HH. DALAI LAMA XIV
Trích: Hãy Có Lòng Tốt, Be Kind; Đức Đạt Lai Lạt Ma 14; Thảo Triều dịch; NXB Lao Động; Cty Sách Thái Hà
Tình yêu thương là gì?
Điều quan trọng là phải biết được ý nghĩa chính xác của tình yêu thương. Các triết lý và truyền thống khác nhau có cách lý giải khác nhau về ý nghĩa của tình yêu hay lòng trắc ẩn.
Một số người bạn Kitô giáo của tôi tin rằng tình yêu không thể phát triển nếu không có sự ân sủng của Chúa nói cách khác, để phát triển tình yêu hay lòng trắc ẩn bạn cần phải có niềm tin.
Lý giải của đạo Phật là tình yêu thương chân thật dựa trên sự chấp nhận hoặc công nhận rõ ràng rằng, những người khác cũng giống như chúng ta, khát khao được hạnh phúc và có quyền thoát khỏi khổ đau.
Trên cơ sở đó, người ta phát triển mối quan tâm đến phúc lợi của người khác mà không cần phải bận tâm tới thái độ của người khác đối với mình.
Đó chính là tình yêu thương hay còn gọi là lòng trắc ẩn.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, tình yêu hay lòng trắc ẩn của bạn hướng đến mọi người thực chất lại là sự bám chấp.
Cảm xúc bám luyến này không dựa trên thực tế rằng tất cả chúng sinh đều có quyền bình đẳng là được hạnh phúc và thoát khổ. Thay vào đó, cảm xúc này dựa trên quan điểm rằng có cái gì đó là “của tôi”, là bạn của tôi”, hoặc làm điều này là tốt cho “tôi”.
Đó chính là sự bám chấp.
“TRONG NHIỀU TRƯỜNG HỢP, TÌNH YÊU HAY LÒNG TRẮC ẨN CỦA BẠN HƯỚNG ĐẾN MỌI NGƯỜI THỰC CHẤT LẠI LÀ SỰ BÁM CHẤP.”
Do đó, khi thái độ của người đó đối với bạn thay đổi, cảm giác gần gũi của bạn ngay lập tức sẽ biến mất.
Không có sự bám chấp, cảm giác về quyền sở hữu, bạn sẽ phát triển sự quan tâm tới người khác mà không cần biết thái độ của họ với bạn như thế nào, đơn giản bởi vì người đó là một người giống bạn và có quyền vượt thoát khỏi đau khổ.
Cho dù người đó duy trì trạng thái trung lập với bạn hay thậm chí là kẻ thù với bạn, sự quan tâm lo lắng của bạn vẫn nên được duy trì vì quyền lợi của họ.
Đó chính là sự khác biệt.
Tình yêu thương chân thật lành mạnh và đem lại lợi ích hơn nhiều, nó không thiên vị và dựa trên lý trí. Ngược lại, sự bám chấp là một trạng thái tâm bị thu hẹp và thiên lệch.
Tôi cũng nói thêm rằng sự bám chấp đối nghịch với tình yêu thương chân thật.
Qua việc thực hành Phật giáo, để phát triển tình yêu thương chân thật thì đầu tiên bạn phải thực tập thiền định về sự bình đẳng và công bằng, tách rời bản thân ra khỏi những người gần gũi với bạn.
Sau đó, bạn phải loại bỏ những cảm xúc tiêu cực đối với những ai đang đối nghịch với bạn. Tất cả chúng sinh nên được cư xử bình đẳng.
Trên cơ sở đó, bạn có thể dần dần phát triển tình yêu thương chân thật cho tất cả mọi người.
Cũng phải nói rằng tình yêu thương chân thật không giống như một sự thương hại hay cảm giác rằng những người khác thấp kém hơn bạn và cần bạn phải đoái thương. Thay vào đó, với tình yêu thương chân thật, bạn sẽ xem những người khác quan trọng hơn chính bản thân mình.
Như tôi đã chỉ ra trước đó, để khởi sinh tình yêu thương chân thật, đầu tiên người đó phải trải qua việc rèn luyện về sự bình đẳng.
Điều này rất quan trọng, bởi vì nếu không có cảm giác bình đẳng với tất cả mọi người thì chúng ta sẽ có quan điểm thiên vị.
Bình đẳng
Vì vậy bây giờ tôi sẽ giới thiệu cho bạn thí dụ ngắn gọn về một cách rèn luyện thiền định Phật giáo liên quan đến việc phát triển sự bình đẳng.
Đầu tiên bạn nên nghĩ về một nhóm nhỏ những người mà bạn biết như những người bạn, người thân, hay những người mà bạn có sự gắn bó.
Thứ hai, bạn nên nghĩ về những người dưng, những người mà bạn thấy không hề liên quan tới bản thân.
Và thứ ba, nghĩ về những người mà bạn không thích.
Khi tưởng tượng về những người này, bạn hãy cố gắng để tâm trí đi vào trạng thái tự nhiên và xem nó bình thường phản ứng như thế nào với những cuộc gặp gỡ từng nhóm người này.
Bạn sẽ nhận thấy phản ứng tự nhiên của mình sẽ có xu hướng bám dính vào những người bạn, phát sinh cảm giác không thích với những người mà bạn xem như kẻ thù và xuất hiện cảm giác hoàn toàn thờ ơ với những người mà bạn không có liên quan.
Rồi bạn thử tự đặt câu hỏi. Bạn nên so sánh những ảnh hưởng của hai thái độ đối lập nhau mà bạn đã có với những người bạn và những kẻ đối nghịch với bạn, và tự xem tại sao bạn lại có những trạng thái tâm lý dao động như vậy đối với hai nhóm người khác nhau này.
“TẤT CẢ CHÚNG SANH NÊN ĐƯỢC ĐỐI XỬ BÌNH ĐẲNG”
Bạn sẽ thấy những phản ứng như vậy có ảnh hưởng lên tâm trí của bạn và hãy cố gắng thấy được sự vô ích của những cảm xúc dính mắc theo cách cực đoan như vậy.
Tôi thường nói về những ưu và nhược điểm trong việc che giấu thù hận hay phát sinh nỗi căm giận hướng đến kẻ thù, nhưng tôi cũng phải nói một chút về những khiếm khuyết của việc cực kỳ bám chấp vào những mối quan hệ thân thiết với bạn bè hay tương tự như vậy.
Bạn nên suy ngẫm về điều này và sau đó cố gắng giảm thiểu những cảm xúc mạnh mẽ bên trong mà bạn hướng đến hai nhóm đối nghịch này.
Sau đó, điều quan trọng nhất là bạn nên suy ngẫm về tính bình đẳng căn bản giữa bạn với tất cả những chúng sinh khác.
Khi bạn có mong muốn tự nhiên thuộc về bản năng để trở nên hạnh phúc và vượt thoát khỏi đau khổ, tất cả các chúng sinh khác cũng đều có khát vọng như vậy, cũng giống khi bạn có quyền hoàn thành mong muốn tự nhiên này thì tất cả các chủng sinh khác cũng vậy.
Vậy thì bạn có thể phân biệt đối xử trên cơ sở cụ thế nào?
Nếu chúng ta nhìn vào toàn bộ nhân loại, chúng ta sẽ thấy mình là động vật xã hội. Thêm nữa. những cấu trúc của mô hình kinh tế, giáo dục hiện đại hay tương tự, đã minh chứng rằng thế giới là nơi mà ở đó chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào nhau.
“BẠN NÊN SUY NGHĨ VỀ SỰ BÌNH ĐẲNG CƠ BẢN GIỮA BẠN VÀ TẤT CẢ CHÚNG SINH KHÁC”
Trong bối cảnh như vậy, tôi nghĩ lựa chọn duy nhất là chúng ta sống và làm việc hài hoà cùng nhau, và luôn có ý thức quan tâm đến toàn bộ nhân loại.
Đó là con đường và là cách nhìn duy nhất mà chúng ta phải áp dụng vì sự sống còn của bản thân.
Theo tự nhiên, đặc biệt với vai trò là một con người, lợi ích của bản thân tôi không độc lập với những người khác. Hạnh phúc của tội phụ thuộc vào hạnh phúc của những người khác.
Bởi vậy khi tôi thấy mọi người hạnh phúc, một cách rất tự nhiên, tôi sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn so với khi phải chứng kiến cảnh mọi người gặp khó khăn.
Thí dụ, khi chúng ta xem tư liệu trên truyền hình về những người đang bị chết đói ở Somalia, bao gồm cả người già và trẻ nhỏ, thì chúng ta sẽ tự nhiên cảm thấy buồn, bất kể nỗi buồn đó có thể dẫn đến những hành động giúp đỡ tích cực nào
đó hay không.
Thêm nữa, trong cuộc sống hàng ngày, giờ đây chúng ta đang được sử dụng các loại tiện nghi tốt, như những ngôi nhà được lắp máy điều hoà.
Tất cả những thứ phương tiện này đều dễ dàng có được, không phải chỉ bởi vì chúng ta có khả năng mua nó mà còn bởi vì có nhiều người liên quan, trực tiếp hay gián tiếp, làm ra những chiếc máy đó.
“LỢI ÍCH CỦA BẢN THÂN TÔI KHÔNG ĐỘC LẬP VỚI NHỮNG NGƯỜI KHÁC HẠNH PHÚC CỦA TÔI PHỤ THUỘC VÀO HẠNH PHÚC CỦA NGƯỜI KHÁC”
“LỰA CHỌN DUY NHẤT LÀ CHÚNG TA SỐNG VÀ LÀM VIỆC HÀI HÒA CÙNG NHAU”
Mọi thứ được tạo ra do nhiều thứ hợp thành, chúng ta không thể quay trở lại lối sống của một vài thế kỷ trước, khi phụ thuộc vào chỉ một vài công cụ đơn giản chứ không phải là các loại máy móc như hiện nay.
Rất rõ rằng những phương tiện máy móc mà chúng ta đang tận hưởng ngày nay là sản phẩm có được từ công sức lao động làm việc của rất nhiều người.
Chúng ta dành thời nhiều thời gian ngủ trên giường, Có rất nhiều người đã tham gia vào việc tạo ra chiếc giường đó. Điều này cũng diễn ra tương tự trong quá trình tạo ra những thực phẩm mà bạn ăn hàng ngày, và việc chế biến sẽ phức tạp hơn cho những thực phẩm không phải là đồ chay.
Danh tiếng cũng chắc chắn là một sản phẩm khác của con người – không có sự hiện diện của người khác, khái niệm về sự nổi tiếng thậm chí còn không có nghĩa.
Cũng vậy, lợi ích của Châu Âu tuỳ thuộc vào lợi ích của Mỹ, và lợi ích của người Tây Âu tuỳ thuộc vào hoàn cảnh kinh tế của người Đông Âu.
Mỗi lục địa đều phụ thuộc rất nhiều vào những người khác, đó là thực tế. Do đó nhiều thứ mà chúng ta khát khao, chẳng hạn như giàu có và danh tiếng… không thể trở thành hiện thực nếu không có sự tham gia gián tiếp hoặc sự chủ động và hợp tác của nhiều người khác.
Vì vậy, khi tất cả chúng ta đều có quyền hạnh phúc như nhau và đều liên kết với nhau, dù một cá nhân nào đó có quan trọng đến mức nào thì về mặt logic, gần tảm tỉ người khác trên hành tinh này cũng sẽ quan trọng hơn một cá nhân đơn lẻ.
Theo cách tư duy này, cuối cùng bạn có thể phát triển ý thức trách nhiệm toàn cầu.
Những vấn đề môi trường ngày nay, như sự suy giảm của tầng ozon và nóng lên toàn cầu, rõ ràng cũng cho chúng ta thấy sự cần thiết phải chung tay của cả thế giới.
Dường như với sự phát triển, thế giới đang ngày càng nhỏ bé hơn nhưng nhận thức con người vẫn bị tụt lại phía sau.
Đây không phải là vấn đề thực hành tôn giáo, mà là vấn đề tương lai nhân loại.