THIỀN QUÁN

JOSEPH GOLDSTEIN


JOSEPH GOLDSTEIN

—*—

Thông qua quyền lực của sự kiềm chế, chúng ta có thể bắt đầu tiến trình của việc tháo gỡ suy nghĩ và phóng chiếu của tâm từ hiện thực về điều thực sự diễn ra. Vipassanā nghĩa là nhìn mọi thứ như chúng là; hay như một thiền sư Thái Lan nói: là việc học nhìn cái gì là cái gì. Nhìn cái gì là cái gì phát triển trong một tâm không bị điều khiển lâu dài một cách ép buộc bởi mọi ham muốn hay ảo tưởng của cái tôi [bản ngã]. Sự kiềm chế tạo ra một sự rộng rãi trong tâm để có thể đề cao sự trống rỗng và vô thường của hiện tượng. Đức Phật diễn tả bản chất phù du này của kinh nghiệm trong một bài kệ ngắn:

Nhìn cả thế giới này,

Như sao lúc bình minh, như bọt nước trên suối,

Như tia sáng trong mây giông,

Như ngọn đèn lập lòe, như ảo ảnh, như giấc mơ.

Trí tuệ này mở ra cho chúng ta khả năng của sự giản dị trong cuộc sống của mình, của điều mà đức Phật gọi là “nỗi đau khổ lớn lao nhất” – sự mãn nguyện. Chúng ta bị điều kiện hóa để ham muốn nhiều hơn, để nghĩ rằng chúng ta sẽ hạnh phúc hơn nếu mình tích lũy thêm nhiều tiền bạc hay tài sản, thêm nhiều danh giá, tiếng tăm, quyền lực, tình dục…, rằng chúng ta tự chất lên mình nhiều gánh nặng với sự thu nhận, giành giật cả về vật chất và tâm lý. Lý lẽ ẩn sau tâm ham muốn này là thực hiện điều đó sẽ làm mình hạnh phúc hơn. Nếu dừng phản ứng với hoàn cảnh của mình, thì chúng ta có thể thấy thái độ ham muốn sẽ đơn giản dẫn tới lòng tham và sự thất vọng lớn hơn.

Vấn đề không phải là chúng ta hiếm khi thực hiện mong ước của mình, mà là chúng ta thường thực hiện chúng, nhưng lòng tham muốn vẫn còn đó. Trong cuộc đời mình, chúng ta đã kinh nghiệm bao nhiêu âm thanh thú vị, mùi vị hấp dẫn, cảm giác tuyệt vời, tư duy hứng thú và cảm thọ sung sướng? Vô số, quá nhiều để có thể nhớ được. Nhưng tất cả những điều này không làm tâm ham muốn được thỏa mãn. Chúng ta có mong ước, thỏa mãn nó, và kinh nghiệm một vài điều dễ chịu, rồi khi các điều kiện thay đổi và sự dễ chịu giảm xuống hay biến mất. thì chúng ta thấy sự khao khát, ham muốn nhiều hơn quay trở lại. và lại bị thúc đẩy bởi việc nhận thấy sự thiếu thốn như trước. Chúng ta cố gắng hết lần này đến lần khác để đi tới sự hoàn thiện, nhưng nó không có hiệu quả, chúng ta không bao giờ hoàn tất.

Chúng ta khao khát điều gì? Khao khát là cơn đói các cảm thọ dễ chịu [lạc thọ]. Khi chúng ta khao khát các hình ảnh, âm thanh, mùi, vị, xúc chạm thân thể hay trạng thái tinh thần [sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp], thì sau đó chúng ta [cố gắng] có cảm thọ dễ chịu. Vấn đề là dù cho cảm thọ dễ chịu có tới, thì chúng cũng không kéo dài quá lâu. Chúng ta cứ đi lòng vòng, tìm kiếm sự thỏa mãn vĩnh cửu trong những hiện tượng mà bản chất của chúng là vô thường.

Có một câu chuyện về Mullah Nasruddin diễn tả sự trớ true này. Một buổi tối, bạn bè của Nasruddin bắt gặp ông đang bò lồm cồm bằng cả hai tay và đầu gối để tìm cái gì đó dưới ánh đèn. Khi hỏi ông đang tìm kiếm gì, ông trả lời rằng ông bị mất chìa khóa nhà. Tất cả bọn họ đều ngồi xuống và giúp ông tìm kiếm, nhưng không thành công. Cuối cùng, một người bạn hỏi Nasruddin chính xác nơi ông đánh rơi chìa khóa. Nasruddin trả lời: “Ở trong nhà”.

Bạn bè hỏi: “Thế tại sao ông lại đi tìm dưới ánh đèn?”

Nasruddin trả lời: “Bởi vì ở đây có nhiều ánh sáng hơn.”

Chúng ta đang làm điều giống như vậy – tìm kiếm hạnh phúc trong thỏa mãn giác quan bởi vì dường như đó là nơi rõ ràng hơn để tìm kiếm. Đó là nơi mọi người đang tìm kiếm, tin rằng đó là nơi có thể tìm thấy hạnh phúc. Nhưng chúng ta thực sự không cần nhiều lắm để có thể hạnh phúc. Nhưng chúng ta thực sự không cần nhiều lắm để có thể hạnh phúc. Sự tự nguyện giản dị tạo ra khả năng của ánh sáng và không gian bao la trong cuộc sống của chúng ta. Khi những năng lực của lòng tham và sự hám lợi dịu đi và chúng ta ít bị điều khiển bởi sự thúc đẩy của tâm ham muốn, thì chúng ta sẽ kinh nghiệm được sự bình an ngày càng lớn lao hơn.

Và thay vì nguyên nhân của sự rút lui khỏi thế gian này, nó tạo ra một không gian trong cuộc sống để trong đó chúng ta có thể di chuyển và cử động với nhiều sức mạnh và toàn vẹn hơn. Sự rộng lượng trở thành một diễn đạt tự nhiên hơn của sự hiểu biết , trao đi với trái tim rộng mở: thời gian, năng lượng, các món đồ vật chất, lòng tốt, sự quan tâm, chăm sóc, và tình thương của mình. Ngoài việc là nền tảng tuyệt vời cho mối quan hệ của chúng ta với những người khác, sự thực hành bố thí cũng giúp chúng ta thấy rõ ràng hơn về các động cơ và sự dính mắc trong những hành vi của bản thân mình.

Khi tôi đang thực hành tại Ấn Độ, câu hỏi về sự trao tặng sinh khởi trong suốt cả thời gian đó bởi vì có nhiều người đang ăn xin chỉ để có thể tồn tại. Và dù cho chúng ta có thể sống giản dị nhất như thế nào, hay có tài sản ít ỏi ra sao, thì rõ ràng là vẫn còn hơn họ rất nhiều. Sự thật này không thể tránh được. Một ngày tôi đang mua cam ở cửa hàng và có một đứa bé ăn xin đi tới. Tôi trao cho nó một quả cảm của mình. Đứa bé không hề cảm ơn tôi hay mỉm cười, thậm chí đến cả gật đầu cũng không – không hề có chút hành động biết ơn nào. Nó chỉ nhận lấy trái cam và bỏ đi. Sự việc đơn giản này đã giúp làm sáng tỏ một điểm vô thức của mong đợi vi tế trong tâm. Đằng sau ngay cả mong ước chia sẻ thực sự vẫn có mong đợi về một sự đáp trả nào đó dù nhỏ bé. Với sự chú tâm thận trọng, chúng ta có thể quan sát và buông bỏ ngay cả những mong đợi vi tế nhất và học cách phản ứng với các tình huống bằng sự giản dị của tâm vị tha của mình.

Vào cuối đời, Aldous Huxley trở thành người đánh giá cao các thực hành tâm linh, đó là cách trở nên tốt bụng hơn đối với những người khác. Thực hành lòng tốt có nghĩa là chúng ta liên hệ với mọi người thay vì buông lơi họ, lòng tốt phá vỡ những ngăn cách giữa bản thân chúng ta và những người khác. Khi có thái độ tốt bụng mạnh mẽ, chúng ta ngừng lo lắng một cách đơn độc với những bận tâm riêng của mình, và vòng tròn chăm sóc của chúng ta rộng mở để ôm trọn tất cả. Chăm sóc cho lợi ích của những người khác trực tiếp biểu lộ và nuôi dưỡng tự do thoát khỏi nhà tù cô độc của bản ngã (cái tôi). Nhưng điều quan trọng là không tạo ra một ý tưởng về việc điều này nên diễn tả như thế nào, bởi vì nếu mang một thái độ thương yêu chăm sóc bên trong mình, thì chúng ta không cần chờ đợi những tình huống thật kịch tính diễn ra. Chúng ta có thể tìm thấy cơ hội để thực hiện những đức tính này nhiều lần trong ngày.

Sau đó, tình thương yêu chăm sóc hay mettā (tâm Từ) trong cuộc sống của chúng ta trở thành một động cơ mạnh mẽ cho việc trau dồi hiểu biết và thực hành những hành động hài hòa, không gây hại cho bản thân mình hay những người khác. Năm giới luật đạo đức cơ bản của đạo Phật – không giết hại, không trộm cắp, không nói dối, kiềm chế trước những hành vi tình dục gây hại cho bản thân mình hay những người khác, và không làm mê mờ hay náo loạn tâm trí với các chất gây nghiện – cung cấp một hướng dẫn đơn giản và đầy sức mạnh cho việc làm hài hòa hành động của chúng ta đối với những người khác và với môi trường. Những giới luật này là sự thực hành các kiềm chế cơ bản, chúng biểu lộ sự lựa chọn có ý thức để kiềm chế, tránh những hành động gây ra sợ hãi và xao động. Qua sự biểu hiện bằng hành động thực hiện lời cam kết không gây hại và bi mẫn này trong đời sống của mình chúng ta đang trao tặng món quà hiếm hoi của sự tin cậy [vô úy thí: bố thí sự không sợ hãi] đối với tất cả những ai mà mình gặp, bởi vì chúng ta đang phát biểu rõ ràng trong những hành động và trong cách có mặt của mình rằng không có ai cần phải sợ chúng ta.

Hành động hài hòa tạo ra sức mạnh vĩ đại của tâm, bởi vì năng lượng của chúng ta không bị cuốn vào những hành vi hung hăng, dối trá hay hối tiếc. Bằng cách tuân theo sự huấn luyện và thanh lọc của những giới luật này, chúng ta giải thoát bản thân mình khỏi mối nguy hiểm của tội lỗi và sự tự vấn của lương tâm. Mặc dù trong những bận rộn của đời sống hàng ngày, chúng ta có thể không luôn nhận biết về phạm vi của những cảm thọ này trong tâm, nhưng khi chúng ta trở nên tĩnh lặng hơn thông qua sự thực hành của mình, thì ấn tượng của những hành động quá khứ của chúng ta sẽ trở nên rất mạnh mẽ và rõ ràng. Và chúng ta sẽ dễ dàng tha thứ và thương cảm bản thân mình hơn về những điều bất thiện mà mình có thể đã thực hiện trong quá khứ nếu giờ đây chúng ta đã có một nhận thức hài hòa và mạnh mẽ về đạo đức và sự chính trực.

Động cơ của việc sống đạo đức được đặt nền tảng trên sự đánh giá của chúng ta về lòng từ (mettā) hay sự thương yêu chăm sóc – đức tính của tâm mong muốn hạnh phúc và bình an cho tất cả chúng sinh; karunā: lòng bi mẫn cho chúng sinh đang đau khổ hay khốn cùng; và mudita: sự hoan hỷ trước thành công của người khác. Việc có đạo đức nhờ được nuôi dưỡng bởi những trạng thả tâm này sẽ đóng vai trò như một sự trang hoàng đích thực và nổi bật trong cuộc sống của chúng ta. Trái ngược với sự trang hoàng nhân tạo bề ngoài vẫn thường lôi cuốn chúng ta, việc sống có cân nhắc về lợi ích của mọi chúng sinh tạo ra một vẻ đẹp thực sự và bền vững.

Điều quan trọng là cần chuyển hóa hiểu biết của mình vào trong sự thực hành, không phải với một tầm nhìn lý tưởng rằng chúng ta sẽ đột nhiên trở nên hoàn toàn thương yêu và bi mẫn, mà là một lòng nhiệt tình với con người mà chúng ta đang là và xuất phát từ đó. Sau đó sự thực hành của chúng ta sẽ được đặt nền tảng trên hiện thực kinh nghiệm của bản thân mình, thay vì dựa trên những mong ước về việc chúng ta nên là người như thế nào. Nhưng chúng ta phải bắt đầu. Chúng ta làm việc với các giới luật như là những hướng dẫn cho những hành động hài hòa của mình trên thế giới; chúng ta sống với sự mãn nguyện và đơn giản không bóc lột người khác hay hành tinh này, chúng ta làm việc với sự kiềm chế trong tâm, nhìn thấy rằng có thể nói không với những cơn bốc đồng bị điều kiện hóa nào đó, hay mở rộng khi chúng ta cảm thấy bị ràng buộc bởi sự ức chế và sợ hãi; chúng ta suy ngẫm về nghiệp và định hướng của cuộc đời mình, nó sẽ dẫn tới đâu và cái gì đang được phát triển, chúng ta nuôi dưỡng lòng độ lượng [tâm rộng rãi và hay thực hành bố thí] và tình thương, lòng bi mẫn và sự phục vụ. Tất cả những điều này cùng với nhau trở thành con đường thực hành của chúng ta. Nó dẫn tới trí tuệ sâu sắc và tình thương rộng lớn hơn trong tâm trí. Ngài Gyalwa Karmapa nói: “Nếu bạn có 100% sự cống hiến và tự tin trong những lời dạy, thì mọi hoàn cảnh sống đều có thể trở thành một phần của sự thực hành. Bạn có thể sống với sự thực hành thay vì chỉ làm nó.”

—*—

Trích dẫn: Thiền Quán – Con Đường Của Tuệ Giác (2013)
Việt dịch: Pháp Minh Trịnh Đức Vinh
Tác giả: Joseph Goldstein
NXB: Công Ty Sách Thái Hà

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. KINH NGHIỆM ĐẦU TIÊN CỦA TÔI VỀ NIỀM TIN
  2. DŨNG CẢM – SỨC MẠNH CỦA TRÁI TIM
  3. NHIỀU CON ĐƯỜNG – MỘT LỐI ĐI

Bài viết mới

  1. LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ ĐƯỢC “NĂNG LỰC LÀM NGƯỜI”
  2. MỘT CÁI NHÌN RÕ RÀNG VỀ CHÍNH MÌNH: NHỮNG ĐỐI TRỊ VỚI SỰ KIÊU MẠN
  3. NGƯỜI NÀO PHÔ TRƯƠNG, KẺ ĐÓ TỰ TI