THIỀN CHÍNH LÀ CÁCH THỂ HIỆN CHÍNH BẠN MỘT CÁCH TRỌN VẸN

SHUNRYU SUZUKI

Trích: Không Hẳn Luôn Như Thế (Not Always So) - Thiền Viện Viên Chiếu, mùa an cư năm 2011

Thật là lầm lớn khi bạn nghĩ rằng cách tốt nhất để thể hiện chính mình là làm bất cứ gì bạn muốn, thực hiện những gì bạn vui. Đó không phải là thể hiện chính bạn. Nếu bạn biết làm gì một cách chính xác, và bạn làm nó, rồi thì bạn có thể biểu lộ chính bạn hoàn toàn.

Khi bạn sống hoàn toàn trong mỗi niệm, không mong cầu gì cả, bạn không có ý niệm thời gian. Khi bạn bị cuốn vào ý niệm thời gian – hôm nay, ngày mai, năm tới – tập khí vị kỷ bắt đầu. Nhiều tham vọng khởi lên một cách tinh quái. Bạn có thể nghĩ bạn nên xuất gia, hay lo lắng về bước kế tiếp của mình sẽ là gì. Cố gắng để trở thành một người khác, bạn mất sự tu tập và mất đặc tính của mình. Khi trung thành với lập trường hay công việc của mình, bạn thực sự đang ở đó. Đây là một điểm rất quan trọng.

Không có ý niệm thời gian, bạn tiếp tục và tiếp tục… tu tập. Từng niệm một, bạn trở thành chính mình. Sự tu tập này không dễ. Bạn có lẽ không thể tiếp tục nó ngay cả một thời thiền. Bạn sẽ cần nỗ lực lớn. Rồi bạn có thể thực hành như thế từng niệm. Cuối cùng kéo dài nó trong cuộc sống hằng ngày của bạn.

Cách để mở rộng sự tu tập là biểu lộ chính bạn như bạn là, không cố gắng trở thành người khác. Khi bạn rất thành thật với chính mình và đủ can đảm, bạn có thể biểu lộ chính bạn trọn vẹn. Người ta có thể nghĩ đủ thứ, cũng tốt thôi. Chỉ là chính mình, ít nhất đối với thầy của bạn. Đây là sự tu tập thật sự, cuộc sống thật sự của bạn. Trừ khi bạn tin cậy thầy mình, điều này hơi khó khăn, nhưng nếu bạn thấy rằng tâm thầy giống như tâm mình, bạn sẽ đủ dũng cảm tiếp tục tu tập theo lối này.

Đôi khi bạn phải tranh luận với thầy. Cũng được, nhưng bạn nên cố gắng hiểu thầy và sẵn sàng từ bỏ luận cứ của mình – khi bạn sai, khi bạn thấy mình điên rồ bám vào một quan điểm, hay khi bạn đang bào chữa. Đó là cách để thành thật với chính bạn. Bạn có thể từ bỏ: “Thôi được, con thua rồi. Con xin lỗi”.

Bạn và thầy mình đang muốn có một tương giao hoàn hảo. Đối với vị thầy, điểm quan trọng là thường sẵn sàng để nhượng bộ đệ tử. Khi vị thầy thấy mình sai, ông có thể nói, ‘Ồ! Con đúng, ta sai’. Nếu thầy bạn có tinh thần đó, bạn sẽ được khuyến khích cũng thừa nhận lỗi của mình, ngay cả lúc không dễ dàng lắm. Nếu bạn tiếp tục tu tập như thế, người ta có thể nói, “Anh điên rồi. Có gì trục trặc với anh.” Nhưng không thành vấn đề.

Chúng ta không ai giống ai. Mỗi người chúng ta khác nhau, và có những vấn đề riêng. Bạn may mắn được những người đang tu tập với mình nâng đỡ. Đây không phải là cái dù che mát để bảo vệ bạn nhưng là nơi bạn có thể tu tập thực sự, một nơi bạn có thể biểu lộ mình trọn vẹn. Bạn có thể mở mắt để hiểu rõ sự tu tập của người khác, và bạn sẽ nhận thấy rằng có thể truyền đạt tư tưởng mà không cần ngôn từ.

Chúng ta không chỉ trích nhưng hiểu và thông cảm người khác. Đôi khi có lẽ bạn cảm thấy biết rành ai đó, và khó thông cảm họ vì tâm bạn nhỏ bé. Nếu tiếp tục tu với nhau, và tâm bạn đủ lớn để tự bộc lộ và chấp nhận những người khác, tự nhiên các bạn sẽ trở thành những bạn tốt. Hiểu biết bạn mình là hiểu biết điều gì đó vượt trên chính bạn, vượt trên cả bạn mình.

Bạn có thể nói rằng khi đang hành thiền, không ai biết được sự tu tập của bạn, nhưng với tôi, đó là lúc tốt nhất để hiểu bạn. Khi bạn ngồi quay mặt vào tường và tôi thấy bạn từ đàng sau, rất dễ dàng để biết bạn tu tập loại gì. Đôi khi đi quanh thiền đường, nên tôi có thể thấy bạn. Điều này rất thú vị. Nếu bạn đang khiêu vũ hay chuyện trò hay gây tiếng ồn lớn thì hiểu bạn hơi khó. Nhưng khi chúng ta ngồi với nhau, mỗi bạn sẽ ngồi theo cách riêng của mình.

Thật lầm lớn nếu nghĩ rằng, cách tốt nhất để thể hiện chính mình là làm bất cứ gì bạn muốn, thực hiện những gì bạn vui. Đó không phải là thể hiện chính bạn. Khi có nhiều lối có thể biểu lộ mình, bạn không chắc phải làm gì, bạn sẽ làm một cách hời hợt. Nếu bạn biết làm gì một cách chính xác, thì bạn có thể biểu lộ chính bạn hoàn toàn.

Đó là tại sao chúng ta theo những nghi thức. Bạn có thể nghĩ rằng không thể biểu hiện chính mình trong một nghi thức cụ thể, nhưng khi tất cả chúng ta tu tập với nhau, người mạnh mẽ sẽ biểu hiện cách mạnh mẽ, người tử tế sẽ biểu hiện cách tử tế. Khi chúng ta đưa những thẻ kinh dọc theo hàng trong buổi lễ, mỗi người làm theo lối riêng. Sự khác nhau giữa các bạn dễ thấy vì hình thức giống nhau. Và vì chúng ta lặp đi lặp lại mãi một việc giống nhau, cuối cùng chúng ta có thể hiểu cách của những người bạn. Ngay cả khi nhắm mắt lại, bạn cũng biết, ‘Ồ! Đó là thế này thế nọ.” Đây là lợi ích của luật lệ và những nghi lễ.

Không có sự tu tập này, sự tương quan của bạn với mọi người sẽ rất hời hợt. Nếu ai đó mặc áo đẹp (đến đây sư vuốt áo mình và cười), bạn sẽ nghĩ ông ta là một tu sĩ tốt. Nếu ai đó cho bạn một món đồ đẹp, bạn sẽ nghĩ cô ta rất tốt, cô ta là người tuyệt vời. Suy nghĩ như thế không tốt lắm.

Xã hội chúng ta thường làm việc một cách hời hợt, phù phiếm. Thế lực là tiền bạc hay địa vị quan trọng nào đó. Mắt và tai chúng ta không mở hay hé vừa đủ để thấy và nghe mọi vật. Hầu hết người đến thăm Trung tâm Thiền thấy đây là một nơi lạ lùng: “Họ không nói chuyện nhiều lắm. Họ cũng chẳng cười. Họ đang làm gì?” Những người đã quen tiếng ồn ào có lẽ không để ý, nhưng chúng ta có thể liên lạc mà không phải nói nhiều. Chúng ta không thể cười mãi, nhưng chúng ta cảm được những gì người khác đang cảm nhận. Tâm chúng ta luôn luôn mở, và chúng ta đang biểu hiện mình một cách trọn vẹn.

Chúng ta có thể mở rộng sự tu tập trong đời sống phố thị và là bạn tốt với người khác. Điều này không khó khi bạn quyết định thành thật với chính mình và biểu hiện bạn tròn đầy, không mong cầu gì khác. Chỉ là chính bạn và sẵn sàng hiểu biết người khác là cách để mở rộng sự tu tập vào cuộc sống hàng ngày.

Chúng ta không biết việc gì sẽ xảy ra. Nếu bạn quên biểu hiện chính bạn tròn đầy trong mỗi niệm, bạn có thể hối tiếc về sau. Vì bạn mong mỏi vào tương lai, bạn lỡ cơ hội, và bạn bè sẽ hiểu lầm bạn. Đừng chần chờ để biểu hiện chính bạn tròn đầy.

Cám ơn các bạn rất nhiều.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. TÂM BÌNH THƯỜNG, TÂM PHẬT
  2. NGUỒN LINH SÁNG TRONG VEO
  3. MỞ RỘNG TÂM ĐỂ THẤY MỌI VIỆC NHƯ-NÓ-ĐANG-LÀ

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP