THẦY – TRÒ
Trích: Tuệ Trung Thượng Sĩ: thong dong giữa đời; NXB Thế Giới, Sách Thiện Tri Thức.
Nguồn năng lượng tự do, khoái hoạt, thảnh thơi ấy, Tuệ Trung biết được từ đâu, từ ai?
Từ vị thầy của mình là Thiền sư Tiêu Dao ở Phước Đường. Từ thầy mình ông đã tiếp xúc, nối kết được với nguồn sống vô tận để có thể sống một đời như một bài ngợi ca đời sống.
Trong 49 bài thơ tụng của ông, có bốn bài nói về thầy mình: Hỏi thăm bệnh của Đại sư Phước Đường (bài 21), Lễ Thiền sư Tiêu Dao ở Phước Đường (bài 22), Cảnh vật Phước Đường (bài 23), Điếu tiên sự (bài 26).
Ở đây trích trọn bài Lễ Thiền sư Tiêu Dao ở Phước Đường để thấy phần nào sự nối kết trí và tình giữa ông với thầy mình:
Lâu xa bóng dáng
Ở chốn hoang thôn
Thân tuy ngoài cõi Sâm với Thương
Ý vẫn trong gương loan với phượng.
Nhàn nhã ngâm khúc vô sanh
Hầu đáp ơn thầy sữa pháp
Trộm có lời tụng
Dâng lên pháp tòa.
Lâu nay xa bóng dáng thầy vì ở chốn làng quê. Thân tuy xa cách như sao Sâm với sao Thương, nhưng lòng như chim loan chim phượng cùng ở trong một tấm gương.
Nhàn nhã ngâm khúc vô sanh, đây là sữa pháp do thầy ban cho. Cho nên làm bài thơ tụng dâng lên pháp tòa.
Với người thực hành, thầy trò là nhân duyên lớn nhất trong đời. Mối nhân duyên, mối tương quan này trở thành không thể hoại khi được đặt trên và trong nền tảng “vô sanh”, trong “pháp thân không đến cũng không đi”. Đây là mối “tri kỷ”, “đồng tâm”, của những người đã ngộ nhập chân tánh hay pháp thân:
Thiếu Thất chín năm, hề, cùng ta đồng tâm Hoàng Mai nửa đêm, hề, cùng ta tri kỷ
(Trừu thần ngâm – bài ngâm Bĩu môi)
Thân tuy thô kệch ở làng quê
Bốn ơn nặng dám đâu quên lãng
Ý vụng kém gặp thêm ý khí
Lòng tàn riêng giữ tấc lòng son.
Xuân về hờ hững hoa đào nở
Gió thổi không nghe tiếng trúc tre
Ngày trước đến nhà tham vấn hết
Không dây nay thỉnh một khúc đàn.
Ý khí là tâm và khí. Ngày trước tâm và năng lượng (khí) đều “kém, tàn”, nên chẳng thấy chẳng nghe, chẳng hiểu thực tướng của đời sống là thế nào. Rồi khi gặp thầy, nhờ thầy đưa vào, giới thiệu vào thực tại của đời sống, từ đó mới sống lại, mới biết sống.
Sau nhiều tham vấn, ngày nay có thể tự mình gảy khúc đàn không dây, tức là khúc đàn vô sanh, và vô sanh cũng tức là vô diệt. Không sanh không diệt tức là pháp thân.
Thật tướng của đời sống là vô sanh vô diệt, một thực tại nằm ngoài mọi suy diễn của ý thức.
Tạm qua thăm hỏi cổ chùy thiền
Tướng mạo trăm năm được khỏe bền
Huệ Khả thẹn thân, da tủy ký.
Triệu Châu tuổi thọ học rùa niên.
Mới hay trong đời này có Phật.
Chớ lạ trong lò lửa nở sen.
Trân trọng dâng lên lời tụng hứng
Có gì lễ mọn chút quà hèn.
Cổ chùy thiền là tượng trưng cho vị Thiền sư. Ông tán dương thầy như Huệ Khả được phần tủy của thiền và được Bồ Đề Đạt Ma thọ ký; như Triệu Châu thọ đến 120 tuổi.
Trong cuộc đời vào thời năm trược này có vị Phật, như trong lò lửa lại có hoa sen nở. Quả thực Phật pháp thật nhiệm mầu.
Thầy là vị khai thị, chỉ thẳng và đưa đệ tử vào Phật tâm, vào thực tại.
Tâm của muôn pháp tức Phật tâm
Phật tâm cùng với tâm ta hợp
Pháp vốn như nhiên suốt cổ kim.
(Phật tâm ca)
Như thế gọi là tâm truyền tâm, tâm ấn tâm.
Vị thầy là người chỉ cho, giới thiệu đệ tử vào nguồn cội của sự sống, nguồn của năng lượng nguyên sơ phân phối ra thành mọi năng lượng và hiện tướng của vũ trụ, là Vua Tâm (Tâm vương).
Tâm vương
Tâm vương không tướng cũng không hình Mắt tợ ngọc ly cũng chẳng minh
Muốn biết thế nào chân diện mục
Ha ha giữa ngọ điểm canh ba.
Ngọc ly là ngọc con ly, một loại rồng. Chân diện mục là khuôn mặt chân thật xưa nay của mình. Điểm canh ba là giữa khuya.
Tâm vương, vua tâm, không chỉ là tâm của con người mà còn là “tâm của muôn pháp, muôn hiện tượng”. Thực tại ấy không tướng không hình nên rất khó thấy. Nhưng cái không tướng không hình nhập trong mọi hình tướng. Thế thì chỗ nào không có Nó, sự vật gì dù nhỏ đến đâu mà không có Nó thấm nhuần thâm nhập.
Bởi khó thấy trong khi bao trùm tất cả và ở trong tất cả như vậy nên phải có một vị thầy để trước hết cho chúng ta tin rằng có Nó, rồi chỉ ra Nó và dạy chúng ta không mất Nó, sống với Nó và sống trong Nó.
Vị thầy ấy phải có chứng nghiệm, kinh nghiệm chắc thật về Nó. Sự xác quyết rõ ràng về Nó khiến vị thầy có đủ năng lực, đủ năng lượng để giới thiệu, để đưa chúng ta vào đó.
Một vị thầy như thế cứu sống chúng ta, khiến chúng ta sống lại trong thực tại bất sanh bất diệt. Một vị thầy như thế khiến Tuệ Trung Thượng sĩ xem ngài là Phật, “mới hay trong đời này có Phật”.
Sống lại là sống lại trong đời sống chân thật, trong đó thời gian không gian quy ước rơi rụng, để thoát vào cái đời sống không có thời gian không gian bao trùm mọi thời gian không gian quy ước:
Ha ha giữa ngọ điểm canh ba.
Nhớ ơn thầy cho “sữa pháp” mà học trò mới đến được chỗ tự do, giải thoát, chỗ khoái hoạt vui đùa. Chỗ ấy chẳng phải tìm đâu xa, mà ở ngay trước mắt.
Dạy bảo chúng
Thôi tìm Thiếu Thất với Tào Khê
Thể tánh minh minh chửa từng mê
Trăng xưa chiếu khắp nào viễn cận
Gió trời thổi suốt chẳng thấp cao.
Ánh thu đen trắng tùy duyên sắc
Sen nhụy hương hồng chẳng dính bùn
Diệu khúc xưa nay xin cứ hát
Tìm chi nam bắc với tây đông.
Đây là bài có tên là Dạy bảo chúng (Thị chúng). Không những mình được thầy cho sữa pháp để thấy ra “thể tánh minh minh chửa từng mê”, mà còn báo ơn thầy bằng cách truyền lại cho đời sau, bằng cách dạy bảo họ.
Trong những đệ tử được ông truyền dạy, người nổi tiếng nhất là Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông. Ở phần tán tụng của hàng môn nhân có tám bài tụng, cho thấy ông có ít ra là tám đại đệ tử.
Tóm lại, ông được thầy truyền cho cái gì, và ông truyền lại cái gì cho đời sau?
Đó là nền tảng vô sanh của thân tâm và thế giới.
Nhàn nhã ngâm khúc Vô Sanh
Hầu đáp ơn thầy sữa pháp.
Nói theo truyền thống Ấn – Tạng, Nền tảng là vô sanh, Con đường là vô sanh, và Quả là vô sanh. Nền tảng, Con đường và Quả được thể hiện nơi hành giả là Nền tảng cần phải Thấy, Con đường là Thiền định và Hạnh, và đạt được Quả.
Nền tảng là vô sanh nên cái Thấy là thấy vô sanh, Con đường là vô sanh nên Thiền định là tương ưng với vô sanh, Hạnh vô sanh nghĩa là làm mà không làm, làm trong tánh Không, và Quả là vô sanh nên chứng là chứng vô sanh.
Chỉ nói riêng về hạnh, hạnh của thầy là vô sanh nên hạnh của ông cũng vô sanh. Hạnh vô sanh là như hư không thả vào hư không, không dấu chân, không vết tích.
***
Thực hành đạo Phật không phải là thực hành chỉ một mình, mà còn với những người chung quanh để tạo thành một tập thể tâm linh. Sự tương tác lẫn nhau trong tập thể ấy khiến người ta có thể nhờ đó mà tiến bộ thêm.
Như ở đời, không phải chỉ học trò học được từ thầy, mà có khi thầy cũng mở rộng nhờ những câu hỏi chưa từng gặp của học trò.
Tuệ Trung Thượng sĩ có may mắn, phước đức được sống gần gũi với những người thân thuộc ngộ đạo. Như với Trần Thái Tông, vua đầu tiên của đời Trần và là một thiền sư, người đồng thế hệ với ông. Như với Trần Thánh Tông, vị vua thứ hai đời Trần, cũng là một thiền sư và thua ông 10 tuổi. Như với Trần Nhân Tông, vị vua thứ ba đời Trần, là một thiền sư nổi tiếng, và là học trò của ông.
Ở đây trích ra bài Ca tụng đạo học của Trần Thánh Tông, người cùng ông đối đáp trong hai bài kệ “Niết mục” (dụi mắt, nheo mắt).
Thánh học cao minh suốt cổ kim
Rõ ràng Long tạng thấu hoa tâm
Phật phong được báu trong tay mở
Tổ ý kim kia thấu đáy chìm
Trí bạt cửa thiền thông Thiếu Thất
Tình siêu biển giáo vượt Oai Âm
Người đời chỉ thấy ngàn non đẹp
Ai nghe tiếng vượn chốn sâu thâm.
Long tạng: kinh tạng ở chốn Long cung.
Oai Âm là danh hiệu của một vị Phật. Có câu nói của Huyền Sách (đệ tử Lục Tổ): “Từ Phật Đại Âm Vương về trước thì được, nhưng từ Phật Oai Âm Vương về sau, ngộ cần phải có thầy ấn chứng.”
“Người đời chỉ thấy ngàn non đẹp, ai nghe tiếng vượn chốn sâu thâm”: người đời chỉ thấy bề ngoài, những tướng; ít ai thấy nghe được tánh của tất cả các tướng.