CHUYỂN HÓA MỌI BIỂU HIỆN THÀNH AVALOKITESHVARA

LAMA THUBTEN YESHE

Trích: Trở Thành Đức Phật Từ Bi; Dịch Giả: Thái An; NXB. Hồng Đức; 2014

Trong các kỳ ẩn cư, lúc nào chúng ta cũng nên hành trì pháp du già này, cả ngày lẫn đêm. Ngoài việc thấy bản thân như bổn tôn đại thủ ấn, bạn cũng nên thấy mọi chúng sinh trong hình tướng thiêng liêng ấy. Hơn nữa, bạn không nên cảm nhận mọi thứ xung quanh như thể là phàm tục. Là bổn tôn đại thủ ấn siêu việt, bạn không nên có ấn tượng đời thường, rằng chúng ta đang ngồi ở đâu đó; cách nhìn ấy không đúng. Bạn phải nhận ra mọi thứ chính là đạo tràng của Avalokiteshvara, và đạo tràng của ngài là sự chuyển hóa từ năng lượng phúc lạc.

? HÀNH TRÌ – LINH ẢNH TAN THÀNH ÁNH SÁNG

1, 2, 3, 4. Đạo sư Avalokiteshvara ngồi trên ngai báu, mặt trời, mặt trăng, dưới hình tướng một tu sĩ, trong trái tim ngài là đức Avalokiteshvara. Sau khi trì các phần cầu nguyện, Đạo sư Avalokiteshvara hòa nhập vào bạn, và bạn tan vào tính Không. Quán chiếu bước tiếp theo.

5. Từ không gian ấy, mặt trăng và chùm sáng xuất hiện, ánh sáng tỏa ra bao trọn mọi năng lượng vũ trụ, khi đó mọi thứ mà ánh sáng ấy ôm lấy cả thế giới – đều tan rã; mọi chúng sinh tan chảy vào ánh sáng rực rỡ.

Hãy chắc rằng bạn chuyển hóa mọi thứ ánh sáng, đặc biệt những gì bạn dính mắc, những gì thu hút bạn. Về mặt tâm lý, điều này mang lại hiệu quả mạnh mẽ. Toàn bộ môi trường của những rắc rối – mâu thuẫn bị hấp thu, bị hút vào ánh sáng rực rỡ, nên giờ bạn không thể có hình ảnh kiên cố nào về những gì tồn tại.

6. Tiếp theo, sau sự hòa nhập mãnh liệt và sự nhận biết rõ nét, tập trung, chùm sáng lại chuyển thành thân thể bổn tôn Avalokiteshvara. Trong khắp thế gian chỉ có bạn, Avalokiteshvara. Hãy quán chiếu sự sáng tỏ này.

Khi có xao nhãng, hãy nhận ra đó là năng lượng tiêu cực từ trong tâm trí. Thay vì trừ bỏ nó, hãy quan sát nó một cách sáng suốt và tỉnh táo – bong bóng xao nhãng tiêu cực ấy sẽ tự nó biến mất.

? SỰ THẬT VỀ CÁC TƯỞNG TƯỢNG CỦA CHÚNG TA

Bạn có thể nói rằng khi sự xao nhãng biến mất vào không gian trống rỗng, đây chính là sự thật của quan niệm mê lầm. Giả sử ai đó kể với bạn một câu chuyện ly kỳ. Bạn sẽ rất phấn khích khi nghe kể, và muốn tự mình đi xem thế nào. Bạn sẽ hỏi thông tin, tìm chỗ nọ chỗ kia – nhưng bạn sẽ không tìm thấy gì cả. Sau câu chuyện, sau tất cả những phấn khích và tìm kiếm ấy, bạn không tìm thấy gì. Khoảnh khắc đó, sẽ có một cảm giác trống không? Như thể bạn đã mất đối tượng tưởng tượng của mình. “Tôi đã cố công tìm kiếm, vậy mà chẳng có gì”. Sẽ có một cảm giác trống rỗng.

Tất nhiên trong tình huống đó, bạn sẽ cảm thấy không hài lòng vì không tìm thấy gì, nhưng thực ra, “không tìm thấy gì” là sự thật về các tưởng tượng? Sau tất cả những cảm xúc và lý tưởng hóa, rốt cuộc bạn không tìm thấy gì. Cái trống không ấy là sự thật của các tưởng tượng. Nó có ý nghĩa không? Tôi đang nói về phương diện tâm lý. Những kinh nghiệm đời thường của chúng ta gây ra sự thất vọng lớn, nhưng thật nực cười. Chúng ta thất vọng là bởi không đối mặt với thực tại. Các tưởng tượng của chúng ta không phải là thực tại; bởi vậy khi chúng khởi lên, chúng ta tìm hiểu lại chẳng thấy gì. Nhưng đó là sự thật về các tưởng tượng của chúng ta.

Trong thời quán chiếu bổn tôn thiêng liêng, nếu mê lầm nổi lên thì đừng trừ bỏ nó. Hãy chỉ nhìn vào, tự nhiên nó sẽ biến mất; bạn sẽ tự động trở lại với đối tượng của thiền. Đôi khi thay vì nhìn vào chính sự mê lầm, bạn có thể nhìn vào đối tượng của tư tưởng mê lầm. Hãy quan sát – nó cũng sẽ tự nhiên biến mất.

? BA CON ĐƯỜNG BÍ MẬT CỦA BẬC TÔN QUÝ

Có một cách khác để trừ bỏ sự xao nhãng. Mỗi khi xao nhãng nổi lên, hãy chuyển hóa nó thành thân Avalokiteshvara thiêng liêng, tức bổn tôn đại thủ ấn, và để nó chìm vào bạn, hợp nhất với bạn, lúc này đang là Avalokiteshvara. Hãy nhìn nhận mọi điều xuất hiện như biểu hiện của bổn tôn đại thủ ấn, mọi âm thanh nổi lên như chân ngôn siêu việt, và mọi ý nghĩ nổi lên như pháp thân của Avalokiteshvara.

Bản văn viết “Ba con đường bí mật của bậc tôn quý”. “Nhìn nhận mọi thứ xung quanh như một đạo tràng phúc lạc, thấy mọi chúng sinh như thị hiện của bổn tôn, và nghe mọi âm thanh như chân ngôn, bằng trực giác biết rằng mọi thứ không có sự tồn tại thực chất”.

Tại sao thân thể, lời nói và trí huệ phúc lạc của bổn tôn đại thủ ấn lại được gọi là bí mật? Vì lúc này chúng ta bị mê mờ, không thể thấy. Không phải chúng được gọi là bí mật vì không được phép cho thấy; bí mật là ở chỗ khó nhận ra chúng.

Trên thực tế, mọi thứ từ hình dạng, màu sắc, mùi vị,… đều có năng lượng giống như âm thanh. Tác động của âm thanh thực đơn giản. Chẳng hạn ai đó nói với bạn, “Bạn rất đẹp”, thế là chuỗi âm thanh ấy làm bạn hạnh phúc. Nhưng khi bạn nghe ai đó nói “Bạn xấu quá”, chuỗi âm thanh này chẳng làm bạn vui chút nào! Một chuỗi âm thanh đưa bạn lên, một chuỗi âm thanh khác kéo bạn xuống. Nhưng đây chỉ là vấn đề tâm lý.

Nhìn từ một góc độ khác, cả hai câu nói đều chỉ là âm thanh, nhưng chúng ta thổi phòng ý nghĩa của chúng và bị rúng động về cảm xúc. Chúng ta giống như những đứa trẻ: thiếu sáng suốt, thiếu kiểm soát. Thường thì sau một kỳ tu tập, khi trở lại với môi trường thông thường, bạn chẳng khác gì đứa trẻ: bạn cứ làm theo những gì đang có đó. Bạn không thể giữ vững đạo tràng của mình, và bạn đổ lỗi cho người khác: cho xã hội, cho hoàn cảnh,…

Tuy nhiên, khi bạn hiểu rõ hơn, các âm thanh sẽ chỉ mang lại một cảm giác giải thoát. Dù âm thanh nào nổi lên, bạn sẽ nghe chúng như thể chúng bình đẳng với nhau.

? HÀNH TRÌ TRÌ CHÂN NGÔN

1. Quán tưởng Đạo sư Avalokiteshvara dưới hình tướng một vị tăng, ngồi trên ngai do sư tử tuyết nâng đỡ. Ở trái tim ngài là Avalokiteshvara.

2. Trì bài cầu nguyện 7 phần, cúng dường mandala và trì bài cầu nguyện con đường tuần tự đến giác ngộ.

3. Giờ đây, hãy hòa nhập Đạo sư Avalokiteshvara vào trái tim mình. Quán tượng ngai ánh sáng rực rỡ hoà nhập vào hoa sen, hoa sen hoà nhập vào mặt trời, mặt trăng, và tất cả hòa nhập vào thân thể Đạo sư Avalokiteshvara. Từ đỉnh đầu trở xuống và bàn chân trở lên cùng lúc, Đạo sư Avalokiteshvara hòa nhập vào thể trí huệ ở luân xa trái tim, và thể ấy tan rã thành ánh sáng rực rỡ.

4. Tiếp theo, quán tưởng chính bạn tan rã thành ánh sáng. Ánh sáng ấy mỗi lúc một nhỏ hơn cho đến khi cuối cùng biến mất. Trải nghiệm sự hợp nhất, cái nhìn về tính Không. Hãy thấy không gian trống rỗng.

5. Cuối cùng, từ không gian trống rỗng ấy, một vầng trăng xuất hiện, chính là tâm thức bạn. Hãy quán chiếu. Rồi từ trung tâm của vầng trăng hiện lên một chùm sáng, tức chữ Hrih. Nó tỏa ánh sáng ra khắp thế gian, tịnh hóa mọi thứ bất tịnh của mọi chúng sinh, và cúng dường đến mọi bậc tối cao.

Tiếp theo, ánh sáng hòa nhập trở lại vào Hrih, tức là bạn.

6. Trong không gian, bạn nghe âm thanh của thần chú Om Mani Padme Hum. Nó tiếp sinh lực cho bạn – lúc này đang là chùm sáng – và bạn chuyển thành thân cầu vồng thiêng liêng của Avalokiteshvara. Đây là năng lượng trí huệ của chính bạn chuyển hóa thành bổn tôn đại thủ ấn: sắc diện trắng, bốn tay, ngồi trong tư thế kiết già trên một đóa sen trắng. Hai tay chắp trước ngực ở khế ấn cầu nguyện, hai tay kia tách ra, một tay cầm tràng hạt và một tay cầm hoa sen. Bạn thấy thân thể ánh sáng pha lê của mình, trải nghiệm đồng thời phúc lạc và trạng thái bất nhị. Thân ấy là tâm bạn. Tâm bạn là đối tượng, tâm bạn là chủ thể: sự hợp nhất giữa trí huệ và phương tiện. Bạn là bổn tôn đại thủ ấn.

7. Khi thấy có thể tập trung vào thân thiêng liêng này lâu chừng nào bạn muốn, bạn sẽ được khuyến khích chuyển tới sự tập trung tinh tế hơn. Lúc này bạn là Avalokiteshvara, và tại tim bạn là chân ngôn sáu âm tiết, Om Mani Padme Hum. Tập trung vào chân ngôn khi đang trì chân ngôn. Trì chân ngôn đủ lớn để mình nghe nhưng không quá lớn để người khác nghe thấy. Ngoài ra, hãy nhớ rằng chân ngôn cũng là sự chuyển hóa của trí huệ phúc lạc.

Trong khi trì chân ngôn, hãy tưởng tượng ánh sáng từ nó tỏa khắp thế gian, chuyển hóa năng lượng vũ trụ thành ánh sáng, rồi ánh sáng ấy chìm trở lại vào chân ngôn ở trái tim.

Thực ra, có rất nhiều hoạt động trong tâm trí.

Lúc này, mọi năng lượng phiền muộn, ô nhiễm trong tâm trí bạn như dính mắc, sân hận… đã được kích hoạt, chúng đang ngăn cản năng lượng thuần khiết hoạt dụng. Việc làm mọi thứ tan rã thành ánh sáng và hấp thu nó trở lại vào trái tim Avalokiteshvara của bạn sẽ giải phóng các năng lượng bị bế tắc, làm nó tan vào kênh trung tâm, tiếp sức cho năng lượng thuần túy, bằng cách đó làm năng lượng ấy phát huy. Đây là chìa khóa để cởi mở tâm trí.

? THÂN CŨNG QUAN TRỌNG

Thực tế, du già mật tông nhấn mạnh cả thể xác lẫn tâm lý – cả hai đều quan trọng. Bạn không thể nói, “Cái thân giẻ rách của tôi chẳng tốt đẹp gì, tôi không muốn quan tâm đến nó”! Như vậy không đúng. Có một số khai tâm đi kèm với một nguyện, đó là bạn không bao giờ nên chỉ trích thân thể mình, mà phải nhìn nhận nó một cách tích cực, quan tâm đến nó, giữ nó sạch sẽ và khỏe mạnh.

Tất nhiên, giai đoạn Tiểu thừa trong lamrim không nói năm uẩn có bản chất khổ như thế nào, và điều này cũng đúng. Không có mâu thuẫn giữa Tiểu thừa và Kim cương thừa; nó tùy vào cấp độ tâm thức của mỗi cá nhân. Tất cả những giáo lý này là một phần của con đường tuần tự tới giác ngộ. Vào lúc đầu, chúng ta cần một cách tiếp cận nhất định; sau đó khi đã thực chứng, chúng ta xả bỏ và đi tới. Theo du già mật tông, thân này rất quý, giống như kim cương – chúng ta có thể sử dụng năng lượng của thân thể trên con đường phút là tới giải thoát.

Không những thế, người ta còn giải thích rằng mỗi luân xa có một chức năng riêng. Giả sử bạn khó trải nghiệm phúc lạc trong thiền. Sự tập trung của bạn có thể tốt, nhưng bạn thấy khó trải nghiệm phúc lạc. Trong trường hợp đó, điều bạn có thể làm là đưa chân ngôn từ luân xa tim xuống rốn và tập trung vào nơi ấy. Hãy xem các cảm giác có thay đổi không, bạn có cảm nhận được phúc lạc không. Nếu cách ấy không có tác dụng, bạn hãy đưa chân ngôn xuống thấp hơn nữa, tới luân xa 1, và quán chiếu chân ngôn ở đó, như vậy tự động tạo ra một trải nghiệm phúc lạc.

Tuy nhiên, nếu bạn cảm nhận phúc lạc mà không có trí huệ xuyên thấu sâu xa, tức chính kiến, phúc lạc sẽ trở thành một trạng thái tinh thần bình thường. Bởi vậy, khi trải nghiệm phúc lạc, điều rất quan trọng là bạn đồng thời nhận thức tính Không. Bạn cần năng lượng đó để làm trải nghiệm của mình trở nên siêu việt.

Thực tế, nếu thật sự hiểu bổn tôn đại thủ ấn tức hiểu giai đoạn tiến triển, bạn không cần làm gì cả: phúc lạc và tính Không tự nhiên đến cùng lúc. Bản chất của thân cầu vồng là phúc lạc và trong suốt, tự động nó như thế. Chỉ thấy thân Avalokiteshvara thiêng liêng thôi cũng tiếp sinh lực cho phúc lạc siêu việt, giống như việc thấy một thân người đẹp đẽ sẽ tiếp sức cho năng lượng ham muốn của luân hồi. Thực chứng thân cầu vồng của Avalokiteshvara mang lại một kinh nghiệm phúc lạc khó tin, một cảm giác hợp nhất, không có tự thể. Khi bạn thật hiểu quá trình này, những thứ ấy tự đến với nhau.

Khi đã hài lòng với sự tập trung vào bổn tôn đại thủ ấn, bạn có thể chuyển sự tập trung sang chân ngôn.

Thêm một điều nữa. Khi bạn thấy một điều xấu, hãy nghĩ: “Xấu cũng không hẳn là dở”, và khi thấy một điều tuyệt vời, hãy nghĩ: “Tốt cũng không hẳn là hay”. Điều này nghe có vẻ ngốc nghếch nhưng thực ra nó rất sâu xa. Với hiểu biết như vậy, bạn sẽ có nhiều kiểm soát hơn, không quá bị tác động bởi mọi thứ xung quanh.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. CHÂN NGÔN THỐT RA LỜI VÀ CHÂN NGÔN TRONG TÂM
  2. CÁI THẤY RÕ VÀ NIỀM KIÊU HÃNH THIÊNG LIÊNG

Bài viết khác của tác giả

  1. TÂM LÀ TÔN GIÁO CỦA BẠN
  2. TẠI SAO NÊN THIỀN ĐỊNH ? MỘT KHẢO SÁT TÂM LÝ HỌC PHẬT GIÁO
  3. BIẾN MỌI KHOẢNH KHẮC THÀNH TU TẬP – LAMA YESHE

Bài viết mới

  1. DANH NGÔN VỀ SỰ THÔNG MINH
  2. NIỀM TIN VÀO CHỦ NHÂN KHÔNG LÀ CHÌA KHÓA
  3. BẠN THÔNG MINH HƠN BẠN TƯỞNG