TRƯỞNG DƯỠNG TÂM TỪ BI

GYALWANG DRUKPA XII

Trích: Trích: Giác Ngộ Mỗi Ngày; Ban phiên dịch Drukpa Việt Nam; NXB.Hồng Đức; Ảnh: nguồn Internet

—–🍀🍀🍂—–

“Con người tâm tạo mà ra Nghĩ sao nên vậy chính ta tạo mình Cảnh giới cũng bởi tâm sinh Việc làm, lời nói với tâm an lành Hạnh phúc theo sát bên mình Như bình với bóng, một ly không rời”.

-ĐỨC PHẬT

Trong các mục tiêu cuộc sống, bạn cần đặt việc trưởng dưỡng tâm lên hàng cao nhất. Thành quả của việc rèn luyện, phát triển tâm thật tuyệt vời. Nó giúp bạn luôn yêu đời, ham học hỏi và tràn đầy nhiệt huyết. Bạn muốn tích lũy thêm hiểu biết, được mở mang tri kiến và trưởng thành hơn qua mỗi ngày. Với hành trang này, bạn có thể giải quyết mọi việc với trí tuệ và sự tập trung sáng suốt. Khi đói, hương vị thức ăn bỗng trở nên hấp dẫn, chúng ta trở nên nhạy cảm hơn với mùi vị. Tâm của bạn cũng vậy, nó cần được đặt trong trạng thái hứng khởi, luôn sẵn sàng tiếp nhận kiến thức và hiểu biết mới. Và rồi, khi đã biết việc mình cần làm, bạn phải dồn tâm trí cho công việc đó một cách tập trung không sao nhãng. Quán chiếu, quyết định và hành động là cốt tủy của việc đào luyện tâm giúp bạn tự chủ dẫn dắt cuộc sống của mình. Tâm phân tán, mất phương hướng sẽ khiến bạn lăng xăng chạy theo dòng suy tư miên man vô định. Trong khi tâm chính niệm đầy hứng khởi sẽ giúp ta nhẹ bước thảnh thơi mà vững chãi, cho phép ta an trụ tâm vào bất cứ công việc hành động nào với sự sáng rõ tỉnh thức.

Tâm an định, cho dù chỉ trong một vài phút, sẽ mang đến cho bạn cơ hội để tri ân cuộc sống. Vẻ đẹp cuộc sống bỗng hiển lộ đầy đủ cho ta ân hưởng. Vào lúc này, niềm tri ân cuộc sống của chúng ta đang bị vùi lấp dưới sức nặng của những lo toan, suy tính, vọng tưởng. Thân tâm ta bị chi phối quấy rầy đến nỗi không có thời gian để ngồi tĩnh lại. Nhưng với một chút tĩnh lặng, dòng chảy tâm thức sẽ trở nên hiền hòa, chúng ta sẽ có thể lắng nghe những mong mỏi từ sâu thẳm tâm hồn và tìm ra giải pháp khiển trừ các chướng ngại trên con đường tìm cầu hạnh phúc an lạc. Tâm an định sẽ tạo ra khoảng không gian, cảm giác rộng mở, giúp ta được trở về với chính mình và bắt đầu nhìn thế giới xung quanh với sự hiểu biết chân thực.

“Hãy để những đám mây vọng tưởng hòa tan vào bầu trời bản tâm bao la”.

-ĐỨC MILAREPA

Tự tính của tâm ta là trong sáng thuần khiết và có khả năng chiếu rọi, là thực tại mà Phật tử chúng ta gọi là “Phật tính”, một thuật ngữ để chỉ tới sự giác ngộ. Đây là Chân lý Vũ trụ vốn không thuộc riêng tôn giáo nào. Nếu khi trước bạn vẫn thường nghĩ Phật là đối tượng nào đó tồn tại bên ngoài, thì bây giờ bạn nên nhìn lại bằng nhãn quan thanh tịnh để nhận ra Phật luôn có sẵn bên trong mỗi người.

Có hai loại Bồ đề tâm: Thứ nhất là tâm thanh tịnh hay là Bồ đề tâm nguyện. Bồ đề tâm nguyện soi sáng cho bạn trên đường đời, giúp bạn nhận ra mình thực sự có thể tạo nên biến đổi, góp phần xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn theo cách của riêng bạn. Không có Bồ đề tâm nguyện, làm sao bạn có thể hướng tới giác ngộ.

Loại thứ hai là tâm thành tựu hay là Bồ đề hạnh, đây là “tâm thực hành”, nhờ động cơ Bồ đề tâm nguyện, bạn quyết tâm thực hiện hành trình hướng thiện vì lợi ích của hết thảy hữu tình.

Hiện tại, chúng ta đang rèn luyện để dần thực chứng về tự tính của tâm. Thông thường, chúng ta không thực sự chú tâm khi đọc hay lắng nghe điều gì, nó chỉ lướt qua đầu chúng ta trong thoáng chốc. Chúng ta thậm chí không biết mình đang nghĩ gì. Khi bắt đầu hiểu và trân trọng bản thân, chúng ta sẵn sàng đón nhận bất kể điều gì xảy đến và mọi trải nghiệm trong cuộc sống hàng ngày sẽ trở thành giáo pháp. Dưới lăng kính giáo pháp và trải nghiệm của tâm giác tỉnh, thế giới sự vật hiện tượng xung quanh ta sẽ bừng sáng trong từng chi tiết và trở nên sinh động hơn bao giờ hết. Bài học thực tế từ cuộc sống hàng ngày sẽ thực sự thấm dần khi ta biết cởi mở và thư giãn tâm mình.

—–🍀🍀🍂—–

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. TÌNH YÊU THƯƠNG VÀ SỰ TÔN TRỌNG
  2. QUÁN SÁT TÂM MÌNH
  3. HÃY RŨ BỎ QUÁ KHỨ CHÚ TÂM VÀO HIỆN TẠI

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP