THỰC HÀNH THEO LUẬN ĐẠI THỪA KHỞI TÍN

NGUYỄN THẾ ĐĂNG

Trích: Thực Hành Theo Luận Đại Thừa Khởi Tín
Tác giả: Đương Đạo Nguyễn Thế Đăng
NXB: Thiện Tri Thức, 2021
Ảnh: bìa sách
☀ Bởi vì tất cả pháp từ xưa nay duy chỉ là Tâm, thật không có niệm. Nhưng do tâm vọng động, bất giác khởi niệm, thấy các cảnh giới, thế nên nói là vô minh.
Tánh của tâm vốn chẳng khởi, đây là ‘Đại trí huệ quang minh tạng’. Nếu tâm khởi thấy tức thì có cái chẳng thấy; tánh của tâm vốn lìa cái thấy, đây là ‘chiếu khắp Pháp Giới’. Nếu tâm có động thì chẳng phải là ‘chân thật rõ biết’. Không có tự tánh thì chẳng phải thường, chẳng phải lạc, chẳng phải ngã, chẳng phải tịnh. Nóng bức của phiền não làm suy thoái biến đổi thì chẳng tự tại, cho đến có đủ các thứ vọng nhiễm hơn số cát sông Hằng. Đối lại sự này là tánh của tâm không có động, tức thì có đủ tất cả công đức thanh tịnh nhiều hơn số cát sông Hằng thị hiện. Nếu tâm có khởi, bèn thấy có pháp trước mặt để có thể niệm, tức là có chỗ thiếu hụt. Vô lượng công đức tịnh pháp như vậy tức là Một Tâm, rốt ráo không có chỗ niệm, thế nên đầy đủ tất cả, gọi là Tạng Pháp thân Như Lai. ☀
Nhờ những công đức này mà chúng ta có thể thực hành Chỉ, Quán, Hạnh, để tiếp cận và tương ưng với Chân Như.
“Tất cả các pháp xưa nay chỉ là Chân Tâm, thật không có niệm”. Thế nên nếu thực hành về mặt Không thì thực hành vô niệm. Nếu thực hành về mặt Bất Không thì thực hành các pháp, các niệm chính là Chân Như. “Tánh của tâm vốn chẳng khởi, đây là Đại trí huệ quang minh tạng”. Nếu thiền định thiền quán bản tánh của tâm như tấm gương (Gương Như Thật Không), khi thấy tất cả hình bóng trong gương vốn chẳng khởi, thì đây là tấm gương Đại trí huệ quang minh tạng.
Nếu thấy các hình bóng “đều từ trong đó mà hiện, chẳng ra chẳng vào, nhất tâm thường trụ”, khởi mà không khởi thì đây là Gương Nhân Huân Tập, tức là Đại trí huệ quang minh tạng. “Nếu tâm khởi thấy tức thì có cái chẳng thấy, tánh của tâm vốn lìa cái thấy, đây là ‘chiếu khắp Pháp Giới’”. Khởi cái thấy tướng liền bị tướng che (có cái chẳng thấy). Tánh của tâm vốn lìa cái thấy, nên ngay khi lìa cái thấy, thì bản tánh của tâm hiện. Đây là cái “chiếu khắp Pháp Giới”.
“Nếu tâm có động thì chẳng thật rõ biết”. Tâm động thì chạy theo tướng, theo cảnh giới, bèn quên mất nền tảng Chân Như của các hiện tướng.
Không có tự tánh, đánh mất Phật tánh thì mất thường lạc ngã tịnh, là bốn đức của Phật tánh tự tâm.
Chẳng có sự nóng bức của phiền não – thì cái trong mát, tự tại, bất biến luôn luôn trước mắt.
Khi thấy biết tánh của tâm vốn không có động tức thì tất cả công đức vô lượng của tự tánh thị hiện như là diệu dụng xưa nay của tự tánh. Còn nếu tâm có khởi, thấy có pháp trước mặt, bèn bị phân biệt, phân chia ta người, ta và thế giới; bèn sa vào chỗ thiếu hụt.
Đó là Tạng Pháp thân Như Lai, là Một Tâm, Một Pháp giới, không có kẽ hở nào để niệm phân biệt khởi, đầy đủ hằng sa công đức, luôn luôn thị hiện trước mắt chúng ta.
☀Lại nữa, dụng của Chân Như là chư Phật Như Lai khi còn tại nhân địa, phát đại từ bi, tu các ba la mật, nhiếp hóa chúng sanh, lập đại thệ nguyện muốn độ thoát hết thảy cõi chúng sanh, đến tận đời vị lai, chẳng giới hạn số kiếp. Xem tất cả chúng sanh như bản thân mình nhưng chẳng nắm giữ tướng chúng sanh.
Nghĩa này thế nào? Vì các ngài như thật biết tất cả chúng sanh cùng với bản thân là Chân Như bình đẳng không có sai khác. ☀
Chư Phật khi còn ở nhân địa, tu Bồ tát hạnh nguyện độ hết tất cả chúng sanh, khi các ngài thành Phật lực của tất cả nguyện hạnh ấy trở thành cái dụng hay là công đức của Chân Như.
Dụng của Chân Như là Trí huệ, Đại bi và Đại hạnh của các bậc Bồ tát Pháp thân và của chư Phật.
Các ngài đã ở trong Pháp thân Chân Như nên xem chúng sanh như bản thân mình (Đại bi) đồng thời không vướng mắc vào sanh tử vì chẳng nắm giữ tướng chúng sanh (Trí huệ). Làm được như vậy vì các ngài đã chứng nhập Pháp thân, thấy tất cả đều bình đẳng một bản tánh Chân Như không sai khác. Sự sai khác là do phân biệt hư vọng mà có, đến các địa Pháp thân thì sự phân biệt sai khác dần tiêu tan bởi Vô phân biệt trí.
Tóm lại, thành Phật là đi hết con đường Bồ tát, và con đường Bồ tát được lập thành bởi Trí, Bi và Hạnh; đồng thời phải biết ba cái này từ Chân Như lưu xuất, trở thành công đức diệu dụng của chính Chân Như.
Thực hành là dùng Chỉ Quán để “như thật biết tất cả chúng sanh cùng với bản thân là Chân Như bình đẳng không có sai khác.” Thấy biết tất cả chúng sanh là Chân Như thì mới giải quyết vấn đề “chúng sanh” được.
☀ Bởi có trí đại phương tiện như vậy, các ngài trừ diệt vô minh, thấy Pháp thân vốn có, tự nhiên có tất cả mọi nghiệp dụng chẳng thể nghĩ bàn, tức là bình đẳng với Chân Như cùng khắp tất cả nơi chốn. Lại không có tướng dụng có thể đắc.
Vì sao thế? Nghĩa là chư Phật Như Lai duy chỉ là thân trí tướng Pháp thân đệ nhất nghĩa đế, hoàn toàn không có cảnh giới thế đế, lìa tạo tác, chỉ tùy theo sự thấy nghe của chúng sanh mà đều được lợi ích nên nói là diệu dụng. ☀
Các ngài đã chứng nhập Pháp thân vốn có là tánh Không, quang minh, năng lực nên có đủ nghiệp dụng, diệu dụng chẳng thể nghĩ bàn của Pháp thân. Pháp thân là Chân Như nên “bình đẳng với Chân Như cùng khắp tất cả nơi chốn”, và cũng thị hiện Báo thân, Hóa thân “nghiệp dụng” cùng khắp tất cả nơi chốn.
Tuy là tướng dụng ở khắp, nhưng vẫn trên nền tảng Pháp thân tánh Không, nên “không có tướng dụng có thể đắc, lìa tạo tác”. Làm mà không làm là vậy. Như mặt trăng trên trời, hiện bóng khắp nơi những chỗ có nước, nhưng mặt trăng không làm gì, chỉ tùy theo chúng sanh nghe, thấy, kinh nghiệm.
——-☀☀☀——-

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. NHỮNG YẾU TỐ LÀM NÊN SỰ CƯỜNG THỊNH CỦA ĐỜI TRẦN
  2. KHÔNG LÀM HẠI
  3. TỰ DO, BÌNH AN VÀ HẠNH PHÚC

Bài viết mới

  1. BẢN NGÃ KHÔNG LÀ GÌ KHÁC NGOÀI TRẠNG THÁI Ý THỨC
  2. VIẾT LÊN TƯỜNG BẰNG MỘT CÂY BÚT DẠ
  3. TỰ TẠO RA NIỀM HẠNH PHÚC CỦA RIÊNG MÌNH