TÔN TRỌNG TIẾN TRÌNH TỰ NHIÊN CỦA SỰ PHÁT TRIỂN

STEPHEN R. COVEY

Trích: 7 Thói Quen Để Thành Đạt; Biên Dịch: Vũ Tiến Phúc: NXB First News

Sở dĩ thuyết  Đạo đức nhân cách có sức lôi cuốn mạnh mẽ là do nhiều người cho rằng nó hướng dẫn cách đạt được những thành tựu trong cuộc sống như giàu có, thành đạt và có mối quan hệ khăng khít với những người xung quanh một cách nhanh chóng, dễ dàng mà không cần phải trải qua quá trình phấn đấu hay trưởng thành theo quy luật tự nhiên.

Tuy nhiên, đó là một lý thuyết không thực tế, ảo tưởng và lừa dối. Dùng kỹ xảo và những biện pháp vội vàng để đạt được thành công cũng chẳng khác gì tìm nhà người quen ở thành phố Chicago mà lại dùng tấm bản đồ của thành phố Detroit.

Theo Erich Fromm, một nhà phản biện sắc sảo về nguyên nhân và kết quả của lý thuyết  Đạo đức nhân cách, ông viết:

“Hôm nay, chúng tôi gặp một người có hành vi giống như một người máy, anh ta không biết và không hiểu mình là ai. Con người duy nhất mà anh ta biết đến chính là con người mà anh ta muốn được người khác nhìn nhận, đó là con người với những lời ba hoa sáo rỗng thay thế cho những lời chân thành, nụ cười giả tạo thay thế cho tiếng cười trung thực, và điệu bộ thất vọng thay thế cho nỗi đau thực sự. Có thể diễn tả con người này qua hai câu sau: Một là, anh ta có những khiếm khuyết về cá tính và bản tính tự nhiên. Hai là, anh ta cũng chẳng khác gì hàng triệu người khác quanh ta.”

Cuộc đời con người luôn phát triển theo một trình tự nhất định. Một đứa trẻ biết lật, ngồi, bò, đi trước khi biết chạy. Nhưng mỗi bước phát triển ấy đều quan trọng và phải diễn tiến theo trình tự thời gian, không thể bỏ qua một bước nào cả. Điều này cũng đúng với mọi giai đoạn của cuộc sống, mọi cá nhân, gia đình và tổ chức cũng như trong mọi lĩnh vực.

Chúng ta dễ dàng biết và chấp nhận chân lý hay nguyên tắc về  quá trình của các sự vật trong thế giới vật chất, nhưng để hiểu được nó trong lĩnh vực tình cảm, trong mối quan hệ giữa con người với con người và thậm chí, trong tính cách cá nhân là điều không đơn giản. Ngay cả khi chúng ta đã hiểu được nó, thì việc chấp nhận và chung sống với nó lại còn khó khăn hơn nữa. Do vậy, đôi khi chúng ta muốn tìm một con đường tắt, với hy vọng có thể bỏ qua một số bước quan trọng nhằm tiết kiệm thời gian và công sức mà vẫn gặt hái được kết quả mong muốn.

Điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta cố đi tắt, bỏ qua một số giai đoạn của quá trình tăng trưởng và phát triển tự nhiên?

Nếu bạn chỉ là một người chơi quần vợt hạng trung bình mà lại quyết định chơi ở hạng cao hơn nhằm gây ấn tượng tốt hơn, kết quả sẽ là gì? Liệu tinh thần lạc quan có đủ để bạn đánh bại một tay vợt chuyên nghiệp hay không? Bạn bè của bạn sẽ nghĩ gì nếu bạn nói với họ rằng bạn có thể biểu diễn tại nhà hát lớn, trong khi bạn chỉ mới học chơi dương cầm? Câu trả lời quá rõ ràng. Đơn giản là không thể nào đi ngược các quy luật tự nhiên, và việc cố tình đi đường tắt chỉ dẫn đến những kết quả đáng thất vọng và làm bạn thêm nản lòng.

Trên một chiếc thang 10 bậc, tôi đang ở bậc 2 và muốn chuyển lên bậc 5, việc đầu tiên tôi phải làm là bước lên bậc thang thứ 3 đã. Ngạn ngữ có câu: “Hành trình vạn dặm bắt đầu từ bước chân đầu tiên” và chúng ta chỉ có một cách an toàn nhất là bước đi từng bước một mà thôi.

Nếu bạn không cho thầy giáo biết trình độ của bạn đang ở mức nào – bằng cách đặt câu hỏi hay thú nhận sức học tập của mình – bạn sẽ không thể nào học khá hơn hay tiến bộ hơn. Bạn không thể che giấu mãi yếu kém của mình, vì trước sau gì cũng bị phát hiện. Cho nên, thừa nhận nó chính là bước đầu tiên để học hỏi. Thoreau từng nói rằng: “Trong quá trình phát triển, làm sao có thể che giấu những yếu kém của mình khi chúng ta luôn phải sử dụng kiến thức trong mọi lúc?”.

Tôi nhớ có lần hai cô gái trẻ, con của một người bạn, đến gặp tôi trong nước mắt giàn giụa, phàn nàn về sự hà khắc và thiếu thông cảm của cha mình. Hai cô không dám mở miệng nói với cha mẹ mình trong khi hai cô lại đang rất cần tình yêu, sự thông cảm và lời khuyên của họ.

Tôi nói chuyện với người cha và nhận thấy ông ta rất hiểu vấn đề đang xảy ra. Nhưng trong khi ông ta thừa nhận mình nóng tính thì lại chối bỏ trách nhiệm về việc này và không chịu thừa nhận là mức độ phát triển cảm xúc của ông còn thấp. Tính tự ái không cho phép ông ta có bước đi đầu tiên dẫn đến sự thay đổi.

Để có được mối quan hệ tốt đẹp với vợ, chồng, con cái, bạn bè hay các đồng sự, chúng ta phải học cách lắng nghe. Để lắng nghe, chúng ta cần đến các mức độ cảm xúc khác nhau như: kiên trì, cởi mở và tỏ ý thông cảm. Đây là những phẩm chất bậc cao của tính cách. Sẽ dễ dàng hơn nhiều khi người ta hành động ở mức độ cảm xúc thấp và đưa ra lời khuyên ở mức độ cao.

Mức độ tiến bộ của một người trong các lĩnh vực như chơi tennis hay dương cầm là điều rất dễ nhận thấy, vì quá trình đó không thể có sự giả tạo. Nhưng mức độ phát triển tính cách và cảm xúc thì không dễ nhận ra. Chúng ta có thể “đóng kịch” với người lạ, với đồng sự, hay với ai đó trong một khoảng thời gian ngắn, hoặc thậm chí cũng có thể tự lừa dối bản thân. Nhưng theo tôi, trong thâm tâm, chúng ta biết rõ con người thật của mình và cũng sẽ bị những người thường xuyên tiếp xúc, làm việc với chúng ta phát hiện ra.

Việc cố gắng đi đường tắt trong quá trình phát triển tự nhiên thường dẫn đến một số hậu quả trong thế giới kinh doanh. Nhiều nhà quản lý doanh nghiệp tìm cách “mua” một thứ văn hóa mới về cải tiến năng suất lao động, chất lượng, tinh thần làm việc và cách phục vụ khách hàng bằng các bài diễn văn hùng hồn, luyện tập cách cười, và những sự can thiệp bên ngoài khác, hoặc qua việc sáp nhập, mua lại, hay thâu tóm công ty. Thế nhưng, họ lại xem nhẹ bầu không khí thiếu tin cậy phát sinh từ những hoạt động đó.

Khi thất bại, họ lại tìm kiếm các phương pháp khác trong  Đạo đức nhân cách mà họ tin rằng sẽ mang lại thành công. Tuy nhiên, họ luôn xem nhẹ và vi phạm các nguyên tắc và quy trình tự nhiên, vốn là cơ sở để xây dựng một nền văn hóa có độ tin cậy cao.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. THÓI QUEN THỨ NĂM: HIỂU NGƯỜI TRƯỚC, HIỂU MÌNH SAU
  2. NỀ NẾP VĂN HÓA GIA ĐÌNH
  3. GIA ĐÌNH HÀI HÒA: KHI HIỂU RA, BẠN SẼ KHÔNG PHÁN XÉT NỮA.

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP