THIỀN ĐỊNH KHỞI ĐẦU BẰNG HIỂU BIẾT CHÍNH MÌNH, ĐỂ RỒI VƯỢT KHỎI MỌI HIỂU BIẾT

JIDDU KRISHNAMURTI

 

BÚT HOA NGÀY 1- 9

 ___???___

Sau nhiều ngày không mây cộng với nắng ấm, tuyết tan nhanh chóng trên núi; con thác trở nên đục ngầu, nhiều nước nên to lớn thêm, ồn ào và hung hăng. Lúc đó chúng tôi đang băng qua chiếc cầu gỗ nhỏ và nhìn về phía thượng lưu, trái núi mang một vẻ kỳ diệu, vừa tinh anh, vừa xa cách, vừa có sức mạnh hấp dẫn; lớp áo tuyết của nó lấp lánh trong nắng chiều. Trái núi đẹp như thế đó, được những dòng nước chảy xiết và hàng cây mọc ven thác bao quanh. Hùng vĩ một cách quyến rũ đột ngột, mọc thẳng lên nền trời, lơ lửng trong không trung, trái núi thật đẹp; nhưng ánh chiều, những ngọn đồi, đồng cỏ, cây cối, con thác cũng đẹp như thế. Thình lình, nguyên cánh đồng bóng mát và sự an tĩnh của nó trở nên mãnh liệt, một cường lực thật sinh động, thấm nhuần. Cường lực khai thông trí óc, như ngọn lửa xua tan tánh chai lỳ của tư tưởng. Bầu trời, cánh đồng, người quan sát, tất cả đều bị cường lực đó tóm bắt, chỉ còn có ngọn lửa và không có gì hết. Suốt buổi dạo chơi dọc theo thác nước, trên con đường hơi khúc khuỷu băng qua những cánh đồng xanh um, thiền định không phải được khơi dậy bởi im lặng hoặc vì vẻ đẹp của trời chiều đã hấp thu hết tư tưởng; thiền định vẫn tồn tại mặc dù có trao đổi vài lời nói. Không có gì ngăn cản được thiền định; thiền định vẫn tiếp tục, không phải một cách vô thức trong ngăn kín của trí óc và của ký ức, mà hiển nhiên và sáng rỡ như ánh sáng ban chiều trên ngọn cây. Thiền định không phải dai dẳng một cách cố ý, đưa đến tán tâm và xung đột; thiền định không phải là sự phát minh trò chơi để thu hút mọi tư tưởng, như là chế tạo món đồ chơi mới cho trẻ con, cũng không phải là sự lặp lại một danh hiệu để làm êm dịu tâm trí. Thiền định khởi đầu bằng hiểu biết chính mình, để rồi vượt khỏi mọi hiểu biết. Được thúc đầy bằng một chuyển động sâu ẩn, không định hướng, thiền định vẫn tiếp tục suốt buổi dạo chơi. Thiền định tiếp tục vượt khỏi tư tưởng hữu thức hoặc vô thức, thiền định là tuệ quán vượt khỏi sức mạnh của tư tưởng.

Phóng tầm mắt khỏi ngọn núi, sẽ nhìn bao quát những mái nhà kế cận, đồng cỏ, dáng dấp ngọn đồi và cả chiều cao của chúng; trong lúc lái xe bạn nhìn xa phía trước, ba trăm mét hoặc xa hơn; cái nhìn này ghi lại những con lộ dọc bên, xe ngừng lại, đứa bé trai đang băng qua đường và chiếc xe tải chạy về phía bạn; nhưng nếu bạn chỉ nhìn chăm chú chiếc xe chạy trước mặt mà thôi, bạn sẽ gây ra tai nạn. Cái nhìn phía xa bao gồm luôn phía trước, nhưng người nào nhìn chăm chú vào phía trước thì không thể thấy bao quát những vật xa hơn. Sự sống của chúng ta trôi chảy trong tức thời, trong phiến diện. Đời sống toàn thể bao hàm cái chia chẻ vụn vặt, nhưng cái chia chẻ này sẽ không bao giờ hiểu được cái toàn thể. Tuy nhiên chính ở chỗ đó chúng ta liên hồi cố thực hiện cho được, chúng ta gắn chặt vào chi tiết để cố lĩnh hội cái toàn thể. Cái đã biết luôn luôn là chi tiết, chia chẻ, và từ đó chúng ta cố lĩnh hội cái bất tri. Chúng ta không bao giờ buông bỏ chi tiết, vì chúng ta biết chắc chắn và tin rằng tìm được an ổn nơi đó. Nhưng thực sự không có cái gì cho ta biết chắc chắn, ngoại trừ có lẽ là những sự vật phiến diện và máy móc, mà cũng có lúc ta phải lầm lẫn. Để hành động, chúng ta có thể ít hay nhiều đặt tin tưởng vào những sự vật bên ngoài, như những toa xe lửa chẳng hạn. Về mặt tâm lý, trong nội tâm, cho dù lòng ham muốn của chúng ta có mãnh liệt đến đâu, cũng không có gì chắc chắn, không có gì thường hằng, ngay cả trong mối tương giao của chúng ta với người khác, cũng như trong tín ngưỡng của chúng ta hoặc nơi thánh thần trong trí chúng ta. Lòng khao khát mãnh liệt về sự chắc chắn, về sự thường hằng nào đó, và thực sự điều này tuyệt đối không hề có, là bản chất của xung đột, là ảo tưởng trước thực tại. Hiểu biết tạo ra ảo tưởng còn quan trọng vô cùng hơn là hiểu biết thực tại. Quyền lực này phải dừng hẳn lại, nhưng không phải cốt để có được thực tại; người ta không bàn cãi với một thực tế. Thực tại không phải là phần thưởng, cái sai lầm phải biến mất vì nó là sai lầm, chớ không phải trong mục đích tìm ra sự thật.

Càng không phải là sự từ bỏ.

___???___

Trích “Bút Hoa”

Krishnamurti

Dịch: Ẩn Hạc

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. TÔI KHÔNG BIẾT
  2. BÀI CA VỀ CÁI THÂN YÊU
  3. TÌNH YÊU LÀ THỰC TẠI

Bài viết mới

  1. DANH NGÔN VỀ SỰ THÔNG MINH
  2. NIỀM TIN VÀO CHỦ NHÂN KHÔNG LÀ CHÌA KHÓA
  3. BẠN THÔNG MINH HƠN BẠN TƯỞNG