JOSEPH GOLDSTEIN
Trích: Một Pháp; Tác giả: Joseph Goldstein; Dịch: Hoàng Lan - Việt Hoàng; NXB Hà Nội - Thái Hà Books
Niềm tin vững chắc khiến phước lành thấm vào con.
Khi chẳng hoài nghi, bất cứ điều gì con muốn cũng có thể tựu thành.
PADMASAMBHAVA
MÙA XUÂN NĂM 1962, TÔI NGỒI TRONG MỘT GIẢNG ĐƯỜNG tại Đại học Columbia, lắng nghe Polykarp Kusch – một nhà vật lý đoạt giải Nobel. Khóa học là Vật lý dành cho các nhà thơ – một nỗ lực cao quý để thu hút chúng tôi, những người không chuyên về khoa học, vào những kỳ quan của trí tưởng tượng khoa học. Một trong những bài tập của chúng tôi trong học kỳ đó là viết một bài luận ngắn về lực hấp dẫn, một hiện tượng ai cũng biết nhưng có lẽ chưa ai thật sự hiểu. Tôi nghĩ Kusch đang hy vọng một phép màu của sự thấu tỏ sẽ bùng phát từ một trong những tâm thức mơ mộng, không được hướng dẫn đang ở trước mặt ông.
Nỗ lực dài ba trang giấy của tôi không đóng góp gì nhiều cho sự tiến bộ của khoa học, nhưng theo một cách lạ lùng hướng suy nghĩ của tôi tại thời điểm đó đã vô tình báo trước một sự hiểu biết sẽ xuất hiện sáu năm sau tại một nơi khác trên thế giới. Là sinh viên năm thứ hai đại học, tôi đã đưa ra quan niệm rằng lực hấp dẫn của Trái Đất mà chúng ta cảm thấy có thể là tác động của việc rơi vào một trung tâm trống rỗng và lực hút về cái “trống rỗng” này có thể được ngoại suy là sự hấp dẫn giữa tất cả các thể dạng vật chất.
Mặc dù khái niệm về cái trống rỗng này không có bất kỳ sự liên quan cụ thể nào để hiểu lực hấp dẫn, nó bắt đầu mang một ý nghĩa mới khi tôi bắt đầu học và thực hành thiền. Trong những năm đầu thực hành, khi ngồi ở Bodh Gaya với thầy mình là Anagarika Munindra, thầy thường nói về những khó khăn của việc thoát khỏi trường hấp dẫn của thế giới giác quan. Cuộc sống của chúng ta dường như xoay quanh mong muốn có được những trải nghiệm mới mẻ, ngay cả khi ta thấy chúng liên tục đổi thay. Nhưng thông qua việc đào sâu thêm về Bốn Niệm Chuyển Tâm – sự quý báu của kiếp người, vô thường, quy luật của nghiệp và những khiếm khuyết của luân hồi – chúng ta bắt đầu rời quỹ đạo quen thuộc của mình, bị cuốn hút vào trường hấp dẫn của Pháp và thư giãn trong đó. Chúng ta bắt đầu có những cái thấy thoáng qua về sự không có trung tâm của vô ngã – ý nghĩa của tính không trong Phật giáo – điều đó trở thành một lực hấp dẫn mới trong đời sống. Đây là sự phát khởi của niềm tin, năng lượng nuôi dưỡng mọi con đường tâm linh. Ở đây, điều quan trọng là nhận biết rằng tin không phải là một lựa chọn, mà là một cách hiểu.
“Tin”, “tin cậy”, “tin tưởng” đều là những cách dịch của từ saddha trong tiếng Pali. Tất cả những thuật ngữ này đều đề cập đến sự mở ra của tâm và trái tim với những gì vượt khỏi mối quan tâm và mong muốn thông thường của cái tôi; saddha mở ra cho chúng ta những gì vĩ đại hơn chính chúng ta, khả năng tự do. Niềm tin vừa là nguồn cảm hứng ban đầu để thực hành và khám phá, vừa là điều giúp duy trì những nỗ lực tiếp theo của chúng ta.
Đầu tiên, sự quan tâm của chúng ta có thể được truyền cảm hứng từ nhiều yếu tố: Một quyển sách mà chúng ta đã đọc, một hoàn cảnh sống, hoặc có thể là một cá nhân, một ai đó mà chúng ta quen biết, hoặc một nhân vật lịch sử như Đức Phật hay một vĩ nhân. Trong mỗi trường hợp, chúng ta cảm thấy hoặc có trực cảm về những phẩm chất nhất định truyền cảm hứng cho mình, những phẩm chất như can đảm và bi mẫn, từ ái và trí tuệ, rộng lượng và vị tha. Cảm nhận những phẩm chất này ở người khác nuôi dưỡng những khát vọng sâu xa của chúng ta. Chúng ta có thể nếm được hương vị của giác ngộ.
Khi Đức Dalai Lama phát biểu tại một số phiên họp của Hội nghị Phật giáo – Cơ Đốc giáo tại tu viện Gethsemane, chỉ đơn giản là ở chung phòng với Ngài, tôi cảm nhận được những khía cạnh của lòng từ ái, sự hồn nhiên như trẻ nhỏ và sự hài hước của Ngài đã in sâu vào tâm trí tôi. Ngài được đưa đi thăm tu viện và giới thiệu về những hoạt động do các tu sĩ sáng lập để hỗ trợ tu viện, bao gồm cả việc làm phô mai và bánh trái cây. Khi kể lại chuyện này cho các tăng ni và những vị khách tối hôm đó, Ngài nói rằng các tu sĩ cứ dâng lên mình các mẫu phô mai, trong khi tất cả những gì Ngài muốn là một miếng bánh trái cây. Toàn thân Ngài rung lên trong tiếng cười khi kể lại câu chuyện: “Tôi thật sự muốn bánh trái cây và mọi người cứ mang tới cho tôi phô mai.” Ngài lặp đi lặp lại nhiều lần và cười suốt cả buổi. Không có đau khổ, không có thất vọng – chỉ có một sự rộng mở với trải nghiệm mà mình có, Ngài không phán xét các tu sĩ hay bản thân. Sự sinh khởi của niềm tin có thể đến theo nhiều cách – đôi khi chỉ bằng cách ở bên một người mà người ấy mở ra cho chúng ta một cơ hội mới, một cách sống mới.
Văn bản Phật giáo cổ Những Câu Hỏi Của Vua Milinda đưa ra một minh họa cổ điển hơn về cách mà niềm tin và sự tin tưởng khởi sinh từ tấm gương của người khác. Văn bản này kể lại việc nhiều người đã tập trung bên bờ một con sông trong cơn lũ lụt, do dự và sợ hãi. Một trong số họ đã xem xét tình hình một cách khôn ngoan và tìm ra được cách vượt sông an toàn. Những người khác nhìn thấy cơ hội ấy đã tập trung sức mạnh của họ lại và tương tự như vậy, vượt qua bờ bên kia. “Bờ bên này” là cuộc đời của chúng ta trong vòng sinh tử, lạc lối trong những thú vui mộng ảo của tâm xao lãng. “Bờ bên kia” là tâm đã thức tỉnh khỏi những ảo vọng. Khi thấy ai đó đạt thành tựu, chúng ta có thêm niềm tin rằng mình cũng có thể mong ước được như vậy. Có lẽ đây là ý nghĩa của “bước nhảy của niềm tin”. Với cảm hứng từ niềm tin, chúng ta nhảy vào cái chưa biết, đẩy giới hạn những khả năng của chính mình về phía trước.
Niềm tin tiếp nhiên liệu cho sự cam kết. Trong một bối cảnh hiện đại hơn, W. H. Murray viết về sức mạnh của sự cam kết này trong The Scottish Himalayan Expedition (tạm dịch: Chuyến thám hiểm Himalaya của một người Scotland)
Cho tới khi người ta cam kết, nếu còn do dự, còn cơ hội để thoái lui thì luôn luôn không hiệu quả. Liên quan tới tất cả các sáng kiến (và sáng tạo), có một sự thật căn bản, sự thiếu hiểu biết về điều này giết chết vô số ý tưởng và kế hoạch tuyệt vời: Thời khắc một người cam kết chắc chắn với chính mình, số phận cũng đổi thay. Tất cả mọi thứ mà lẽ ra không bao giờ xuất hiện sẽ xuất hiện để giúp người ấy. Một loạt các sự kiện phát sinh từ quyết định ấy, phát khởi để hỗ trợ người ấy, tất cả những sự việc, những cuộc gặp gỡ, những sự giúp đỡ vật chất không ai có thể mơ thấy sẽ đến với người ấy. Tôi đã học được sự tôn trọng sâu sắc dành cho một trong những câu thơ của Goethe:
Bất cứ điều gì có thể, hay mơ mình có thể, hãy bắt đầu.
Sự quả quyết có thiên tài, sức mạnh và phép thuật bên trong.
Niềm tin cũng phát sinh từ sự rõ biết ngày càng tăng của chúng ta về đau khổ. Đối mặt với tai họa, chúng ta có thể đi theo một trong hai hướng. Chúng ta có thể trở thành con mồi cho sự hoang mang, nghi ngờ và bối rối hơn nữa, hoặc có thể bắt đầu tìm cách hiểu biết và giải thoát. Có sự đau khổ dẫn đến đau khổ hơn và có sự đau khổ dẫn đến hồi kết của nó. Trong những lúc đau đớn tột cùng, chúng ta thường đắm chìm trong cảm giác thất vọng, tức giận hay tuyệt vọng. Nhưng cũng có thể sự đau khổ đánh thức một niềm tin sâu sắc vào những khả năng mới, khơi gợi sự quan tâm và tìm hiểu sâu sắc của chúng ta. Chúng ta có thể hỏi: “Điều gì xảy ra vậy? Làm sao để hiểu được điều này? Ai có thể dẫn mình thoát khỏi nỗi đau này?”
Đau khổ, không chắc chắn, thậm chí nghi ngờ có thể trở thành lời kêu gọi sự thức tỉnh của chúng ta. Dù có thể chưa biết đường đi, nhưng chúng ta biết mình đang bị lạc và biết rằng có một con đường để đi. Đây có thể trở thành một bước ngoặt lớn, không thể thay đổi trong cuộc sống. Niềm tin sâu sắc và thuyết phục nảy sinh khi chúng ta thấy khả năng để tự do.