TIẾNG HẢI TRIỀU VANG DẬY

HT. THÍCH NHẤT HẠNH

Trích: Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức; NXB Phương Đông.

Khi tâm được giải tỏa, ta thấy lòng tràn ngập cảm thương, cảm thương cho chính ta trải qua bao khổ đau chỉ vì chưa thấy được chính mình, chưa thấy được sự sống, chưa cởi bỏ được cố chấp, ganh ghét và thù hận. Còn tiếp tục gây khổ cho người khác, ấy là ta chưa biết nhìn ta và nhìn người bằng con mắt từ bi. “Lấy con mắt từ bi để nhìn mọi người” (“Từ nhãn thì chúng sanh”) là câu kệ trong kinh Pháp Hoa nói về đức Bồ tát Quan Thế Âm. Đức từ bi của vị Bồ tát này là một tiếng kêu gọi vọng suốt thời gian và không gian, tiếng kêu gọi của người đã thấy được thực tại toàn vẹn:

“Tiếng mầu nhiệm, tiếng của người nghe được những lời kêu đau thương của cuộc đời, tiếng tôn quý, tiếng sóng biển vang dậy. Tiếng siêu việt mọi thứ tiếng, trong đời ta hãy thường quan niệm tiếng ấy.

Bỏ ra ngoài mọi nghi hoặc, hãy quan niệm bản chất thanh tịnh và siêu việt của Quan Thế Âm, bởi vì trong mọi trường hợp khổ não, tử sanh, ách nạn, sự quán niệm ấy sẽ là cánh cửa đi tới giải thoát.

Người đầy đủ mọi công đức, thường lấy con mắt từ bi để nhìn chúng sinh, khiến cho hạnh phúc chảy tụ thành biển vô lượng, ta hãy cúi đầu làm lễ người ấy”.

(Diệu âm Quan Thế Âm

Phạm âm hải triều âm

Thắng bỉ thế gian âm

Thị cố tu thường niệm.

Niệm niệm vật sanh nghi

Quan Thế Âm tịnh thánh

Ư khổ não tử ách

Năng vị tác y hộ

Cụ nhất thiết công đức

Từ nhãn thị chúng sanh

Phước tụ hải vô lượng

Thi cố ứng đảnh lễ)

Tập nhìn chúng sanh với con mắt từ bi, đó là một phép quán gọi là từ bi quán. Từ bi quán nên được thực hiện trong những giờ tọa thiền và cả trong những lúc giao tiếp phụng sự. Đi đâu, ngồi đâu cũng nên nhớ tiếng gọi của Bồ tát Quan Thế Âm. Từ bi quán là phép quán chiếu để nhìn cuộc đời bằng mắt thương (từ nhãn thị chúng sanh).

Thiều ơi! Đối tượng và phương pháp thiền quán nhiều lắm. Trong kinh hệ Pali gọi là Kammatthana, nhưng tôi sẽ không viết hết được cho Thiều và các bạn đâu. Tôi chỉ viết một vài phương pháp giản lược nhưng căn bản. Người tác viên cũng như mọi người, anh phải sống đời sống của anh, chị phải sống đời sống của chị. Làm việc chỉ là một phần của sự sống, làm việc trong chánh niệm mới là sống, mới khỏi bị liệt vào hàng “sống như một người chết”. Mỗi người trong chúng ta cần phải tự thắp đuốc lên mà đi. Nhưng sự sống của chúng ta có liên hệ tới sự sống của những người xung quanh. Nếu ta biết sống chánh niệm, nếu ta biết giữ gìn tâm ý thì anh em chúng ta cũng được nhờ đó mà biết sống chánh niệm, giữ gìn tâm ý.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. CHÁNH NIỆM LÀM SỰ SỐNG CÓ MẶT
  2. CHÍNH NIỆM, TỈNH GIÁC

Bài viết khác của tác giả

  1. QUÁN CHIẾU VỀ SỰ SI MÊ
  2. ÁP DỤNG GIÁO LÝ TƯƠNG TỨC TRONG CÔNG VIỆC KINH DOANH
  3. TRỊ LIỆU CÁC MỐI QUAN HỆ TRONG GIA ĐÌNH

Bài viết mới

  1. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ
  2. AI CŨNG CÓ THỂ HẠNH PHÚC NGAY TỪ GIÂY PHÚT NÀY
  3. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ