THẾ NÀO LÀ SỨC KHỎE VÀ THẾ NÀO LÀ BỆNH TẬT?

NISHI KATSUZO

Trích “Làm Sạch Mạch Và Máu”
Những tác phẩm kinh điển của nền y học tự nhiên
Tác giả: Nishi Katsuzo
Dịch: TS. Trương Thị Thảo, Nhà Xuất Bản Lao Động – 2017

Cơ thể con người – một phần nhỏ bé của VŨ TRỤ và là phần không tách rời của TỰ NHIÊN. Khi quy luật này được tuân thủ sẽ không thể có chuyện ốm đau.

Nishi Katsuzo (1884 – 1959) là người sáng lập của Nishi Shiki Nhật Bản năm 1927, tại thời điểm đó ông là kỹ sư trưởng cho dự án tàu điện đầu tiên của Nhật. Ông cũng là một giáo viên dạy Aikido.

—–*—–

 

 

 

 

 

 

Trong việc tìm kiếm các con đường cho sức khỏe của mình, việc đầu tiên tôi thường suy nghĩ là câu hỏi: Tại sao ngành Y chỉ chống lại các loại bệnh mà hoàn toàn không quan tâm đến việc làm thế nào để đưa cơ thể đến trạng thái khỏe mạnh, củng cố và giữ gìn sức khỏe? Chính là vì giữa những sự hiểu biết này – phục hồi sức khỏe và chữa bệnh – có ranh giới rất lớn! Các bác sỹ thường xuất phát từ bệnh tật, chứ không từ sức khỏe; bệnh tật đối với họ trở thành điểm tựa trong quá trình chữa bệnh, chứ không phải sức khỏe! Những dấu hiệu của sức khỏe không được nghiên cứu trong các trường Đại học Y Khoa, các sinh viên và các cán bộ y tế không được đòi hỏi phải nghiên cứu những con người khỏe mạnh. Các Giáo sư của ngành Y không bao giờ giảng các bài về sức khỏe là như thế nào. Họ thường xuyên chỉ nói về các bệnh. Kết quả là ngành Y đơn giản không hề biết sức khỏe là thế nào! Làm thế nào có thể chữa khỏi bệnh cho con người, tức là đưa con người tới sự khỏe khoắn mà lại không biết chính điều đó là cái gì – sức khỏe ấy?

Ngành Y đã chẳng mấy bận tâm về việc sức khỏe là như thế nào. Vì vậy, rất thường xuyên Y học chữa một thứ – và làm què quặt (hư hỏng) thứ khác. Ngành Y cố gắng khắc phục các bệnh tật – một bệnh, thêm bệnh khác, rồi bệnh thứ ba – mà không dẫn đến trạng thái khỏe mạnh toàn diện của cơ thể. Đáng tiếc là, ngày hôm nay, thậm chí tại nước Nhật, người ta đang quên đi nền Y học truyền thống phương Đông: Y học phương Tây ngày càng quyết tâm lấn át nó, có nghĩa là có một ngành Y tiếp cận với con người một cách rất cơ học, nó xem con người như là một bộ sưu tập của các cơ quan riêng biệt mà không phải là một thực thể thống nhất, đầy đủ gắn liền với tự nhiên.

Ở phương Đông ngành Y không khi nào là một cái gì đó riêng biệt, một ngành khoa học độc lập nghiên cứu chỉ cơ thể tách ra khỏi tất cả phần còn lại tạo nên “cấu trúc” phức tạp là con người. Lẽ nào có thể chữa lành một cơ thể trong khi không làm thay đổi chính cách sống của con người, không cải tạo lại tri giác về thế giới trên nhịp điệu hòa hợp hơn, không thay đổi những suy nghĩ tăm tối mờ mịt bằng những suy nghĩ tốt lành sáng sủa? Điều này là không thể, là không thể về nguyên tắc. Và ở phương Đông người ta luôn luôn biết tới điều này. Vì thế nền Y học cổ truyền phương Đông không bao giờ tách khỏi triết lý phương Đông, thứ triết lý đã truyền bá một lối sống đặc biệt. Lối sống trong sự yên tĩnh, hòa hợp và thống nhất với TỰ NHIÊN. Trên cơ sở của triết lý này nghệ thuật làm hài hòa không gian của người Trung Hoa… đã được xây dựng nên, khả năng không biên giới của nó còn chưa được nền văn minh phương Tây biết đến (các bài giảng của K. Nishi (1884 – 1959) đã được giảng vào đầu thế kỷ XX). Hệ thống dinh dưỡng của người Nhật – sinh học vĩ mô – đã đặt nền móng trên sự hiểu biết này. Vâng – chính nền nghệ thuật sáng tạo, tích cực toàn diện, phát huy mọi khả năng có thể, xuất phát từ tính cổ truyền sâu sắc, đã được lưu hành cho đến ngày hôm nay.

Nhưng phương Tây với tâm thái hết sức thực dụng của nó, với cách mà nó tiếp cận với con người như là một cỗ máy vô hồn, lại không muốn hiểu biết về điều này, không muốn nghĩ đến điều này. Các bác sỹ phương Tây nghĩ rằng với con người có thể đối xử như với cỗ máy: ở đâu đó cần bôi trơn, ở đâu đó phải vặn êcu, ở đâu đó lại cần kéo căng lò xo và thế là tất cả lại vào trật tự, ngăn nắp. Nhưng sẽ không có sự ngăn nắp trật tự trong một cơ chế không được nghỉ, không có sự sắp đặt sẵn khi mà tâm hồn của con người – sự hòa hợp và thống nhất tuyệt vời với tự nhiên – thực tế không lọt được vào trong đó.

Phương Tây hoàn toàn không muốn cân nhắc đến một thực thể phù du, mảnh mai không nhận biết được như thế – tâm hồn con người. Nhưng mà cho đi qua thêm 50 năm nữa – ngay cả phương Tây cũng sẽ bắt buộc phải đi tìm chân lý trong triết học phương Đông, trong Y học phương Đông, vì rằng Y học phương Tây trong tình trạng mà nó tồn tại hiện nay đang không tránh khỏi chui vào đường hầm không lối thoát. Chấm dứt sự giúp đỡ của thuốc, sẽ không có một lợi ích nào từ những cuộc nghiên cứu tìm kiếm tinh vi nhất của ý tưởng công nghệ học – các thiết bị và các khả năng kỹ thuật hoàn hảo, cái mà cuối cùng được tạo ra từ bộ óc phương Tây hiếu kỳ… Không cái gì từ nó có thể giúp chữa lành bệnh một cách thiết thực cho người nghèo, nếu nó không hướng tới lực mạnh mẽ của TỰ NHIÊN, không đòi hỏi chúng làm việc cho lợi ích của mình, không mở ra cho họ sự thỏa mãn trong đời sống tâm hồn của mình…

Và phương Tây sớm hay muộn bắt buộc sẽ phải thừa nhận: Cơ thể con người – đây không giản đơn là một bộ sưu tập cơ học của các cơ quan và các hệ thống. Đây là một hệ thống thống nhất đầy đủ, hoàn thiện, trong đó tất cả đều liên kết với nhau: là thân thể, là suy nghĩ, là tâm hồn và là cách sống. Nếu có một cái gì đó đau – đây là bằng chứng của sự không khỏe mạnh của toàn bộ cơ thể và tổng thể. Đây là bằng chứng của cách sống, của cách suy nghĩ không đúng đắn. Đây là điều chứng minh cho sự tách ra khỏi TỰ NHIÊN và các quy luật của nó! Nhưng cơ thể là một hệ thống tự điều chỉnh. TỰ NHIÊN anh minh đã ban tặng cho cơ thể khả năng tự phục hồi, tự đổi mới, tự hoàn thiện và chỉnh lý bất kỳ sự rối loạn nào xuất hiện trong đó. Đặc tính này là cống phẩm cho con người từ khi mới sinh ra, là sự ban thưởng của chính TỰ NHIÊN. Nếu đặc tính tự phục hồi làm việc tốt thì có nghĩa là, cơ thể ở trong trạng thái tự nhiên, đúng đắn, khỏe mạnh, bình thường. Chính sức khỏe là đặc tính tự nhiên, vốn sẵn từ khi mới sinh ra của mỗi cơ thể. Đó, tại sao khi chữa bệnh cần xuất phát không phải từ bệnh tật, mà phải từ sức khỏe – từ cái vốn là tự nhiên, chứ không phải từ việc chống lại các QUY LUẬT của TỰ NHIÊN một cách bệnh hoạn.

Thay vào việc đi tìm các phương thức đấu tranh với mỗi căn bệnh riêng biệt, cần phải tìm phương cách làm cho toàn bộ cơ thể trong chỉnh thể trở về trạng thái tự nhiên – trạng thái khỏe mạnh. Chính vì không tồn tại những bệnh riêng biệt nên cơ thể luôn bị đau yếu trong chỉnh thể.

Sự hòa hợp và sự hoàn hảo của TỰ NHIÊN là cái gì?

Sự hòa hợp và sự hoàn hảo của TỰ NHIÊN là cái gì? Trước hết đây là sự hòa hợp, sự cân bằng một cách ổn định của các lực xây dựngphá hủy. Trong tự nhiên thường xuyên diễn ra các quá trình xây dựng, đổi mới và các quá trình phân hủy. TỰ NHIÊN luôn bảo vệ mình trong sự nguyên vẹn và hòa hợp, nhờ đó mà không khi nào một trong hai quá trình này chiếm hữu quá trình khác. Bao nhiêu được xây dựng thì cũng bấy nhiêu bị phân hủy. Đây là quy luật – cái mới được tạo ra bao nhiêu thì cũng bấy nhiêu cái cũ phải rời đi và ngược lại. Được sinh ra vào buổi sáng, sẽ chết đi ban ngày. Được sinh ra có gió sẽ chết đi lúc lặng gió. Một cuộc sống được ra đời, cuộc sống khác sẽ chết đi. Có bao nhiêu điều mới đến trên thế giới, cũng sẽ có bấy nhiêu cái cũ phải ra đi. Cuộc sống – đây là sự chết không ngừng và sự phục sinh không ngừng.

Cơ thể con người – một phần nhỏ bé của VŨ TRỤ và là phần không tách rời của TỰ NHIÊN. Và ở trong đó cũng như trong toàn bộ TỰ NHIÊN cùng tồn tại một quy luật vận hành và điều khiển: Bao nhiêu được tạo dựng thì bấy nhiêu bị phân hủy; bao nhiêu đến, bấy nhiêu đi; bao nhiêu chết đi, cũng bấy nhiêu được sinh ra. Đây là quy luật sống của cơ thể khỏe mạnh. Khi quy luật này được tuân thủ sẽ không thể có chuyện ốm đau.

Tôi đã sớm suy nghĩ về điều ốm là gì và nó từ đâu đến? Từ nguyên nhân bên ngoài nào chăng? Có phải là từ những bàn tay bẩn, từ sự lây nhiễm, từ sự tiếp xúc với những người bệnh, từ những điều kiện không thuận lợi của môi trường bên ngoài không? Nhưng các công trình nghiên cứu chỉ ra rằng các tác nhân gây nhiễm, ở mức nào đó, đều tồn tại trong cơ thể của hầu như tất cả mọi người. Nhưng tại sao một số người này thì bị ốm còn những người khác lại không? Có nghĩa là ở ai đó sự nhiễm khuẩn phát triển, nhân rộng lên và tạo ra bệnh còn ai đó thì chung sống hòa bình với các loại vi sinh vật gây nhiễm bệnh và không cho nó làm mình bị bệnh. Bệnh tật có bị di truyền không? Nhưng chính bệnh bị di truyền đã xuất hiện khi nào đó và ở ai đó đầu tiên và từ đâu?

Tôi đã đi đến kết luận rằng: Bệnh tật không phải là kết quả của sự xâm nhập lây nhiễm vào cơ thể hoặc là nhận được từ cha mẹ có tố tính không tốt. Bệnh tật chính là kết quả của sự phá hoại các QUY LUẬT TỰ NHIÊN do con người gây ra. Chỉ khi nào các QUY LUẬT của TỰ NHIÊN bị phá hoại thì khi đó các vi sinh vật gây hại mới bắt đầu sản sinh với quy mô gây nguy hiểm, khi đó chúng bắt đầu tấn công vào những tố chất yếu kém nhận được do di truyền. Bệnh tật không phải là cái gì khác, mà là sự phá hủy các QUY LUẬT của TỰ NHIÊN. Còn các quy luật này bị phá hủy khi con người bắt đầu có lối sống không đúng đắn. Lối sống không đúng đắn sẽ phá hoại sự cân bằng giữa các lực xây dựng và lực phá hủy. Trong cơ thể cái đưa vào lớn hơn cái bị đẩy ra, các tế bào bị phân hủy sẽ lớn hơn lực được phục hồi. Chính là ở đây bệnh tật xảy ra. Nói một cách trung thực hơn là chính cơ thể tạo ra bệnh tật và nó xuất hiện như việc thử xem cơ thể sẽ quay trở lại sự hài hòa đã bị mất đi, sẽ phục hồi lại cân bằng đã bị phá hủy của những lực xây dựng và phá hủy như thế nào. Cơ thể tạo ra bệnh bởi vì nhờ cách đó nó tìm được phương cách cứu chữa! Chính cơ thể, như là một hệ thống tự nhiên thông thái, không thể nào tác động gây hại cho mình. Bệnh tật không phải là cái gì khác mà chính là sự hiện diện của LỰC LÀM LÀNH BỆNH, được cài đặt sẵn trong mỗi cơ thể.

Bệnh tật không bỗng nhiên xuất hiện một cách vô cớ. Nhưng bệnh tật hoàn toàn không phải là sự trừng phạt của ông trời vì tội lỗi do mình gây ra như nhiều người thường nghĩ. Hoàn toàn ngược lại, bệnh tật đến không giống như kẻ thù mà như người giúp đỡ. Về việc này có thể ai đó sẽ kiểm tra lại, đâu có khó khăn gì. Bệnh tật muốn giúp chúng ta phục hồi lại sự cân bằng đã bị mất trong cơ thể. Bệnh tật là phương thức duy nhất, mà bằng cách đó cơ thể cố gắng tự mình khắc phục những rối loạn đang xuất hiện bên trong.

Như vậy, bệnh tật chỉ là phương thức mà nhờ nó, các lực chữa lành bệnh của cơ thể sẽ cố gắng phục hồi lại sự hài hòa đã bị phá vỡ. Nhưng điều này còn là tín hiệu đặc biệt về sự giúp đỡ, là triệu chứng cho biết đã xảy ra sự bất ổn và phải cầu cứu sự giúp đỡ. Bệnh tự nó chỉ là tín hiệu về sự trắc trở và mở đầu công việc của hệ thống cứu chữa. Thế thì trong trường hợp như vậy có cần phải chữa bệnh cho cơ thể như các nhân viên y tế vẫn hay làm hay không, nếu bệnh – không phải là bệnh lý học như đã nêu – chỉ tín hiệu của tai biến và của sự thử cứu giúp bản thân từ phía cơ thể? Ngành Y tế cố gắng chữa bệnh trong khi chỉ cần chẩn đoán và tìm cách khắc phục những dấu hiệu của triệu chứng, những biểu hiện bên ngoài bất an của cơ thể, mà không tìm hiểu được nguyên nhân. Sau đó khắc phục những triệu chứng, trong khi các triệu chứng này chỉ là các tín hiệu của tai nạn, chỉ là chứng minh sự bất an của cơ thể. Nếu bệnh cho tín hiệu về sự bất an nói chung của cơ thể, có nghĩa là, không cần tìm kiếm phương thức riêng biệt để chữa trị đối với từng bệnh, điều mà chỉ ngành Y được dạy. Cần phải làm cho sức khỏe quay trở lại toàn bộ cơ thể mà không tiêu diệt bệnh một cách đơn lẻ. Tại nơi một căn bệnh bị tiêu diệt sẽ phát sinh ra hàng chục bệnh mới, nếu không đưa cơ thể vào tiến trình của một chỉnh thể đầy đủ trọn vẹn.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. CÁI THẤY PHÁP GIỚI
  2. Y KHOA CỦA ĐỨC PHẬT

Bài viết khác của tác giả

  1. BÀI TẬP “NĂNG LƯỢNG SÁNG TẠO CỦA CẢM XÚC”
  2. BA PHƯƠNG PHÁP CHỮA LÀNH BỆNH
  3. SỰ CHUYỂN ĐỘNG CỦA NĂNG LƯỢNG TRONG CƠ THỂ VÀ SỰ PHÁ HỦY NÓ

Bài viết mới

  1. KHỔ ĐAU VÀ HẠNH PHÚC CHỈ LÀ CẢM NHẬN CHỦ QUAN
  2. VƯỢT QUA SỢ HÃI
  3. TÍNH NÔN NÓNG