TIN NHÂN QUẢ – NGHĨ ĐIỀU THIỆN, LÀM ĐIỀU THIỆN

INAMORI KAZUO

Trích: “Cách Sống - Từ Bình Thường Trở Nên Phi Thường”; Người dịch: Phạm Hữu Lợi; NXB Lao Động – Xã Hội, 2017

Nghĩ điều thiện, làm việc thiện

Số mệnh không phải là thứ đã được định sẵn bất di bất dịch. Chúng ta có thể thay đổi nó dựa vào luật nhân quả báo ứng. Đây không phải là điều tôi nghĩ ra, mà là điều Yasuoka Masahiro – nhà tư tưởng có ảnh hưởng lớn đến nhiều chính trị gia, doanh nhân – học được từ tác phẩm Âm chất lục, một tác phẩm cổ điển của Trung Quốc mà ông đã đọc. Âm chất lục là một cuốn sách dưới thời nhà Minh, giới thiệu câu chuyện liên quan đến nhân vật Viên Liễu Phàm. Viên Liễu Phàm sinh ra trong một gia đình có truyền thống về y thuật, cha mất sớm nên ông được chăm sóc bởi bàn tay người mẹ. Khi còn niên thiếu, ông đã được học ngành y để kế thừa gia nghiệp. Vào một ngày, đột nhiên có một ông lão tới thăm và nói rằng: “Ta là người nghiên cứu Dịch học, tuân theo thiên mệnh đến để truyền tinh hoa của Dịch học cho nhà ngươi”. Rồi ông lão hướng về phía người mẹ, nói: “Có lẽ bà muốn cậu bé này trở thành thầy thuốc, nhưng cậu ấy sẽ không đi theo con đường đó. Khi trưởng thành cậu ấy sẽ đi vào con đường khoa cử”. Sau đó ông lão còn dự đoán số phận của cậu bé, sẽ dự kỳ thi nào vào năm bao nhiêu tuổi, đỗ thứ hạng nào trong số bao nhiêu người, khi còn trẻ đã được cử làm quan tri phủ và được cất nhắc lên vị trí rất cao, sẽ lập gia đình nhưng hiếm muộn về đường con cái và sẽ mất vào năm 53 tuổi”…

Sau đó, cuộc đời Liễu Phàm diễn ra đúng như những gì ông lão dự đoán. Và khi trở thành quan tri phủ, một hôm Liễu Phàm tới thăm một ngôi chùa, nơi có vị thiền sư nổi tiếng và cùng tọa thiền với thiền sư.

Khâm phục tư thế tọa thiền của Liễu Phàm, vị thiền sư đã cất tiếng khen ngợi: “Ngài tọa thiền thật đĩnh đạc khoan thai, không mảy may phân tâm. Hẳn là ngài đã từng tu luyện ở chùa nào rồi”. Liễu Phàm đáp: “Tôi chưa từng tu luyện ở đâu cả” và kể lại câu chuyện về ông lão đã gặp thời niên thiếu. “Cuộc đời của tôi đúng như lời ông lão đã nói, việc tôi từ giã cõi đời ở tuổi 53 có lẽ là số phận của tôi. Vì thế mà bây giờ tôi chẳng mảy may suy nghĩ về điều gì”. Nghe Liễu Phàm giãi bày như vậy, vị thiền sư bỗng đùng đùng nổi giận và lớn tiếng mắng Liễu Phàm: “Ta cứ ngỡ người là một bậc thông tuệ, một hiền nhân đã chứng ngộ. Hóa ra người cũng chỉ là hạng tầm thường ngu dốt mà thôi”.

Rồi thiền sư dịu giọng nói tiếp: “Thật ra, ông lão nói đúng. Mỗi người đều có số phận trời định. Nhưng chẳng có ai cam chịu số phận như thế. Vẫn có câu đức năng thắng số. Nếu luôn nghĩ điều thiện, luôn làm việc thiện thì cuộc đời sẽ trở nên tốt đẹp. Nếu chỉ nghĩ điều ác và làm điều ác thì cuộc đời rồi sẽ chẳng ra gì. Luật nhân quả đó có ở muôn vật. Biết luật nhân quả thì con người sẽ thay đổi được số phận”.

Liễu Phàm là người biết lắng nghe, từ đó ông đã hành thiện tích đức. Kết quả là ông có con và tuổi thọ cũng vượt qua số năm được dự đoán. Ông qua đời ở tuổi thượng thọ.

Như vậy, ngay cả vận mệnh đã được Trời sắp đặt cũng có thể thay đổi bằng sức mạnh tích cực của con người. Nếu tích đức, hành thiện, nghĩ đến điều thiện thì luật nhân quả báo ứng sẽ tác động và chúng ta có thể có cuộc đời tốt đẹp hơn so với những gì số mệnh đã sắp đặt. Ông Yasuoka Masahiro cũng nói, đó là lập mệnh.

Tuy nhiên, trong thực tế, rất ít người tin vào quy luật này. Nhiều người còn cười nhạo cho rằng đó là điều phi khoa học. Đối chiếu với tri thức hiện đại thì quan niệm vận mệnh hay số phận bị liệt vào dạng mê tín và luật nhân quả báo ứng cũng chỉ là trò lừa phỉnh trẻ em giống như dạy chúng về đạo đức “Làm việc xấu sẽ bị ong đốt”. Tất nhiên, với trình độ khoa học hiện nay cũng không có cách nào chứng minh được sự tồn tại của sức mạnh vô hình. Nếu làm điều thiện, lúc nào cũng cho ngay kết quả tốt thì đương nhiên chúng ta sẽ không hoài nghi. Nhưng, hầu như không bao giờ nguyên nhân dẫn ngay tới kết quả. Không phải cứ hôm nay làm điều thiện thì ngày mai chuyện tốt đẹp sẽ đến, hơn nữa quan hệ nhân quả cũng ít thể hiện một cách rõ ràng giống như đáp số của phép tính 1+1=2.

Vì sao vậy? Như phần trên đã đề cập, đó là bởi vì số mệnh và luật nhân quả báo ứng có quan hệ tương hỗ, đan xen vào nhau như quá trình dệt một tấm vải và chi phối cuộc đời của chúng ta. Hai sức mạnh vô hình này can thiệp lẫn nhau, ví dụ như trong thời gian vận hạn xấu dù làm được một điều thiện thì điều thiện đó sẽ bị chìm khuất dưới sức mạnh số phận và không dẫn tới ngay kết quả tốt. Tương tự, dù đã gây ra điều xấu một chút nhưng vào thời điểm tốt thì chưa hẳn là “nhân xấu dẫn đến quả xấu” ngay. Những chuyện như vậy vẫn thường xảy ra.

Không nên sốt ruột chờ đợi kết quả của luật nhân – quả

Việc khó nhận biết và không tin vào luật nhân quả báo ứng là do chúng ta chỉ nhìn nhận sự vật trong một khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên, từ suy nghĩ và hành động tới khi có kết quả phải có thời gian và thường là thời gian phải tính bằng năm.

Tuy vậy, nếu xem xét sự vật trong cả quá trình dài từ 20 đến 30 năm thì nhất định cuối cùng Qu sẽ phù hợp với Nhân. Trong 40 năm qua  kể từ khi tôi bắt đầu sự nghiệp, tôi đã chứng kiến sự thăng trầm của rất nhiều người. Nếu nhìn cả quá trình 30 đến 40 năm thì hết thảy đều thấy được kết quả tương xứng với cách sống hàng ngày trong cuộc đời của từng người.

Nếu xem xét sự vật trong cả một quá trình dài thì những người cảm thấy tiếc nuối, ân hận vì đã không sống thành thực và không làm việc thiện sẽ thấy cuộc đời mình chỉ toàn gặp nỗi bất hạnh và cũng sẽ thấy những kẻ làm điều ác, những kẻ sống vô trách nhiệm cũng sẽ không thành công mãi được.

Mặt khác, trong thực tế cũng có kẻ làm việc xấu lại thành công do ăn may; người nỗ lực vì điều thiện lại gặp chuyện chẳng lành. Nhưng thời gian trôi qua, mọi thứ dần dần thay đổi, cuối cùng tất cả sẽ thu được kết quả khớp với lời nói, việc làm, cách sống của từng người và hoàn cảnh do người đó tạo ra. Chúng ta sẽ thấy “Nhân nào Quả ấy” thể hiện chính xác đến mức đáng sợ.

Cách đây vài năm, Kyocera đã giúp đỡ Công ty công nghiệp Mita, một hãng sản xuất máy photocoppy đang rơi vào tình trạng phá sản. Sau khi lập ra công ty mới với tên gọi Kyocera Mita, tôi tiến hành tái thiết nó. Một thời gian sau, kết quả kinh doanh dần dần được cải thiện, khoản nợ khổng lồ cũng được trả sớm hơn so với dự tính rất nhiều và giờ đây nó đã trở thành một trong những trụ cột của tập đoàn Kyocera.

Người có công trong quá trình tái thiết đó là người phụ trách bộ phận thiết bị thông tin của Kyocera, được bổ nhiệm làm giám đốc của Kyocera Mita và chịu trách nhiệm công cuộc tái thiết này. Thực ra, trước kia người đó đã từng là quản đốc nhà máy của một hãng chế tạo thiết bị điện tử viễn thông tiên tiến.

Công ty công nghiệp Mita trước đó đã phát triển mạnh mẽ đúng lúc đang rộ lên cơn sốt máy photocoppy, nhưng khi cơn sốt thoái trào thì công việc kinh doanh cũng xuống theo. Sau khi nhận được lời đề nghị giúp đỡ, Kyocera đã chi viện tài chính và coi nó là một thành viên tập đoàn. Chuyện này xảy ra cách đây hơn hai mươi năm.

Chúng tôi cũng nếm đủ muôn vàn vất vả trong quá trình tái thiết. Số là trong các nhân viên của Mita có những thành viên công đoàn quá khích. Họ đưa ra nhiều đòi hỏi vô lý khó chấp nhận, thậm chí còn kéo đến cả nhà tôi đặt điều, dèm pha ác ý. Bản thân tôi chịu nhiều điều phiền phức và Kyocera cũng chịu nhiều điều tiếng.

Kyocera đã dang tay giúp đỡ công ty cũng như toàn bộ nhân viên của họ đang bị dồn vào đường cùng, vậy mà chúng tôi phải chịu những chuyện thị phi và riêng bản thân tôi cũng chỉ biết im lặng. Nhưng rồi trong quá trình tái thiết, nhiều người trong số họ đã hiểu ra, cảm ơn sự giúp đỡ của Kyocera, sự giúp đỡ của Inamori.

Một trong số họ là giám đốc đầu tiên của Kyocera Mita mà tôi đã đề cập. Từ chỗ là người trước kia đã được cứu giúp thì lần này đã đứng ở phía đi cứu giúp. Những điều anh nói với tôi đã cho tôi một cảm nhận sâu sắc: “Có thời, tôi đã được người khác cứu. Dịp này tôi trở thành người đi cứu người khác. Tôi cảm nhận được vòng tròn của số mệnh. Với việc chịu trách nhiệm tái thiết công ty Kyocera Mita, cơ hội để tôi trả ơn đã tới. Tôi đã cảm nhận rõ luật nhân quả!”.

Sau khi nghe lời giãi bày của anh, tôi thực sự cảm động. Khi xem xét sự vật trong cả một quá trình dài thì quan hệ nhân quả rất rõ ràng.

Không thể nào cứ làm điều thiện mà kết thúc với kết quả xấu, có thể trong nhất thời tôi đã phải chịu nhiều sức ép nhưng kết cục tôi đã thành công trong công cuộc tái thiết và cũng đã nhận được lòng biết ơn từ các nhân viên Mita. Tôi tin tưởng chắc chắn vòng tuần hoàn nhân thiện dẫn tới quả thiện sẽ còn mở rộng hơn nữa.

Trong cuốn sách “Thái căn đàm” thời nhà Minh của Trung Quốc có câu: “Làm việc thiện mà chưa nhìn thấy lợi ích của nó cũng giống như tìm quả dưa gang nằm khuất trong đám cỏ tạp”. Câu này có nghĩa là mặc dù làm điều tốt nhưng kết quả tốt chưa xuất hiện thì cũng giống như quả dưa gang lặng lẽ phát triển lẫn trong đám cỏ mà chúng ta không nhìn thấy. Để nhân quả báo ứng thì cần có thời gian. Khắc sâu điều này trong tâm, chúng ta không được nóng vội, sốt ruột về kết quả mà hãy lặng lẽ hàng ngày làm điều thiện. Sự nỗ lực rồi sẽ được đền đáp.

Bài viết này đã đóng bình luận.


Bài viết liên quan

  1. BẢN CHẤT CỦA CÔNG VIỆC LÀ CỐNG HIẾN
  2. HÃY CỐNG HIẾN CHO XÃ HỘI – CÁCH SỐNG – INAMORI KAZUO

Bài viết khác của tác giả

  1. QUY LUẬT CUỘC ĐỜI – CHỈ CÓ TRONG ĐỜI NHỮNG THỨ MÌNH MUỐN CÓ
  2. NỀN VĂN MINH VỊ THA SẼ NỞ HOA KHI LOÀI NGƯỜI TỈNH NGỘ
  3. VỮNG LÒNG TIN VÀO KHẢ NĂNG CỦA CHÍNH MÌNH

Bài viết mới

  1. HÒA HỢP TỪ NHỮNG ĐỐI KHÁNG
  2. LỢI ÍCH CỦA TINH THẦN TU TẬP
  3. BẠN