TRỜI ĐẤT THƯƠNG ĐỀU KHÔNG NAM BẮC

NGUYỄN THẾ ĐĂNG

Trích: Thư Viện Hoa Sen.

 


Đây là câu thơ của vua Trần Nhân Tông trong bài Tặng Bắc sứ Lý Tư Diễn.

Năm 1288 quân Nguyên bị quân ta đánh bại lần thứ ba và lần cuối cùng. Thoát Hoan trốn thoát được, còn Ô Mã Nhi và Tích Lệ Cơ bị bắt. Vua Trần Nhân Tông sai sứ sang cầu hòa, và năm 1299 vua Nguyên cử Lý Tư Diễn qua chấp nhận việc chấm dứt chiến tranh. Trong buổi tiệc họp mặt, Lý Tư Diễn làm thơ và vua Trần Nhân Tông họa lại.

Tặng Bắc sứ Lý Tư Diễn

Ơn Hán tràn trề mưa khắp nơi
Chiếu son phượng ngậm xuất mây hồng
Đất ở chốn xa đều hòa khí
Bụi chiến sông trời rửa sạch rồi.
Đều bảo thư vua chỉ mươi dòng
Hơn cả đàn cầm với năm dây
Trời đất thương đều không nam bắc
Lo gì mây sấm lại gian truân.

Vũ lộ uông dương phổ Hán ân
Phượng hàm đan chiếu xuất hồng vân
Thác khai địa giác giai hòa khí
Tịch hiệp thiên hà tẩy chiến trần.
Tận đạo tỷ thư thập hàng hạ
Thắng như cầm điện ngũ huyền huân
Càn khôn kiêm ái vô nam bắc
Hà hoạn vân lôi phục hữu truân.

Nhà vua khi họa lại bài thơ của sứ giả nhà Nguyên đã dùng những ý niệm của văn hóa Trung Hoa, mặc dầu vua là Phật tử sâu sắc về Phật học.

“Càn khôn” là trời đất, vũ trụ. “Kiêm ái” là thương yêu gồm hết, yêu thương đồng đềuthương yêu người khác như chính mình. Kiêm ái là một chủ thuyết của Mặc Tử (thế kỷ thứ 4 trước TL).

Kiêm ái, thương yêu gồm hết, vẫn là một tình thương yêu phát xuất từ con người, của con người, cho nên thuộc về đạo làm ngườinhân đạo.

Kiêm ái vua Trần Nhân Tông nói, là “Càn khôn kiêm ái” thì tình thương yêu này không chỉ là giữa người với người, mà có tính cách vũ trụ (càn khôn), có tính cách hữu thể học (ontology). Nghĩa là vũ trụ là một bầu thương yêu và thương yêu là bản chất của mọi sự và mọi sự đều nối kết, gắn kết với nhau bằng bản chất thương yêu của chúng.

Kiêm ái, với Phật tử tinh hoa Trần Nhân Tông, có nghĩa là Đại TừĐại Bi trùm khắp vũ trụ và nối kết mọi sự vật, mọi chúng sanh trong vũ trụ.

Câu thơ cuối “vân lôi phục hữu truân” (mây sấm lại gian truân): theo kinh Dịch vân lôi tạo thành quẻ Truân. Truân là gian truân, truân chuyên.

Trước khi xuất gia vào khoảng 10 năm cuối đời. Nhà vua đã biểu lộ lòng từ bi trong suốt cuộc đời mình.

Lúc còn thiếu niên, vua đã xin vua cha cho phép nhường ngôi cho em để vào núi tu hành, nhưng đức vua cha không chấp nhận (Tam Tổ hành trạng).

Trong lần trực tiếp chống đánh quân Nguyên lần thứ hai xâm lược nước ta, năm 1284 vua đã tập hợp các phụ lão trong nước để hỏi ý kiến nên đánh hay nên chịu thua, đây gọi là Hội nghị Diên Hồng. Sau khi mọi người quyết định đánh, nhà vua mới cho họp hội nghị Bình Than về quân sự.

Cả ba lần quân Nguyên xâm lược, kinh đô đều bị đốt phá, “khai quật mồ mả tiên nhân”, thế mà khi đứng trước thủ cấp của Toa Đô, “vua thương hại nói: ‘Người làm tôi phải nên như thế này’. Rồi cởi áo ngự đắp cho cho, sai đem liệm chôn”.

Trước trận chiến, đã có lệnh ai hàng hay theo giặc sẽ bị xử, nhưng khi xong chiến tranh, quần thần đem ra một cái rương chứa tên tuổi những quan quân bỏ hàng ngũ thì vua đã cho lệnh đốt hết, không để ý tới.

Chiến tranh chấm dứt, vua đã cho trả về tất cả những tù binh bắt được, và bài thơ họa lại sứ giả Lý Tư Diễn ở trên, chính là lúc vị này qua ‘xin đòi’ cho những tướng và binh được thả về như Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp…

Chỉ điểm qua vài sự kiện của vua trong hai lần chiến tranh với quân Nguyên cho chúng ta thấy vua là một ông vua nhân từ, hợp với tên của vua là Nhân Tông. Từ bi ấy được phát triển từ nhỏ vì ông nội ngài và cha ngày đều là hai vị vua – thiền sư lỗi lạc và chính vua đã được trui rèn qua hai cuộc chiến tranh với quân Nguyên. Chiến tranh, mặc dầu thắng lợi, nhưng không đưa ngài và những tướng lãnh dưới tay ngài đến một sự say men chiến thắng, kiêu căng và tự hào. Trái lại, vì có những lần trực tiếp cầm quân ngài thấy rõ cảnh chết chóc, tàn phá của chiến tranh, sự khổ đau con người gây ra cho con người như thế nào. Thế nên trong bài thơ ‘ngoại giao’ họa lại sứ giả nhà Nguyên, không chỉ có sự khéo léo giảng hòa, mà còn biểu lộ sự từ bi của một Phật tử chân chính.

Chiến thắng nhưng với ngài, đó là một chiến thắng miễn cưỡng, không mong muốn, như một tai nạn, một cơn ác mộng đã qua.

Đất ở chốn xa đều hòa khí
Bụi chiến sông trời rửa sạch rồi.

Vị thầy tâm linh gần gũi nhất của nhà vua là Tuệ Trung thượng sĩ. Đây là một Bồ tát tại gia. Và nhà vua cũng là một Bồ tát.

Hai tính cách dễ thấy nhất của một Bồ tát là trí huệ và từ bi. Thế thì trong câu thơ “trời đất thương đều không nam bắc”, đã nói lên hai tính cách ấy.

“Không nam bắc” (vô nam bắc) là trí huệ vô phân biệt, không thấy có sự phân cách giữa chủ thể và đối tượng, giữa chủ và khách, giữa mình và người, giữa ta và địch.

“Trời đất thương đều” (càn khôn kiêm ái) là từ bi bao trùm và gắn kết mọi sự vật, mọi con người và sinh vật trong vũ trụ.

Bồ tát là vị đi giữa cuộc sống trần gian với mọi “gian truân” (chữ trong bài thơ) của nó, bằng trí huệ và từ bi.

Lịch sử thường có những cuộc chiến tranh, những gian truân cho con người. Chỉ có những người với đại từ đại bi bao la trùm khắp mới có thể đi qua chiến tranh mà không thương tổn sâu xa trong tâm hồn, thậm chí không đánh mất tâm hồn của mình, bằng thù hận, bằng cách đáp trả sự xấu ác bằng chính sự xấu ác.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. SỰ TƯƠNG ĐỒNG CỦA THIỀN TRẦN NHÂN TÔNG VÀ ĐẠI TOÀN THIỆN
  2. NHỮNG YẾU TỐ LÀM NÊN SỰ CƯỜNG THỊNH CỦA ĐỜI TRẦN
  3. NHỮNG ĐỨC TÍNH CỦA NHÂN CÁCH TRẦN NHÂN TÔNG

Bài viết khác của tác giả

  1. BỒ TÁT HẠNH PHẬT HÓA THẾ GIAN
  2. TU QUÁN
  3. ĐỜI SỐNG XÃ HỘI: CƠ HỘI TẠO DỰNG HẠNH PHÚC

Bài viết mới

  1. HÀO PHÓNG – VẼ LẠI NHỮNG LẰN RANH
  2. NHỮNG KẺ ĐỊCH THÂN CẬN
  3. KHẢ NĂNG TRUYỀN CẢM HỨNG