THẤY THẾ GIỚI MÀ KHÔNG CÓ NHỮNG BÁM CHẤP VÀO GIÁ TRỊ THẾ GIAN

ĐẠO NGUYÊN

Trích: Bạn Nấu Ăn Cuộc Đời Bạn Như Thế Nào? Từ Thiền Đầu Bếp Đến Giác Ngộ; Giáo Huấn Điển Tọa Thiền Sư Đạo Nguyên, Bình giảng: Kosho Uchiyama Roshi; NXB Thiện Tri Thức.

Ngày nay có một số tranh luận căn cứ trên giả định rằng con người đang tìm kiếm hạnh phúc. Có lẽ điều này đơn giản bởi vì người Nhật không quen nhìn sự vật một cách thuần lý, nhưng vì bất cứ lý do nào, khi nào chữ “hạnh phúc” màu hồng này được gợi ra, có một khuynh hướng giả định vô điều kiện rằng đây là cái mà mọi người theo đuổi. Nếu chúng ta chấp nhận giá trị của ý tưởng mọi người đều mong muốn được hạnh phúc, bấy giờ chúng ta phải hỏi hạnh phúc là gì, và xem xét cái đối nghịch của nó, sự không hạnh phúc. Nhưng ý định của tôi ở đây không phải là tranh luận hạnh phúc là gì. Đúng hơn, tôi muốn lôi kéo chú ý vào vấn đề sau: ý tưởng tìm kiếm hạnh phúc giả thiết rằng lúc này chúng ta không hạnh phúc.

Trong Phật giáo, loại suy nghĩ nhị nguyên này không hiện hữu. Trước đây, tôi đã nói không thể đổi chác dù một cử chỉ nhỏ nhặt như thế nào và cuối cùng, chỉ sống đời sống của bạn, bất kể hoàn cảnh, là thực tại tuyệt đối của đời sống bạn như thế nào. Sống trọn vẹn Phật pháp, loại thái độ sống này là cốt yếu. Thường thường, người ta chỉ nghĩ làm sao có thể làm cho hoàn cảnh tốt hơn, dù chỉ một chút, và tránh khổ đau. Thấy sự vật từ viễn cảnh của Phật pháp hay của Đại Tâm nghĩa là thôi đi vào loại suy nghĩ thành kiến, phân biệt này và quyết định rằng bất cứ cái gì chúng ta gặp là đời sống chúng ta.

Khi nói đến Đại Tâm là không đi vào suy nghĩ phân biệt thì không có nghĩa là trở nên trơ trơ. Đơn giản chúng ta không thể sống mỗi ngày mà không phân biệt. Không có đời sống con người nếu không có sự khác nhau vạch ra giữa miso (bột nhão đậu nành) và kuso (phân). Vì thế có vấn đề sanh khởi trong Giáo Huấn Điển Tọa về lượm cát lấy gạo hay lượm gạo lấy cát. Ngày xưa gạo và sạn nhỏ lẫn lộn, và việc làm đầu tiên của điển tọa là lượm chúng khỏi gạo trước khi nấu. Thế nên trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta phải phân biệt, nhưng điều chúng ta không được quên là thái độ nền tảng đặt nền cho sự phân biệt này: mọi sự chúng ta gặp là đời sống chúng ta. Đây là thái độ của Đại Tâm.

Nói cách thực tiễn, làm công việc này như thế nào? Giáo Huấn Điển Tọa nói về Đại Tâm: “Đại Tâm giống như một ngọn núi, vững chắc và không nghiêng lệch. Giống như đại dương, nó bao dung và nhìn mọi sự từ viễn cảnh rộng lớn nhất. Có một Đại Tâm nghĩa là không có thành kiến và từ chối những biên kiến. Khi mang cái gì một gam, chớ nghĩ là nhẹ, và khi mang năm ký, chớ nghĩ là nặng. Chớ để những âm thanh của mùa xuân mang đi, không trở nên nặng lòng khi thấy màu sắc mùa thu. Hãy nhìn những thay đổi của các mùa như là một toàn thể, và xem tính tương đối của nhẹ và nặng từ một viễn cảnh rộng lớn. Bấy giờ ông sẽ viết, hiểu và nghiên cứu chữ Đại”.

Gam và ký thường được nghĩ như những đơn vị trọng lượng. Tuy nhiên, ẩn dụ này nghĩa là bạn không nên bị xoay theo những giá trị của xã hội, cũng không bị kích động chỉ bởi mùa xuân. Cũng như vào mùa thu, không cần phải buồn rầu. Đúng ra, hãy thấy bốn mùa là những hoàn cảnh thuận lợi, đối nghịch, thất vọng, và phấn chấn đều là những cảnh sân khấu của đời sống bạn. Đây là cái đàng sau thành ngữ “Đại Tâm.”

Sống đời sống bạn đặt nền vững chắc trong Đại Tâm không có nghĩa là bạn trở thành câm điếc, cũng không phải đời sống ấy không có những cảnh ngộ và mê, thiên đường và địa ngục, thành công và thất bại, hay hạnh phúc và bất hạnh. Tuy nhiên, sống với thái độ rằng mọi sự sanh khởi là đời sống bạn là yếu tố vững chắc mà Đạo Nguyên dạy là chỉ quản đả tọa. Đây là thái độ một người thực hành tọa thiền, đồng thời, là tư thế (trong nghĩa rộng nhất của từ) của một con người của Thiền.

Lý do chúng ta thấy địa ngục hay bất hạnh thì không chịu đựng nổi và chạy quanh mong thoát khỏi là bởi vì chúng ta đeo bám quá chặt chẻ vào tham muốn hạnh phúc. Theo truyền thống Đông Phương, điều này được xem như một con quỷ chơi trò hành hạ bạn như con mèo vờn chuột. Có lẽ nó bỏ chúng ta vào nồi nấu hay đuổi chúng ta lên một ngọn núi đầy kim. Chúng ta bối rối chạy quanh và con quỷ càng khiêu khích nhiều hơn.

Hay lấy một thí dụ thời nay hơn, công việc kinh doanh của một người bị thất bại, rồi vợ bệnh, con thì tai nạn giao thông, gây ra suy sụp tinh thần. Tất cả bất hạnh của anh ta có vẻ đến cùng lúc, và trong tuyệt vọng, anh bắt đầu chiến đấu.

Tuy nhiên, bởi vì mọi sự, dù bất hạnh, là đời sống chúng ta, điều đặc biệt cốt yếu trong những trường hợp này là gặp những thứ đối nghịch với một thái độ bình thản. Nếu chúng ta rót vào địa ngục, bấy giờ chúng ta cần quyết định thấy địa ngục ấy là nhà của mình. Khi bị quỷ nấu trong dầu sôi, đó là nơi chúng ta phải tọa thiền. Khi bị đuổi lên núi kim, chúng ta cần sẵn sàng leo bằng hai tay dù có nguy hiểm tính mạng. Khi ném tất cả năng lực của đời mình vào bất cứ cái gì chúng ta gặp, không ma quỷ nào làm gì được mà phải rút lui. Không có cách sống nào hơn thế!

Trong Lâm Tế Lục có đoạn: “Tự Ngã vượt xa mọi sự. Dù toàn thể vũ trụ sụp đổ, tôi cũng không lo lắng. Dù tất cả chư Phật mười phương có xuất hiện trước mặt, tôi cũng chẳng vui mừng. Dù ba địa ngục có xuất hiện trước mặt, tôi cũng chẳng sợ, bởi vì tôi không ghét bỏ cái gì cả.”

Chúng ta nhìn thấy thiên đường hay địa ngục, ngộ hay mê, tất cả đều với cùng con mắt, hay nói tích cực hơn, chúng ta ném toàn bộ cuộc đời chúng ta vào bất cứ cái gì chúng ta gặp, và đó là thái độ sống Phật pháp. Khi chúng ta khai triển loại thái độ này đối với đời sống chúng ta, ý nghĩa sống mỗi ngày thay đổi hoàn toàn, cùng với sự đánh giá của chúng ta về những biến cố, những con người và hoàn cảnh sanh khởi. Bởi vì chúng ta không cố gắng thoát khỏi mê lầm, bất hạnh, hay cái đối nghịch nữa, cũng không đuổi theo giác ngộ và bình an của tâm, những vật như tiền bạc và địa vị mất đi giá trị trước kia. Sự nổi tiếng hay những kỹ năng trong xã hội của người ta không liên quan đến cách chúng ta nhìn họ như những con người, một tấm bằng chứng nhận giác ngộ cũng chẳng gây ấn tượng gì. Điều cốt yếu hàng đầu là khi chúng ta khai triển cái thấy này, nghĩa của sự gặp gỡ những sự vật, hoàn cảnh, hay con người hoàn toàn thay đổi.

Giáo Huấn Điển Tọa chỉ cho chúng ta một cách thể làm sao trau dồi thái độ này qua việc sửa soạn cẩn thận thực phẩm cho những bữa cơm. Chúng ta phải không nhìn những sự vật như chúng thường được thấy nữa. Đúng hơn, chúng ta cần đối diện với mọi sự xảy đến với nghĩa toàn bộ, và giá trị của những gặp gỡ ấy hoàn toàn thay đổi, thấy mọi sự là đời sống của chúng ta! Có nói: “Khi ông sửa soạn món ăn, chớ bao giờ nhìn những phẩm vật bằng con mắt bình thường, cũng không chỉ nghĩ về chúng với những tình cảm của ông.”

Nói cách khác, bạn không nên xem cái gì là quý chỉ bởi vì nó đắt tiền, không xem nó kém bởi vì nó rẻ tiền. Tiếp theo: “Khi làm một món cháo với những rau quả tầm thường, chớ bị lôi kéo bởi những cảm giác không thích chúng hay xem nhẹ chúng; cũng không vui mừng chỉ vì có những nguyên liệu cao cấp để làm một bữa đặc biệt. Cũng như thế, ông không nên thỏa thích một bữa ăn vì vị ngon đặc biệt của nó, không có lý do gì cảm thấy khó chịu với một bữa ăn tầm thường.”

Khuynh hướng người nấu bếp bình thường là đối xử với thực phẩm tầm thường thì hờ hững và với thực phẩm sang trọng thì chăm chút. Khi thực hành Phật pháp trong vai trò điển tọa, bạn cần sửa soạn thức ăn với tất cả sự nồng nhiệt của đời bạn và với thành thực toàn tâm.

Khi bạn nghĩ về nó, với tất cả chúng ta thực hành pháp, Giáo Huấn Điển Tọa là một bản văn bi mẫn đáng lưu ý. Lời dạy này chỉ bày cho chúng ta làm thế nào khám phá một đời sống Đạo tinh tế sâu xa qua những công việc hàng ngày. Bản văn tiếp tục: “Thái độ của ông đối với sự vật cần phải không tương hợp với phẩm tính của chúng. Một người bị ảnh hưởng bởi phẩm tính của một vật, hay người thay đổi giọng nói hoặc tính cách theo vẻ bề ngoài hay vị trí của người anh ta gặp, thì không phải là một người trong Đạo.”

Bản văn tiếp theo một cách tự nhiên rằng điều trước tiên nó nhấn mạnh là tận tâm đối với vật liệu và sửa soạn thức ăn với toàn tâm chúng ta. Nhưng nếu sự bàn luận của chúng ta dừng ở đây thì lời dạy này chỉ khác một ít với chỉ dẫn của đầu bếp chính nào. Để tiến một bước nữa, chúng ta gặp chiều sâu của Phật pháp khi chúng ta không xoay chuyển bởi những giá trị đời thường và không mất cái nhìn thấy tính độc nhất tuyệt đối của đời sống chúng ta. Thái độ này không giới hạn vào những đối tượng; nó trải rộng đến mọi người và mọi hoàn cảnh sanh khởi trong đời sống chúng ta. Bây giờ tôi chắc bạn có thể hiểu tại sao tôi nói Giáo Huấn Điển Tọa là “sách nấu ăn cho đời sống”.

Hình như có một khuynh hướng rất mạnh nơi loài người, dù ý thức hay không, tự khiêm hạ trước những người mà họ nghĩ có làm lợi cho họ, và nói một cách hạ cố với những người họ xem là thấp hơn.

Mặc dầu phần đông người dựa vào tổ chức nào đó để kiếm sống, những người quản trị và cấp cao của tổ chức ấy đối xử kiêu căng với những cấp dưới. Đó là một cảnh tượng nực cười, nhưng tình huống ấy là rất thường. Giáo Huấn Điển Tọa chỉ cho chúng ta rằng một thái độ như vậy thì xa cách với một người sống với Phật pháp. Nó soi sáng cho chúng ta thái độ sống đạo hàng ngày phải như thế nào.

Bởi vì những đoạn sau đây diễn tả cùng một ý này, tôi muốn bạn cảm nhận đầy đủ việc không bị xoay theo những giá trị bình thường của xã hội là trọng yếu như thế nào: “Khi điển tọa nhận thực phẩm từ ban quản lý, ông phải không than phiền về phẩm chất hay số lượng mà luôn luôn xử lý mọi thứ với chú tâm thận trọng lớn nhất. Không gì tệ hơn là phàn nàn quá nhiều hay quá ít, phẩm chất kém… Không nhất thiết một món ăn là tốt lành bởi vì ông đã làm với những vật liệu chọn lọc, hay một nồi cháo dở không phải vì ông làm nó với rau cải tầm thường. Khi lặt rau hãy làm hết lòng, với một tâm thanh tịnh, không đánh giá phẩm chất, như thể ông đang sửa soạn một bữa tiệc thịnh soạn. Nhiều dòng sông chảy vào đại dương trở thành một vị của đại dương; khi chúng chảy vào đại dương thanh tịnh của pháp thì không có những phân biệt hảo hạng hay tầm thường, chỉ có một vị, và đó là Phật pháp, bản thân thế giới như nó là”.

Nói cách khác, khi chúng ta sống đời sống chúng ta đến mức trọn vẹn nhất, thì không có cái gì cao hay thấp, hoàn cảnh tốt hay xấu, may mắn hay bất hạnh. Chỉ có một vị của đại dương đời sống. “Tương tự, chớ phán đoán vị sư nào là đáng kính hay tầm thường, cũng không chú ý người nào mới thực hành hay đã lâu năm.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. CÓ MỘT ĐAM MÊ ĐỜI SỐNG
  2. TÁM TỈNH GIÁC CỦA BẬC ĐẠI NHÂN
  3. NÉM ĐỜI SỐNG BẠN VÀO CHỖ Ở CỦA PHẬT

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ