THẾ NÀO LÀ KHÔNG TỰ TI
Trích: Pháp Môn Hạnh Phúc; Nguyễn Phố dịch; NXB Lao Động

Thế nào là không tự ti
Thầy Trịnh Phong Hỷ bị bệnh tê liệt từ nhỏ, không thể đi lại được, dùng tay làm chân để lăn bò trong nhiều năm, bị nhiều bạn học vô cảm bắt nạt, chịu đựng trước cái nhìn ghẻ lạnh quái dị của người đời. Nhưng thầy không tự ti, không rời bỏ, dùng ý chí kiên cường để hoàn tất chương trình giáo dục cao đẳng, tổ chức cuộc sống gia đình tốt đẹp. Thầy đã viết lại cuộc đời đầy lao đao vất vả của mình thành tác phẩm Con thuyền giữa đại dương (Uông dương trung đích nhất điều thuyền), đem lại một nguồn cổ vũ và khích lệ lớn lao cho những người tàn tật, khiến cho nhiều nhân vật có địa vị trong xã hội quan tâm đến hạnh phúc của những người tàn tật.
Người ta thường nói mình không tự tin, rất tự ti. Như vậy, làm thế nào mới không tự ti, không chán nản? Trước tiên, về mặt tinh thần, chúng ta cần xây dựng mấy quan điểm dưới đây:
1. Cần phải cho mình là người hạnh phúc nhất trên thế giới.
Sở dĩ chúng ta cảm thấy đau khổ là vì không gạt bỏ được sự cố chấp, cho thất ý, phiền não là quan trọng. Đối với con người hay sự việc, nếu chúng ta có thể nắm giữ hay buông bỏ một cách thoải mái, không bị câu thúc, thì còn gì là không yên thân?
Đức Phật, trước khi xuất gia, có một người anh tên là Bạt Để. Được đức Phật cảm hóa, ông bỏ hết những vinh hoa phú quý của thế tục, xuất gia tu hành. Có một hôm, Bạt Để đang tu tập thiền định trong hang động ở núi sâu, bỗng nhiên ngài lớn tiếng ca ngợi: “Hạnh phúc thay! Hạnh phúc lắm thay!”
Người đồng tham thiền ngồi bên cạnh lấy làm lạ, hỏi ngài: “Ông nói hạnh phúc, rốt cuộc vì sao mà hạnh phúc?”
Ngài đáp: “Trong quá khứ, tôi là một chí tôn vương tử, từ bé được thương yêu chiều chuộng trong cung cấm, thức ăn hàng ngày là những thứ sơn hào hải vị. Nhưng ngày nay đi khất thực được một bát thức ăn mới thấy được sự ngon ngọt. Đồ mặc là những gấm vóc lượt là trước kia không sánh được một chiếc áo cà sa tôn quý mình mặc hôm nay. Quá khứ có cả một đội quân hộ vệ, sớm chiều đao thương bảo vệ tôi, nhưng tôi vẫn lo sợ kẻ xấu đến ám sát. Hiện nay tôi chỉ có một mình, ngồi thiền giữa chốn rừng hoang trống vắng, không có người bảo vệ, nhưng trong lòng không sợ hãi, tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc và khinh khoái!”
Hạnh phúc đích thực là thứ hạnh phúc có từ bên trong. Thứ hạnh phúc có từ nội tâm ấy, lấy không hết, dùng không kiệt — đó mới là hạnh phúc chân chính.
2. Cần phải cho mình là người khỏe mạnh nhất.
Có người thân thể khỏe mạnh, không bệnh tật, tay chân đầy đủ, nhưng tinh thần lại đầy buồn phiền khổ não. Nếu chúng ta bình tĩnh suy nghĩ lại, sẽ thấy mình thật là hạnh phúc. Chúng ta có hai mắt để nhìn thế giới muôn màu, hai chân để đi chu du, hai tay để làm việc — vậy còn điều gì chưa đủ?
Trên thế giới có nhiều người bất hạnh: suốt năm nằm liệt giường, toàn thân bại liệt, phải dùng sức lớn mới nhấc đầu lên được một chút. Có người không có cả hai tay nhưng vẫn luyện viết thư pháp bằng miệng, nét chữ rắn rỏi, lão luyện. Có người mù, để đọc được sách phải mất thời gian gấp nhiều lần so với chúng ta. Nếu không học, lại nhờ người tụng niệm, chẳng hóa ra là mù chữ?
Nếu so với những người như thế, thì chúng ta không có lý do gì để phiền não hay chùn bước. Có người nói: “Sức khỏe là tài sản.” Chúng ta có tài sản đó mà không biết trân quý, thì hãy dùng tài sản ấy để làm ra nhiều giá trị khác, làm sáng thêm tinh thần nhân loại. Nếu không làm như vậy, thì quả thật là đáng tiếc!
Nước Nhật có một vị tỳ kheo ni tên là Đại Thạch Thuận Giáo, bị tai nạn mất cả hai tay, nhưng dùng cổ của mình viết nên bộ Tâm Kinh — người Nhật gọi đó là “Tâm Kinh của người không viết bằng tay”, được xem là vật báu quốc gia. Ví dụ ấy cho thấy: sự không hoàn chỉnh của thân thể không có nghĩa là tuyệt vọng. Chỉ cần có nghị lực, vẫn có thể vượt qua mọi khó khăn để sống cuộc đời cao quý.
3. Cần phải cho mình là người giàu có nhất.
Chúng ta có rất nhiều của quý nhưng lại không biết trân trọng, còn tham lam vô độ, ngưỡng mộ tài sản của người khác. Nhà không có máy điều hòa, nhưng có ánh mặt trời sưởi ấm, có gió lành thổi mát, trăng sáng, hoa tươi, suối mát, núi cao — tất cả là của chúng ta. Vũ trụ bao la, một đám mây, một hạt cát cũng đầy niềm vui sống.
Có người thấy kẻ khác có tiền tỷ thì hâm mộ. Nhưng nếu tham lam vật chất quá độ, thì tinh thần sẽ bị ràng buộc lớn lao. Một người quyết tâm sống vì chân lý thì cần bồi dưỡng tinh thần không ham muốn, không bị mê hoặc bởi dục vọng.
Thời Xuân Thu, ẩn sĩ nước Tề là Kiếm Lô nghèo đến mức chết không đủ vải liệm, nhưng sống với khí tiết kiên trinh, không chịu ra làm quan. Thiền sư Đại Mai Pháp Thường lấy lá sen làm áo, hoa thông làm cơm, sống an lạc. Gần đây có đại sư Hoàng Nhất, suốt đời sống đơn sơ, lấy việc hoằng dương giới luật làm sự nghiệp. Chiếc khăn len dùng hàng chục năm vẫn quý như mới. Họ làm chủ kho báu nội tâm và phát huy nó một cách trọn vẹn.
Mỗi chúng ta đều có một kho tàng quý giá vô tận mà ngàn vàng không đổi được. Nếu khai thác, ta sẽ trở thành người giàu có nhất vũ trụ.
4. Cần phải cho mình là người số một của thế giới.
Tức là xây dựng nhân sinh quan biết tri túc, biết cảm ơn, biết quý trọng những gì mình có — dù giản dị, tầm thường.
Có người thắc mắc: không có tiền bạc, địa vị, điều kiện, sao gọi là số một? Thật ra, mỗi người đều có vô vàn danh hiệu đứng đầu thế giới: Là con, hãy phụng dưỡng cha mẹ — những người yêu thương ta nhất. Là cha mẹ, hãy dạy con thành người ngoan hiền. Là chồng, hãy làm cho vợ hạnh phúc. Là vợ, hãy khiến chồng trở thành người trách nhiệm nhất. Là cấp trên, hãy hỗ trợ cấp dưới giỏi giang nhất. Là cấp dưới, hãy làm cho cấp trên là người lãnh đạo sáng suốt nhất.
Nếu mọi người đều sống với tâm thế “tôi là người số một của thế giới”, nhìn đời bằng lòng bao dung, thì thế giới này sẽ đẹp biết bao! Nếu chúng ta nuôi dưỡng nhân sinh quan “tôi là người hạnh phúc nhất, khỏe mạnh nhất, giàu có nhất thế giới” thì sẽ không còn tự ti, không còn chán nản, và hạnh phúc sẽ không còn xa nữa.
Lời trích từ sách Thái Căn Đàm:
Trên thế gian không có người tầm thường, chỉ cần phát đại tâm thì trở thành người vĩ đại;
Trên thế gian không có vấn đề lớn, chỉ cần có cái tâm trống rỗng, thì không có cái gì gọi là lớn cả.