TIỀN BẠC VÀ ĐẠO ĐỨC

DR. LLOYD FIELD

Trích: Kinh Doanh Và Đức Phật; Tác giả: Floyd Field; Trịnh Đức Vinh dịch; NXB Tôn giáo, 2010.

Quản lý một cách tỉnh thức là một cách áp dụng tôn giáo đúng đắn, thực sự, sâu sắc, uyên thâm và tha thiết.” – Abraham Maslow

  • Tiến sĩ Lloyd Field, cựu Phó chủ tịch tập đoàn Johnson & Johnson về nhân sự, tư vấn kinh tế (Johnson & Johnson trong danh sách Fortune 500 – là bảng xếp hạng hàng năm danh sách 500 công ty lớn nhất Hoa Kỳ theo tổng doanh thu). Ông là nhà tư vấn quản lý, điều phối viên, diễn giả và tác giả. Ông đã trải qua 30 năm làm việc với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ở Bắc Mỹ và khắp châu Âu. Lloyd có bằng tiến sĩ về Nhân sự, được Hiệp hội Quản lý nguồn nhân lực Hoa Kỳ (SPHR) vinh danh và là thành viên của Viện Nhân sự và Phát triển Chartered tại Vương quốc Anh (FCIPD).

Lloyd diễn thuyết trên khắp Canada, Mỹ, Anh, Hà Lan và Singapore giúp mọi người có được cái nhìn sâu sắc về sự nghiệp của họ, cuộc sống gia đình của họ, và sự tham gia của cộng đồng của họ bằng cách cho thấy làm sao những điều này tạo nên tổng thể của một cá nhân họ. Trong một bài phát biểu gần đây, ông đã thảo luận, “… mọi người là những cá nhân phức tạp và được kết nối với mọi người khác trên hành tinh này bất kể mức thu nhập, truyền thống đức tin, địa vị xã hội, giới tính hay địa lý”. Lloyd đã thu hút khán giả với quan điểm tổng thể về quản trị và lãnh đạo doanh nghiệp này.

Trong cuốn Kinh doanh và Đức Phật này, tác giả Lloyd Field sử dụng các giá trị nhân văn cơ bản vốn là những trọng tâm trong giáo lý của đức Phật Gautama Siddhartha. Ông đề xuất với các doanh nghiệp một mô hình công bằng hơn với những thay đổi tạo ra nền văn hóa tổ chức mà nhân viên ở mọi cấp độ có thể phát triển “tự tôn trọng thông qua tự chịu trách nhiệm” (Quan hệ Nhân viên Tích cực ™), nhằm tăng mối quan tâm của nhân loại cho phúc lợi của hành tinh và cư dân của nó. Trọng tâm của mô hình đặt trên ba nhóm nguyên tắc hướng dẫn: trí tuệ, hành vi đạo đức và lòng trắc ẩn.

Thực sự là tất cả chúng ta phải làm việc để có thu nhập cho các nhu cầu của mình: nhà ở, thức ăn, quần áo, chăm sóc sức khỏe, giáo dục … Trong một sự sắp đặt lý tưởng, lựa chọn công việc của chúng ta bị ảnh hưởng bởi ít nhất hai yếu tố quan trọng sau: thứ nhất là khả năng của chúng ta để chọn chính xác trách nhiệm công việc tuân thủ các Nguyên tắc Hướng dẫnNgũ giới; thứ hai là sự sẵn có các cơ hội công việc đặt cơ sở trên các nguyên tắc và giới luật này.

Tuy nhiên, là một nhà tư vấn, tôi thấy có nhiều khả năng trên thực tế (để làm được điều này). Các nhân viên hàng đầu, làm việc trong sự kiềm chế của các doanh nghiệp tự do không bị giới hạn phát triển dựa trên tham vọng và sự thái quá, để thỏa mãn các nhu cầu thu nhập cơ bản của mình, phải chấp nhận các nhiệm vụ yếu kém về tinh thần tại nơi làm việc, nơi mà các tiêu chuẩn đạo đức không được tính đến về mặt giá trị và nơi mà người ta đã cảm thấy kiêu hãnh khi chỉ cần đạt được các yêu cầu tối thiểu của luật lao động. Nói theo thuật ngữ nhân văn, không chỉ đến khi xã hội bắt đầu nhận thức ảnh hưởng tiêu cực của các doanh nghiệp tự do lên hạnh phúc của các cá nhân và cộng đồng mà những người lãnh đạo sẽ bắt đầu cảm nhận thấy sức mạnh để sửa đổi chân chính hơn hệ thống kinh tế luôn thay đổi của chúng ta. Thực vậy, có những người ở vị trí quản lý đang làm việc để hướng tới sự thay đổi này.

Phong trào trong thập kỷ trước được biết với tên gọi “Trách nhiệm Xã hội của Tập đoàn” thực ra là một nỗ lực đóng góp cho mục tiêu Tạo ra một Xã hội Tốt đẹp hơn.

Ở đây nói về nhận thức rằng hành trình cá nhân mà chúng ta tiến hành trên con đường tâm linh có thể có những kết quả sâu sắc cho những nơi làm việc hiện nay của chúng ta. Mặc dù chuyến đi này hoàn toàn mang tính cá nhân, những bài học của nó có thể được hiện thực hóa vào trong đời sống công việc của chúng ta – và tôi sẽ đề nghị một số bước đi ban đầu để bắt đầu hành trình này. Là những nhà lãnh đạo kinh doanh, chúng ta có thể giúp tạo ra những nơi làm việc có nhiều tình thương hơn, những môi trường nơi mà thành công vươn xa hơn những kết quả cuối cùng (lợi nhuận) và nơi mà những công việc vui vẻ, phong phú không phải đơn thuần chỉ là một vài lời nói vô vị treo trên bức tường của Phòng Nhân sự, mà là một thực tế sống động của các nhân viên thông qua tổ chức.

THAY ĐỔI LÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CHÚNG TA

Đức Phật nói rằng để một xã hội trở nên lành mạnh, các cá nhân tạo nên xã hội đó cũng phải trở nên lành mạnh. Do đó, hạnh phúc xã hội về cơ bản là một quá trình thay đổi tận gốc. Nó theo đuổi đến cùng sự tự hiểu biết và hạnh phúc của mỗi chúng ta rằng chúng ta có thể giúp đỡ những người khác. Ví dụ như, các chính phủ hay các tập đoàn không thể làm cho chúng ta trở nên lành mạnh, trao cho chúng ta trí tuệ, hay giúp chúng ta thoát khỏi Tam Độc. Đó là những điều chúng ta phải làm cho chính bản thân mình, và sau đó chúng ta có thể giúp những người xung quanh mình, và tiếp nữa là ngày càng nhiều những người khác. (Tuy nhiên, có những chính phủ và hệ thống pháp luật có liên quan nhiều hơn đối với sự an toàn về vật chất và cảm xúc của xã hội – như tội phạm, buôn lậu ma túy, kinh doanh phi pháp … – sẽ là một giải pháp tích cực.)

Mục tiêu của đạo Phật là muốn các cá nhân hòa bình với chính bản thân mình, thoát khỏi ham muốn, vướng mắc, và chấp nhận bản chất vô thường của thực tại – hay nói một cách khác, thoát khỏi đau khổ. Từ “hòa bình” nghĩa là các cá nhân chịu trách nhiệm về trạng thái tâm của riêng mình – đó không phải là trách nhiệm của các chính phủ hay các ông chủ – mặc dù trong lịch sử đã từng chứng kiến những thể chế này có thể ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển này một cách chân chính hay không chân chính.

Chúng ta bắt đầu ghép nối lại tầm nhìn của mình về một xã hội lành mạnh bao gồm giám sát đạo đức và tình thương, chứ không bằng cách tạo ra nhiều lợi nhuận hơn. Thực vậy, khi trí tuệ bắt nguồn từ Tứ Diệu Đế được hiểu biết rộng rãi hơn, nhiều cá nhân khác có thể chọn đi theo con đường Đạo này. Định nghĩa lấy con người làm trung tâm của những thay đổi xã hội này dựa trên cơ sở theo đuổi sự bình an nội tâm và sự thanh thản, trầm tĩnh của các cá nhân và không dựa vào niềm tin rằng một thực thể nào đó bên ngoài chúng ta có thể mang đến sự thay đổi. Bước đi đầu tiên trong việc Tạo ra một xã hội tốt đẹp hơn là nhận thức rằng “chúng ta là sự thay đổi”.

TIỀN BẠC VÀ ĐẠO ĐỨC

Những lời dạy của Đức Phật thúc ép chúng ta kết hợp nhận thức cá nhân mới được tìm ra của chúng ta về (tầm quan trọng của) ý định, hành vi đạo đức, và tình thương vào trong đời sống công việc hàng ngày của chúng ta. Bằng những cách rất thực tế, những nhà điều hành, quản lý và chuyên môn trong xã hội phương Tây tạo thành nhóm khách hàng có ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới. Với sức mua của mình, họ tạo nên lịch trình kinh doanh trong nước và trên toàn thế giới. Trong hệ thống doanh nghiệp tự do, nhóm này tạo nên các bộ khung đạo đức. Những người có ảnh hưởng nhất trong số họ củng cố doanh nghiệp tự do không bị hạn chế, đặt chủ nghĩa tiêu dùng lên trên tất cả những thứ khác, và ảnh hưởng các xu hướng và công nghệ, do đó người tiêu dùng luôn luôn phải mua sắm để bắt kịp (xu hướng và công nghệ đó).

Tiền bạc, với bất cứ loại tiền tệ hay đơn vị nào, chỉ là một hệ thống đại diện cho giá trị của công việc, tính hữu ích và sự trao đổi. Sự thực là tiền bạc chẳng là gì cả trong sự sáng tạo ban đầu của nó. Tiền bạc tự nó không có giá trị gì, nó chỉ có giá trị khi tất cả chúng ta đồng ý trao (giá trị đó) cho nó. Bởi vì tiền bạc là công cụ để mua sắm bất kỳ thứ gì, nên chúng ta quy cho nó các đặc tính – là nguồn gốc của hạnh phúc hay là một biểu tượng của địa vị – mà nó không thực sự có.

Hội đồng Kinh doanh Quốc tế cho Phát triển Bền vững định nghĩa Trách nhiệm Xã hội của Tập đoàn là: “Cam kết liên tục bằng việc kinh doanh có đạo đức và đóng góp vào phát triển kinh tế trong khi nâng cao chất lượng sống của lực lượng lao động và gia đình họ cũng như cộng đồng và xã hội địa phương.” Đoàn đại biểu Mỹ tại cuộc họp khu vực năm 1999 của Hội đồng Kinh doanh Quốc tế tại Detroit, với 170 công ty quốc tế tham dự, đã phát biểu: “Trách nhiệm Xã hội của Tập đoàn là việc gánh lấy trách nhiệm cá nhân cho các hành động của bạn cũng như ảnh hưởng mà bạn có đối với xã hội. Các công ty và nhân viên phải trải qua một sự chuyển hóa cá nhân, xem xét lại các vai trò của mình, trách nhiệm của mình và nâng cao tinh thần trách nhiệm của mình”.

Tiền bạc không nói lên nó được kiếm, tiết kiệm, tiêu dùng hay đầu tư như thế nào. Đúng hơn là, chúng ta tiến hành những lựa chọn đó. Có ý thức về tiền bạc là có ý thức về những lựa chọn đó của chúng ta. Tôi sẽ lập luận rằng các vấn đề sẽ nảy sinh khi tiền bạc trở thành thước đo duy nhất cho giá trị (hay hạnh phúc) trong xã hội của chúng ta. Sẽ là ngu ngốc khi tin rằng tiền bạc chính là hạnh phúc, hay tiền bạc có thể mua được bất kỳ thứ gì, mà không hiểu rằng tiền bạc chỉ là một phương tiện trao đổi trung gian được mọi người đồng ý.

Để có ý thức về thu nhập của mình, chúng ta cần xem xét các ý định của mình và các kết quả theo quan hệ nhân quả có liên quan:

  • Công việc: tôi sẽ làm việc cho ai, và tôi sẽ có những phận sự gì?
  • Chi phí: tôi sẽ sử dụng bao nhiêu tiền, và cho những khoản gì?
  • Tiết kiệm: tôi sẽ đầu tư bao nhiêu và vào đâu?
  • Chia sẻ: tôi sẽ cho đi bao nhiêu (thời gian, tiền bạc) và cho mục đích gì?

Không có một ý định nào trong những ý định này là được miễn trừ khỏi phạm vi trách nhiệm xã hội của chúng ta hay có ý định nào là quan trọng hơn một ý định khác. Mối quan hệ lẫn nhau giữa bốn lĩnh vực này áp dụng cho tất cả chúng ta – dù là ông chủ, nhân viên hay khách hàng.

Vai trò của chúng ta trong nền kinh tế tiêu thụ là một ví dụ rằng sự thay đổi rõ ràng phải bắt đầu từ mức độ cá nhân. Mặc dù quyết định dùng tiền để tiêu dùng hay đầu tư như thế nào là một quyết định rất quan trọng, nhưng nó cũng là một cơ hội. Đó là một cơ hội để tiến hành các lựa chọn cá nhân, và cũng là cơ hội để ảnh hưởng đến các tập đoàn. Dù đóng vai trò là một cổ đông hay khách hàng, mỗi cá nhân đều có cơ hội để ảnh hưởng đến sự thay đổi hoạt động của tập đoàn.

Sự chân chính, những lựa chọn đầy tình thương đảm bảo rằng thay đổi diễn ra để mọi thứ tốt đẹp hơn, rằng sự giúp đỡ nhận được ở những nơi cần đến nó, và rằng những kết quả tiêu cực cần tránh và những kết quả tích cực cần được phát huy. Thông qua những lựa chọn, hành động và hành vi của chúng ta, tất cả được đặt trên các ý định tích cực, tất cả chúng ta có thể giúp Tạo nên một Xã hội Tốt đẹp hơn.

Bạn phải là sự thay đổi mà bạn muốn thấy trên thế giới này.” (Mahatma Gandhi)

Tuy nhiên, điểm khởi đầu luôn luôn là ý định của những người lãnh đạo. Các nhà lãnh đạo sẽ có ít khó khăn hơn khi thay đổi mô hình truyền thống – vốn quan niệm rằng kinh doanh là vì lợi nhuận và chủ nghĩa tiêu thụ là hoàn toàn tốt đẹp – nếu họ tin rằng có một sự bình đẳng giữa con người và lợi nhuận. Bằng cách nhận thức rằng việc làm giảm bớt đau khổ (không tính đến bản chất của nó) là trách nhiệm của mọi cá nhân và mọi tổ chức, các nhà lãnh đạo có thể sửa đổi một cách sáng tạo môi trường làm việc của mình thành một nơi mà sự học hỏi, tự phát triển, và tự chịu trách nhiệm luôn luôn được khuyến khích và ủng hộ.

Đâu là những hành động mà người chủ cần làm để chuyển từ một doanh nghiệp tự do không bị hạn chế thành một mô hình nhân văn? Kết quả lý tưởng cuối cùng là một tập đoàn mà các sản phẩm và dịch vụ của nó tạo thêm niềm vui cho cuộc sống của con người, nâng cao sức khỏe của mọi chúng sinh và môi trường, cũng như chủ động giảm các vấn đề đau khổ của nhân sinh như chiến tranh và sự đói nghèo. Thông qua việc kinh doanh một tổ chức lành mạnh sẽ làm việc hướng tới Tạo nên một Xã hội Tốt đẹp hơn.

 

 

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. CHỊU TRÁCH NHIỆM VỀ NHỮNG VIỆC MÌNH LÀM
  2. TIỀN BẠC VÀ ĐẠO ĐỨC
  3. TỪ MỤC ĐỒNG TRỞ THÀNH NHÀ LÃNH ĐẠO

Bài viết khác của tác giả

  1. KINH TẾ HỌC PHẬT GIÁO – KINH DOANH VÀ ĐỨC PHẬT THỊNH ĐẠT BẰNG THIỆN NGHIỆP
  2. CÁC NGUYÊN TẮC VÀ GIÁ TRỊ
  3. KINH TẾ HỌC TUYẾN TÍNH VÀ SỰ ĐAM MÊ TĂNG TRƯỞNG

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP