KHENCHEN THRANGU RINPOCHE
■Tại sao chúng ta hoàn thành nội quán?
[179] Bằng cách nhìn vào chính cái tâm chúng ta có thể chứng ngộ bản tánh chân thật của tâm. Khi chúng ta chứng ngộ cái này, mọi mê lầm có thể từ bỏ được, và trí huệ và những phẩm tính tốt khác của tâm sẽ sanh khởi. Điều này được chỉ ra trong những bài ca tâm linh và lời khuyên của những thành tựu giả của truyền thống đại ấn. Chẳng hạn, Saraha nói, “Khi tâm bị trói buộc, người ta bị trói buộc; khi nó được giải thoát, không còn có nghi ngờ”. Saraha nói, “Khi những nhánh và lá của những cái cây mọc sum suê, nếu rễ chính bị cắt cả trăm ngàn lá khô đi. Cắt rễ của tâm – sanh tử – cũng giống như vậy”. Nói cách khác, nếu bạn cắt rễ của một cái cây, tất cả lá sẽ khô rụng. Cũng vậy, nếu rễ cái của khổ đau bị cắt, tất cả vô số loại khổ đau trong sanh tử sẽ bình lặng. Và Shantideva vĩ đại nói, “Nếu bạn không biết tâm, điều này sẽ trở thành nguyên nhân của mọi khổ đau. Nếu bạn biết tâm và bảo vệ tâm, đây là cái tối cao của hành động không giả tạo”. Nếu chúng ta không hiểu bản tánh của tâm, chúng ta không thể từ bỏ khổ đau. Nếu chúng ta thấu hiểu bản tánh của tâm, chúng ta có thể từ bỏ khổ đau và có được hạnh phúc. Thế nên cốt yếu là biết bản tánh của tâm và bảo vệ giữ gìn nó. “Hành động không giả tạo” ám chỉ hạnh với mục tiêu trở nên quen thuộc với tâm và giữ gìn nó. Điều này bao gồm nhận biết bản tánh của tâm và rồi hành động trên nền tảng của bản tánh ấy.
Một số người chỉ trích thực hành này. Họ nói rằng tinh túy của Pháp là tham thiền về tánh Không, không phải tham thiền về bản tánh của tâm. Họ cũng nói rằng nếu tâm thanh tịnh một cách bổn nguyên, thì chúng sanh cũng đã là Phật và không cần nổ lực để đạt giác ngộ. Nhưng những người ấy sai lầm. Họ nghĩ rằng tánh Không là cái gì tốt và tâm là cái gì xấu. Đó là bởi vì họ không hiểu bản tánh của tâm. Thực ra, bản tánh của những hiện tượng và bản tánh của tâm là một. Thế nên, nếu chúng ta tham thiền về bản tánh của tâm, chúng ta chứng ngộ tánh Không một cách tự nhiên.
Tánh Không được bàn luận rộng rãi trong những kinh của Đức Phật và những luận của các đệ tử. Tuy nhiên, khi tham thiền, không thể tham thiền trực tiếp về tánh Không của những hiện tượng bên ngoài. Thế nên, chúng ta phải nhìn vào tâm và cắt đứt sự mê mờ của nó. Đã thấy bản tánh của tâm, chúng ta có thể tham thiền về nó. Như vậy, trong truyền thống đại ấn, chúng ta nói về semtri, hay “chỉ ra tâm”.
■Những kinh về thật tánh của tâm
[183] Trong kinh Đức Phật nói nhiều lần rằng tham thiền về bản tánh của chân thật của tâm là quan trọng. Như vậy, ý niệm này về tham thiền thật tánh của tâm không phải được sáng chế ra về sau do các vị trong dòng Kagyu. Cũng vậy, trong những luận và bình giảng, các học giả và những hiền triết qua nhiều đời đã làm rõ rằng chúng ta phải tham thiền về thật tánh của tâm. Cuối cùng, những lời nói và bài ca tâm linh của những thành tựu giả của truyền thống đại ấn ở Ấn Độ nhấn mạnh sự quan trọng của tham thiền về thật tánh của tâm. Ánh trăng Đại Ấn trích ra từ mọi nguồn này.
■Những giai đoạn của thiền quán
[184] Trong hai loại tham thiền, tham thiền phân tích và tham thiền định chỉ, thiền quán vipashyana là một loại tham thiền nổi bật về phân tích. Trong một thời thiền quán, chúng ta bắt đầu bằng an định ngắn trong sự cân bằng của thiền chỉ. Rồi chúng ta sanh khởi cái mà tiếng Tây Tạng gọi là salngar. Âm tiết thứ nhất có nghĩa “trong sáng” hay “quang minh” và “sáng rỡ”, và thứ hai, “một siết chặt tâm” hay “sức mạnh”. Ghép thành nghĩa tâm là sắc bén một cách sáng chói và không thư giản. Nó là sự sắc bén của tâm, phẩm tính cắt đứt của tâm, làm sanh ra nội quán và dẫn đến trí huệ của tỉnh giác phân biệt. Tỉnh giác này sanh khởi trong tiến trình nhìn thẳng vào tâm, thì trong sáng rạng rỡ và sắc bén.
Chúng ta bắt đầu tìm kiếm bản tánh của tâm trong cùng một cách mà chúng ta khám phá vô ngã của con người như được dạy trong truyền thống kinh. Khi chúng ta tìm kiếm cái ngã cá nhân – cái tôi – chúng ta không tìm thấy cái gì cả. Và như vậy chúng ta khám phá sự không hiện hữu của cái ngã. Theo cùng cách ấy, chúng ta tìm kiếm cái tâm bằng cách hỏi, “Nó ở trong đầu chăng? Nó ở trong thân chăng? Nó ở ngoài thân chăng?” Chúng ta không tìm thấy nó ở đâu cả.
Khi chúng ta làm thực hành này, chúng ta để mắt mở. Vị thầy vĩ đại Saraha nói thiền giả không nhắm mắt, nghĩa là thiền giả nhìn chăm chú với mắt mở, thậm chí không chớp mắt, và tham thiền. Một số người thấy khó khi tham thiền mắt mở; trong trường hợp này, cũng không có nhiều khác biệt. Tuy nhiên trong truyền thống đại ấn có nói rằng chúng ta giữ mắt mở, và đó là cách tốt hơn.
Theo Saraha, “Vị Bà la môn nhìn lên; bực Thanh Văn nhìn xuống; hai mắt kim cương nhìn thẳng”. Trong nhiều truyền thống không phải Phật giáo, hành giả nhìn lên khi tham thiền. Họ chiêm ngắm một bổn tôn và cảm thấy rằng vị ấy ở trên bầu trời. Các Thanh Văn nhìn xuống để tư tưởng và phiền não không sanh khởi. Tương tự, trong truyền thống Theravada khi đi khất thực, các tăng nhìn xuống đất. “Mắt kim cương” ám chỉ những hành giả đại ấn trong truyền thống kim cương thừa. “Đôi mắt kim cương nhìn thẳng” nghĩa là hành giả không nhìn lên hay xuống; họ chỉ nhìn thẳng phía trước. Chính xác, họ nhìn cái gì? Họ nhìn thẳng tâm mình.
⚛️Chúng ta nhìn tâm như thế nào
Chúng ta bắt đầu với thực hành thiền chỉ, và khi thời thiền tiếp tục, chúng ta tìm kiếm tâm khi trong thiền chỉ. Chúng ta nhìn ra ngoài để tìm tâm, hay nhìn vào trong để tìm tâm. Bản văn trả lời khi nói rằng chúng ta nhìn bất cứ chỗ nào cảm thấy thoải mái. Chúng ta có thể cảm thấy rằng chúng ta đang ở đây và tâm chúng ta ở nơi nào kia, thế nên giống như chúng ta đang tìm tâm chúng ta ở đâu đó. Hay chúng ta có thể cảm thấy rằng chúng ta ở ngoài và tâm chúng ta ở trong, thế nên chúng ta cảm thấy mình đang nhìn vào tâm. Cách nào cũng tốt. Nhưng khi nhìn, chúng ta nhìn một cách trần trụi. “Trần trụi” nghĩa là chúng ta không nhìn theo cách nghiên tầm lý luận, mà nhìn trực tiếp.
Nếu tâm hiện hữu, chúng ta phải có thể tìm thấy nó và nói, “Nó là cái này”. Thế thì chúng ta bắt đầu tìm kiếm nó. Một trong những cách tìm kiếm tâm là cố gắng phân biệt hình dạng của nó. Nó tròn? Nó vuông? Nó có hình trái núi? Nó có hình con người? Nếu cuối cùng chúng ta không thể tìm ra hình dạng nó nhưng vẫn cảm thấy tâm ta là cái gì đó, thì chúng ta tìm màu sắc của nó. Những sự vật bên ngoài có màu sắc và hình dạng, nhưng tâm ta có một màu sắc hình dạng không?
Nếu tâm hiện hữu, nó phải ở đâu đó. Chúng ta có thể nghĩ tâm ta ở trong thân, thế thì chúng ta nhìn bắt đầu từ đỉnh đầu cho đến gót chân. Nó ở trong đầu, trong cánh tay, trong trái tim? Chúng ta nhìn khắp những phần thân thể nhưng không tìm thấy tâm ở trong phần nào cả. Bấy giờ chúng ta có thể nghĩ nó ở khắp toàn thân, và thế là chúng ta nhìn toàn bộ thân.
Khi nói về tâm, chính xác cái gì là tâm? Tâm là cái ta suy nghĩ chăng? Tâm thấy, nghe, biết và nhớ. Sau khi tìm kiếm chúng ta hỏi, “Chúng ta không nghĩ và nhớ những sự vật sao?” Dĩ nhiên là có. Câu hỏi là: Tâm nghĩ nhớ những sự vật ấy ở đâu? Tâm không thấy màu sắc và hình dạng sao? Dĩ nhiên là có, nhưng cái tâm thấy màu sắc và hình dạng ấy ở đâu? Chúng ta có nghe âm thanh, nhưng cái tâm nghe âm thanh ấy ở đâu? Chúng ta tìm kiếm cái tâm thấy, nghe, biết, nhớ, nhưng chúng ta không tìm thấy nó. Sự không tìm thấy tâm này gọi là tánh Không. Sự không tìm thấy tâm là sự không có hiện hữu cố định, sự không có bất kỳ bản tánh nào về phần nó, sự vô tự tánh của tâm.
Chúng ta nghĩ rằng tâm hiện hữu nhưng không thể tìm thấy nó. Đó là tại sao, trong Tâm Kinh, Đức Phật nói, “Sắc tức là Không, Không tức là sắc; sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác sắc.” Chúng ta đi qua năm uẩn trong đó nhóm họp mọi yếu tố khác nhau của thân và tâm, và chúng ta không thể tìm thấy tâm của ta. Trong Tâm Kinh, Đức
Phật nói, “Sắc không hiện hữu, thọ không hiện hữu, tưởng không hiện hữu, hành không hiện hữu, và thức không hiện hữu.” Qua phân tích chúng ta khám phá ra rằng, như Đức Phật nói, thân và tâm không thật sự hiện hữu. Chúng ta không tìm thấy tâm ở đâu cả. Lý do chúng ta không tìm thấy tâm ta bởi vì nó trống không.
Cái gì là bản tánh của sự trống không của tâm chúng ta? Có phải sự trống không này là không có gì như không gian? Không phải. Chúng ta nhớ và biết sự vật, nhưng chúng ta không thể tìm thấy cái tâm biết, thấy và nhớ. Tâm biết, nhưng người biết không thể tìm thấy. “Sắc là Không, Không là sắc.” Cũng thế, mỗi cái của năm uẩn tạo nên một con người thì trống không, và trống không là mỗi cái của năm uẩn. Thế nên chúng ta có thể nói, “Thức là Không, Không là thức.” Sắc và không xảy ra đồng thời. Chúng ta nói đến sự thống nhất của sắc tướng và tánh Không đối với những hình tướng thấy được và sự thống nhất của quang minh và tánh Không đối với thức hay tâm. Sự bất khả phân của sắc tướng và tánh Không nghĩa là những sắc xuất hiện là trống không; nhưng trong khi trống không, chúng xuất hiện. Tương tự, thức là trống không, và đồng thời, nó là quang minh. Sự thống nhất của quang minh và tánh Không là điều chúng ta khám phá khi chúng ta tìm kiếm tâm.
Sau khi nói, “Sắc là Không, Không là sắc”, Tâm Kinh tiếp tục, “Không không khác sắc, sắc không khác Không.” Cũng thế, tâm là Không, Không là tâm; Không không khác tâm, tâm không khác Không. “Không khác” có nghĩa là chúng ta không tìm thấy chúng ở chỗ nào tách biệt. Không thể đặt sắc ở đây và tánh Không của nó ở nơi khác. Tánh Không của tâm và bản thân tâm là một. Không có cái tâm không là tánh Không và có riêng thể tánh của nó.
Hơn là chỉ hiểu điều này một cách tri thức, chúng ta phải thực sự kinh nghiệm nó. Không đủ tốt khi nói, “Tốt, tôi nghĩ nó giống như vậy”. Chúng ta phải chắc chắn. Bản văn nói tâm phân tích chính nó theo cách “đá gặp xương”. Khi chúng ta nhìn tâm với sự trực tiếp và mãnh liệt này, chúng ta tìm thấy bản tánh trống không quang minh của tâm, sự không tìm thấy tâm ở trong tỉnh giác, và chúng ta an định ở trong đó. Ở điểm này chúng ta biết tâm là trống không. Nó không còn chỉ là một lý thuyết nữa. Chúng ta an trụ cân bằng và bằng phẳng (TT. Chammeba) trong quang minh và tánh Không ấy. Chúng ta không xao động mà an định trọn vẹn, vững chắc, bằng phẳng, và thoải mái trong quang minh và tánh Không ấy.
⚛️Truyền thống kinh của tham thiền về tâm
[186] Trong phần kế tiếp, bản văn trích nhiều hơn những đoạn từ những lời dạy của Đức Phật chỉ ra sự quan trọng của tham thiền về bản tánh của tâm, cách thức tham thiền về bản tánh của tâm, và cái được thấy và không được thấy khi chúng ta tham thiền về bản tánh của tâm. Đây là một sự khuyến khích nhiệt tình cho việc thực sự kinh nghiệm bản tánh của tâm hơn là ở yên trong một cái hiểu mơ hồ về nó.
Trong truyền thống kinh, cần hàng niên kỷ tích tập công đức để làm mạnh và trao truyền lực cho tâm đến điểm nó có thể chứng ngộ thực sự tánh Không. Tuy nhiên trong truyền thống những lời dạy tinh túy, bản tánh của tâm được giới thiệu trực tiếp. Biết điều này, thì trở nên rõ ràng rằng chúng ta vô cùng may mắn đã gặp được truyền thống những chỉ dạy tinh túy.
—
NHỮNG ĐIỂM THIẾT YẾU CỦA ĐẠI ẤN _ NHÌN THẲNG TÂM
Thiện Tri Thức – 2014.