HH. DALAI LAMA XIV
Sofia Stril-Rever
Trích: Hãy Làm Một Cuộc Cách Mạng !, Lời Kêu Gọi Tuổi Trẻ Của Đức Đạt Lai Lạt Ma, Hoang Phong chuyển ngữ, Thư Viện Hoa Sen
Tại sao? Bởi vì lòng từ bi là cốt lõi của tất cả. Người ta thường xem nó là một lý tưởng cao quý hay một cảm tính tuyệt đẹp, điều này là một sự sai lầm. Các bạn lớn lên trong một xã hội tôn thờ vật chất và chủ nghĩa cá nhân, do đó lòng từ bi có thể đối với các bạn cũng chỉ là dấu hiệu của sự yếu đuối. Đấy là vì không ý thức được lòng từ bi giữ một vai trò trội hơn tất cả các thứ khác, đó chính là năng lượng chuyển tải sự sống. Thật vậy trong khi tôi đưa ra các lời kêu gọi này thì sự sống cũng đang ngã gục trên địa cầu. Hai phần ba các loài sinh vật có xương sống đã bị tuyệt chủng. Khắp nơi, từ đồng ruộng, đại dương, không trung cho đến rừng rậm, sinh vật ngày càng thưa hiếm dần. Sau sự diệt chủng của các giống khủng long cách nay 66 triệu năm thì sự tận diệt hàng loạt lần này đang cho thấy những hậu quả vô cùng trầm trọng đối với hệ thống môi sinh và cả các xã hội con người của chúng ta. Nguyên nhân trực tiếp của sự tuyệt chủng đó là sự sinh hoạt của con người, mà chính sự sinh hoạt này lại còn được gia tăng thêm bởi kỹ nghệ. Quả đã đến lúc mà lòng từ bi phải giúp chúng ta xét lại cung cách hiện hữu của mình trên địa cầu này hầu tái lập lại sự sống.
Ngày nay người ta đã bắt đầu nhận thấy các tác động sinh học gây ra bởi lòng từ bi, tất cả là nhờ vào sự phát triển của các ngành thần kinh học trong các lãnh vực xúc cảm và [các sinh hoạt] xã hội, bằng cách trắc nghiệm các thể loại xúc cảm, các cảm tính cũng như khả năng giao cảm giữa con người với nhau. Các ngành khoa học này đã chứng minh cho thấy tác động tích cực của lòng từ bi đối với sự sinh sản các tế bào thần kinh (neurogenesis) (lòng từ bi giúp các tế bào thần kinh/neurones sinh sản nhiều và tốt hơn – ghi chú trong sách), không những [các tế bào thần kinh nhân lên] trong lúc còn là bào thai mà cả sau này trong suốt thời gian hiện hữu của một cá thể (trước kia người ta cho rằng tế bào thần kinh chỉ nhân lên trong thời gian còn là thai nhi, thế nhưng khoa học ngày nay chứng minh cho thấy não bộ tiếp tục phát triển dù đã trưởng thành và nhất là liên hệ mật thiết đến tình trạng xúc cảm và cả việc hành thiền). Ngược lại, sự hung hăng sẽ giới hạn sự phát triển các hệ thống kết nối giữa các tế bào thần kinh, và hủy hoại các tế bào thuộc các cấu trúc của não bộ bằng cách ngăn chận tác động của một số gien.
Thật rõ ràng lòng từ bi giữ một vai trò chủ yếu đối với sự nẩy nở và sự uyển chuyển (malleability, plasticity) của não bộ. Lòng từ bi cũng dự phần vào sự phát triển hài hòa và tốt đẹp nhất cho trẻ em và cả vị thành niên. Đối với những người đã trưởng thành thì lòng từ bi là một yếu tố quan trọng mang lại sức khỏe và một cuộc sống sung mãn hơn. Thật vậy, khi nào tâm thần thấm đượm lòng từ bi thì các gien gây ra chứng căng thẳng thần kinh sẽ bị ngăn chận, các tác động sinh hóa (biochemistry) trong não bộ theo đó cũng sẽ biến cải, tiết ra các kích thích tố hạnh phúc (xin lưu ý từ bi không phải chỉ là cách nghĩ đến các chuyện “thương người” hay “tội nghiệp” người khác, hoặc là lo toan các chuyện “bố thí”. Từ bi là một “xúc cảm”, xúc cảm đó có thể rất mạnh làm rung chuyển tâm hồn mình, khiến con tim phải se thắt lại. Các chuyển động thật sâu xa đó bên trong tâm thức mình mới có thể gây ra các tác động ảnh hưởng đến sự chuyển hóa sinh học trong não bộ và thân xác mình).
Bậc cha mẹ, các nhà giáo, các bác sĩ thiếu nhi cũng như các nhà tâm lý học đều cảm nhận được điều đó một cách thật tự nhiên qua trực giác của mình. Thế nhưng cũng thật hết sức quan trọng là phải nhận thấy được thật khách quan là tình thương yêu, sự che chở, trìu mến và chăm sóc là bản chất đặc thù của giống người và đấy cũng là điều kiện tất yếu đối với sự sống còn. Các thái độ hung hăng, tàn phá, hung dữ, tức giận và độc ác không những phản lại sự hài hòa của xã hội (antisocial) mà còn đi ngược với thiên nhiên.