KINH TẾ HỌC TUYẾN TÍNH VÀ SỰ ĐAM MÊ TĂNG TRƯỞNG

DR. LLOYD FIELD

Trích “Kinh Doanh và Đức Phật”
Người dịch: Trịnh Đức Vinh
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2010

Ảo tưởng của chúng ta trong sự say mê tăng trưởng xuất phát từ niềm tin sai lầm rằng mọi người đều thu được lợi ích từ tăng trưởng

Đa số các tư tưởng kinh tế hiện nay có nguồn gốc từ những công trình của nhà triết học Pháp ở thế kỷ XVII, René Descartes và những học trò của ông. Một trong những “giáo lý” trọng tâm của triết học này là niềm tin rằng tâm trí con người là một thực thể hoàn toàn độc lập với cơ thể. Vào thời điểm đó, điều này là một tư tưởng cách mạng, và tạo nên sự phân chia tâm trí – cơ thể trong truyền thống triết học phương Tây.

Khái niệm tưởng chừng đơn giản này có một ngụ ý sâu xa. Nó dẫn đến kết luận rằng nhu cầu của cơ thể bằng cách này hay cách khác là độc lập và khác biệt với nhu cầu của tâm trí, và chúng có thể được thỏa mãn theo những cách khác nhau. Ý tưởng này đã khắc họa nên sự khác biệt quan trọng nhất giữa triết học phương Đông và triết học phương Tây. Trong đạo Phật, có một mối quan hệ trực tiếp giữa cơ thể và tâm trí, và đây chính là điều mà tôi cho là một sự khiếm khuyết trong tư tưởng “tuyến tính” về kinh tế học.

Tôi sử dụng từ “tuyến tính” – nghĩa đen là đường thẳng – để phân biệt với tư tưởng hẹp, theo một hướng duy nhất của tư tưởng “chính thể”, vẫn được dùng để xem xét toàn bộ nhu cầu của một con người. Tư tưởng kinh tế tuyến tính đưa ra quan điểm rằng thương mại chỉ đặt cơ sở trên các yếu tố như sự tiêu dùng, giá cả và tính hữu dụng đối với người mua.

John Maynard Keynes, người làm việc trong khuôn khổ của kinh tế học tuyến tính, đã giới thiệu một sự thay đổi kiểu mẫu trong tư duy kinh tế của Chủ nghĩa Tư bản trong tác phẩm nổi tiếng của ông năm 1936: Lý thuyết chung về Việc làm, Lãi suất và Tiền tệ (The General Theory of Employment, Interest and Money). Keynes thay đổi tư duy kinh tế từ tầm vi mô, và tập trung vào việt làm sáng rõ và cân bằng các thị trường sang tầm vĩ mô – việc nghiên cứu các bộ phận của nền kinh tế như các mối quan hệ qua lại giữa GNP (tổng sản phẩm quốc gia), lãi suất, khối lượng tiền tệ được tạo ra bởi ngân hàng trung ương, và việc làm.

Trong khi xây dựng (lý thuyết mới) trên cơ sở của Adam Smith, Keynes lại lập luận (khác với Smith) rằng các thể chế trung ương, như ngân hàng và chính phủ có thể điều chỉnh các biến số kinh tế vĩ mô để gia tăng sản xuất và tạo ra nhiều việc làm hơn. Ông viết: “Con người, trong khi theo đuổi mục tiêu lợi ích cá nhân, thông qua cơ chế thị trường sẽ đạt được mức hoạt động hợp lý và do đó thỏa mãn cho xã hội.”

Được viết vào khoảng thời gian của cuộc Đại Khủng hoảng (Đại suy thoái 1929-1933), và với mục đích giải quyết cuộc khủng hoảng này, lý thuyết chung đưa ra lập luận rằng cần phải giữ cho con người luôn sản xuất và tiêu dùng. Tăng trưởng kinh tế liên tục là nguồn lực làm quay cổ máy của nền kinh tế và đảm bảo cho một tương lai hạnh phúc – một khái niệm ủng hộ cho quan điểm rằng sự giàu có vật chất chính là hạnh phúc. Đối với Keynes cũng như Smith, các giá trị nhân văn không đóng vai trò gì trong các mô hình kinh tế. Điều này thể hiện một trong những thiếu sót của phân tích kinh tế đối với các doanh nghiệp tự do truyền thống: nó không thể thấu hiểu được việc theo đuổi sự tăng trưởng kinh tế không giới hạn.

Ảo tưởng của chúng ta trong sự say mê tăng trưởng xuất phát từ niềm tin sai lầm rằng mọi người đều thu được lợi ích từ tăng trưởng. Ví dụ như một trong những nguyên tắc tại doanh nghiệp tự do là nếu việc kinh doanh tạo ra càng nhiều của cải, thì càng có nhiều tài sản được đầu tư vào hệ thống và công nghệ để việc kinh doanh được vận hành hiệu quả và năng suất hơn. Theo Adam Smith, điều đó tốt cho cả ông chủ lẫn nhân viên. Nhưng trong phần lớn các công việc kinh doanh cụ thể, điều đó lại không xảy ra. Chúng ta có thể thấy được điều đó ở những nơi mà người lao động chỉ được trả mức lương thấp.

Luật pháp tại tất cả các nước Bắc Mỹ và châu Âu đến có quy định về mức lương tối thiểu theo giờ cho người lao động. Đó là vì có quá nhiều người chủ trả cho nhân viên những mức lương thấp một cách vô lý. Bạn sẽ tìm thấy quá nhiều các doanh nghiệp kinh doanh, cũng như các tổ chức thương mại và sản xuất, đứng ra phản đối bất kỳ việc tăng mức lương tối thiểu nào. Nếu những nỗ lực vận động hành lang (lobby) của họ không thành công, công việc thường sẽ được chuyển đi nơi khác, thường là những nơi có mức lương không bị quy định bởi luật pháp (ngành dệt may tại các nước kém phát triển chính là một ví dụ điển hình). Do lương là phương tiện đo chất lượng nhu cầu cơ bản của một người, những người quản lý bảng lương đương nhiên cũng sẽ quản lý tương lai của hàng triệu con người trên hành tinh này. Họ cũng chính là những người thúc đẩy sự đam mê của chúng ta đối với tăng trưởng kinh tế.

AI ĐƯỢC HƯỞNG LỢI TỪ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ

Có một số điểm quan trọng được tạo ra theo quan điểm truyền thống về tăng trưởng kinh tế:

Đa phần các nhà kinh tế học tin rằng tăng trưởng là công cụ duy nhất để sự giàu có “xuống được” tới những người nghèo. Mặc dù có những thất bại rõ ràng của tư tưởng này, và mặc dù tăng trưởng đã thất bại trong việc nâng cao số phận của những người nghèo trung bình trong phần lớn các quốc gia, mô hình kinh tế hiện nay vẫn không thể giải quyết vấn đề tăng trường cả về chất lượng lẫn về hệ thống. Tăng trưởng không có chất lượng gắn liền với nguy hiểm, do đó chắc chắn nó sẽ dẫn tới sự khai thác cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên thế giới.

Tăng trưởng không có chất lượng gắn liền với nguy hiểm, do đó chắc chắn nó sẽ dẫn tới sự khai thác cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên thế giới.

Điều tiếp theo tất nhiên sẽ là bất kỳ mô hình kinh tế nào không (1) yêu cầu sự giảm thiểu hoặc ngừng hẳn lại việc khai thác cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên, (2) ủng hộ việc phục hồi và tái chế các nguồn lực đó, (3) đề xuất giới hạn bùng nổ dân số thì không thể được đánh giá như là một giải pháp khả thi để giải quyết các vấn đề sát sườn và cấp bách nhất của loài người.

Ví dụ như, một trong những lý do chính cho vấn đề dân số toàn cầu hiện nay là rất nhiều người (đặc biệt là tại những nước kém phát triển) cố gắng đảm bảo cho tuổi già của mình bằng cách có dù con cái để hỗ trợ họ khi về già. Điều này càng làm cho họ lún sâu vào cảnh nghèo đói. Tuy nhiên, chỉ cần gia tăng, dù là ít ỏi, hổ trợ tài chính của chính phủ kết hợp với bảo hiểm tiết kiệm đối với thu nhập không chịu thuế của người già là đã có thể đáp ứng tốt nhu cầu đang gây ra gia tăng dân số này. Tuy nhiên, nhiều chính phủ, cũng như nhiều tổ chức quốc gia và quốc tế, đã thất bại trong việc nhận ra logic hiển nhiên này của thực trạng chính trị, xã hội hiện nay và tiếp tục ủng hộ cho các giải pháp cũ trong việc giải quyết vấn đề có tầm quan trọng toàn cầu này.

Một vấn đề nữa của sự sùng bái tăng trưởng là niềm đam mê của chúng ta đối với phát triển công nghệ, đặc biệt là máy móc, đồ dùng và vũ khí chiến tranh. Điều này thường dẫn tới sự đua đòi và đôi khi là sự tiêu dùng ngớ ngẩn và thay thế công nghệ của người lao động mà không suy nghĩ nhiều tới nhu cầu hay hạnh phúc tương lai của họ. Bên cạnh đó là sự gia tăng dự trữ trên toàn cầu các loại vũ khí nguy hiểm và các công nghệ tiêu thụ năng lượng, gây hại cho môi trường.

Loài người mới xuất hiện khoảng 100.000 năm nhưng đã tạo ra những loại vũ khí hạt nhân plutonium phải mất 500.000 năm mới phân hủy được.

Tăng trưởng kinh tế liên tục cũng là đặc điểm của các thể chế hiện đang tiếp tục áp dụng các khái niệm và công cụ kinh tế truyền thống. Các thiết thể lớn (như chính phủ, ngân hàng, các tập đoàn xuyên quốc gia…) sau khi đạt được một quy mô nào đó, lại trở nên tập trung quá mức vào sự tự bảo vệ, và bóp méo mục đích cơ bản ban đầu của sự sáng tạo ra họ, do đó tạo ra vô số các vấn đề xã hội hơn là đóng góp giải pháp (cho các vấn đề xã hội). Theo thuật ngữ quản lý, sự trì trệ đó tạo ra silos (hầm chứa) (xem phần in đậm sau)

Silo là một thuật ngữ được sử dụng trong cả thiết kể tổ chức và ngân sách tài chính để miêu tả việc cất giữ một thứ gì đó riêng biệt hoặc theo ngăn. Một bộ phận được gọi là được “siloed” (ngăn cách) là một bộ phận hoạt động trong ranh giới riêng của nó, và không có một synergy hay mối quan hệ nào với các bộ phận khác cũng như với tổng thể tổ chức đó.

Tôi đã từng tư vấn cho một công ty có cấu trúc silo. Văn hóa của công ty gắn liền với tính vị kỷ và tự bảo vệ cả ở mức độ cá nhân lẫn mức độ phòng ban. Phòng Tài chính không bao giờ làm việc với Phòng Bán hàng (những người nghĩ bản thân họ như một silo quan trọng nhất trong tất cả). Mỗi tháng tất cả các trưởng phòng gặp nhau để đi ăn trưa và quát tháo lẫn nhau. Đây được coi là cuộc họp cập nhật sự lãnh đạo của họ. Họ tổ chức các cuộc họp bên ngoài văn phòng do đó nhân viên của họ sẽ không nghe thấy tiếng quát tháo. Kiểu ứng xử này diễn ra một cách hệ thống và chứng tỏ việc đặt lợi ích cá nhân và lợi ích phòng ban lên trên mục tiêu của công ty.

Các tổ chức lớn về lâu dài sẽ có xu hướng bị phân chia thành các tổ chức nhỏ với quy mô đủ lớn bên trong nó. Nhìn chung, tổ chức đó sẽ trở nên kém linh hoạt, kém thích ứng và bị điều khiển bởi các lợi ích cá nhân. Nói tóm lại, nó trở thành một môi trường kém liên kết và đồng nhất.

Tăng trưởng chỉ thể hiện tính ưu việt của một số ít ỏi các điều luật quản lý phạm vi và ảnh hưởng của các tập đoàn đa quốc gia hay toàn cầu. Nhiều tập đoàn quốc tế có lãi nhờ họ chuyên môn hóa ở mức độ cao và tách biệt (hoặc bảo vệ) các áp lực kinh tế địa phương và nội địa. Ví dụ như, một tập đoàn Mỹ hoạt động tại Thái Lan không có nghĩa vụ giữ vững các giá trị, văn hóa, chính sách và cách thực hiện (công việc) như của công ty mẹ tại Mỹ.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. KINH DOANH VÀ ĐỨC PHẬT
  2. CHUYỂN HÓA MỌI BIỂU HIỆN THÀNH AVALOKITESHVARA
  3. CHÌA KHÓA KINH DOANH THÀNH CÔNG

Bài viết khác của tác giả

  1. KINH TẾ HỌC PHẬT GIÁO – KINH DOANH VÀ ĐỨC PHẬT THỊNH ĐẠT BẰNG THIỆN NGHIỆP
  2. CÁC NGUYÊN TẮC VÀ GIÁ TRỊ
  3. TIỀN BẠC VÀ ĐẠO ĐỨC

Bài viết mới

  1. CHÚNG TA TRỞ NÊN NHƯ THẾ NÀO TÙY THUỘC VÀO SUY NGHĨ CỦA CHÍNH MÌNH
  2. HÃY RŨ BỎ QUÁ KHỨ CHÚ TÂM VÀO HIỆN TẠI
  3. TÂM BÌNH AN TRƯỚC NHỮNG KHÓ KHĂN KHÔNG THỂ TRÁNH