KOITSU YOKOYAMA
Trích: Một cuộc sống trí huệ; Thiện Quang dịch; NXB. Hồng Đức, 2017
Chúng ta có rất nhiều kiểu ham muốn. Cuộc sống sẽ được thổi phồng từ những ham muốn và suy nghĩ của chúng ta “Tôi cần phải thực hiện điều này”, “Tôi cần phải thực hiện điều kia”. Tuy nhiên, sự xâm lấn sâu sắc hơn của ham muốn và sự biến đổi khiến nó trở nên gắn bó sẽ tạo ra đau khổ. Những đau khổ mà sự gắn bó tạo ra không chỉ đơn thuần là xúc cảm trừu tượng, nó cũng có thể lôi kéo chúng ta vào tội lỗi.
Tất cả những sự vật là đối tượng của ham muốn cũng là những ý tưởng đã được bày tỏ thông qua lời nói, và chúng ta xem chúng như là sự thật. Nói cách khác, chúng ta nghĩ tất cả những điều này thật sự hiện hữu, hiện hữu một cách thực chất. Các suy nghĩ, bản thân chúng có thể vô hại, tuy nhiên vấn đề được phát sinh khi các suy nghĩ về những đối tượng đó sẽ trở thành sự gắn bó của ta với chúng. Tất cả các sự vật có thật sự tồn tại như là những suy nghĩ và lời nói về chúng được gợi lên hay không? Hãy xem xét phát biểu đơn giản sau: “Đây là một cây bút chì”. Một khi xem xét kỹ, chúng ta sẽ nhận thấy rằng, nó sẽ dẫn đến suy nghĩ “Cây bút chì thực chất hiện hữu như là một điều gì đó khác biệt đối với chúng ta”.
Tuy nhiên, các sự vật có thật sự hiện hữu theo cách chúng được nghĩ trong lời nói hay không? Điều hiển nhiên, có thể có một điều gì đó tương ứng với cây bút chì trong thế giới bên ngoài nhưng chắc chắn có sự tồn tại hình ảnh cây bút chì. Một khi tập trung vào những hình ảnh như vậy, ta không thể nói nó thật sự là một cây bút chì. Thay vào đó, ta sẽ cảm thấy an tâm khi nói “Nó chính xác là hình ảnh một cây bút chì”.
Mặt khác, khi tự hỏi về hình ảnh một cây bút chì, khi nhắc đến sự vật “cây bút chì”, ngay lập tức sự vật sẽ trở thành cây bút chì thật sự đối với ta. Nói cách khác, khi tôi nhắc đến tên gọi của sự vật, đối với tôi, sự vật đó sẽ trở nên thực sự hiện hữu bên ngoài tâm trí tôi.
Từ ngữ “bút chì” và hình ảnh một cây bút chì là những điều hoàn toàn khác biệt. Khi từ ngữ về một điều gì đó và hình ảnh về điều ấy hòa lẫn nhau, chúng sẽ gợi ra một điều dường như có thật, và được xác định bởi thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, nó chỉ đơn thuần được tưởng tượng.
Chúng ta không thể sống trong một thế giới mà không có sự thiết lập những khác biệt theo cách này. Mọi sự vật trong tâm trí cần phải được thiết lập tương ứng với những sự vật ở thế giới bên ngoài. Vấn đề chính là ở sự gắn bó của ta với chúng, với những thứ mà ta tưởng tượng là chắc chắn có thật. Tuy nhiên, sự hiện hữu thực chất của chúng đều không chắc chắn, khiến cho ta lạc lối và ta sẽ phát triển sự gắn bó với chúng. Cũng như một người đi lạc trên sa mạc trong nhiều ngày và khao khát nước uống để làm mát cổ họng, chúng ta khao khát tiền bạc, địa vị, và nhiều thứ khác trong cuộc đời mà ta nghĩ sẽ làm thỏa mãn ham muốn của ta.
Vậy điều gì thật sự hiện hữu? Đây là một câu hỏi nghiêm túc. Chúng ta chỉ có thể bắt đầu hình thành câu trả lời bằng cách hướng tâm trí mình vào bên trong và lặng lẽ suy ngẫm về nó. Chúng ta phải cố gắng quan sát sự hiện hữu, bằng cách quan sát những gì có trước khi ta gắn những cái tên hay là những ý niệm vào nó.
Việc gia tăng mức độ kiến thức và thông tin mà tâm trí ta cần phải xử lý, chỉ làm gia tăng sự bối rối và lẫn lộn của tâm trí mà ta đang tìm cách chế ngự. Tự thân các sự việc nếu tách rời khỏi mạng lưới khái niệm của suy nghĩ và lời nói thì đơn giản. Chúng đơn giản cho đến khi con người biến chúng trở thành phức tạp bằng sự phân biệt, bằng lời nói và suy nghĩ. Vậy chúng ta cần phải suy ngẫm về sự che khuất mà lời nói tạo ra. Nếu như ta muốn bước ra ngoài lời nói và truy tìm thực tại sự thật đằng sau chúng, ngôn ngữ đột nhiên sẽ trở thành vật cản. Bằng cách quán sát các sự việc, “cái này” hay “cái kia”, ta sẽ nắm bắt được chúng trong thực tại như là một điều gì đó hoàn toàn khác biệt đối với những gì là chúng trong lời nói. Mặc dầu chúng ta đang nói về một sự vật như nó thật sự hiện hữu, nhưng sự vật như nó hiện hữu thì hoàn toàn không thể đạt được thông qua lời nói.
Việc suy nghĩ rằng lời nói không thể chuyển tải được thực tại về các sự vật như chúng thật sự hiện hữu, sẽ làm hé lộ các giới hạn của suy nghĩ và lời nói. Chúng ta đã quá dễ dàng chấp nhận như là điều hiển nhiên, rằng các sự vật hiện hữu một cách chính xác khi ta nói hay nghĩ về chúng, và rồi trở nên gắn bó vào những sự vật mà ta đã nói hay nghĩ. Sau cùng chính lời nói và suy nghĩ khiến ta bị mắc kẹt.
Nguyên nhân cơ bản của ảo tưởng và đau khổ chính là thói quen của ta khi suy nghĩ về “hiện hữu” và “không hiện hữu”. Các sự vật không thể hiện hữu theo cách chúng ta hình dung bằng lời nói và suy nghĩ.
Một khi chúng ta công nhận và được thuyết phục bởi thực tế này, thế giới sẽ bắt đầu thay đổi một cách mạnh mẽ, dường như chúng ta có thể sống một cách tự do hơn trong một thế giới ta chưa từng gặp.
Gần đây tôi có dịp viếng thăm đất nước Trung Quốc. Lần cuối, khi tôi đến thăm Tô Châu cách đây đã sáu năm. Khi ấy, việc phát triển thành phố Tô Châu chỉ mới bắt đầu. Lần này, tôi thật sửng sốt về sự thay đổi. Ngôi chùa năm tầng tại Hàn San, đang được sửa chữa trong chuyến viếng thăm của tôi lần trước, đến nay đã hoàn thành. Cảnh quan thành phố nhìn từ ngôi chùa rất khác biệt. Thậm chí không hề còn chút gì gợi nhớ đến danh tiếng trước đây của Tô Châu như “Venice Phương Đông”. Các mảng xanh cỏ cây được thu nhỏ lại, có rất nhiều toà nhà mới vây quanh ngôi chùa. Việc xây dựng đã bùng nổ thậm chí còn mạnh mẽ hơn ở Thượng Hải. Chiều cao và số lượng những tòa cao ốc không chỉ đang cạnh tranh mà con vượt cả Tokyo.
Đôi khi tôi vẫn nghĩ về những thay đổi mà sự phát triển ấy đã tạo ra trong tâm trí người dân thành phố. Họ đang sống giữa những sự tác động không ngừng của quá trình đô thị hóa. Tất cả đều tranh đua nhau nhằm thu hút sự chú ý của họ. Giữa sự bùng nổ kinh tế, tâm trí con người càng lúc càng dễ bị thu hút vào những ham muốn. Việc gắn bó vào các sự vật sẽ khiến cho tâm trí ta khô héo. Niềm khát khao do sự gắn bó tạo ra sẽ lớn dần lên, cũng như chủ nhân của nó là “cái tôi”. Cảm giác về cái tôi và niềm khao khát đan xen cùng nhau. Trong sự đan xen của bản ngã và ham muốn sẽ nảy sinh tham sân si. Đây chính là sự tham lam, cùng với sự giận dữ và không có sự hiểu biết, trong Phật giáo được xem như là ba liều “thuốc độc”. Sự khao khát thì không có giới hạn. Giữa đợt bùng phát kinh tế thịnh vượng, thậm chí còn có nhiều cơ hội hơn để khao khát. Vậy chúng ta làm gì trong tình trạng này?
Chúng ta cần phải phân định một cách đúng đắn liều lượng vật chất được sử dụng cho bản thân, để không bị dư thừa và trao đi những gì còn lại. Phải chăng đó chính là sự nhắc nhở rằng những con người hiện đại như chúng ta hãy hướng chú ý vào người khác thay vì bản thân, kết nối với những người khác bằng cách quan tâm đến hạnh phúc của họ, hơn là quan tâm dành cho chính mình. Của cải vật chất có thể là một phương tiện để mang lại hạnh phúc cho những người khác.
Thật điên rồ khi nghĩ rằng, chúng ta có thể loại trừ những điều không trong sạch đã gây ra ô nhiễm tâm trí mình, bằng cách thanh lọc thế giới bên ngoài. Chúng ta chỉ có thể thanh lọc tâm trí mình bằng chính tâm trí mình. Để nhận biết được điều này, chúng ta cần phải nghĩ ra các cách thức làm sạch tâm trí. Trong thực tế, một trong những phương tiện thanh lọc tâm trí là thấu hiểu bản chất của thực tại. Thấu hiểu về mối liên hệ với các sự vật, chúng ta sẽ thấy bụi bặm trong thế gian chính là bụi bặm bên trong tâm trí.
Vừa qua, tôi đã yêu cầu một số sinh viên đi quanh sân trường vào giờ nghỉ trưa để nhặt những mẫu thuốc lá. Thông thường, mỗi ngày chúng tôi đã nhặt được khoảng 500 mẫu thuốc lá trong ba mươi phút.
Vào lúc đầu, các sinh viên cảm thấy hơi bối rối khi bị các bạn cùng lứa nhìn thấy họ đang nhặt những mẫu thuốc lá, trong khi hầu hết những người khác đang thư giãn và dạo chơi trong sân trường. Tuy nhiên, trong vòng một năm, ý thức bản ngã của họ giảm dần và họ bắt đầu thực hiện công việc mà không hề có bất cứ quan ngại nào, cứ như là trí huệ phi khái niệm đã thật sự được đánh thức bên trong họ.
Nếu như xem xét vấn đề này trong ánh sáng thuyết Duy thức, chúng ta cũng có thể nói rằng, mỗi sinh viên thật sự đang thanh lọc thế giới bên trong tâm trí họ. Công việc không chỉ đơn thuần là làm sạch sân trường, một hành động có lợi chung mà còn là dịp để họ thanh lọc tâm trí mình.
Không chỉ rác rưởi, mà chính là toàn bộ thế gian đang hiện hữu bên trong tâm trí của mỗi con người. Nếu như rác rưởi chỉ hiện hữu trong tâm trí, điều gì sẽ xảy ra khi một người nào đó xả rác? Có phải rác rưởi chỉ hiện hữu trong tâm trí người xả rác? Nếu như không có rác rưởi, làm sao có sự bất tịnh hay ô nhiễm được mọi người cùng nhau chia sẻ? Đây là một luận điểm thích hợp.
Thuyết Duy thức cho rằng, trong tự nhiên, các sự vật được tạo ra cùng nhau. Tất cả đều được tạo ra bởi tâm trí, và các sự vật đều tương thuộc với các sự vật khác.
Những ngọn núi, những dòng sông, rác rưởi và những điều tương tự, chính là những điều được tạo ra chung bởi tất cả chúng ta. Tất cả chúng ta đều đang trải nghiệm chúng. Một khi thái độ của chúng ta thay đổi, rác rưởi cũng sẽ thay đổi theo cách tương tự. Chúng ta sẽ nhận thức được rằng mọi sự vật vốn đã hiện hữu trong tâm trí mình.
Về tác giả
Giáo sư Koitsu Yokoyama (sinh năm 1940) đã dành trọn sự nghiệp của mình để nghiên cứu triết học Duy thức trong Phật giáo Đại thừa. Ông nhận học vị tiến sĩ triết học Ấn Độ tại Đại học Tokyo, hiện là giáo sư danh dự tại Đại học Rikkyo và là Phó hiệu trưởng trường Cao đẳng Shogen. Giáo sư Koitsu Yokoyama đã công bố rất nhiều công trình bằng tiếng Nhật về triết học Duy thức, trong đó cuốn Từ điển Duy thức Phật giáo được xuất bản nhân kỷ niệm năm thứ 1.300 thành lập ngôi đền Kofukuji (Cổ phúc tự) ở Nara, Nhật Bản.