CHÌA KHÓA KINH DOANH THÀNH CÔNG

INAMORI KAZUO

Trích “Thách Thức Con Số 0”, Inamori Kazuo, Đào Thị Hồ Phương dịch, NXB Lao động, 2017

INAMORI KAZUO

INAMORI KAZUO – CHỦ TỊCH DANH DỰ JAPAN AIRLINES VÀ KYOCERA – chìa khóa thành công của việc kinh doanh đó là: “Đem lại niềm vui, hạnh phúc cho người khác cũng chính là đem lại niềm vui và sự thành công cho mình.”

? TỪ VIỆC QUYẾT ĐỊNH GIÚP NGƯỜI

Ngay trong kinh doanh tôi cũng nghĩ rằng điều quan trọng đó là phải làm mọi việc bằng tâm lương thiện, trong sáng. Nói cách khác, tôi nghĩ rằng chìa khóa thành công của việc kinh doanh đó là: “Đem lại niềm vui, hạnh phúc cho người khác cũng chính là đem lại niềm vui và sự thành công cho mình.”. Tôi sẽ đưa ra thêm ví dụ từ kinh nghiệm bản thân về điều này.

Đó là câu chuyện của năm 1998, khi công ty Mita đang rơi vào tình trạng phá sản thì Kyocera đã giúp đỡ ra sao…

Lúc đó sau khi xem xét tình hình, tôi đã nhanh chóng quyết định phải làm điều gì đó. Cùng với việc cử người phụ trách quản lý công việc và lập kế hoạch kinh doanh mới, tôi cũng đã quyết định thành lập Kyocera Mita. Quyết định lần này hoàn toàn không phải vì chiến lược, chiến thuật kinh doanh mà chỉ đơn giản là vì muốn cứu giúp người khác.

Với nghĩa vụ phải gánh vác việc trả “món nợ” 40 tỷ yên, thì chúng tôi đã phải lên kế hoạch dài hạn để “tái sinh” Mita và dự tính trả toàn bộ xong số tiền đó sẽ phải mất ít nhất 10 năm. Nhưng nhờ vị giám đốc mới mà Kyocera cử đến thay vị giám đốc cũ của Mita và tất cả nhân viên đã nỗ lực cố gắng vượt bậc nên đến cuối tháng 2 năm 2002, nợ đã trả xong hoàn toàn (chỉ mất khoảng bốn năm so với mục tiêu 10 năm). Từ đó đến nay, trải qua hơn bảy năm tiếp tục không ngừng cố gắng, Kyocera Mita đã có khởi đầu mới cũng rất thành công.

Trong buổi tiệc tất niên của công ty vào năm 2001, vị giám đốc của Kyocera đã cảm động rơi nước mắt nói với tất cả khách tham dự và nhân viên của mình như sau: “Thành tích của Kyocera đạt được như ngày hôm nay là nhờ vào sự cố gắng không ngừng của tất cả chúng tôi. Có thể nói rằng chúng tôi đã được “hồi sinh”. Tất cả chúng tôi cảm thấy tràn đầy hi vọng và hạnh phúc. Với tư cách là người đại diện công ty Kyocera, tôi xin thay mặt toàn thể nhân viên tỏ lòng cám ơn chân thành đến ngài Inamori Kazuo. Về mặt cá nhân, tôi cũng hi vọng đây là sự báo đáp ân tình của tôi với ngài Inamori, người đã từng giúp đỡ tôi 20 năm về trước. Do vậy, khi được ngài ấy tin tưởng giao cho “trọng trách” làm giám đốc công ty Kyocera, tôi đã tự hứa và “thề” rằng nhất định phải làm gì đó để báo đáp, không phụ thuộc lòng tin tưởng ấy. Tôi cũng nghĩ rằng thần may mắn đã mỉm cười với tôi và Kyocera Mita. Đây thật sự là điều kỳ diệu. Đến tận lúc này tôi vẫn cảm thấy như là trong mơ.”

Tiếp theo là một ví dụ khác nữa. Thực sự thì trong lĩnh vực Cybernet, cũng có các công ty chuyên sản xuất và bán các máy thu phát. Bắt đầu từ thập niên 70 ở Mỹ, qua việc phổ cập và bùng nổ những phương tiện được gọi là “truyền thông không dây”, thì ngành Cybernet cũng đã nhanh chóng được biết đến và đạt tăng trưởng mạnh ở phạm vi rộng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, trong lĩnh vực này đã có công ty dù đạt được thành công và tăng trưởng cao nhưng do chỉ tập trung vào việc sản xuất một sản phẩm nào đó nên dần dần rơi vào tình trạng bất ổn, rủi ro. Trong thực tế, một vài năm sau đó, khi thay đổi tiêu chuẩn của máy thu phát và bắt đầu quy định về việc nhập khẩu từ Nhật Bản thì nhu cầu đặt hàng của người mua từ Mỹ đã tăng lên như tên bắn và phải liên tục sản xuất hàng loạt để đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, sau đó, đã có rất nhiều đơn hàng bị hủy. Có ba nơi của một nhà máy trong ngành công nghiệp Cybernet ở Nhật mà tôi biết cũng đã bế tắc vì dư thừa 2,600 nhân viên. Khi đó, họ đã gửi thư đề nghị công ty Kyocera của chúng tôi giúp đỡ. Tôi cũng đã gặp trực tiếp vị giám đốc và nhân viên của công ty đó và những lời nói của họ về việc muốn tôi hãy giúp họ đã thật sự khiến tôi xúc động. Tôi đã cùng những vị có trọng trách của công ty ngồi lại cùng nhau bàn bạc, suy nghĩ. Một lần nữa, tinh thần “hành hiệp trượng nghĩa” phải làm gì đó, phải cứu giúp người khác trong tôi đã trỗi dậy mạnh mẽ. Cuối cùng tôi đã quyết định thu mua lại công ty Cybernet đó với vai trò là công ty con của Kyocera.

Và một lần nữa, quyết định này cũng giúp Kyocera có sự khởi sắc và đạt được những thành công mới.

Qua những ví dụ này, có thể thấy rằng, việc “cứu giúp” người đơn giản chỉ vì điều đó xuất phát từ quan niệm chữ Tâm và phương châm “Làm người phải làm điều gì là đúng?” mà tôi đã tự đề ra và coi đó là quan niệm sống của mình.

? NỖ LỰC HẾT SỨC VÀ KHÔNG NGỪNG SÁNG TẠO ĐỔI MỚI

Dĩ nhiên nếu chỉ có “Tâm” lương thiện, vì người khác, thì không đủ điều kiện để đạt được thành công trong kinh doanh. Khi Kyocera sáp nhập Cybernet vào cũng đã gặp rất nhiều khó khăn.

Đầu tiên là phải nhanh chóng sản xuất những thiết bị như HI-FI Stereo, … và nhắm đến việc xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Trong lĩnh vực mới này, trình độ kỹ thuật cũng như sự quen biết với những công ty hàng đầu của chúng tôi hoàn toàn không có, và do vội vàng thay đổi nên lúc đầu, chúng tôi đã không thể thành công. Tôi đã nhiều lần sang tận New York để tìm hiểu, học hỏi thêm. Tôi nhớ rất rõ kinh nghiệm trong một lần giao dịch với đối tác là một người Do Thái, khi đó sống tại trung tâm thành phố New York. Những đòi hỏi khắt khe trong những lần giao thiệp với người đó đã khiến tôi có thêm hiểu biết và lưu ý khi chế tạo loại sản phẩm mới này.

Ngoài ra, trong việc nỗ lực để sản xuất máy in, chúng tôi đã suy nghĩ và muốn làm ra loại máy in ảnh điện tử. Nhưng việc này ban đầu cũng tiến hành không được thuận lợi. Chúng tôi dự định triển khai mảng này trên cơ sở kỹ thuật đã có của công ty Cybernet và muốn phát triển nó, nhưng mọi việc hoàn toàn không như mong muốn. Trong lĩnh vực mới này, chúng tôi đã tốn rất nhiều công sức, thời gian, tiền bạc để đầu tư. Mặc dù cũng chế tạo ra được một vài sản phẩm nhưng điều đó không có nghĩa là trong tương lai sẽ không gặp khó khăn.

Tôi nhớ rất rõ câu chuyện khi loại máy in mới có sử dụng trống cảm quang hữu cơ (Organic photosensitive drum) được hoàn thành và xuất khẩu sang châu Âu lúc đó. Khi mang sang châu Âu và kiểm tra thử thì không thể in được như máy in bình thường. Chúng tôi đã kiểm tra thật kỹ từng công đoạn để tìm ra lý do. Thì ra nguyên nhân là do sự thay đổi nhiệt độ và độ ẩm. Trong quá trình vận chuyển từ Nhật sang châu Âu, do vận chuyển bằng tàu thủy, phải vượt qua biển Ấn Độ Dương, thông qua kênh đào Suez rồi mới đến châu Âu, và vì quá trình di chuyển quá lâu như vậy, nên nhiệt độ, độ ẩm thay đổi đã khiến cho sản phẩm không còn giữ được tính năng như ban đầu. Quả thật chúng tôi đã rất đau đầu để giải quyết vấn đề này và cuối cùng, chọn giải pháp là vận chuyển bằng đường hàng không.

Tuy nhiên, mọi nỗ lực đã được đền đáp. Với ý chí quyết tâm nên ngành công nghiệp Cybernet cũng đã đóng góp nhiều thành quả cho việc phát triển chung của Kyocera. Nhưng theo đúng quy luật tuần hoàn của vũ trụ thì mọi việc đều có lúc thịnh, lúc suy, nên sau một thời gian phát triển nhanh, mạnh, ngành công nghiệp Cybernet cũng đến lúc chững lại, bão hoà và rơi vào suy thoái. Tình hình chung đó đã khiến tôi có lúc nghĩ rằng mình nên rút lui khỏi lĩnh vực này. Tuy nhiên, một lần nữa, tôi lại “vượt lên chính mình”. Sau những đổi mới, sáng tạo liên tục và suy nghĩ đúng đắn trên tinh thần “Never give up” (Không đầu hàng, bỏ cuộc), chúng tôi cũng đã đạt được thành công trong lĩnh vực mới này.

Như đã đề cập, chúng tôi đã rất khó khăn trong việc tìm nguyên vật liệu để chế tạo ra loại máy in mới có sử dụng trống cảm quang hữu cơ (Organic Photosensitive drum). Cuối cùng chúng tôi đã tìm ra giải pháp, đó là sử dụng vật liệu Amorphous silicon để tăng cường tuổi thọ cho loại trống cảm quang hữu cơ trong loại máy in mới, và chúng tôi cũng đã tiến hành phát triển loại sử dụng trống cảm quang hữu cơ có tính định kỳ ngắn hạn. Đến khi hoạt động trong lĩnh vực mới này dần dần ổn định và đi vào quỹ đạo thì có sự đóng góp không nhỏ về mặt kỹ thuật của công ty Mita, một công ty mà chúng tôi đã mua lại và sáp nhập thành công ty con.

? THÀNH CÔNG TRÊN CON ĐƯỜNG ĐẦY CHÔNG GAI

Tôi khẳng định lại một lần nữa rằng không chỉ có suy nghĩ “phải cứu giúp người khác”“phải làm điều thiện, làm đúng với tư cách là con người” thì sẽ thành công. Tất nhiên là phải nỗ lực làm việc thiện, làm việc tốt, vì người khác, nhưng trong quá trình ấy cũng luôn cần một ý chí kiên trì vượt khó và không ngừng theo đuổi sự sáng tạo và đổi mới.

Không phải làm việc thiện, hay cứu người lúc nào cũng được “báo đáp” như một số việc tôi đã làm và kể ra. Ngược lại, cũng có nhiều lúc gặp rất nhiều rủi ro. Một ví dụ đơn giản như việc là người đảm bảo cho ai đó mượn tiền. Khi con nợ biến mất hay có chuyện gì, thì chủ nợ sẽ tìm người bảo đảm để “đòi nợ”. Nhìn thoáng qua thì làm việc thiện, điều tốt có vẻ là mức độ rủi ro, khó khăn sẽ rất cao mà dường như không có sự đảm bảo chắc chắn nào. Tuy nhiên, chỉ cần có ý nghĩ mãnh liệt rằng “mình phải cứu họ bằng mọi cách”, thì tự nhiên điều đó sẽ ăn sâu vào tiềm thức, buộc bản thân phải suy nghĩ và tìm ra giải pháp. Như vậy, đó cũng là nền tảng cho những sáng tạo và đổi mới. Như tôi đã nói, càng trong lúc khó khăn nhất thì khả năng tiềm ẩn của chúng ta sẽ càng được phát huy mạnh mẽ nhất. Tất cả những gì tôi đã trải qua cho thấy điều này hoàn toàn chính xác chứ không phải chỉ mang tính chất “giáo điều”, sách vở. Phương châm sống “Vì người khác, vì thế giới” tiếp tục được tôi thực hiện khi thành lập công ty điện tử thứ hai là DDI và trong việc tái xây dựng lại hãng hàng không JAL.

“Con đường dẫn đến thành công không trải đầy hoa hồng.”. Để đạt được những thành công như ngày hôm nay, cũng như bao người khác, tôi cũng từng trải qua biết bao gian nan, thử thách, … Những gì tôi viết ra đây chỉ là một vài trong muôn vàn khó khăn mà tôi gặp phải trên con đường lập nghiệp. Bằng kinh nghiệm gần cả cuộc đời mình, tôi tin rằng: “Ở đâu có ý chí, ở đó có con đường”, và “Thất bại là mẹ thành công”. Cánh cửa dẫn đến thành công nằm ở chính bản thân chúng ta. Chìa khóa của nó chính là sự quyết tâm và quyết tâm, không ngừng nỗ lực và sáng tạo, đổi mới. Việc chế tạo máy in mới khi đó cũng chính là một ví dụ cho điều này. Vượt qua khó khăn ban đầu, mọi việc đã đi vào ổn định và đi vào quỹ đạo hoạt động tốt. Với việc sản xuất cả máy photocopy, doanh thu của Kyocera Mita đã đạt 240 tỷ yên. Hiện nay, Kyocera Mita đã có nhà máy sản xuất quy mô lớn tại tỉnh Đông Hoản của Trung Quốc và đang tiến hành việc xây dựng nhà máy mới ở cả Việt Nam. Với mục tiêu lấy Trung Quốc và Việt Nam làm cơ sở sản xuất hạt nhân để xúc tiến chiến lược mở rộng hoạt động trên phạm vi toàn cầu.

Tóm lại, từ một công ty “nợ như chúa chổm” đến mức gần phá sản bỗng nhanh chóng trở thành một công ty đạt được thành tích vượt bậc như vậy, có thể nói là điều “thần kỳ”. Nhưng sự “thần kỳ” không phải từ trên trời rơi xuống mà là nhờ ý chí, quyết tâm và nỗ lực không ngừng của tất cả thành viên của công ty Kyocera Mita. Thành quả đạt được đã làm mọi người yên tâm và “thắp lên hi vọng” về một tương lai tốt đẹp hơn nên mọi người lại càng cố gắng làm việc chăm chỉ hơn nữa.

Như phần trước đã đề cập, khi giám đốc của Kyocera Mita quyết định dùng ngành Cybernet để giúp đỡ cho Kyocera thì ông ấy đang đảm nhận vai trò giám đốc nhà máy. Sau đó, ông ấy đã đảm nhận công việc kinh doanh máy in và cùng phát triển nó với công ty Kyocera, nên được coi là nhân vật được Kyocera cử đến với vai trò “tiên phong”. Hơn nữa, nhìn lại lịch sử thành tích của Kyocera thì thấy đây là một người rất có kinh nghiệm và cả cuộc đời đã gắn bó say mê với công việc đó. Có thể nói đây là mẫu người hội đủ những yếu tố để dẫn đến thành công như tôi đã nói ở trên.

Người ta thường cho rằng thành công trong kinh doanh cần có chiến lược, chiến thuật hợp lý. Nhưng tôi cho rằng, điều quan trọng nhất là động cơ phải thiện, nghĩa là làm điều đúng đắn, không trái với lương tâm. Kinh doanh nếu chỉ chạy theo mục tiêu lợi nhuận sẽ không thể lâu dài, nhưng nếu làm mọi việc trên cơ sở nền tảng chữ “Tâm” thì mọi việc đều “Đạt”. Không chỉ trong kinh doanh mà trong cuộc sống cũng vậy. Ngoài ra, còn cần sự nỗ lực, sáng tạo không mệt mỏi với suy nghĩ không chịu thua kém bất kỳ ai: “Người khác làm được thì mình cũng được.”. Cổ nhân có câu “Người có lòng, trời không phụ.”. Do vậy, tôi nghĩ rằng cứ nỗ lực cố gắng và sống tốt, sống đúng theo quy luật của vũ trụ, của tạo hóa thì chắc chắn sẽ được đền đáp.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. LÒNG TỐT DẪN ĐẾN THÀNH CÔNG
  2. KINH DOANH VÀ ĐỨC PHẬT
  3. KINH DOANH

Bài viết khác của tác giả

  1. MƯỜI HAI QUAN NIỆM KINH DOANH TUỔI 20 NÊN BIẾT
  2. CHÍNH VÌ SỐNG MỘT CÁCH ĐÚNG ĐẮN, CON NGƯỜI MỚI GẶP PHẢI GIAN NAN
  3. GẶP GỠ “NGƯỜI THẦY CỦA VẬN MỆNH”

Bài viết mới

  1. KHỔ ĐAU VÀ HẠNH PHÚC CHỈ LÀ CẢM NHẬN CHỦ QUAN
  2. VƯỢT QUA SỢ HÃI
  3. TÍNH NÔN NÓNG