THEO MỘT CON ĐƯỜNG

SOGYAL RINPOCHE

Trích: Tạng thư sống chết -The Tibetan Book Of Living And Dying; Ni sư Thích Nữ Trí Hải dịch; Nhà xuất bản Thanh Văn Hoa Kỳ 1992 và Nhà xuất bản Xuân Thu Hoa Kỳ 1996

Tất cả chúng ta đều có cái nghiệp gặp phải một con đường tâm linh này hay khác, và tôi sẽ khuyên bạn, tự đáy tim tôi, hãy đi theo với sự chân thành trọn vẹn, con đường nào gợi cảm hứng cho bạn nhiều nhất. Hãy đọc kinh sách của tất cả các truyền thống, tìm hiểu các bậc thầy muốn nói gì khi nói giải thoát giác ngộ, và tìm con đường chân lý nào thực sự lôi cuốn bạn nhất. Hãy vận dụng khả năng phân biệt của bạn; con đường tâm linh đòi hỏi nhiều thông minh, nhiều khả năng phân biệt tinh tế hơn bất cứ đường nào khác, vì đó là việc quan hệ đến chân lý tối thượng. Hãy sử dụng lương tri bạn trong mọi lúc. Đến với con đường ấy và biết rõ hành lý bạn mang theo: những thiếu sót, tưởng tượng, yếu đuối, phóng chiếu của tâm thức. Trong khi tự thức được bản tính chân thực của bạn là như thế nào, bạn hãy hòa hợp sự khiêm hạ sát đất với một sự thẩm định rõ ràng bạn đang ở đâu trên con đường tâm linh, và những gì còn phải được thấu hiểu và thực chứng.

Điều quan trọng nhất là đừng để vướng vào cái mà tôi thấy khắp nơi ở phương tây, một kiểu “đi chợ tâm linh”: Chạy quanh từ thầy này đến thầy khác, giáo lý này đến giáo lý khác, mà không có một sự dấn mình thực sự vào bất cứ nền giới luật nào. Gần hết mọi bậc thầy tâm linh thuộc mọi truyền thống đều đồng ý rằng điều cốt yếu là phải làm chủ, nắm vững lấy một đường lối tu tập, một con đường đưa đến chân lý, bằng cách tuân theo một truyền thống với tất cả tim óc bạn, đi cho đến cuối cuộc hành trình tâm linh, trong khi vẫn giữ thái độ cởi mở kính trọng đối với tri kiến của các truyền thống khác. Ở Tây Tạng chúng tôi thường nói: “Khi biết rõ một chuyện thì ta có thể thành tựu được tất cả”. Tư tưởng đặc biệt thời nay là, ta có thể luôn luôn mở ra cho mọi chọn lựa và bởi thế không bao giờ dấn mình vào một cái nào. Nhưng đấy là một trong những ảo tưởng lừa dối nhất trong nền văn hóa hiện nay, một trong những kiểu hiệu nghiệm nhất của bản ngã để phá hỏng sự tu tập của chúng ta.

Khi bạn cứ tiếp tục tìm kiếm mãi, thì chính sự tìm kiếm trở thành một căn bệnh ám ảnh bạn. Bạn trở thành một khách du lịch về tâm linh, đi khắp nơi chốn mà không bao giờ tới một chỗ nào. Như Patrul Rinpoche nói:

– Bạn để con voi của bạn ở nhà mà đi tìm dấu chân của nó ở trong rừng. Theo một con đường không phải là một kiểu tự giam giữ bạn hay để con đường ấy chiếm độc quyền đối với bạn. Mà con đường ấy là một phương tiện thiện xảo đầy bi mẫn để giữ cho bạn tập trung luôn luôn vào đấy, dù có bao nhiêu trở ngại mà chính bạn và cuộc đời của bạn chắc chắn sẽ xen vào.

Bởi thế, khi bạn đã thăm dò những truyền thống mật tông, hãy chọn một vị thầy và theo sự hướng dẫn của vị ấy. Khởi hành lên đường tu tập là một chuyện, mà có được kiên nhẫn, trì chí, tuệ giác, can đảm và sự khiêm hạ để theo cho đến cùng, là một chuyện khác. Bạn có thể có duyên nghiệp để tìm ra một vị thầy, nhưng khi ấy chính bạn phải tạo ra cái nghiệp để theo vị thầy ấy. Vì rất ít người trong chúng ta biết được làm cách nào để theo thầy, đó là cả một nghệ thuật. Cho nên dù giáo lý có vĩ đại đến đâu, bậc thầy vĩ đại đến đâu, điều cốt yếu vẫn là, bạn phải tìm trong chính bạn cái tuệ giác và thiện xảo trong sự tu tập làm sao để yêu mến và tuân theo bậc thầy và giáo lý.

Điều ấy không dễ. Sự việc không bao giờ toàn hảo. Làm sao mà toàn vẹn được, khi chúng ta đang còn ở trong thế giới tương đối của sinh tử. Ngay cả khi bạn đã chọn được một vị thầy và rất chân thành theo giáo lý, bạn vẫn thường gặp phải những rắc rối và bất mãn, mâu thuẫn và bất toàn.

Đừng ngã quị trước những chướng ngại nhỏ nhen ấy. Đấy chỉ là những cảm xúc trẻ con của bản ngã. Đừng để chúng làm bạn đui mù trước giá trị bền bỉ và tinh túy mà bạn đã chọn được. Đừng để cho sự mất kiên nhẫn của bạn lôi bạn đi xa khỏi sự dấn mình tìm chân lý của bạn. Đã bao nhiêu lần tôi lấy làm buồn khi thấy nhiều người chọn được một giáo lý và bậc thầy, theo học với một niềm hăng say đầy hứa hẹn, mà sau đó lại mất niềm tin khi xảy đến những chướng ngại nhỏ không thể tránh. Họ rơi trở lại vào con đường luân hồi sinh tử, vào những tập quán cũ, và để lãng phí nhiều năm tháng, có lẽ cả cuộc đời họ.

Đức Phật đã dạy trong bài Pháp đầu tiên của ngài, căn nguyên của mọi khổ đau chúng ta trong sinh tử là vô minh. Vô minh có vẻ như là bất tận, khi ta chưa giải thoát khỏi nó. Ngay cả khi ta đã lên đường tu tập, sự tìm kiếm của ta cũng vẫn còn bị sương mù vô minh vây phủ. Tuy nhiên, nếu bạn nhớ điều này, và luôn giữ lời Phật dạy trong tâm bạn, thì dần dần bạn sẽ phát triển được trí phân biệt để nhận ra được những mê muội của vô minh, và nhờ vậy chúng không tác hại được sự tu hành của bạn hay làm bạn mất mục tiêu nhắm tới.

Đức Phật dạy, cuộc đời ngắn ngủi như một làn chớp; tuy nhiên, như Wordsworth nói:

– Cuộc đời này thực quá nặng nề: Làm ra tiền và xài tiền cũng đủ làm cho chúng ta tiêu ma hết năng lực.

Chính sự tiêu ma năng lức ấy có lẽ là cái sự nát lòng nhất về đời người: Nó phản bội lại tinh túy của ta, nó để lỡ mất cơ hội quý báu mà cuộc đời này – cõi Bardo tự nhiên đem lại cho ta, để hiểu được và thể hiện được tự tính giác của ta. Điều mà những bậc đạo sư cốt nói cho ta biết là, ta hãy chấm dứt tự làm cho ta mê muội: Ta đã học được điều gì, nếu vào lúc chết ta không biết mình thực sự là ai? Tử thư Tây Tạng nói:

Tâm nghĩ xa xôi, không nghĩ cái chết sắp đến,

Làm những hoạt động vô nghĩa này,

Rồi trở về hai bàn tay trắng

Thực là mê muội hoàn toàn;

Điều cần là trực nhận bản tâm và giáo lý

Tại sao không tu tập đạo lộ trí tuệ ngay lúc này?

Những lời này từ kim khẩu bậc thánh nói ra: Nếu bạn không ghi nhớ lời thầy

vào tâm khảm Thì có phải bạn đã tự lừa dối mình?

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. KHÉO PHÂN TÍCH BẬC THẦY
  2. CHÂN LÝ CUỘC ĐỜI
  3. GỌI THẦY TỪ CHỐN NGÀN XA

Bài viết khác của tác giả

  1. TÂM VÀ TỰ TÍNH CỦA TÂM
  2. LUYỆN TẬP CHÁNH NIỆM
  3. TÍNH SÁNG TẠO-THIỆN TÂM

Bài viết mới

  1. CHÂN LÝ CÓ THỂ CÓ ĐƯỢC BẰNG LAO ĐỘNG QUÊN MÌNH
  2. CẢM GIÁC TỰ DO, ĐƯỢC GIẢI PHÓNG BẢN THÂN
  3. LÒNG TỪ ÁI