vào khoảng 10%. Việc tiêm chủng dường như đạt hiệu quả chống lại bệnh đậu khỉ, nhưng tại các khu vực châu Phi nơi xuất hiện virus, thì bệnh AIDS lại phổ biến, điều đó có nghĩa là nhiều người không được tiêm chủng. Cho tới năm 2003, bệnh đậu khỉ chỉ được báo cáo tại châu Phi, nhưng trên 70 trường hợp nghi ngờ đã xuất hiện tại Mỹ trong năm 2003. Virus đến được nước Mỹ qua những con chuột túi khổng lồ xứ Gambia, được chở bằng tàu thủy từ Ghana để bán cho các cửa hàng bán động vật làm cảnh. Nhu cầu mua các vật nuôi từ xứ lạ đã cho phép trao đổi giữa các loài khác nhau những tác nhân gây bệnh và cuối cùng là gây nhiễm cho người. Từ ngày 11 tháng 9 và những vụ tấn công với vi khuẩn bệnh than, người ta thường cho rằng sự xuất hiện bất thình lình của bất cứ chứng bệnh lạ nào cũng đều do khủng bố sinh học, nhưng cũng cần chú ý đến sự buôn bán các vật nuôi làm cảnh có nguồn gốc từ xứ lạ và các chợ bán động vật sống.

Virus corona mới được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm ở Melbourne đã được chuyển đến cơ sở thử nghiệm động vật CSIRO có tính bảo mật cao ở Geelong.

Người ta nghĩ rằng tất cả các kho dự trữ virus bệnh đậu mùa đều bị phá hủy năm 1984 ngoại trừ số virus được lưu giữ chính thức tại tổng hành dinh của các Trung tâm Kiểm soát và phòng chống bệnh tại Atlanta và tại một phòng thí nghiệm của chính phủ Nga tại Novosibirsk, Siberia. Kể từ khi thanh toán xong bệnh đậu mùa, Tổ chức Y tế thế giới đã bàn cãi về số phận của hai kho chứa virus đậu mùa chính thức còn sót lại. Trong thập niên 1990, Liên đoàn quốc tế các Hội liên hiệp Y tế Công cộng và Đại Hội đồng Y tế thế giới đã ra lời kêu gọi tiêu hủy những kho chứa virus đậu mùa còn sót lại. Tổ chức Y tế thế giới đưa ra kế hoạch tiêu hủy những kho chứa chính thức cuối cùng vào năm 2002, nhưng việc thực hiện bị dời lại. Một số nhà khoa học chống đối việc tiêu hủy các kho chứa virus cuối cùng vì có khả năng nghiên cứu để tìm ra các thứ thuốc và vaccine mới. Các nhà khoa học cho rằng virus đậu mùa chỉ tấn công duy nhất vào con người, nhưng năm 2001, các nhà nghiên cứu có khả năng gây nhiễm cho khỉ với một chủng có độc lực rất cao. Trên một mô hình động vật thí nghiệm, các nhà khoa học có thể tiến hành các nghiên cứu mà trước đây không thể làm được về các thứ thuốc chống virus, vaccine, hệ thống cảm ứng sinh học (biosensing), các yếu tố gây độc lực, tính chuyên biệt của ký chủ và nhiều thứ khác.

Nhiều chuyên gia về vũ khí sinh học tin rằng Iraq, Iran, Bắc Triều Tiên và có lẽ một số quốc gia khác hoặc các nhóm khủng bố có lẽ đã kiếm được những chủng virus qua con đường buôn lậu. Nhằm đáp ứng cho mối quan tâm ngày càng cao về nạn khủng bố sinh học sau ngày 11 tháng 9, 2001 và những vụ tấn công bằng vi khuẩn bệnh than năm 2001, các chuyên gia y tế công cộng bắt đầu nhìn lại nhu cầu phải chủng đậu bò, nhất là những người phơi nhiễm đợt đầu khi bọn khủng bố tấn công. Ít chuyên gia y tế công cộng nào thích quay lại cách chủng đậu bò hàng loạt, vì lẽ căn cứ trên các nguy cơ được coi là nhỏ đối với các vụ bộc phát dịch không thể kiểm soát được và các nguy cơ đã biết liên quan đến các phản ứng nghiêm trọng, thậm chí có thể gây chết khi tiêm vaccine. Có lẽ cứ một triệu người có một hoặc hai người chết vì tiêm chủng và khoảng vài trăm người bị các phản ứng nghiêm trọng. Một người được chủng đậu bò có thể gây nhiễm cho người khác, gây nên các nhiễm trùng nặng. Không nên tiêm chủng đậu bò cho những bệnh nhân AIDS và các bệnh khác mà hệ thống miễn dịch bị suy yếu, và những người bị bệnh ngoài da như eczema, viêm da dị ứng và mụn. Các nhà khoa học cũng sợ rằng các vaccine hiện nay không hiệu quả đối với các chủng virus đậu mùa đã được xử lý công nghệ gene.

Nếu bọn khủng bố muốn có một thứ vũ khí giết nhanh chóng nhiều người, thì virus bệnh đậu mùa là một loại vũ khí tồi. Nhưng trên thực tế, nhiều bộ phận của chính phủ Mỹ và bưu điện hầu như bị tê liệt vào năm 2001 chỉ vì vài cái phong bì có chứa các bào tử vi khuẩn bệnh than, cho thấy rằng mối đe dọa bệnh đậu mùa, thậm chí còn đáng sợ hơn bị bệnh, sẽ giúp bọn khủng bố một công cụ lý tưởng để thực hiện mục tiêu chính của chúng là gây hoảng sợ và làm suy sụp tinh thần người dân.

 

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. KHI DỊCH BỆNH GỌI TÊN NGUYỄN DU
  2. HỌC CÁCH “TÔN TRỌNG TẾ BÀO”, ĐẢO NGƯỢC BỆNH NAN Y
  3. PHÁT HIỆN ĐÁNG KINH NGẠC CỦA MỸ VỀ ĐIỀU MÀ TẾ BÀO UNG THƯ SỢ NHẤT

Bài viết mới

  1. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT KHỞI LÒNG SÙNG MỘ
  2. QUẢN LÝ NĂNG LƯỢNG THAY VÌ THỜI GIAN CỦA BẠN
  3. KIÊN TRÌ ĐẾN LÚC THÀNH CÔNG