THƯ GIÃN

DEAN CUNNINGHAM

Trích: Sống Sáng Suốt (Pure Wisdom); Những Điều Đơn Giản Làm Biến Đổi Cuộc Sống Của Bạn; Nhà xuất bản Trẻ

Sự thư giãn giúp chúng ta phục hồi, giữ được trầm tĩnh và sử dụng hết năng lượng của mình. Thư giãn cũng giống như nới lỏng nút thắt trên một ống dẫn. Năng lượng của chúng ta có thể tuôn chảy tự do, không bị cản trở. Và khi năng lượng tuôn chảy qua thân thể, chúng ta có lại động lực tự nhiên để hành động.

Tuy nhiên, để đạt được trạng thái tốt nhất, chúng ta cần sự cân bằng giữa tình trạng căng thẳng và thư giãn. Hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu bạn mất khả năng kéo căng các cơ trên người. Bạn sẽ đổ gục xuống thành một đống, và chúng ta cần có nó để làm hầu hết mọi việc. Nhưng sống với sự căng thẳng không cần thiết thì cũng giống như lái một chiếc xe với bộ phanh lừng khừng. Để tiến tới với tốc độ không hạn chế, chúng ta cần nhả phanh.

Đa số chúng ta quen với việc sống cùng với sự căng thẳng không cần thiết trong cơ thể. Chỗ thường gặp nhất là hai vai. Đó là nới mà chúng ta thường nghĩ theo truyển thống là để chịu các gánh nặng của cuộc sống. Hãy nhắc nhở mình thả lỏng hai vai và bạn sẽ ngạc nhiên khi nhận ra mình có rất nhiều thứ có thể đặt xuống.

Sự căng thẳng không cần thiết sẽ làm năng lượng của chúng ta tiêu hao như nước rò rỉ xuống rãnh. Nếu sự rò rỉ đó tiếp tục, nó có thể dẫn đến sự kiệt quệ của cơ thể. Để đảo ngược tiến trình này bạn cần biết thư giãn. Bằng cách nào? Hãy bắt đầu với cơ thể. Cơ thể là lối dẫn vào và cũng là lối xuất ra.

Phần lớn sự căng thẳng trong cơ thể bạn không được quan tâm vì tâm trí bạn thường tập trung hướng ra ngoài. Như để buông lỏng thân thể bạn cần phải nhận thức về nó. Vậy hãy hướng sự tập trung của bạn trở vào. Lúc này tư thế của bạn ra sao? Bạn đang ngồi thụp trong ghế sô-pha hay ngồi dựa ngửa? Bạn có thoải mái không? Tư thế của bạn có gây căng thẳng chỗ nào trê cơ thể không? Hãy nhớ rằng nếu cơ thể bạn gồng cứng tức là bạn đang phung phí năng lực. Nếu bạn nhận biết sự căng thẳng và vẫn giữ cảm giác đó, bạn sẽ điều chỉnh tư thế một cách tự nhiên. Và, cuối cùng, bạn sẽ cảm thấy sự cứng đờ đã biến mất.

Thả lỏng cơ thể là một chuyện, nhưng biết cách thả lỏng tâm trí thì quan trọng hơn. Thật ra, sự căng thẳng trong tâm trí gây ra sự căng thẳng trong cơ thể. Hãy thử nghĩ đến những tư tưởng tiêu cực, không lành mạnh, cay đắng và bạn sẽ cảm thấy sự co bóp của các cơ bắp ngay tức khắc. Hãy hiểu: những tư tưởng xấu sẽ làm cho cơ thể bị thương tổn. Hãy tập thư giãn tâm trí và bạn sẽ biết cách thả trôi những tư tưởng không lành mạnh. Bạn sẽ thấy mình tiến đến một cuộc sống dồi dào năng lượng hơn.

Vậy chúng ta buông lỏng tâm trí như thế nào? Thở một cách có ý thức là điều then chốt. Thông thường chúng ta không biết mình thở, vì trong đa số tình huống chúng ta thở mà không cần nghĩ ngợi gì cả. Chỉ khi nào ai lấy mất hơi thở của mình đi thì ta mới nhớ tới nó. Và khi mất hơi thở thì chúng ta hoàn toàn mất luôn tâm trí của mình theo nghĩa đen. Bạn biết đó, não của bạn nhờ vào khí oxy để tồn tại. Cắt nguồn cung cấp khí oxy, nó sẽ ngừng hoạt động ngay.

Nhưng khi tập trung vào hơi thở, chúng ta lấy lại khả năng thở tốt của mình một cách tự nhiên. Vậy, hãy ngồi lên. Hãy thư giãn và chú ý đến hơi thở vào và ra khỏi thân thể bạn. Đừng cố gắng thở, chỉ để mặc cho nó tự nhiên. Khi tâm trí bạn lang thang đâu đó, hãy đưa nó trở về với hơi thở. Đó là cách buông lỏng tâm trí. Đó là cách hồi phục trọn vẹn các chức năng tinh thần. Khi giữ tâm trí của mình theo hơi thở tức là chúng ta đưa nó về giây phút hiện tại. Hãy buông thả chính mình khỏi các tư tưởng ràng buộc. Hơn nữa, nhờ đó chúng ta cảm nhận tốt hơn và các chức năng của ta hoạt động cũng tốt hơn.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. TRẺ TRUNG VUI ĐÙA
  2. LOẠI BỎ SIẾT CHẶT VÀ BUÔNG LỎNG
  3. BIẾN LÒNG ĐỐ KỴ TRỞ NÊN “THANH THẢN”

Bài viết khác của tác giả

  1. KHI BẠN CHO ĐI …
  2. SỰ BÌNH YÊN
  3. THA THỨ

Bài viết mới

  1. THẦY VÀ ĐỆ TỬ
  2. QUAN SÁT TÂM, ĐIỀU PHỤC TÂM
  3. ÁP DỤNG QUY LUẬT NỖ LỰC TỐI THIỂU