TÔI TƯ DUY NÊN TÔI TỒN TẠI

MARCUS AURELIUS

Trích: Từ Hạt Cát Đến Ngọc Trai; Nguyễn Lệ Thu dịch; Nhà Xuất Bản Thanh Niên

Hippocrates sau khi chữa khỏi cho rất nhiều bệnh nhân cũng nhiễm bệnh và qua đời. Các nhà chiêm tinh tiên đoán được cái chết của rất nhiều người nhưng rồi định mệnh cũng mang họ đi. Alexander, Pompeius và Caius Caesar sau khi san bằng nhiều thành phố dưới gót chân giày xéo của hàng ngàn binh mã, cuối cùng cũng phải từ giã cõi đời. Heraclitus sau khi nghiên cứu về ngọn lửa trong vũ trụ, cuối cùng chết vì bệnh phù thũng, khi chết bùn đất lấm khắp mình. Những con rận hủy hoại Democritus, những kẻ vô lại khác giết chết Socrates. Điều ấy có ý nghĩa gì? Bạn lên thuyền, thuyền chạy; cập bến, bạn xuống thuyền. Nếu con thuyền tới một cuộc sống khác thì chẳng cần đến thần linh nữa, dù ở đâu cũng vậy. Nhưng nếu con thuyền hướng đến một nơi mọi thứ đều vô tri vô giác, bạn sẽ chẳng còn phải chịu đau khổ hay vui sướng, cũng chẳng còn chịu sự cầm tù của thể xác nữa. Ở đó, cơ thể càng hèn kém thì đối tượng mà nó phục vụ lại càng ưu việt, bởi đối tượng ấy là lí trí và thần tính, còn cơ thể chỉ là bùn đất và cái chết.

LỜI VÀNG Ý NGỌC

Thế giới tâm hồn mới là giá trị của chủ thể Nếu có người hỏi bạn: Khi cơ thể bạn sắp về với cát bụi, sinh mệnh sắp đến hồi kết thúc, bạn có thể nói được giá trị của cuộc đời mình ở đâu không? Câu hỏi này rất khó trả lời, bởi định nghĩa về giá trị của mỗi người không hề giống nhau. Marcus Aurelius cho rằng giá trị của con người không nằm ở thân xác mà ở tinh thần của chúng ta, điều này rất giống với quan điểm của triết gia vĩ đại Descartes, ông đưa ra ý tưởng “Tôi tư duy, nên tôi tồn tại” để trả lời cho câu hỏi “Giá trị là gì”.

Có một nhóm sinh viên đến Vatican tham quan Nhà thờ Thánh Peter nổi tiếng thế giới, ai cũng trầm trồ trước vẻ tráng lệ và sự hùng vĩ của kiến trúc. Đúng lúc ấy, thầy giáo bỗng hỏi: “Lúc này các em đang nhìn thấy gì?”. Một sinh viên đáp: “Em nhìn thấy kì tích trong lịch sử kiến trúc của loài người. Một sinh viên khác nói: “Em nhìn thấy lịch sử, thấy hình bóng những người công nhân xây dựng đang vất vả làm việc. Những câu trả lời đó đều chưa làm thầy giáo vừa ý.

Cuối cùng, một sinh viên nói: “Cái em nhìn thấy không phải là nhà thờ, mà là hình ảnh sống động của Da Vinci, Michelangelo và Raphael. Khi em chạm vào mỗi viên gạch nơi đây, dường như em đang trò chuyện với các bậc đại sư”. Câu trả lời này khiến thầy giáo mỉm cười hài lòng. Đúng vậy, Nhà thờ Thánh Peter là công sức của biết bao nghệ sĩ, từng bức tường, từng viên gạch nơi đây đều là tác phẩm của họ, dù từ lâu họ đã không còn trên cõi đời này nhưng di sản mà họ để lại vẫn khiến cho hậu thế phải nghiêng mình ngưỡng mộ trước nghệ thuật thời kì Phục Hưng. Đây chính là giá trị tinh thần, giá trị trường tồn mặc cho sự tiêu tan của xác thịt.

Trong thời đại vật chất ngày nay, chúng ta khó có thể biết được điều gì là vĩnh hằng, là trường tồn với thời gian. Người ta đề xướng theo đuổi niềm vui nhất thời mà bỏ qua sự tu dưỡng tinh thần, nhưng những người thực sự có trí tuệ lại luôn suy nghĩ: “Ta phải làm gì để không sống hoài sống phí?”. Không nhất thiết phải khiến đời sau nhớ đến thì sự tồn tại của chúng ta mới có ý nghĩa, quan trọng là ta có mong muốn được tư duy, suy nghĩ hay không. Nếu chúng ta có thể nhìn thế giới bằng con mắt của Aurelius thì cuộc sống sẽ ngày càng thêm phong phú.

GIÁ TRỊ CỦA VĨ NHÂN

1. Hippocrates Thầy thuốc nổi tiếng của Hi Lạp cổ, được mệnh danh là “Cha đẻ của y học”. Ông là người sáng lập ra nền y học hiện đại, quan điểm y học của ông có ảnh hưởng to lớn với hậu thế.

Tất cả bác sĩ trước khi bước vào hành nghề đều phải đọc thuộc lời thề Hippocrates.

2. Alexander Nhà quân sự nổi tiếng của Hi Lạp cổ, từng thống lĩnh binh mã tiến hành nhiều cuộc chinh phạt, gây dựng nên đế quốc rộng lớn và hùng mạnh nhất trên thế giới.

Danh xưng “Người đi chinh phục” được ra đời để dành cho ông, thư viện Alexandria do ông lập ra từng có đóng góp to lớn cho sự giao lưu văn hóa của nhân loại.

3. Heraclitus Triết gia nổi tiếng của Hi lạp cổ, ông cho rằng “Lửa” chính là nguồn gốc của vạn vật và giữ quan điểm “Vũ trụ luôn biến đổi không ngừng”.

Bạn có thể không biết đến tên ông, nhưng có thể bạn đã từng nghe đến câu danh ngôn “Không ai có thể tắm hai lần trên một dòng sông”.

4. Democritus Triết gia nổi tiếng của Hi Lạp cổ, người đầu tiên đưa ra Thuyết nguyên tử (Vạn vật trên thế giới đều được tạo thành từ các nguyên tử), là người theo chủ nghĩa duy vật.

Sau vô số lần nghiệm chứng, người ta phát hiện ra rằng Democritus sớm đã biết được chân lí này.

5. Socrates Triết gia nổi tiếng của Hi Lạp cổ, được mệnh danh là người có trí tuệ nhất. Để bảo vệ niềm tin của mình, ông đã quyết uống rượu độc mà chết.

Ta là kẻ vô tri, thế nên ta mới phải theo đuổi trí tuệ.

BÀI HỌC QUAN TRỌNG

Không mấy người có thể lưu danh sử sách và được người đời sau nhớ đến. Vốn dĩ chỉ có một số ít người có thể trở thành vĩ nhân, nhưng chúng ta không thể vì thế mà từ bỏ nỗ lực tạo nên giá trị tinh thần. Tồn tại không phải vì người khác mà là vì chính bản thân ta.

—–???—–

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. HỌC CÁCH HÀI HƯỚC
  2. SUY TƯ
  3. NHÂN ÁI LÀ BẢN TÍNH

Bài viết mới

  1. NUÔI DƯỠNG TRÍ TÒ MÒ
  2. HIỂU VỀ NỖI ĐAU KHỔ CỦA CHÚNG TA
  3. LỜI RĂN DẠY CỦA KHỔNG TỬ