EDMONDO DE AMICIS
Trích: Những tấm lòng cao cả; Hoàng Thiếu Sơn dịch; Nhà xuất bản Hội nhà văn 2000
Thứ ba 11
Ngày hôm kia lúc sắp ăn chiều, đọc tờ báo, bố bỗng kêu lên một tiếng ngạc nhiên và nói với chúng tôi:
“Thế mà bố cứ tưởng thầy ấy đã mất từ hai mươi năm nay, thầy giáo sơ đẳng đầu tiên của bố ấy mà. Thì ra thầy Vincenzo Crosetti đáng thương vẫn còn sống! Năm nay thầy đã tám mươi bốn tuổi rồi! Bố vừa đọc thấy tin bộ tặng thầy huân chương Biểu dương Công trạng vì sáu mươi năm trong ngành giáo dục của thầy. Sáu mươi năm! Con nghe rõ chứ? Thầy chỉ mới về hưu cách đây có hai năm thôi. Nhà thầy ở cách Torino một giờ đi bằng xe lửa, tại Condove, quê của bà làm vườn cũ của ta ở Chieri ấy.
Bố nói thêm: “Enrico à, ta sẽ đi thăm thầy”. Và suốt cả buổi tối, bố chỉ nói toàn chuyện người thầy giáo của mình. Cái tên của người thầy giáo đầu tiên đã gợi cho bố nhớ lại hàng nghìn kỷ niệm của thời thơ ấu, của những bạn ban đầu, của bà mẹ đã mất.
“Thầy Crosetti thân yêu ấy, – bố nói, – giờ đây bố như đang thấy thầy ở trước mắt. Đã bốn mươi năm rồi từ ngày bố học với thầy. Thầy vóc người nhỏ nhắn, bấy giờ lưng cũng đã hơi còng, đôi mắt nhỏ nhắn, không có râu, mặt nghiêm nghị, nhưng tác phong thầy rất lễ độ; thầy thương học trò như cha thương con và không bỏ qua một lỗi lầm nào của học trò mà không uốn nắn. Từ một người nông dân thầy đã thành ông giáo, nhờ cố gắng học tập và chịu đựng mọỉ sự thiếu thốn. Bà nội con rất mến thầy, ông nội xem thầy như bạn thân. Không rõ từ Torino này thầy chuyển về Condove, rồi ở luôn đấy hay như thế nào? … Thầy sẽ không nhận ra bố, chắc thế, nhưng có hề gì, bố thì sẽ nhận ra thầy ngay! … Bốn mươi bốn năm rồi… Bốn mươi bốn năm, Enrico à! Mai ta đi thăm thầy”.
Thế là hôm qua, lúc chín giờ sáng, chúng tôi ra ga Susa. Tôi rất muốn được Garrone cùng đi, nhưng không thể được, vì mẹ cậu đang ốm.
Thật là một ngày xuân đẹp. Tàu chạy qua những cánh đồng xanh um và những hàng giậu trồng hoa, tỏa hương thơm ngát. Bố có vẻ vui lòng lắm: chốc chốc lại quàng tay qua cổ tôi, và vừa ngắm cảnh thôn quê vừa chuyện trò với tôi, thân mật như với một người bạn:
“Tội nghiệp thầy giáo, – bố nói, – sau ông nội, thầy là người thương yêu bố nhất, và đã đem cho bố nhiều điều tốt đẹp nhất. Bố không bao giờ quên được những lời khuyên bảo bổ ích của thầy, và cả những lời trách mắng rất nghiêm khắc của thầy làm cho bố khi về đến nhà rồi mà cổ vẫn như còn nghẹn.
Bố vẫn như thấy thầy đang bước vào lớp học, dựng cái gậy vào một góc tường, treo cái áo rét lên mắc áo, lúc nào cũng vẫn một dáng điệu ấy. Thầy bao giờ cũng bình tĩnh, rất có lương tâm, đầy thiện chí và rất chăm chỉ, như ngày nào thầy cũng mới lên lớp lần đầu tiên cả. Bố vẫn nhớ những lúc thầy gọi bố: “Bottini này, Bottini”. Hai ngón tay thầy cầm quản bút…”
Xuống xe ở Condove là chúng tôi tìm ngay đến nhà bà làm vườn cũ, bà ta có một cửa hiệu nhỏ trong một ngõ cụt.
Chúng tôi thấy bà giữa đám con cái, bà tiếp chúng tôi rất niềm nở, cho chúng tôi biết tin chồng đi làm ở Hy Lạp từ ba năm nay và cũng sắp về, tin đứa con gái vừa điếc vừa câm, đang học trường dạy những người câm điếc ở Torino. Rồi bà bảo cho chúng tôi địa chỉ của thầy Crosetti mà cả làng đây ai cũng biết.
Chúng tôi ra khỏi vùng này, và theo một con đường vắt qua các ngọn đồi, hai bên toàn những hàng giậu nở hoa.
Bố không nói gì nữa, bị thu hút vào những kỷ niệm xưa; thỉnh thoảng mỉm cười, hoặc lắc đầu buồn bã.
Bỗng bố đứng lại, nói: “Kìa, thầy kia rồi; cam đoan là đúng như thế”.
Một cụ già, vóc người nhỏ nhắn, râu bạc, đội cái mũ rộng vành, tay chống gậy, đang đi xuống ngọn đồi trước mặt chúng tôi. Dáng đi của cụ ngập ngừng, hai tay run run.
“Đúng là thầy!” bố nhắc lại và rảo bước. Đến gần cụ già chúng tôi dừng lại; cụ cũng đứng lại và nhìn bố.
Nét mặt cụ vẫn tươi và đôi mắt vẫn sáng.
“Thưa cụ, có phải là con đang được hân hạnh hầu chuyện cụ giáo Vincenzo Crosetti đây không ạ?” bố vừa nói vừa bỏ mũ ra.
Cụ già chào lại.
“Chính tôi đây ạ” – cụ trả lời, giọng hơi run, nhưng nghe sang sảng.
– Thế thì, – bố nói tiếp và nắm lấy một bàn tay của cụ, – xin thầy cho phép một học trò cũ của thầy được bắt tay thầy. Con từ Torino đến đây hầu thăm thầy.
– Thật hân hạnh cho tôi quá… Tôi không biết… Ông học với tôi hồi nào nhỉ? Xin lỗi, ông vui lòng cho biết tên.
Bố xưng tên và nói rành mạch ngày bố vào trường, lại nói thêm: “Có thể thầy không nhớ con, đó là đương nhiên; nhưng con thì nhận ra thầy ngay!”
Cụ giáo cúi đầu suy nghĩ, mồm lẩm bẩm tên bố hai, ba lần; còn bố thì mỉm cười nhìn thầy, đôi mắt xúc động.
Bỗng cụ giáo nhớ ra, ngửng đầu lên, rồi nói chậm rãi: “Alberto Bottini, con kỹ sư Bottini, ở quảng trường Consolata?”
– Đúng thế ạ! – Bố nói và đưa cả hai tay về phía cụ.
– Thế thì, cho phép tôi, thưa ông… – và bước tới cụ ôm hôn bố, cái đầu bạc của cụ Crosetti chỉ mới ngang vai người học trò thôi, và bố đưa môi hôn vào vầng trán tôn kính của cụ “Giờ, xin mời quá bước lại nhà”, cụ giáo nói.
Và không nói gì thêm, cụ quay trở về bằng con đường cũ. Mấy phút sau, chúng tôi đến một mảnh vườn con, cuối vườn là một ngôi nhà nhỏ có hai cửa ra vào, một cái quét vôi trắng chung quanh. Cụ giáo mở cửa ấy, đưa chúng tôi vào một căn phòng, bốn bức tường quét vôi trắng. Ở một góc kê một tấm phản, có một cái chăn đắp chân kẻ ô xanh trắng; xa một chút là cái bàn giấy, trên mặt có cái giá sách nhỏ, chung quanh là bốn chiếc ghế tựa. Và một bản đồ đã cũ đóng đinh vào tường: tất cả đồ đạc trong phòng chỉ có thế…
Chúng tôi ngồi xuống. Bố và cụ giáo nhìn nhau một lúc yên lặng.
Rồi cụ giáo nói to, mắt nhìn nền nhà lát gạch mà ánh mặt trời chiếu sáng nom như một bàn cờ:
“Anh Bottini! Ồ, tôi nhớ rõ lắm, bà thân sinh ra anh là một phụ nữ rất tốt! Năm thứ nhất anh ngồi ở chiếc băng trên cùng, phía bên trái cạnh cửa sổ. Nào anh xem, tôi vẫn còn nhớ đấy chứ! Giờ đây tôi vẫn như còn nhìn thấy cái đầu tóc xoăn xoăn của anh…”
Cụ ngừng lại, suy nghĩ, rồi nói tiếp:
“Hồi đó, anh là một cậu con trai rất linh hoạt, phải không nào? Đến năm thứ hai, anh bị bệnh bạch hầu, và bà mẹ đau khổ của anh đem anh trở lại trường sau khi khỏi bệnh, gầy, trùm khăn kín mít. Từ bấy đến nay đã bốn mươi năm rồi, phải không nào? Anh còn nhớ đến người thầy giáo già của mình, thế là rất quý… Có những học trò cũ như anh đã đến thăm tôi những năm trước đây, có người đã là giáo sĩ, đại tá, tóm lại là ở những địa vị và nghề nghiệp rất khác nhau”.
Cụ Crosetti hỏi xem bố làm nghề gì; biết rõ, cụ kêu lên: “Tôi rất vui lòng, rất vui lòng!” … Rồi cụ nói tiếp: “Ít lâu nay tôi không được gặp ai nữa, và tôi e rằng có thể anh là người đến thăm tôi cuối cùng đấy anh ạ!”
– Thầy nói gì vậy? Trông thầy vẫn còn mạnh và khỏe nữa, thầy không nên nói như vậy!
– Anh tưởng thế đấy thôi. Này anh xem, tay tôi run đây này, – vừa nói cụ giáo vừa chìa hai tay ra, – đó là một triệu chứng xấu… tôi bị chứng này đã ba năm nay, hồi đó tôi còn đang dạy. Lúc đầu tôi không để ý đến, cho rằng sẽ khỏi thôi. Nhưng trái lại mỗi ngày càng run thêm, và cứ thế đến một ngày nọ tôi không thể viết được nữa. Ôi, thật là một vố đánh vào tim tôi, anh ạ, cái hôm mà tay tôi đánh rơi một giọt mực lên trang vở một học sinh của tôi! Tôi còn cố kéo dài ít lâu nữa, thế rồi, sau sáu mươi năm dạy học, tôi đành phải bỏ nhà trường, bỏ học trò của tôi, bỏ công tác. Thật là cay đắng, anh thấy không, cay đắng hết sức. Sau buổi lên lớp cuối cùng, toàn thể học sinh đã kéo theo tôi về nhà, làm cho tôi vui; dù sự bày tỏ cảm tình như vậy tôi vẫn buồn, tôi hiểu rằng cuộc đời đối với tôi như vậy là hết rồi…
Năm trước đây nhà tôi mất, và cả đứa con trai độc nhất của tôi cũng chết; tôi chỉ còn có hai đứa cháu gọi bằng bác mà thôi. Giờ tôi sống với số tiền hưu trí mấy trăm lira, tôi chẳng còn làm gì nữa cả, đối với tôi ngày cứ dài như vô tận; thú vui duy nhất của tôi là giở lại những quyển sổ các lớp cũ của tôi, những bộ sưu tập các họa báo, mấy quyển sách mà người ta biếu. Đấy, – cụ giáo vừa nói vừa chỉ cái giá sách, – trong ấy đựng tất cả những vật kỷ niệm của tôi, tất cả quá khứ của tôi! Ngoài ra tôi chẳng còn gì khác nữa trên đời này.
Rồi bỗng nhiên giọng vui vẻ, cụ nói tiếp: “Tôi sẽ dành cho anh một việc bất ngờ, anh Bottini thân yêu ạ”
Cụ giáo đứng dậy, lại gần bàn làm việc, mở một ngăn kéo. Trong ngăn kéo có rất nhiều tập giấy nhỏ buộc dây lụa, trên mỗi tập có ghi một cái tên và ngày tháng. Cụ tìm một tí, mở ra một tập, lật lật mấy tờ, rồi rút ra một tờ giấy đã ngả màu vàng, đưa cho bố. Đó là một bài tập của bố, ngày tháng đề cách đây đã bốn mươi năm. Trên đầu trang giấy, thấy ghi: Alberto Bottini – Chính tả, ngày mồng 3 tháng tư năm 1838.
Bố nhận ra ngay nét chữ trẻ con thô, to của mình, và vừa mỉm cười vừa đọc, nhưng bỗng mắt bố rưng rưng lệ; tôi liền đứng dậy và hỏi bố làm sao vậy.
Bố đưa tay quàng lấy người tôi, ôm chặt tôi vào một bên mình và nói: “Con hãy nhìn trang giấy này. Con có thấy không, đây là những chữ sửa lại, do tay bà nội sửa cho bố đấy. Bao giờ bà cũng tô lại những chữ l và t cho bố, còn những dòng cuối bài thì là do tay bà hoàn toàn viết lấy. Bà cố tập viết cho giống nét chữ của bố, và những khi bố mệt hay buồn ngủ thì bà làm nốt bài cho bố, mẹ của bố thật là một bà thánh!” Rồi bố cúi xuống hôn vào trang giấy.
“Chính những vật này, – cụ giáo vừa nói vừa chỉ vào các tập giấy – là những vật lưu niệm của tôi. Cứ mỗi năm tôi để lại một bài tập của mỗi học sinh của tôi; còn đấy cả, sắp xếp thứ tự và đều đánh số rõ ràng. Thỉnh thoảng tôi lại giở ra từng bài, đọc bài này một câu, bài kia một câu, thế là tôi nhớ lại hàng nghìn việc, và hình như tôi đang sống lại trong quá khứ của mình vậy.
Biết bao nhiêu học trò, anh ạ: cứ nhắm mắt lại là tôi thấy những khuôn mặt nọ tiếp theo những khuôn mặt kia, lớp này đến lớp khác, hàng trăm và hàng trăm trẻ em. Ai biết được trong số đó đã có bao nhiêu người chết rồi? Tôi nhớ rõ hơn hết là những học trò tốt nhất và những học trò xấu nhất, những người đã làm tôi vui lòng và những người đã làm tôi đau lòng, vì giữa đám cừu non cũng có những con rắn. Nhưng giờ thì, anh hiểu không, cũng như là tôi đã ở thế giới bên kia rồi, nên tôi đều yêu mến tất cả họ như nhau hết”.
Cụ giáo ngồi xuống, và hai tay cụ nắm lấy mặt bàn tay tôi.
– Thưa thầy, – bố vừa hỏi vừa mỉm cười, – thế về phần con thầy có còn nhớ một vài vụ nghịch ngợm nào không ạ?
– Anh ấy à? – cụ giáo cũng vừa trả lời vừa mỉm cười, – không có gì, lúc này có lẽ tôi chưa nhớ ra, như thế không có nghĩa là anh không làm việc gì nghịch ngợm cả. Thực ra hồi đó trông anh nghiêm trang so với lứa tuổi của anh. Tôi còn nhớ tình thương yêu rất lớn của bà cụ đối với anh… Anh có biết rằng đến thăm tôi thế này là anh rất tốt và rất đáng yêu không? Làm sao mà anh có thể gác công việc bận rộn của mình để đến thăm một người thầy giáo tội nghiệp như thế này?
– Thế này đây, thầy ạ, – bố trả lời hoạt bát hẳn lên, – con không quên được cái ngày con bắt đầu đi học. Bà mẹ đáng thương của con dắt con đến.
Đó là lần đầu tiên mà mẹ con phải xa con trong hai tiếng đồng hồ, mà mẹ con đưa con ra khỏi nhà mình và giao con cho những người xa lạ. Đối với một bà mẹ rất hiền từ ấy, ngày con bước vào trường học cũng như ngày con bước vào đời, nó bắt đầu một chuỗi dài những phen xa cách cần thiết và đau đớn; từ ngày ấy, xã hội đã rút khỏi tay bà đứa con trai để rồi không bao giờ trả lại nó trọn vẹn cho bà nữa. Bà gửi gắm con cho thầy, thầy thân mến ạ, mà giọng bà run run, và khi ra về bà còn mỉm cười với con qua khe cửa mà mắt bà đẫm lệ, và thầy đã đưa tay làm một dấu hiệu để làm yên lòng bà như muốn nói với bà: “Thưa bà, xin bà cứ tin cậy vào tôi”. Đấy, chính cái cử chỉ ấy, cái nhìn ấy làm cho con hiểu rằng thầy chia sẻ nỗi bồi hồi của mẹ con, cái bàn tay ấy của thầy đặt lên trái tim mình để làm cho người mẹ đáng thương được yên lòng; cái cử chỉ hiền từ, nhân hậu, thông cảm ấy, bao giờ con cũng nhớ đến, như đã khắc sâu vĩnh viễn vào lòng con. Chính cái kỷ niệm ấy đã làm cho con từ Torino đến đây để được thưa với thầy, sau bốn mươi bốn năm xa cách: “Thưa thầy kính yêu, con xin cám ơn thầy!”
Cụ giáo không nói gì, cụ xoa mãi đầu tôi với một bàn tay run run, rồi từ đầu cụ xoa xuống trán, và từ trán xuống vai tôi.
Trong lúc đó, bố nhìn những bức tường trống trải, chiếc giường gỗ tồi tàn, một mẩu bánh mì đặt cạnh một chai dầu ăn ở khung cửa sổ, và bố có vẻ suy nghĩ:
“Tội nghiệp thầy giáo, sau sáu mươi năm làm việc, đó là tất cả phần thưởng của thầy!”
Cụ già phúc hậu lấy làm bằng lòng, và lại tiếp tục nói chuyện rất hoạt bát, về gia đình chúng tôi, về những thầy giáo khác thuở ấy, về những bạn học của bố.
Bố ngắt câu chuyện, ngỏ ý mời cụ giáo đi xuống Condove ăn bữa trưa với chúng tôi.
“Xin cám ơn anh, nhưng tiếc là tôi không nhận lời được”, cụ giáo nói. Và xem chừng cụ lưỡng lự, bố cầm lấy hai tay cụ, và lại khẩn khoản mời. Cụ giáo nói:
– Làm sao mà tôi ăn được với hai bàn tay khổ sở run như cầy sấy thế này? Khác nào là hình phạt đối với tôi và đối với những người khác nữa.
– Chúng con sẽ giúp thầy, thầy ạ – bố trả lời. Thế là cụ nhận lời, gật đầu với một nụ cười. “Đối với tôi, hôm nay quả là một ngày rất đẹp, – cụ nói và đóng cửa lại, – một ngày rất đẹp, anh Bottini thân mến ạ, một ngày mà còn sống là tôi còn nhớ, chắc chắn như vậy anh ạ”. Bố đưa tay đỡ cụ giáo cùng đi, còn tôi thì nắm lấy bàn tay cụ, và chúng tôi theo con đường nhỏ đi xuống dốc. Chúng tôi gặp hai cô gái bé đi chân đất đang chăn bò và một cậu bé con trai vác một bó rơm trên vai.
Cụ giáo cho biết rằng các cô cậu ấy là học trò lớp hai, buổi sáng họ ra đồng chăn bò và buổi chiều đi giày vào để đến lớp học.
Gần đứng bóng thì chúng tôi đến quán hàng, chúng tôi ngồi vào một cái bàn lớn, cụ giáo ngồi giữa hai bố con, và chúng tôi bắt đầu ăn trưa.
Quán hàng vắng lặng. Ông cụ tội nghiệp lại rất vui, và gần như cụ không thể nào ăn được. Bố cắt thịt, cắt bánh, lấy muối vào đĩa cho cụ. Uống thì cụ phải cầm cốc cả hai tay, thế mà chiếc cốc vẫn vập vập vào răng cụ.
Cụ nói chuyện nhiều và say sưa về những quyển sách tập đọc của cụ hồi thơ ấu, đến những lời khen ngợi của các người trên của cụ, cụ nói tất cả những điều ấy với một nụ cười gần như trẻ trung.
Còn bố thì nhìn cụ với cái vẻ mặt mà thỉnh thoảng ở nhà tôi vẫn bắt gặp, những lúc bố nhìn tôi và mỉm cười vì một ý kín đáo nào đó của mình.
Mải nói chuyện, cụ giáo đánh đổ rượu vào áo gi-lê, bố vội đứng lên lấy khăn của mình lau cho cụ, nhưng cụ thì ngăn lại và nói: “Xin đừng, xin đừng, tôi không dám…” và cụ lại cười, vừa cười vừa nói những tiếng La tinh.
Sau cùng, cụ nâng cốc trịnh trọng, nói: “Xin chúc sức khỏe của anh! Và của các cháu! Để tưởng nhớ bà mẹ hiền của anh!”
– Kính chúc sức khỏe của thầy! – Bố vừa đáp lại vừa bắt tay cụ. Từ cuối gian phòng, chủ quán và những người giúp việc nhìn chúng tôi vẻ rất hài lòng, và lấy làm tự hào thấy cụ giáo vùng mình được khoản đãi như thế.
Hai giờ chúng tôi ra về, và cụ giáo ngỏ ý muốn tiễn chúng tôi ra ga. Bố lại đua tay cho cụ khoác, còn tôi lại nắm lấy bàn tay cụ và cầm gậy cho cụ.
Những người đi đường đều dừng lại nhìn chúng tôi, vì mọi người đều biết cụ Crosetti và chào cụ. Đến một quãng đường, chúng tôi nghe từ một cửa sổ mở rộng, những tiếng trẻ em đang cùng đọc bài tập đọc. Cụ già đứng lại và mặt cụ đượm buồn, cụ nói:
“Đấy việc này làm cho tôi đau lòng, anh Bottini thân mến ạ; nghe tiếng trẻ con học ở nhà trường mà lại không được ở đấy nữa, nghĩ rằng chúng đã có một thầy giáo khác… Sáu mươi năm rồi, tai tôi đã nghe bản hòa tấu những giọng trẻ em ấy và trái tim tôi đã quen thuộc quá rồi… Giờ thì tôi chẳng còn gia đình, chẳng còn đứa trẻ nào nữa!”
– Xin lỗi thầy, – bố nói, – thầy vẫn còn nhiều đứa con ở khắp nơi trên thế giới. Họ vẫn nhớ thầy, cũng như con suốt đời vẫn nhớ thầy vậy.
– Không, không, – cụ nói một cách buồn rầu, – tôi không còn có trường học nữa, tôi không còn có trẻ con nữa, và không có trẻ con thì tôi cũng không sống được bao lâu nữa.
– Xin thầy đừng nói vậy, – bố đáp lại, – thầy đã làm được biết bao nhiêu việc có ích, thầy đã cống hiến cả đời mình một cách cao quý biết bao!
Cụ giáo nghiêng cái đầu bạc vào vai bố một lúc, rồi siết chặt tay tôi.
Chúng tôi vào sân ga, tàu sắp chạy.
“Xin tạm biệt thầy”, bố vừa nói vừa ôm hôn cụ Crosetti vào hai má.
“Tạm biệt và xin cám ơn!” cụ giáo trả lời và nắm bàn tay của bố với cả hai bàn tay run rẩy của mình và ghì lên chỗ trái tim của mình.
Khi tôi ôm hôn cụ, tôi thấy mặt cụ đẫm nước mắt. Bố đẩy tôi lên toa xe, và đến lượt mình bước lên thì bố nhanh tay lấy ngay cái gậy thô kệch của cụ giáo đang chống, đổi bằng cái gậy rất đẹp của mình tay cầm nạm bạc, có khắc hai chữ cái họ tên mình.
“Xin thầy giữ cái này làm vật lưu niệm của con”, bố nói.
Cụ giáo cố tìm cách trả cái gậy cho bố và lấy lại gậy của mình, nhưng bố đã bước nhanh vào trong toa và đóng cửa lại.
– Xin tạm biệt thầy giáo yêu quý của con!
– Tạm biệt, con! – Cụ giáo đáp lại, trong lúc tàu chuyển bánh, – chúc con được phước lành, vì niềm vui mà con đã đem đến cho một ông già tội nghiệp.
“Xin sẽ gặp lại”, bố thét to giọng xúc động. Nhưng cụ giáo cúi đầu xuống, dường như muốn nói: “Chúng ta sẽ không còn bao giờ gặp lại nhau nữa”.
“Có chứ, có chứ, – bố nhắc lại, chúng ta sẽ lại gặp nhau!” Thay cho câu trả lời, cụ giơ bàn tay run rẩy lên. Rồi bóng cụ khuất hẳn.
Bình luận
cho mình tham khảo bài văn phân tích về cốt truyện “Thầy giáo của bố”