THẮP SÁNG TỈNH THỨC CỘNG ĐỒNG

HT. THÍCH NHẤT HẠNH

Trích: Quyền Lực Đích Thực ; Dịch giả: Chân Đạt; Nxb Thế Giới, Cty sách Phương Nam

Mặc dù rèn luyện năm nguồn năng lượng tâm linh: tín, tấn, niệm, định, tuệ, nhưng nếu ta nghĩ rằng chỉ thực tập cho riêng mình thì những quyền lực ấy vẫn chưa đủ mạnh. Tuệ giác tương tức dạy rằng chỉ khi nào ta ý thức và thức tỉnh tâm thức cộng đồng thì mới có thể phát huy trọn vẹn sức mạnh của tập thể.

Có hai loại tâm thức: tâm thức cá nhân và tâm thức cộng đồng. Tâm thức chúng ta chứa tất cả những hạt giống được gieo trồng từ những hành động của cá nhân, gia đình, và xã hội từ quá khứ. Mỗi ngày, những ý nghĩ, lời nói, và hành động của chúng ta đều chảy vào biển cả tâm thức và tạo nên hình hài, tâm thức ta cũng như thế giới bên ngoài. Tâm thức cá nhân tạo nên tâm thức cộng đồng, và tâm thức cộng đồng tạo nên tâm thức cá nhân – chúng tương tác.

Quan niệm của ta về cái đẹp không phải do ta tự quyết định. Ta thấy đẹp vì nhiều người cho là đẹp. Ta bị ảnh hưởng bởi tâm thức cộng đồng. Ví dụ như thời trang: lựa chọn của ta dựa trên quan niệm về thời trang của mọi người. Nếu đa số cho là đẹp, ta liền cho đó là đẹp. Khi đi xem triển lãm tranh, có những bức ta không thấy đẹp chút nào, nhưng mọi người đến xem đều trầm trồ ca ngợi thì ta cũng giả bộ cho nó là đẹp. Ta cố gắng nhìn ngắm để thấy tranh là đẹp. Rồi sau đó, vì ảnh hưởng của tâm thức cộng đồng, ta thấy bức tranh quả nhiên đẹp thật. Đẹp hay xấu, cũng như nhiều giá trị khác, là sáng tạo phẩm của tâm thức cộng đồng.

Khi nỗi sợ hãi mang tính cộng đồng, thù hận mang tính chất cộng đồng thì tình trạng đã ở mức cực kỳ nguy hiểm. Đó là lý do tại sao ta phải chọn một môi trường có tâm thức cộng đồng trong sáng, lành mạnh để ta được lợi lạc. Chúng ta rất dễ bị tư duy cộng đồng ảnh hưởng. Năm 2004, tám mươi phần trăm người dân Mỹ tin rằng chiến tranh Iraq là để trả đũa sự kiện ngày 11 tháng 9 năm 2001, mặc dầu không có bằng chứng về liên hệ giữa chính phủ Iraq và Al Qaeda. Cũng năm ấy, tháng 9 năm 2001, chỉ có ba mươi lăm phần trăm dân chúng các quốc gia nói tiếng Anh cho rằng cuộc chiến ấy là hợp lý. Nhân dân Mỹ phải có một thái độ cởi mở đối với quan điểm của nhân dân Ấn Độ, châu Á, châu Phi, Ả Rập, và Mỹ Latinh. Phải lắng nghe họ, phải tìm hiểu lối suy nghĩ cũng như cách hiểu vấn đề của họ. Ta không thể tự trói mình vào một quan điểm, một ý kiến. Hệ thống truyền thông đại chúng và tổ hợp công nghệ chiến tranh đã tạo ra một nhà tù cho chúng ta, cho nên chúng ta tiếp tục suy nghĩ, nhận định và hành động cùng một chiều hướng. Tất cả là tùy vào mỗi chúng ta, như một cá nhân hay như một cộng đồng, để tự giải phóng ra khỏi tù ngục của thiên kiến, sợ hãi và bạo động.

Là nghệ sĩ, nhà giáo, chính trị gia, hay doanh nhân, bạn có thể ảnh hưởng lên những người khác và kiến tạo những gì đẹp đẽ. Bạn phải có tuệ giác độc lập. Bạn có thể làm cho các giá trị chân, thiện, mỹ sẵn có trong bạn được hiển lộ. Hãy chân thực bày tỏ quan điểm mình dù cho số đông không nhìn thấy sự thật như bạn, bạn vẫn can đảm tiếp tục. Và một thiểu số đã thấy sự thật, đã giác ngộ thì có thể chuyển hóa toàn bộ tình trạng. Tâm thức cộng đồng tạo nên và ảnh hưởng tới tâm thức cá nhân, nhưng tâm thức cá nhân cũng có thể tạo ra và ảnh hưởng tới tâm thức cộng đồng.

Có thể nếu ta thấy rõ nhu cầu đổi mới trên đất nước ta thì ta phải can đảm nói ra, mặc dù đa số đang đi ngược với chiều hướng đó. Ta cần sự nâng đỡ của những người thân, những người bạn cùng quan điểm, bởi vì sự thay đổi cả một hướng đi chỉ có thể xảy ra khi có sự thức tỉnh cộng đồng. Nhưng cá nhân hay một nhóm nhỏ có thể khơi dậy một sự thay đổi tâm thức. Dù thuộc về thiểu số, nhưng nếu tin rằng tuệ giác của chúng ta có khả năng dẫn chúng ta thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn thì ta phải can đảm nói lên. Có nhiều cách giúp ta diễn đạt thành công – và không chỉ với tư cách cá nhân, bởi trong chúng ta có những người sáng suốt nhưng không có cơ hội nói ra tuệ giác của mình. Vì vậy mà phải nói lên “Có tôi đây” với những người cùng chung một tuệ giác. Xin hãy cất lên tiếng nói để chúng ta có thể tới với nhau. Khi đoàn kết lại tiếng nói của chúng ta mới mạnh mẽ và hiệu quả bởi vì chỉ có sự tỉnh thức cộng đồng mới có thể thay đổi tình trạng.

Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, tôi suýt bị một sĩ quan Hoa Kỳ bắn chết vì ông ta nghi tôi là du kích. Trước khi đến Việt Nam, những người lính Hoa Kỳ đã được cho biết rằng ai cũng có thể là quân du kích, kể cả những tu sĩ Phật giáo. Tôi giữ bình tĩnh và đã làm cho ông ta hết sợ. Tăng thân của tôi và tôi đã thực tập quán chiếu khổ đau không những cho phe cộng sản hay phe chống cộng mà của cả những người lính Hoa Kỳ, vì họ đã bị đưa tới một đất nước xa lạ để giết người và bị giết. Tôi không hận thù bởi vì tôi có hiểu biết và thương yêu. Rất nhiều người trong chúng tôi đã sống sót được nhờ thực tập hiểu biết và thương yêu đó.

Kinh nghiệm của tôi từ những cuộc chiến tại Việt Nam đã khiến cho tôi tin tưởng vững chắc rằng bạo lực không thể loại trừ được khủng bố. Và lắng nghe sâu có sức mạnh hơn bom đạn. Khủng bố sinh ra do tri giác sai lầm. Quân khủng bố có tri giác sai lầm về họ và về chúng ta. Vì thế cho nên họ muốn tiêu diệt chúng ta, trừng phạt chúng ta. Nếu hiểu được cách tư duy, cũng như cách nhận thức của họ thì chúng ta có thể giúp họ loại bỏ tri giác sai lầm. Loại trừ tri giác sai lầm là nền tảng của công cuộc chuyển hóa bạo động, khủng bố và xây dựng hòa bình.

Các nhà lãnh đạo và người dân Hoa Kỳ cần phải lắng nghe những nhà lãnh đạo chính trị châu Âu, châu Á bởi vì cảm xúc và tư tưởng của họ được định hình bởi rất nhiều tri giác sai lầm. Không nên tin chắc vào tri giác của mình, bởi tri giác sai lầm đưa đến xung đột, đau khổ và chiến tranh. Quan điểm của Hoa Kỳ hiện nay đang trở thành lẻ loi và Hoa Kỳ cần lắng nghe tiếng nói của châu Á, châu Âu, châu Phi, lắng nghe tất cả mọi người. Khi ta có khả năng loại bỏ tri giác sai lầm nơi ta và nơi người khác thì sẽ không còn khủng bố, không có cách nào khác. Một điều rất rõ ràng là cuộc chiến chống khủng bố đã không giúp giảm bớt khủng bố, trái lại, còn hận thù và sợ hãi trong và ngoài Hoa Kỳ. Hoa Kỳ bây giờ còn nhạy cảm hơn năm 2001. Cuộc chiến chống khủng bố khiến ta nhìn đâu cũng thấy khủng bố. Khi đi máy bay, chúng ta bị khám xét, họ không tìm “Phật tính” trong ta, họ chỉ tìm “Khủng bố tính” trong ta.

Ai cũng có thể tham dự vào sự nghiệp giác ngộ, giúp cho xã hội tỉnh thức. Tỉnh thức là nhiệm vụ. Bằng phương tiện thiện xảo, ta có thể đóng góp rất nhiều vào sự thức tỉnh cộng đồng, nền tảng của mọi thay đổi. Ta có thể giúp cho mọi người thấy rằng lắng nghe sâu với tâm từ bi và ái ngữ là con đường duy nhất giúp loại bỏ tri giác sai lầm.

Rủi thay, những nhà chính trị lại không quen với sự thực tập này, tư tưởng chung của họ là tiền bạc, và sức mạnh quân sự là quyền lực duy nhất, họ không biết rằng còn có những quyền lực khác. Nếu muốn, Hoa Kỳ sẽ có sức mạnh của hiểu biết và từ bi. Hoa Kỳ có quá đủ những người có tuệ giác, hiểu biết và tình thương. Nếu họ tới với nhau để cùng nói lên ưu tư của họ, và soi đường cho chúng ta, thì chúng ta có thể vượt qua khó khăn. Con đường của chúng ta là con đường của hòa bình. Tôi tin chắc rằng không có con đường nào dẫn tới hòa bình – hòa bình chính là con đường. Phải sử dụng những phương tiện hòa bình để đạt đến hòa bình.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. QUÁN CHIẾU VỀ SỰ SI MÊ
  2. ÁP DỤNG GIÁO LÝ TƯƠNG TỨC TRONG CÔNG VIỆC KINH DOANH
  3. TRỊ LIỆU CÁC MỐI QUAN HỆ TRONG GIA ĐÌNH

Bài viết mới

  1. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ
  2. AI CŨNG CÓ THỂ HẠNH PHÚC NGAY TỪ GIÂY PHÚT NÀY
  3. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ