THIỀN SƯ NI DAEHAENG
Trích: Tỉnh Thức Và Cười; Việt dịch: Viên Chiếu; NXB. Hồng Đức
Hỏi: Khi xã hội chúng ta có rất nhiều vấn đề cấp bách, làm sao con có thể từ bỏ mọi thứ vô điều kiện? Xã hội của chúng ta sẽ ra sao nếu chúng ta từ bỏ mọi thứ? Dường như đối với con, nếu từ bỏ hết, con sẽ ngủ suốt ngày.
Sư bà Đại Hạnh, cười: Bạn hỏi một câu thú vị, nhưng những gì bạn nghĩ không phải là những gì Phật dạy chúng ta. Những gì bạn đang nói đến được gọi là “rơi vào không”. Bạn có hiểu sự khác nhau không? Lý do Phật dạy chúng ta về từ bỏ và tiến tới là vì điều đó mà chúng ta có thể biết ý nghĩa thật của đời sống và cảm nhận sự đáng giá của đời sống, vì nó mà chúng ta có thể sống chánh trực bằng cách nhìn cả hai bên, lãnh vực vô hình và lãnh vực hữu hình, mỗi bên là năm mươi phần trăm của toàn thể. Nói như thế này có giống như ngủ suốt ngày không?
Và bạn đã từ bỏ mọi sự. Cái gì đã xảy ra với tất cả những thứ bạn đã cảm thấy, đã làm và đã kinh nghiệm chỉ qua hai mươi bốn giờ cuối cùng? Bạn có thể chỉ những thứ này cho tôi không? Không, chúng đã qua, bạn đã từ bỏ chúng.
Hỏi: Con không thể chỉ chúng cho Thầy, nhưng con có thể nhớ lại, vì thế chúng phải tồn tại trong tâm con, phải không?
Sư bà Đại Hạnh: Hãy nghe! Tôi không nói rằng bạn không có tư tưởng hay kí ức, hay bạn không làm gì cả. Đó là điều tự nhiên khi nghĩ về và chăm sóc những việc đến trong đời bạn. Tôi không bao giờ nói, “Đừng kiếm tiền, đừng tham gia vào xã hội, đừng rơi vào tình yêu, đừng làm gì cả.” Nhưng phải hiểu rằng mọi việc sẵn sàng trôi qua, và đừng cố gắng bám vào nó. Không có gì ở mãi một chỗ và không đổi thay.
Hãy nghĩ về cách nhiều người bạn gặp chỉ trong một ngày. Trước hết, bạn bắt gặp một người rồi một người khác. Bạn không bao giờ liên tục gặp chỉ một người, đúng không?
Hỏi: Không.
Sư bà Đại Hạnh: Ngay cả những việc bạn nghe cũng luôn luôn khác nhau, phải không?
Hỏi: Có vài quyển sách và có người nói rằng thế giới có những luật lệ nhất định, và rằng nếu chúng ta tuân theo những điều này, ta có thể chăm sóc hầu hết những vấn đề xã hội, và ngay cả tự do của chính mình.
Sư bà Đại Hạnh: Hãy xem! Đừng nói về những lý thuyết. Người theo con đường này, người tìm cầu chân lý không phí thì giờ trên những lý thuyết.
Hỏi: Nhưng Thầy đã nói rằng niềm tin mù quáng thì nguy hiểm hơn. Không có kinh nghiệm chứng ngộ, làm sao ai đó giống như con có thể tin vô điều kiện, không nghi ngờ gì?
Sư bà Đại Hạnh: Tin mù quáng vào những người khác là nguy hiểm! Những gì tôi đang cố gắng nói với bạn là hay tin vào chính bạn. Tại sao bạn không thể tin vào chính mình? Bạn là người đã bước lên đây, phải không?
Hỏi: Vâng, phải.
Sư bà Đại Hạnh: Bạn có thể tin sự kiện là bạn đã bước lên đây?
Hỏi: Thật là con đã bước lên đây, nhưng…
Sư bà Đại Hạnh: Rồi, bạn có thể tin rằng bạn là người đang làm mọi việc khác trong đời mình?
Hỏi: Vâng.
Sư bà Đại Hạnh: Tâm bạn biết sự kiện này, nhưng bạn không thể chỉ nó cho ai khác vì tâm không hình tướng, nhưng dù sao bạn nhận ra nó, phải không?
Hỏi: Vâng.
Sư bà Đại Hạnh: Vậy những gì tôi đang nói để bạn làm là tìm ra bản tâm dưới mọi tư tưởng này. Để làm điều này, hãy tin vào bản thể bên trong của bạn, và giao phó mọi sự cho nó. Nó ở bên trong bạn và có khả năng chăm sóc mọi sự. Nếu bạn cứ giao phó như thế, thì những gì bạn đang làm sẽ hoạt động trong lãnh vực vô hình và cuối cùng sẽ biểu hiện trong cõi hữu hình. Giống như nếu bạn ăn món gì, sau đó nó sẽ tự động đi ra, bạn không cần nghĩ gì về tiến trình. Khi bạn đói, bạn ăn gì đó. Sau đó bạn bắt đầu cảm thấy sức ép bên trong và rồi vào ngồi trong toilet, và rồi có gì đó đi ra. Tiến trình này cũng mô tả cách những việc chúng ta cung cấp chobarn thể của mình biểu hiện với thế giới; tuy nhiên quan sát kỹ, đó là chân lý, là tự nhiên, là khoa học.
Hỏi: Thầy muốn nói rằng, chúng ta nên sống chỉ theo những thúc đẩy tự nhiên?
Sư bà Đại Hạnh: Dĩ nhiên không! Hãy nghe, nếu bạn chỉ hỏi những câu hỏi mà không phản quán bên trong, làm sao bạn có thể tạo được tiến bộ nào? Thay vì lập tức hỏi những cái khác, hãy giao phó những câu hỏi đến bản thể của bạn. Ngay bây giờ trong thân bạn, có tỉ tỉ sinh vật làm việc với nhau, mỗi một sinh vật đều làm việc riêng của nó. Tất cả những sinh vật này cùng nhau hiện hữu với bạn, và từng sinh vật được nối kết và truyền đạt qua bản thế của bạn. Vì thế hãy bắt đầu bằng sự tin tưởng bản thể này, bản thể của bạn, với mọi việc đang khởi lên trong đời bạn. Hãy bắt đầu bằng việc làm này, và bạn sẽ có thể chăm sóc thân của riêng bạn.
Hỏi: Vô điều kiện?
Sư bà Đại Hạnh: Vâng, vô điều kiện.
Hỏi: Thầy muốn nói rằng chúng ta nên giao phó tất cả những lo lắng của mình vào bản thể này, như là những lo lắng về chính mình, gia đình mình, và mọi người xung quanh mình?
Sư bà Đại Hạnh: Nếu bạn có niềm tin vào cái không thấy, chân ngã của bạn, và giao phó mọi sự cho nó, nó sẽ có thể chăm sóc tất cả một cách hài hòa.
Qua bản tâm này, tất cả mọi vật được kết nối. Vì thế khi bạn buông bỏ vật gì vào nó, những gì bạn buông bỏ được đánh giá và truyền đạt đến mọi vật. Thí dụ trong thân bạn, đại não, tiểu não, tủy sống, và mọi bộ phận của thân được kết nối và truyền đạt với nhau. Vậy khi bạn giao phó việc gì vào bản thể thì việc đó được truyền đạt qua thân bạn, vì tất cả những phần này được nối kết với nhau. Nếu bạn chỉ hiểu khía cạnh này, bạn có thể hiểu mọi sự. Vậy thì đừng bám vào những lý do hay giải thích. Chỉ giao phó mọi sự cho chân ngã của bạn. Đồng ý chứ?
Có câu hỏi nào nữa không? Không? Chúng ta đã ở đây một thời gian dài và chân các bạn có lẽ đau vì ngồi quá lâu, vậy coi như là một ngày. Trước khi chấm dứt, tôi muốn nhắc lại một điều.
Những Vị giác ngộ đôi khi nói, “Từ bỏ mọi sự! Buông hết mọi sự! Không có gì để đạt đến.” Nhưng sau đó các Ngài cũng nói, “Không có vật gì để từ bỏ.” Trong hai câu khác nhau này, có gì đó phi thường không thể diễn đạt bằng lời. Để cố gắng truyền đạt nó, vài vị thầy dùng gậy đánh xuống nền, vài người đưa ngón tay lên, những người khác đấm một đấm, trong khi những người khác hét to, “Ha!” Tất cả những hành động này biểu thị rằng vật phi thường này đang ở ngay đó.
Hãy nhớ những gì tôi nói hôm nay và áp dụng để khám phá gì là vật phi thường này.