TRÍ ÓC DỪNG NGHỈ KHÔNG PHẢI LÀ CHẾT

JIDDU KRISHNAMURTI

Trích: Bút Hoa; Người dịch Ẩn Hạc; NXB Thiện Tri Thức.

Một ngày quá đẹp mà phải ở trong thành phố thì uổng làm sao ; không một gợn mây trên trời, nắng ấm và đàn bồ câu trên mái nhà thỏa thích làm sao, nhưng tiếng ồn trong thành phố vẫn kéo dài một cách khó chịu. Cây cối thoảng mùi gió thu. Lá vàng từ từ héo úa một cách thờ ơ. Đường phố đầy rẫy những kẻ chỉ luôn nhìn các cửa hàng, ít khi nhìn lên trời ; họ nhìn thoáng qua, nhưng cái làm cho họ bận tâm là chính con người họ, hình dáng họ, cảm tưởng do họ tạo tác ; dù có trang điểm, bề ngoài có chăm sóc, lòng khao khát và sợ hãi luôn luôn có mặt. Thợ thuyền nhọc mệt thì ủ rủ và bất mãn. Và cụm cây phía trước bức tường Viện Bảo Tàng cảm thấy thực sự đầy đủ ; cả con sông cũng lãnh đạm một cách tuyệt đối, khúm núm trong bờ đê bằng xi măng và đá. Có quá nhiều bồ câu vênh vang với phẩm cách quen thuộc của chúng. Và như vậy một ngày trôi qua, trên đường phố, ở sở làm. Thế giới của đơn điệu, của thất vọng, nơi mà nụ cười tan biến nhanh chóng. Chiều xuống dinh thự và đường phố được thắp sáng, nhưng cái trống rỗng thì bao la vô tận, đau khổ thì không chịu đựng nổi.

Một chiếc lá vàng bên lề đường… nó vừa rơi rụng, hãy còn đầy sức sống mùa hạ và luôn luôn đẹp đẽ trong cái chết ; không một cái gì nơi nó lụi tàn, nó vẫn giữ nguyên nét diễm lệ thanh xuân, nhưng nó đang vàng úa và sẽ héo tàn trước khi chiều xuống. Sáng sớm nay, khi mặt trời ló dạng chút chút trên bầu trời trong vắt, bờ bên kia chợt đến như tia chớp, với phép lành, và vẻ đẹp tồn tại. Không phải tư tưởng đã nắm bắt và giữ yên nó, nhưng nó đã để lại dấu vết trên tâm thức. Tư tưởng luôn luôn chia chẻ, ký ức cũng thế, và cái gì mà tư tưởng nắm giữ cũng luôn luôn phân đoạn vụn vặt. Tư tưởng không thể quan sát cái toàn thể ; cái phân đoạn chia chẻ không thể nhìn ngắm cái toàn diện, dấu vết của phép lành thì khó tả, không một từ ngữ, không một biểu trưng nào có thể diễn đạt. Tư tưởng luôn luôn thất bại trong mưu toan khám phá, chứng nghiệm cái gì vượt trên thời gian và không gian. Trí óc, cơ chế sản sinh ra tư tưởng, có thể tự an bình ; một tâm trí rất sinh động có thể yên lặng, nhưng cơ chế của nó sẽ vận hành rất chậm. Điều thiết yếu là tâm trí phải yên lặng, mặc dù nó rất ư bén nhạy. Chỉ lúc đó tư tưởng mới có thể giải tỏa, dừng nghỉ. Trí óc dừng nghỉ không phải là chết ; chỉ lúc đó mới có thể xuất hiện cái an nhiên, cái tươi trẻ : một tính chất mới mẻ cho tư tưởng. Chính tính chất mới mẻ đó chấm dứt khổ đau, tuyệt vọng.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. PHÉP LÀNH
  2. HẠNH PHÚC Ở ĐÂU?

Bài viết khác của tác giả

  1. GIÁO DỤC ĐÚNG ĐẮN – KRISHNAMURTI BÀN VỀ GIÁO DỤC
  2. TÂM THỨC HOÀN TOÀN TỰ DO, KHÔNG PHÂN MẢNH LÀ MỘT TRẠNG THÁI CÓ TRẬT TỰ
  3. CỐNG HIẾN ĐỜI MÌNH CHO CÔNG CUỘC GIÁO DỤC CHÂN CHÍNH

Bài viết mới

  1. SỰ KHIÊM TỐN THUYẾT PHỤC
  2. TU TẬP THIỀN BẰNG CÁCH QUÁN TÂM TRONG TĨNH LẶNG
  3. TRAO MỘT LỜI KHEN