CÁI THẤY RÕ VÀ NIỀM KIÊU HÃNH THIÊNG LIÊNG

LAMA THUBTEN YESHE

Trích: Trở Thành Đức Phật Từ Bi; Dịch Giả: Thái An; NXB. Hồng Đức; 2014

☀️ HAI LOẠI THIỀN

Để có sự định tâm trọn vẹn vào bổn tôn đại thủ ấn, đầu tiên chúng ta cần hiểu bằng lý trí. Sau đó chúng ta hành thiền mà không có lý trí, chỉ buông xả. Nhưng một số người hành thiền nghĩ: “Lý trí là rác rưởi, nên vứt bỏ nó”, trong khi những người khác lại nghĩ lý trí quan trọng hơn sự định tâm. Thực ra cả hai thái độ đều sai. Chúng ta cần cả hiểu biết lý trí lẫn định tâm.

Chỉ với lý trí không thôi, bạn không bao giờ trải nghiệm được tính Không, tức bổn tôn đại thủ ấn. Nếu không buông bỏ lý trí và đi vào thiền, bạn rốt cuộc sẽ chỉ gặp những tưởng tượng của chính mình thay vì trải nghiệm thật sự. Tuy nhiên, khi bắt đầu hành thiền, bạn cần lý trí để đặt tâm mình vào đúng kênh. Một khi nó ở đó, bạn liền buông xả, phi lý trí, và trải nghiệm tự động đến.

Bước đầu tiên trong đó chúng ta dùng lý trí được gọi là che gom – thiền phân tích. Gom nghĩa là thiền – trí huệ xuyên thấu, phân tích sâu xa, làm sáng tỏ tình huống. Điều này được giải thích rất chi tiết trong các giáo pháp lamrim. Tiếp theo, khi mọi thứ được ổn định, bạn buông bỏ lý trí: đây được gọi là jog gom.

Giống như lái một chiếc xe. Đầu tiên bạn phải quen thuộc với mọi thứ – cần thắng, hộp số, tay lái…- sau đó khi đã quen, bạn cứ vậy thoải mái và lái. Nếu cố lái mà trước đó không trở nên quen thuộc với mọi thao tác và cơ cấu của việc lái xe, bạn sẽ đâm vào đâu đó, nhưng nếu sáng tỏ mọi chuyện, bạn sẽ lái tự nhiên.

Thiền cũng tương tự. Đầu tiên, hãy xem bạn cần bao nhiêu lý trí trước khi buông xả vào sự quán chiếu. Sau đó, bạn sẽ trở nên giống như con cá, lướt trong nước mà không làm gợn nước.

☀️ CÁI THẤY RÕ VÀ NIỀM KIÊU HÃNH THIÊNG LIÊNG

Khi tập trung vào bổn tôn đại thủ ấn, bạn cần có hai phẩm chất: thấy rõ và niềm kiêu hãnh thiêng liêng. Trong tiếng Tây Tạng, thấy rõ là selnang, trong đó sel nghĩa là sáng tỏ còn nang nghĩa là thấy. Thấy rõ là nhằm đối trị hình ảnh tầm thường cùng những ý nghĩ phàm tục của bạn, vốn tự động tuôn ra. Khi cái thấy của bạn trở nên sáng tỏ và thiêng liêng, bạn không còn bị quan niệm phàm tục kích động nữa, và tâm bất an bị trừ bỏ.

Niềm kiêu hãnh thiêng liêng, ý nghĩa rằng “Mình là bổn tôn đại thủ ấn” – là nhằm đối trị những quan niệm thông thường về bản ngã; nó khắc chế tâm lý tin vào sự tưởng tượng về nhân dạng riêng của mình. Tiếng Tây Tạng chỉ sự kiêu hãnh là ngagyel.

Vào lúc này, với những gì chúng ta nghĩ mình là, chúng ta đang sống trong một thế giới tưởng tượng. Nó hoàn toàn do tưởng tượng – giống như nghĩ có một con voi trong phòng ngủ. Điều chúng ta nghĩ là mình thì không hề liên quan đến thực tại. Bạn có thể sợ hãi khi nghe nói như vậy: “Tôi biết tôi là ai mà!” Nhưng theo Đức Phật, cách thức của bản ngã trong việc tạo dựng lên những gì chúng ta là hoàn toàn là một tưởng tượng. Chúng ta tạo ra bong bóng về nhân dạng riêng của mình, rồi dành hết thời gian chạy qua chạy lại, cố gắng giữ vững nó như vậy.

Bạn có thể cảm nhận tác động tâm lý của niềm kiêu hãnh thiêng liêng. Khi cảm thấy năng lượng trí huệ được giải phóng của mình là bổn tôn đại thủ ấn Avalokiteshvara, bạn không thể chán nản được; không có chỗ cho sự chán nản. Cũng chẳng cách gì để một con voi đi vào được phòng ngủ của bạn.

Trong quá trình hành thiền, đầu tiên hãy đưa năng lượng vào phát triển cái thấy rõ: cảm nhận rất rõ ràng bản thân như bổn tôn đại thủ ấn. Một khi tự tin rằng sự quán tưởng của mình đã rõ ràng, hãy phát khởi niềm kiêu hãnh thiêng liêng.

Nếu niềm kiêu hãnh thiêng liêng của bạn quá mạnh làm bạn mất cái thấy rõ, hãy điều chỉnh công phu. Tương tự, nếu cảm thấy không hài lòng khi đang tập trung ,nếu bạn bắt đầu nghĩ “Mình cần thấy rõ hơn” và cố gắng quá mức, bạn sẽ trở nên xao nhãng. Điều quan trọng là cảm thấy hài lòng. Cứ đặt tâm vào đối tượng và buông xả. Nếu lúc nào cũng muốn nhiều hơn, tâm bạn sẽ bị xao nhãng; sẽ có quá nhiều phấn khích.

Hãy khéo léo – bạn cần biết đưa bao nhiêu năng lượng vào cái thấy rõ và bao nhiêu vào niềm kiêu hãnh thiêng liêng. Tuy nhiên, bạn sẽ học được điều này từ chính trải nghiệm của mình.

☀️HÀNH TRÌ – CÁI THẤY RÕ VÀ NIỀM KIÊU HÃNH THIÊNG LIÊNG

Lần này, tôi muốn bạn thực hiện hóa cái thấy rõ và niềm kiêu hãnh thiêng liêng. Hãy nhớ, thấy rõ là để đối trị hình ảnh tầm thường, những ý nghĩ phàm tục, còn niềm kiêu hãnh thiêng liêng là để đối trị quan niệm đời thường về bản ngã. Mỗi cái có chức năng riêng của nó.

Đừng nghĩ rằng thịt hay xương của bạn trở thành Avalokiteshvara. Đó là lý do đôi lúc tôi nói tới thân tâm linh, thân tâm thức, hoặc nói rằng năng lượng trí huệ được giải phóng của chúng ta chuyển hóa thành hình tướng Avalokiteshvara thiêng liêng. Tôi sử dụng ba thuật ngữ khác nhau ấy để giúp bạn hiểu tiến trình.

Bạn nên nghĩ: “Đúng, mình có chút ít trí huệ được giải phóng, đặc biệt khi sự tưởng tượng cứng nhắc, sự quan niệm về mình là ai biến mất”. Khi đó, bạn có thể trải nghiệm tính Không đến một mức độ nhất định. Đây là trí huệ của bạn, và chính trí huệ được giải phóng này chuyển hóa thành bổn tôn đại thủ ấn, Avalokiteshvara. “Đây là ta”.

GIỜ ĐÂY HÃY HÀNH TRÌ

1. Trong không gian trước mặt bạn là Đạo sư Avalokiteshvara. Ngài ngồi trên ngai do sư tử tuyết nâng đỡ, ánh mắt nhìn bạn đầy nhân từ. Trái tim ngài là thể trí huệ, tức bản thân Avalokiteshvara.

2. Trì bài cầu nguyện bảy phần, cúng dường mandala, và trì bài cầu nguyện con đường tuần tự đến giác ngộ.

3. Giờ quán tưởng ngai báu thành ánh sáng và hòa nhập vào cơ thể Đạo sư Avalokiteshvara. Từ bàn chân trở lên và đỉnh đầu trở xuống cùng lúc, thân ánh sáng rực rỡ của ngài tan vào mặt trăng ở trái tim. Sau đó, mặt trăng hòa vào chữ Hrih ở trung tâm của nó, chữ Hrih ấy trở thành giống như một ánh sáng rực rỡ hình quả trứng. Ánh sáng rực rỡ ấy đi vào kênh trung tâm của bạn, hạ xuống tới luân xa trái tim, khi ấy bản chất của Avalokiteshvara trở thành một với bạn. Ánh sáng hình quả trứng tỏa khắp toàn bộ tâm trí bạn.

4. Tất cả năng lượng của thân thể bạn tan chảy, hòa vào ánh sáng rực rỡ. Ánh sáng này mỗi lúc một nhỏ hơn… rồi biến mất vào không gian trống rỗng. Hãy đi vào sự trống không ấy , và sử dụng một phần của tâm mình, hãy hiểu chính kiến về tính Không.

5. Giờ đây, một đóa sen báu xuất hiện. Trên đóa sen là một mặt trăng với chùm sáng ở trung tâm. Tập trung vào chùm sáng. Cảm nhận sự hợp nhất với chùm sáng; để tâm bạn chìm vào đó. Đừng nghĩ “Giờ mình đang tập trung”. Hãy cảm thấy tâm bạn thật sự đi vào chùm sáng ấy, đừng cảm thấy như bạn đang nhìn nó từ bên ngoài.

Ánh sáng tỏa ra từ chùm sáng, bao trọn hiện tượng thế gian.

6. Tiếp đến, bạn nghe thấy âm thanh thiêng liêng Om Mani Padme Hum đến từ không gian, tiếp sinh lực và thúc đẩy ánh sáng hòa nhập trở lại vào chùm sáng ở trái tim bạn. Chùm sáng biểu đạt năng lượng trí huệ được giải phóng của bạn lập tức chuyển hóa thành Avalokiteshvara.

Hãy thấy rõ từng phần của bạn: thân ánh sáng rực rỡ, thiêng liêng, trong suốt như pha lê; hai tay cầm tràng hạt pha lê và hoa sen; hai tay khác chắp trước ngực; hai mắt; tấm da linh dương phủ trên vai trái. Mọi thứ đều trong suốt.

TẬP TRUNG VÀO CÁI THẤY RÕ NÀY

Đừng cảm thấy như mình đang nhìn vào một đối tượng bên ngoài mình, như thể đó là một người khác. Hãy cảm nhận: “Thân cầu vồng phúc lạc, bất nhị này là mình, đây là con người mình”. Đây là niềm tự hào thiêng liêng.

7. Giờ đây, thay đổi sự chú tâm. Bạn lúc này đang là Avalokiteshvara, ở trái tim bạn có một mặt trăng ánh sáng rực rỡ, trên đó là một chùm sáng. Từ bàn chân trở lên và đỉnh đầu trở xuống, thân cầu vồng Avalokiteshvara của bạn tức thì tan vào mặt trăng. Mặt trăng tan vào chùm sáng. Chùm sáng trở nên mỗi lúc một nhỏ hơn… và cuối cùng biến mất vào không gian trống rỗng, hãy trải nghiệm trạng thái bất nhị, kinh nghiệm không có tự thể.

Giờ đây, từ không gian, một chùm sáng xuất hiện như một mặt trăng, nó chuyển thành Avalokiteshvara, tức chính bạn. Hãy thấy rõ, đồng thời trải nghiệm chính kiến về tính Không. Trải nghiệm như thể bạn là một nhà ảo thuật, đã tạo ra một con ngựa chẳng hạn: người khác nhìn vào con ngựa và nghĩ nó là thật, nhưng nhà ảo thuật, cũng thấy nó, biết rằng nó không thật.

Hãy trải nghiệm bổn tôn đại thủ ấn như vậy.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. CHÂN NGÔN THỐT RA LỜI VÀ CHÂN NGÔN TRONG TÂM
  2. CHUYỂN HÓA MỌI BIỂU HIỆN THÀNH AVALOKITESHVARA

Bài viết khác của tác giả

  1. TÂM LÀ TÔN GIÁO CỦA BẠN
  2. TẠI SAO NÊN THIỀN ĐỊNH ? MỘT KHẢO SÁT TÂM LÝ HỌC PHẬT GIÁO
  3. BIẾN MỌI KHOẢNH KHẮC THÀNH TU TẬP – LAMA YESHE

Bài viết mới

  1. DANH NGÔN VỀ SỰ THÔNG MINH
  2. NIỀM TIN VÀO CHỦ NHÂN KHÔNG LÀ CHÌA KHÓA
  3. BẠN THÔNG MINH HƠN BẠN TƯỞNG