THIỀN ĐỊNH LÀ GÌ?

JIDDU KRISHNAMURTI

Trích:  Thực Tại Hiện Tiền; Từ Hòa Hoàng Lan biên soạn; NXB Dân Trí, Sách Thiện Tri Thức.

Bây giờ chúng ta phải đặt một câu hỏi: thiền là gì? Chúng ta sẽ cùng nhau xem xét thiền định là gì, không phải thiền định như thế nào, mà là bản tính, phẩm chất, cấu trúc, vẻ đẹp của thiền định. Theo từ điển, từ “thiền định” có nghĩa là cân nhắc, suy nghĩ lại, xem xét, thăm dò, khảo sát, nhìn ra. Và từ “thiền định” cũng có nghĩa là sự so đo, hành động so đo. Tôi tin rằng trong tiếng Sanskrit “ma” nghĩa là so đo. So đo có nghĩa là so sánh.

Bạn đã bao giờ để ý đến cách mà Hy Lạp cổ đại vào năm 450 trước Công nguyên khám phá khắp Châu Âu? Hy Lạp chịu trách nhiệm về phép đo; người Hy Lạp đã phát minh ra phép đo. Không có phép đo thì không thể có công nghệ. Và thế giới phương Tây có năng lực công nghệ tuyệt hảo – cái đã chuyển sang Nhật Bản. Người Ấn Độ cổ đại cho rằng so đo là ảo tưởng; Ấn Độ khám phá khắp châu Á. Đừng tự hào về điều đó, tất cả đã qua đi. Bạn đã đánh mất một thứ vô cùng quý giá. Bạn đã đánh mất viên ngọc quý nhất mà bạn từng có.

Như vậy, thiền định có nghĩa là cân nhắc, suy ngẫm, và nó cũng có nghĩa là so đo. Đó là, tôi là cái này, tôi không phải là cái kia; tôi đang so sánh mình với bạn, bạn là người thông minh, xinh đẹp, đáng yêu, còn tôi thì không; đó là so đo. Chạy theo một ví dụ là so đo. Ở đâu có sự so sánh về mặt tâm lý thì ở đó không có thiền định. Ở đâu có sự cân đong, so sánh thì không thể có thiền định. Bạn có thể so sánh giữa hai chiếc xe hơi, giữa hai loại vật liệu, vải tốt hơn, giấy tốt hơn, nhà tốt hơn, thức ăn ngon hơn, nhưng khi tâm trí suy nghĩ, về mặt tâm lý, là tốt hơn thì không có thiền định. Bạn có thể ngồi kiết già, tập yoga, tất cả những loại kiểm soát, nhưng nơi nào có sự kiểm soát, nơi đó có sự so đo. Nơi nào có sự kiểm soát, nơi đó có xung đột và phải có sự so đo, và đó không phải là thiền định.

Thiền định là để sống một đời sống chuyên cần. Thiền định không tách biệt khỏi đời sống thường nhật; không phải là trốn vào trong một góc nhỏ, ngồi thiền đều đặn 20′ mỗi lần, sáng sáng, chiều chiều; đó chỉ là một giấc ngủ ngắn. Không có hệ thống nào cả. Hệ thống có nghĩa là thực hành. Thực hành có nghĩa là so đo – từ cái bạn-đang-là sang cái bạn-muốn-là, và bạn có thể thực hành sai cách. Và chắc là bạn sai rồi. Bạn gọi đó là thiền định. Thiền định đó hoàn toàn tách biệt khỏi đời sống thường nhật của bạn. Hãy khám phá xem có thể sống một đời sống thiền định thường nhật không có so đo tại bất cứ thời điểm nào hay không.

Trong thiền định, không có một sự kiểm soát nào bởi vì người kiểm soát là cái được kiểm soát. Trong thiền không có ý chí bởi vì ý chí là tham muốn. Bản chất của tham muốn là ý chí. “Tôi sẽ thiền định, tôi sẽ thực hành điều này ngày này sang ngày khác”. Trong thiền định, không có chút nỗ lực nào bởi vì không có sự kiểm soát.

Thiền định có nghĩa là tỉnh giác, tỉnh giác về Trái đất, vẻ đẹp của Trái đất, cái lá héo vàng, con chó đang hấp hối, tỉnh giác về môi trường bạn đang sống, tỉnh giác về người hàng xóm của bạn, tỉnh giác về màu sắc bạn đang mặc, tại sao bạn mặc màu đó và đeo chuỗi hạt đó, tỉnh giác về cái đó. Để tỉnh giác về vẻ đẹp của làn gió lùa trong kẽ lá, tỉnh giác về các tư tưởng, các cảm giác, phải tỉnh giác mà không lựa chọn, chỉ đơn thuần là tỉnh giác. Điều đó làm cho bạn trở nên nhạy cảm hơn – để quan sát mọi thứ một cách chăm chỉ. Khi bạn nói tôi sẽ làm điều gì, hãy làm nó, đừng bao giờ quên là bạn đã nói. Đừng nói những điều không thực lòng. Đây là phần đầu tiên của thiền định.

Hãy tỉnh giác về cảm giác của bạn, tâm trạng của bạn, ý kiến của bạn, những đánh giá của bạn, những niềm tin của bạn để trong sự tỉnh giác đó không có lựa chọn – chỉ là tỉnh giác về vẻ đẹp của Trái đất, của bầu trời và những dòng nước đẹp đẽ. Khi bạn thật sự tỉnh giác, rồi thì sẽ có sự chú tâm; chú tâm không chỉ để nhìn thấy diễn giả mà còn để thấy ra điều mà vợ của bạn đang nói với bạn, điều mà chồng của bạn đang nói với bạn, điều mà con của bạn đang nói với bạn, điều mà các chính trị gia đang nói với bạn – những thủ đoạn của họ, sự tìm kiếm quyền lực và địa vị của họ. Khi bạn chú tâm một cách sâu sắc như vậy, thì sẽ không có một trung tâm là cái “tôi”. Đó cũng là thiền định.

Rồi, nếu bạn đi xa đến vậy, nếu tâm trí đã di chuyển xa tới mức đó, thì bạn sẽ đặt câu hỏi tôn giáo là gì. Tôn giáo không phải là những thứ mà bạn đang có đây – các đền chùa và những thứ bao gồm theo các đền chùa ấy: lễ cầu an, thánh địa Tirupatis, các nhà thờ; tất cả những thứ đó không phải là tôn giáo. Các nghi thức, tín ngưỡng, chúng đã được tập hợp lại bởi tư tưởng, cái vốn là một tiến trình vật chất và bạn tôn thờ những cái mà tư tưởng đã tạo ra, những cái mà bạn đã tạo ra. Bạn đã bao giờ nhận ra rằng tất cả những nghi lễ này, những vị thần này là do bạn đã tạo ra bằng nỗi sợ hãi của mình, bằng khát vọng được an toàn của mình?

Tôi biết bạn không đồng ý, nhưng hãy lắng nghe điều này. Bạn sẽ tiếp tục làm như vậy bởi vì tâm trí bạn đã bị điều kiện hoá, lo sợ, muốn một cái gì đó an toàn, nhưng một người có tôn giáo không phụ thuộc vào bất kỳ một nhóm người nào, bất kỳ một tôn giáo nào, không có bất cứ niềm tin nào bởi vì tâm trí của anh ta tự do. Trí thông minh (Intelligence) là hình thức cao nhất, thiêng liêng nhất của sự an toàn tối thượng, không phải là trí khôn của tư tưởng xảo trá. Có trí thông minh của lòng bi mẫn. Trong đó không có nghi ngờ, không có bất an, không có lo sợ. Trí thông minh đó là một cái gì đó bao la và phổ quát.

Và nơi nào có sự chú tâm, nơi đó có sự tĩnh lặng. Nếu bạn chú tâm tới những gì diễn giả đang nói vào lúc này, chú tâm vào đôi tai của bạn, đôi mắt của bạn, từng tế bào thần kinh của bạn, tới toàn bộ cơ thể bạn, nếu bạn thật chú tâm như vậy, thì trong phẩm tính của sự chú tâm đó có sự tĩnh lặng, một sự tĩnh lặng vô bờ bến. Sự tĩnh lặng mà tư tưởng không bao giờ có thể chạm tới, và chỉ khi đó, những gì mà con người đã tìm kiếm từ thời xa xưa, một cái gì đó thiêng liêng, không tên gọi, siêu việt, mới xuất hiện. Chỉ tâm trí đó là hoàn toàn tự do thoát khỏi mọi dấu vết của đời sống, chỉ một tâm trí như vậy mới có thể tìm thấy cái tối thượng. Đó có nghĩa là thiền định, sự biểu lộ của hoạt động hàng ngày.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. TÔI KHÔNG BIẾT
  2. BÀI CA VỀ CÁI THÂN YÊU
  3. TÌNH YÊU LÀ THỰC TẠI

Bài viết mới

  1. BẢN NGÃ KHÔNG LÀ GÌ KHÁC NGOÀI TRẠNG THÁI Ý THỨC
  2. VIẾT LÊN TƯỜNG BẰNG MỘT CÂY BÚT DẠ
  3. TỰ TẠO RA NIỀM HẠNH PHÚC CỦA RIÊNG MÌNH