PHẠM HẢI YẾN
Trích: Món Quà Của Cái Chết-Bản Chất Của Cái Chết, Cuộc Sống Và Tình Yêu; NXB. Dân Trí, Công Ty Xuất Bản Thiện Tri Thức, 2021.
Cách đây không lâu, tôi phát hiện ra mình là empath, một từ ngữ mô tả những người có thể cảm nhận được năng lượng của người khác một cách dễ dàng. Trong nhiều năm liền, tôi cứ nghĩ dễ xúc động và nhạy cảm là tính cách của mình. Cho đến khi tôi đọc về khả năng ngoại cảm và truyền tải thông tin tâm linh, tôi nhận ra nhiều lần những cảm xúc mà tôi cảm nhận được trong cơ thể xuất phát từ bên ngoài. Sự hiểu biết này giúp tôi phân biệt được đâu là cảm xúc năng lượng của chính mình, đâu là cảm xúc năng lượng của người khác, để biết cách chữa lành cho bản thân và những người xung quanh.
Vào đầu năm 2017, tôi bắt đầu nhận được những giọng nói lạ xuất hiện trong đầu, năn nỉ tôi giúp đỡ nhắn tin cho người thân trong gia đình. Ban đầu tôi cũng không hiểu chuyện gì xảy ra, cảm thấy vô cùng kì quặc nhưng cuối cùng cũng phải chịu thua trước sự tha thiết nhờ cậy của những giọng nói trong đầu. Cảm giác mình vô duyên và kì quặc khi chuyển những tin nhắn như “xin chào, người thân đã mất của bạn nhờ tôi chuyển tin nhắn cho bạn” thường làm tôi đấu tranh nội tâm dữ dội. “Họ sẽ bảo là tôi điên”, tôi dùng dằng nhưng những giọng nói ấy cứ năn nỉ “Giúp giùm đi mà”. Cuối cùng thì tôi cũng chuyển những tin nhắn ấy và khá bất ngờ khi thấy người nhà thường rất cảm kích những lời nhắn thay vì bảo tôi điên.
Buổi tối cuối cùng ở Úc, khi tôi viết những dòng trên giấy cam kết với anh là tôi sẽ thực hiện sứ mệnh thứ hai của mình, trở thành người hỗ trợ cái chết, tự dưng hết linh hồn này đến linh hồn khác tìm gặp tôi để nhắn tin. Hóa ra là hiện tượng tâm linh xảy ra với tối hồi đầu năm 2017 là một phần của việc định hướng tôi đi vào con đường này. Trong tất cả những trường hợp mà tôi đã hành động bằng cách chuyển lời của người chết cho gia đình, những tin nhắn thường giúp xoa dịu nỗi đau chia ly một cách nhanh chóng.
Trải nghiệm ngoại cảm bất ngờ này giúp tôi có sự thông hiểu sâu sắc về trạng thái của linh hồn khi họ thoát xác. Tôi đã từng đọc “Cuốn sách của Tây Tạng về cái chết – Tibetan book of Death” để tìm hiểu thêm, nhưng không có cảm giác đồng điệu lắm về nội dung, chủ yếu là do ngôn ngữ trong sách hơi khó hiểu. Trong hơn chục trường hợp linh hồn mà tôi giao tiếp từ trước đến giờ, đa số thường rất bình an và vui vẻ khi họ tìm tôi để gửi những tin nhắn yêu thương cho gia đình. Tôi thường thấy được nụ cười mãn nguyện của họ trong tâm trí mình và năng lượng an bình lan tỏa cơ thể tôi mỗi lần giao tiếp với họ. Chỉ có một trường hợp của một người chết vì ung thư giai đoạn cuối, linh hồn này có vẻ như rất sợ hãi và đầy sự hối tiếc vì những tổn thương mà chú đã gây ra cho gia đình trong quá khứ. Khi tôi chỉnh tần số để cảm nhận năng lượng của chú, tôi cảm nhận được một sự hối hận dâng trào và không thể tự tha thứ cho chính mình trong cơ thể. Linh hồn ấy cứ khóc lóc và bảo “chú không tha thứ được cho mình con ơi, bởi chú đã gây ra quá nhiều lỗi lầm”. Chú cứ đi theo tôi và năn nỉ tôi xin gia đình tha thứ cho chú ấy. Cuối cùng, tôi phải hình dung ra một quả bóng năng lượng ánh sáng chữa lành để bao bọc chú trong cái kén ấy, và cầu nguyện đến linh thần hộ mệnh của tôi giúp đỡ chú ấy cho đến khi chú ấy bình tĩnh trở lại.
Khi tôi nghiền ngẫm về những trải nghiệm của mình và đối chiếu với những gì đọc được trong sách của Elizabeth và Newton, niềm tin của tôi về tình yêu không điều kiện trong cái chết càng được củng cố.
Sự đau khổ mà linh hồn trên gánh chịu thực ra là sự tự phán xét và trừng phạt mà chú ấy gây ra cho chính mình. Vì linh hồn được tạo ra bởi Đấng Sáng Thế, cảm xúc và suy nghĩ của linh hồn cũng có sức mạnh sáng thế và tạo ra thực tế mà linh hồn đó trải nghiệm. Khi linh hồn tự trừng phạt chính mình vì nỗi đau mà họ gây ra cho người khác, linh hồn ấy sẽ trải nghiệm trạng thái bị trừng phạt cho đến khi họ nhận ra họ được yêu thương vô điều kiện và học cách tha thứ cho bản thân. Sau khi tạo ra quả bóng năng lượng chữa lành cho chú, tôi có kết nối với chú vài lần để xem chú ấy ra sao rồi. Cuối cùng thì chú ấy cũng hoàn thành quá trình tâm linh nhớ ra chính mình, nhận ra bản chất thánh thiện của mình, tha thứ cho bản thân và đưa bình yên trở về với tâm hồn. Chú ấy giờ đây đã tự do như một cánh bướm.
Bài học nghiệm ra khi làm việc với linh hồn này khiến tôi nhớ lại hình tượng con nhộng hóa bướm. Tôi nhớ có lần đi chơi ở Trung tâm Khoa học Singapore và mua vé vào xem triển lãm bướm, trong đó có một tủ kính với đẩy các nhộng tằm đang trong quá trình hóa bướm. Khi bướm bắt đầu làm vỡ kén và chui ra ngoài, cánh của chúng vẫn bị dính ướt bởi chất lỏng trong kén. Có những con bướm khô cánh rất nhanh và đập cánh bay lên trong tự do. Cũng có những con bướm rơi xuống đất, vật lộn với đôi cánh ướt một lúc lâu, ngoi ngóp bò lung tung trước khi có thể đập cánh. Quá trình từ khi thoát kén đến lúc bay lên ở bướm không con nào giống con nào. Tương tự như thế, quá trình thoát xác của linh hồn ra khỏi cơ thể cũng không ai giống ai. Sự siêu thoát phụ thuộc vào việc linh hồn có thể buông bỏ những gánh nặng cảm xúc tự gây ra nhanh hay chậm, để giải phóng bản thân trở về với tự do của cõi siêu linh.