MAHATMA GANDHI
Trích: Tự truyện Gandhi, Mahatma Gandhi/ Ni sư Trí Hải dịch; in lần thứ 3; NXB Hồng Đức, 2022
Về tác giả
Mahatma Gandhi (1869 – 1948) tên thật là MOHANDAS KARAMCHAND GANDHI, chào đời vào sáng ngày 2 tháng 10 năm 1869 trong một căn nhà nhỏ tại Porbandar thuộc vùng Kathiawad – một vùng biển phía Tây Ấn Độ – thuộc Bombay. Thân phụ Mohandas Karamchand Gandhi tên Karamchand Gandhi, thân mẫu là bà Putlibai, gia đình Gandhi thuộc giai cấp thương gia (Vaishya, đẳng cấp thứ 3 theo đạo Hindu).
Ông được nhân dân Ấn Độ tôn vinh là Cha già của dân tộc. Toàn bộ cuộc đời ông dành để thực hành một đời sống Phạm hạnh, đề cao tinh thần bất bạo động (Ahimsa) và những hoạt động vì lợi ích của toàn bộ người dân Ấn Độ, không phân biệt họ xuất thân từ tầng lớp giai cấp nào. Bằng niềm tin, nỗ lực và sự kiên trì không mệt mỏi cho lý tưởng phụng sự mà ông đã phát nguyện và dấn thân đã góp phần dẫn đến sự kiện Ấn Độ được chính phủ Anh trao trả độc lập vào ngày 15/08/1947, Mohandas K. Gandhi đã được ông Mountbatten – Phó quốc trưởng Ấn Độ – tôn vinh là “Kiến trúc sư xây dựng ngôi nhà tự do Ấn Độ thông qua những viên gạch bất bạo động” (the architech of India’s freedom through non-violence).
TÍNH RỤT RÈ: ÁO GIÁP CỦA TÔI
Tôi được bầu vào Ban chấp hành Hội ăn chay, và quyết định đi dự tất cả các buổi họp của nó, nhưng tôi luôn luôn câm miệng hến. Bác sĩ Oldfield một lần nọ bảo tôi: “Anh vẫn nói chuyện với tôi như thường, tại sao anh chẳng bao giờ mở miệng trước một cuộc hội họp? Anh là một con ong đực”. Tôi phục lời nói đùa ấy. Những con ong cái rất bận rộn, còn ong đực thì hoàn toàn lười biếng. Và không phải là chuyện không lạ lùng khi mọi người khác đều phát biểu ý kiến trong những buổi họp ấy, còn tôi thì ngồi im. Không phải là tôi không bao giờ thấy ưa nói. Nhưng tôi luống cuống không biết diễn tả làm sao. Mọi người khác trong buổi họp đều tỏ ra biết nhiều hơn tôi. Rồi luôn luôn vừa khi tôi thu hết can đảm toan nói, thì y như rằng cuộc thảo luận đã qua một vấn đề khác. Tình trạng ấy kéo dài khá lâu.
Trong khi ấy một vấn đề quan trọng được đưa ra để thảo luận. Tôi nghĩ không nên vắng mặt, và lại thấy mình hèn nhát nếu bỏ một lá phiếu trắng. Cuộc thảo luận xảy ra trong trường hợp gần như sau. Chủ tịch của Hội là ông Hills, sở hữu chủ một xưởng đồ sắt trên sông Thames. Ông ta là một người theo Thanh giáo. Có thể nói hoạt động của Hội hầu như phụ thuộc vào trợ giúp tài chánh của ông ta. Nhiều ban viên trong Ban chấp hành là những người được ông bảo trợ ít hoặc nhiều. Bác sĩ Allinson nổi tiếng về ăn chay cũng là một ban viên trong Ban chấp hành. Lúc ấy bác sĩ là một người chủ xướng phong trào mới mẻ về hạn chế sinh sản, và giảng những phương pháp hạn chế ấy cho giới thợ thuyền. Ông Hills xem những phương pháp ấy là vi phạm đến đạo đức căn bản. Ông ta nghĩ rằng Hội ăn chay không những có mục đích cải hóa việc ăn uống mà còn cải tạo tinh thần đạo đức, và do đó một người có quan điểm phản Thanh giáo như bác sĩ Allinson không được phép ở lại trong Hội. Bởi thế người ta định trục xuất ông. Vấn đề ấy làm tôi lưu ý đặc biệt. Tôi xem quan điểm của bác sĩ Allinson về những phương pháp nhân tạo để hạn chế sinh sản là nguy hiểm và tin ông Hills, với tư cách là một người Thanh giáo, có quyền phản đối bác sĩ. Tôi cũng có lòng kính nể sâu xa đối với ông Hills và sự hào phóng của ông. Nhưng tôi nghĩ thật hoàn toàn phi lý khi khai trừ một người khỏi một Hội ăn chay chỉ vì y không chịu xem đạo đức Thanh giáo như một trong những mục đích của Hội. Quan điểm của ông Hills về sự khai trừ những người phản Thanh giáo ra khỏi Hội chỉ là của riêng ông, không liên can gì đến mục đích mà Hội đã tuyên bố. Hội chỉ có mục đích rao truyền thuyết ăn chay chứ không phải một hệ thống đạo đức nào cả. Vì thế tôi cho rằng bất cứ người nào ăn chay thì cũng đều có thể là một Hội viên được cả, không kể đến quan điểm của y về những thứ đạo đức khác.
Trong Hội đồng cũng có nhiều người có quan niệm như tôi, tôi tự thấy mình cần phải bày tỏ quan điểm riêng mình. Làm sao để làm việc ấy, đó là vấn đề. Tôi không có can đảm nói, vì vậy tôi quyết định viết ra giấy những ý nghĩ mình. Tôi đi đến cuộc họp với tài liệu trong túi áo. Như chỗ tôi nhớ được, hình như tôi đã không đủ can đảm ngay cả để đọc tờ giấy lên, nên ông Chủ tịch phải nhờ một người nào khác đọc. Bác sĩ Allinson cuối cùng thua cuộc. Như thế là ngay trong trận tuyến đầu tiên thuộc loại ấy tôi đã hóa ra đứng về bên phe thua. Song tôi có ý nghĩ an ủi rằng tôi có chính nghĩa. Tôi cũng nhớ mang máng rằng sau vụ này tôi đã từ chức Ban viên chấp hành.
Tôi giữ tính rụt rè ấy suốt thời gian ở Anh quốc. Ngay cả lúc tôi đi dự một buổi họp bạn, sự hiện diện của chỉ chừng bảy tám người cũng đủ làm tôi câm miệng.
Một lần tôi đến Ventnor với ông Mazmudar. Chúng tôi ở lại đấy với một gia đình ăn chay. Ông Howard, tác giả cuốn Đạo đức học về ăn chay, cũng đang cùng ở bãi biển ấy. Chúng tôi gặp ông và ông ta mời chúng tôi nói chuyện tại một cuộc họp mặt để cổ súy ăn chay. Tôi vẫn tin chắc rằng đọc lên bài thuyết trình của mình cũng không phải là sái phép.
Tôi biết nhiều người làm thế để phát biểu ý kiến mình một cách vắn tắt và mạch lạc. Nói ứng khẩu là việc ngoài sức tôi. Bởi thế tôi viết bài trần thuyết. Tôi đứng lên để đọc, nhưng bất khả. Mắt tôi hoa lên, tôi run cả người, mặc dù bài thuyết trình không quá một tờ giấy học trò, ông Mazmudar phải đọc hộ tôi. Dĩ nhiên bài diễn văn của riêng ông thì tuyệt và được mọi người hoan nghênh. Tôi lấy làm tự thẹn và trong lòng buồn bã vì sự bất tài của mình.
Cố gắng cuối cùng của tôi để nói giữa đám đông người khi còn ở Anh là vào hôm trước lúc hồi hương. Song lần này cũng thế, tôi chỉ thành ra lố bịch. Tôi mời những người bạn ăn chay đến ăn ở nhà hàng Holborn đã nói. Tôi tự nhủ: “Một buổi tiệc chay có thể ăn ở một nhà hàng cơm chay là chuyện thường. Nhưng tại sao lại không thể trong một nhà hàng không ăn chay?”. Và tôi dàn xếp với ông chủ nhà hàng ấy để soạn một buổi tiệc hoàn toàn chay. Những người ăn chay thích thú hoan nghênh thí nghiệm ấy. Mọi buổi tiệc đều cốt để vui chơi, song người Tây phương đã phát triển chuyện ấy thành một nghệ thuật, những bữa tiệc của họ thường được tổ chức long trọng rầm rộ, có nhạc và diễn văn. Và buổi tiệc nhỏ mà tôi mời cũng không phải không có một vài trò như thế. Bởi vậy bắt buộc phải có những diễn từ. Khi đến lượt tôi phát biểu, tôi đứng lên để nói vài lời. Tôi cẩn thận sửa soạn sẵn một chuyện để nói trong vài câu. Song tôi chỉ nói được một câu rồi không thể tiếp tục được nữa. Tôi đã đọc về Addison kể rằng khi ông mới bắt đầu nói ở Hạ viện, ông đã lập lại “I conceive” (“Tôi quan niệm”, cũng có nghĩa là “Tôi hoài thai”) ba lần, và không nói thêm gì được nữa. Khi ấy một người hay pha trò đứng dậy: “Ông ta hoài thai ba lần, nhưng không đẻ ra được gì cả”. (Đồng thời cũng có nghĩa là “Ông ta quan niệm ba lần mà không nói ra được gì cả”). Tôi định lấy câu chuyện vui ấy làm nội dung cho lượt phát biểu của mình, song tôi chỉ bắt đầu rồi không nói thêm gì được nữa. Tôi quên tuốt câu chuyện và thay vì kể một câu chuyện khôi hài tôi đã làm cho mình trở thành lố bịch. “Thưa quý vị, tôi xin cám ơn quý vị đã tử tế đáp lời mời của tôi”. Tôi nói cộc lốc, rồi ngồi xuống.
Chỉ khi sang Nam Phi tôi mới giảm bớt được tính rụt rè ấy, mặc dù tôi không bao giờ khỏi hẳn nó. Tôi hoàn toàn không thể nói ứng khẩu. Tôi ngập ngừng khi phải đối diện những thính giả xa lạ và tránh nói chừng nào tốt chừng ấy. Ngay cả bây giờ tôi cũng không nghĩ là tôi có thể hay muốn họp bạn để nói chuyện phiếm trong vòng thân mật.
Tôi phải nhận rằng, ngoài cái việc thỉnh thoảng làm trò cười cho thiên hạ ra, tính rụt rè cố hữu của tôi không phải là một bất lợi chút nào cho tôi mà trái lại nó hoàn toàn có lợi cho tôi nữa. Sự do dự của tôi trong việc phát biểu lúc trước là một nỗi bực mình thì bây giờ là một sự thích thú. Lợi lạc lớn nhất của nó là nó đã dạy cho tôi sự tiết kiệm lời nói. Tự nhiên tôi có được thói quen kềm chế những ý nghĩ. Và bây giờ tôi có thể cấp cho tôi một chứng chỉ xác nhận rằng một lời không suy nghĩ không bao giờ tuôn ra từ miệng tôi hay ngòi bút tôi. Tôi không nhớ có bao giờ hối hận đã nói hay viết một điều gì. Như thế tôi đã tránh được nhiều bất hạnh và sự phung phí thì giờ. Kinh nghiệm dạy cho tôi rằng im lặng là một phần trong kỷ luật tâm linh của người hâm mộ chân lý. Cái khuynh hướng quá đáng, khuynh hướng lấn áp sự thật hay biến đổi nó một cách hữu ý hay vô tình, vẫn là một chỗ yếu tự nhiên nơi con người, và im lặng rất cần thiết để chế ngự khuynh hướng ấy. Một người ít nói hiếm khi thiếu suy nghĩ trong lời mình, y sẽ cân nhắc từng tiếng khi nói. Chúng ta thường gặp rất nhiều người nóng nảy muốn nói. Không có một người chủ tọa hội họp nào mà không bị rầy ra vì quá nhiều người xin phép nói. Và mỗi khi một người được phép nói, y thường nói quá thời hạn cho phép, xin thêm vài phút, và cứ tiếp tục nói không cần xin nữa. Tất cả những sự nói năng ấy không thể nào có lợi gì cho thiên hạ. Nó chỉ làm mất thì giờ. Sự rụt rè của tôi kỳ thật là áo giáp che chở cho tôi. Nó đã làm cho tôi lớn lên. Nó giúp tôi phân biệt sự thật.