KHÉO ĐIỀU PHỤC TÂM BẠN

DZONGSAR JAMYANG KHYENTSE

Trích: Đạo Sư Uống Rượu; Pema Trần dịch; Công ty Cổ Phần Sách Thái Hà; NXB. Hà Nội

Tâm thức của bạn sẽ được điều phục qua chính những hoạt động tìm kiếm, thăm dò và kết nối với bậc thầy. Ban đầu bạn có thể không sử dụng hết công năng của bậc thầy – bạn có thể chưa nhìn nhận bậc thầy như một tấm gương, hoặc bạn chưa thể nhìn thẳng vào tấm gương đó để thấy hình ảnh phản chiếu bản tánh của tâm bạn cũng thuần tịnh và hoàn hảo – nhưng bạn có thể bắt đầu tận dụng sự hiện diện của bậc thầy ngay từ đầu. Sự khổ sở của công cuộc tìm kiếm và nỗi sợ hãi không tìm thấy, những suy nghĩ bất chợt xuất hiện, cảm giác bị tổn thương, khả năng không thể tự vệ, nguy cơ phải bỏ cuộc giữa chừng, và cuối cùng không kịp nghĩ ngợi gì mà thuận theo những con sóng nhấp nhô của muôn vàn sắc thái và những yêu cầu cá nhân của lòng sùng mộ bậc thầy… trải qua tất cả những điều đó chính là một kiểu rèn luyện tâm thức phức tạp nhất. Một ngày tìm kiếm bậc thầy có thể tương đương hơn chín ngày ngồi thực hành thiền quán, bởi vì ở đây bạn không ngồi trên một tấm đệm thiền thoải mái và bình an với mọi điều đều được lên kế hoạch chi tiết.

Có lẽ rằng bạn đã xem xét về việc có rất ít thời gian, hoặc bạn là kiểu người mà hy vọng bị dập tắt bởi những từ như “ba vô lượng kiếp”, hoặc bạn được khích lệ bởi những từ như “sự giác ngộ đạt được trong chính cuộc đời này, trong chính tấm thân này, hoặc bạn thích ý tưởng không phải từ bỏ những sự thoải mái tiện nghi – gia đình và bạn bè của bạn – và do đó bạn lựa chọn Mật thừa làm con đường.

Lý do khiến chúng ta mất nhiều thời gian để thành tu giác ngộ là bởi vì thói quen mê lầm bám chấp quá mạnh mẽ vào cái ngã của mình. Trong Kim Cương thừa, bạn chủ động tìm kiếm một người sẽ giúp phá hủy thói quen đó. Không giống như việc Atisha Dipamkara mang theo một người bạn đồng hành Ấn Độ khó chịu đi cùng để ngài có thể thực hành hạnh nhẫn nhục, chúng ta đang nói về những điều khác xa hơn thế. Chúng ta đang nói về việc lột bỏ lớp da của tất cả những thói quen bám chấp vào cái tự ngã của bản thân, không thương xót cái ngã, phá hủy cái ngã ấy hoàn toàn, một cách hệ thống, bằng mọi giá, theo mọi cách, nhanh nhất có thể. Nếu toàn bộ quá trình tìm kiếm và kết nối với một bậc thầy không phá hủy được đường huyết mạch hoặc dập tắt dược hơi thở của cái ngã, thì ít nhất hành trình ấy cũng điều phục được tâm thức của bạn.

Một học trò Kim Cương thừa phải rất khôn khéo để hiểu được chiến lược của việc nhìn thấy sự hiển lộ của bậc thầy chính là sự hiển lộ của Đức Phật. Tri kiến này sẽ gỡ rối và làm bật rễ sự bám chấp vào cái ngã. Tất nhiên, trong con mắt của thế giới bình phàm, việc ấy có thể trông giống như bạn sở hữu một kiểu thói quen tự phụ thuộc, tự hành hạ bản thân. Nhưng những khái niệm về tự hành hạ và tự phụ thuộc đã bị nhiễm ô bởi một niềm tin căn bản rằng: “Tôi”, cái ngã, phải được chữa lành, trong khi đó, ở bổn sư du già, mục tiêu tối thượng là phá hủy cái ngã như việc phá đổ một lâu đài cát.

Học trò phải được chuẩn bị để bị sốc. Trên thực tế, họ nên chào đón những cú sốc lặp đi lặp lại, bởi vì cho đến khi những thói quen của các định kiến tiềm ẩn và kỳ vọng bị lật đổ, chúng sẽ ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn, to lớn hơn, bám dính hơn, thoải mái hơn và lẩn tránh kỹ hơn.

? LÒNG BIẾT ƠN

Một trong những phương pháp khôn khéo nhất để điều phục tâm thức của chúng ta trên con đường sùng mộ bậc thầy chính là khởi sinh lòng biết ơn. Lòng biết ơn là cần thiết ngay cả trong Phật giáo Đại thừa. Theo truyền thống Đại thừa, bạn phải đối xử với tất cả những ai giới thiệu bạn đến với kinh Bát-nhã-ba-la-mật như là Đức Phật, bởi vì sự thật về bất nhị là thực sự vô giá. Vậy hãy nghĩ xem chúng ta phải nên tôn kính thế nào với người đã giới thiệu chúng ta đến trí tuệ nguyên thủy của Mật thừa, phá vỡ logic và những phép loại suy thông thường để trực tiếp chỉ ra trí tuệ nguyên thủy của bản tâm ta.

Để kiếm sống như một thợ mộc hoặc một người buôn chứng khoán, bạn phải được đào tạo, và nếu bậc thầy của bạn đủ từ bi để trao cho bạn những bí mật thương mại mang tính bí quyết, cùng những hướng dẫn để đạt được thành công, bạn chắc chắn phải biết ơn người ấy. Nếu kiểu biết ơn như thế này xuất hiện một cách tự nhiên khi chúng ta thực hiện những cố gắng thế tục của mình, thì chúng cũng nên xuất hiện một cách tự nhiên như vậy khi chúng ta mang ơn các bậc thầy của mình, những người ban cho chúng ta những chỉ dẫn cốt tuỷ quý báu để giúp chúng ta gỡ bỏ tấm lưới mê mờ bao quanh tâm thức của mình.

Hàng ngàn vị Phật đã và sẽ xuất hiện, nhưng mỗi cá nhân chúng ta nếu không thể có được kết nối trực tiếp với các ngài. Do năng lực từ công đức của bản thân ta, hoặc do thiếu công đức, nên khi Đức Phật bước đi trên Trái đất này, chúng ta đã không hiện diện ở đó, và chúng ta không thể chắc chắn liệu chúng ta có hiện diện khi vị Phật tương lai xuất hiện hay không. Ngay cả khi Đức Phật đến ngay trưóc mặt chúng ta hôm nay, làm thế nào chúng ta có thể chắc chắn được rằng chúng ta có khả năng giao tiếp với ngài? Trong kinh văn, chúng ta được truyền rằng các vị Phật và Bồ Tát thị hiện ở khắp mọi nơi. Chúng ta chắc chắn gặp được các ngài theo cách này hay cách khác, nhưng do nghiệp chướng của bản thân mình, chúng ta đã không thể nhìn nhận các ngài như là Đức Phật và các vị Bồ Tát.

Ngược lại, bậc thầy hiện tại đã hiện diện tại đây trong thời đại của chúng ta, với đầy đủ chức năng cần thiết, nói chuyện, liên hệ, và tương tác với chúng ta. Thông qua một kết nối nghiệp không thể giải thích được, chúng ta bày tỏ lòng tôn kính đến người này. Trong vô vàn cách, bậc thầy đang cố gắng đánh thức chúng ta, giải thích cho chúng ta điều gì là thiện hạnh và điểu gì là bất thiện hạnh, điều gì là tuyệt đối và điểu gì là tương đối, điều gì là bản tánh thực sự của tâm thức chúng ta. Và trong khả năng chúng ta có thể nhìn nhận ngài như vậy, bậc thầy trước mặt chúng ta chính là một vị Phật. Nếu tấm gương chỉ sạch sẽ một phần, thì chỉ một phần hình ảnh phản chiếu được hiển lộ. Nhưng như vậy cũng đã là khá tốt, chúng ta chỉ có thể biết ơn.

? NHỊ NGUYÊN

Tinh túy của giáo pháp chính là chánh niệm. Nếu chúng ta kết nối bậc thầy với một động cơ đúng đắn, thái độ đúng đắn, bậc thầy sẽ là người tốt nhất giúp nhắc ta nhớ về vô thường, Tam Bảo và nhân quả. Nếu bạn biết cách kết nối với bậc thầy một cách đúng đắn, không chỉ qua giao tiếp bằng lời, bạn có thể bắt đầu giải mã được âm thanh, hình ảnh và sự hiện diện của bậc thầy. Sự kết nối này sẽ là một cách thức tỉnh bạn tốt hơn nhiều so với việc cạo đầu, ngôi thẳng lưng và quan sát hơi thở.

Mục đích tinh túy của tăng đoàn là giữ vai trò như người bạn đồng hành, một sự hỗ trợ dẫn dắt chúng ta đến với quan kiến đúng đắn và thái độ đúng đắn. Không có tăng đoàn nào tốt hơn một bậc thầy với đầy đủ phẩm tánh, nếu được tiếp cận với một động cơ đúng đắn và một thái độ đúng đắn.

Bổn tôn là tri kiến thanh tịnh và tối cao. Khi nói “tri kiến thanh tịnh”, ý tôi là không bị giới hạn bởi đúng hay sai, tốt hay xấu, hai cánh tay hay bốn cánh tay, nam hay nữ. Một lần nữa, với một động cơ đúng đắn và sự hiểu biết, kết nối với bậc thầy là cách nhanh nhất để vượt qua tất cả những phân biệt mang tính nhị nguyên này. Do đó, bậc thầy là bổn tôn, không hành nữ, và người bảo hộ tối cao nhất. Bậc thầy về bản chất là con đường không xao lãng. Mục đích của chúng ta là không được để cho tâm thức mình bị xao lãng bởi những trải nghiệm đã qua, không vội vàng lao đến các hiện tượng tương lai, không bị phân tâm bởi sợ hãi và hy vọng, nhưng cũng hoàn toàn thanh tịnh trong hiện tại. Một lần nữa, điều này đạt được chỉ thông qua việc nhớ nghĩ đến bậc thầy. Do đó, bậc thầy chính là người bảo hộ của chúng ta.

Một cách ngắn gọn, chuyển dịch từ vùng nhị nguyên sang vùng bất nhị thật sự là khó khăn bởi vì không có một vùng đệm chung giữa nhị nguyên và bất nhị, do đó không có sự kết nối giữa hai vùng này. Không có chuyến tàu nào kết nối hai vùng này với nhau cả. Do đó, những ai trong chúng ta ở trong khu vực nhị nguyên chỉ có thể thực hành với những phương pháp của nhị nguyên nếu chúng ta hy vọng đạt được đến vùng bất nhị.

Điều khiến con đường Phật giáo thật đặc biệt như vậy là nhìn nó giống nhị nguyên, nhưng nó có khả năng giải phóng bạn khỏi những trói buộc của nhị nguyên. Đó là một nút thắt cố tình và chủ ý đã được thiết kế để tự cởi. Tất cả những phương tiện thiện xảo và phương pháp của Phật pháp đều giống như một cái gai chúng ta sử dụng để khêu những chiếc gai khác bị mắc kẹt trong tay của chúng ta ra. Mục đích của tâm xả ly, thực hành lòng bi mẫn, tụng chú và quán sát hơi thở là để làm bật rễ tư duy nhị nguyên. Những thực hành này sẽ dỡ bỏ mớ tơ vò của tư duy nhị nguyên. Chúng nói bằng ngôn ngữ nhị nguyên và mang hương vị bất nhị. Ví dụ, lòng bi mẫn thì chắc chắn là nhị nguyên nhưng với sự thực hành miên mật, nó sẽ dẫn bạn đến với bất nhị.

Trong những phương tiện thiện xảo mang vẻ ngoài nhị nguyên nhưng lại hướng đến bất nhị, pháp bổn sư du già là tối thượng. Trong Kim Cuơng thừa, thực hành lòng sùng mộ bậc thầy thậm chí thực tế hơn thực hành lòng bi mẫn. Điều đó có thể nhìn thấy được. Cuối cùng sẽ không còn tồn tại những gì là nhị nguyên hay bất nhị nữa.

Biết được tất cả những điều này, chúng ta phát khởi lòng biết ơn với bậc thầy và trân quý con đường thực hành của Mật thừa.

? AN TRÚ NƠI BẬC THẦY

Nếu bạn xem xét con đường Mật thừa của pháp tu bổn sư du già, chú ý đến tất cả những dấu vết tinh tế nhất, bạn sẽ thấy rằng phần quan trọng nhất chính là quán đảnh. Và phần quan trọng nhất của quán đảnh chính là hóa tán ở giai đoạn cuối. Bậc thầy không bao giờ ở bên ngoài, độc lập với bạn – như thể đang thở trên đầu bạn, đang giám sát bạn, chỉnh sửa bạn, như thể ngài là một chúng sinh cao cấp hơn. Chúng ta sử dụng từ “hóa tán” bởi vì trong tâm thức bám rễ vào tư duy nhị nguyên của chúng ta, chúng ta thích ý tưởng hóa tán. Nhưng một từ khác hay hơn là “hợp nhất”, giống như không gian bên trong một chiếc chai hợp nhất vào không gian bên ngoài khi chiếc chai bị vỡ.

Trong thực hành tinh túy nhất của bổn sư du già, “du già” có rất nhiều ý nghĩa. Du già giống như một pháp thực hành. Một người có thể gần như nói câu “môn du già Starbucks hằng ngày của tôi” hoặc “tôi đi tắm du già”. Nó là thứ mà bạn làm – một kỷ luật, một phương pháp, một phương tiện – do đó, trong Mật thừa bạn sẽ nghe đến rất nhiều pháp thực hành du già: du già giấc ngủ, du già giấc mơ, du già tỉnh thức, du già bữa ăn, du già hậu thiền định v.v.

Chúng ta cũng sử dụng thuật ngữ “du già” với thực hành bổn sư du già. Khi chúng ta nói “bổn sư du già – guru yoga”, thật không may nó luôn luôn ám chỉ đến một bài kệ, một đoạn bản văn. Bạn luôn luôn bắt đau bằng quy y, phát Bồ đề tâm, và quán tưởng bậc thầy trên đỉnh đầu hoặc trong trái tim của bạn, tùy thuộc vào bản văn nào bạn đang sử dụng. Điều này chẳng phải không đúng, nhưng một cách hữu ích hơn để nghĩ về bổn sư du già đó là hãy suy nghĩ:

An trú nơi bậc thầy

An trú nơi tâm linh của bậc thầy

An trú nơi bầu khí quyển của bậc thầy

An trú nơi hào quang của bậc thầy

An trú nơi tâm trạng của bậc thầy

An trú nơi sắc màu của bậc thầy

An trú nơi quốc gia của bậc thầy

An trú nơi thế giới của bậc thầy

An trú nơi vũ trụ của bậc thầy

An trú nơi tưởng nhớ về bậc thầy

Đây là lý do trong tiếng Tạng chúng tôi có cách diễn đạt “thukyid chikdre: thuk” là một từ kính ngữ chỉ tâm thức của bậc thầy, “yid” là tâm thức của bạn, “chik” nghĩa là “một”, và “dre” nghĩa là “hợp nhất”. Đây là tinh túy của tinh túy của thực hành bổn sư du già. Toàn bộ việc thực hành là để đạt được sự hợp nhất với tâm bậc thầy. Một khi học trò đã chín muồi, học trò sẽ bắt đầu nhận ra rằng bậc thầy sẽ không hạn chế ở giới tính, quốc gia, hoặc lịch sử. Trên thực tế, mọi điều bạn nhìn thấy, nghe thấy, nếm được, hoặc cảm nhận được đều là một biểu hiện của bậc thầy. Vì vậy, sẽ có lúc không có một xen-ti-mét nào là không có bậc thầy, và tại khoảnh khắc đó bạn sẽ chứng ngộ cảnh giới bất nhị.

Để hiểu được những điều này, sự suy đoán lý trí không giúp ích được gì nhiều. Bạn phải đưa chúng vào thực hành để bắt đầu hiểu được một bộ logic khác. Lúc này chúng ta chưa có được bộ logic đó. Để gieo trồng điều này, thì việc khẩn cầu, thỉnh xin và cầu nguyện đến bậc thầy là cần thiết đối với những chúng sinh bình phàm, đầy mê mờ như chúng ta.

???—

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. ĐIỀU PHỤC TÂM – SUỐI NGUỒN TÂM LINH
  2. ĐIỀU PHỤC TÂM BẰNG HAI ĐOÀN QUÂN TỪ VÀ BI

Bài viết khác của tác giả

  1. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT KHỞI LÒNG SÙNG MỘ
  2. NĂM GIA ĐÌNH PHẬT
  3. CHỨNG CHỈ CHO ĐIỀU KHÔNG THỂ DIỄN TẢ

Bài viết mới

  1. THỰC HÀNH BỒ ĐỀ TÂM
  2. LÒNG TỰ TRỌNG
  3. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT KHỞI LÒNG SÙNG MỘ