TRƯỜNG NĂNG LƯỢNG CON NGƯỜI HAY HÀO QUANG CON NGƯỜI

BARBARA ANN BRENNAN

Trích: Bàn Tay Ánh Sáng; Tùng dịch; NXB Thế Giới, THAIHABOOKS.

Trường năng lượng con người là hình thức biểu hiện của năng lượng vũ trụ vốn liên quan mật thiết với đời sống con người. Nó có thể được mô tả như là một cơ thể sáng rực bao quanh và xuyên qua cơ thể vật lý, phát ra bức xạ đặc thù của riêng nó và thường được gọi là “hào quang”. Hào quang là thành phần của trường năng lượng vũ trụ liên kết với các vật thể. Hào quang con người, hay trường năng lượng con người là thành phần của trường năng lượng vũ trụ liên kết với cơ thể con người. Dựa trên những quan sát của mình, các nhà nghiên cứu đã tạo ra những mô hình lý thuyết phân chia hào quanh thành một số vầng (lớp). Các vầng này đôi khi còn được gọi là cơ thể, và chúng xuyên qua cũng như bao quanh lẫn nhau, tạo thành các vầng liên tiếp. Mỗi cơ thể nối tiếp được cấu thành từ vật chất mịn hơn và “rung động” cao hơn cơ thể mà nó bao quanh và xuyên qua.

Thực hành quan sát hào quang con người

Cách dễ nhất để bắt đầu cảm nhận trường năng lượng con người là thực hành những bài tập sau. Nếu bạn có một nhóm thì cả nhóm hãy nắm tay nhau tạo thành vòng tròn. Để năng lượng của trường hào quang của bạn chảy quanh vòng tròn này. Cảm nhận dòng chảy rung động này một lúc. Nó đang đi theo hướng nào? Xem thử người bên cạnh bạn cảm thấy nó đang đi theo hướng nào? Chúng có tương quan với nhau không?

Giờ thì hãy ngưng dòng chảy của năng lượng mà không thay đổi bất cứ thứ gì hoặc cử động bàn tay. Hãy giữ cho nó ngưng lại một lúc (mọi người đồng loạt làm như vậy) và rồi lại cho nó chảy tiếp. Thử lại lần nữa. Bạn có cảm nhận được sự khác biệt không? Bạn thích trạng thái nào hơn? Giờ thì hãy làm điều tương tự với một đối tác. Hai bạn ngồi đối diện và chạm lòng bàn tay vào nhau. Để năng lượng chảy tự nhiên. Nó đi theo hướng nào? Phát năng lượng ra qua bàn tay trái; sau đó để nó đi vào bàn tay phải của bạn. Làm ngược lại. Rồi ngưng dòng chảy. Tiếp đó thử đồng thời phát năng lượng ra qua cả hai bàn tay. Rồi đồng thời hút năng lượng vào cả hai bàn tay. Phát ra, thu về và ngưng lại là ba cách cơ bản để điều khiển năng lượng trong thuật chữa lành. Hãy thực hành chúng.

Bây giờ, thõng tay xuống; giữ hai lòng bàn tay cách xa khoảng 2 – 5 inch (5 – 12cm); từ từ đưa hai bàn tay tới lui, tăng giảm khoảng cách giữa chúng. Cảm nhận điều gì đó đang dần hình thành giữa hai bàn tay. Bạn có cảm nhận được nó không? Cảm giác như thế nào? Giờ thì tách hai bàn tay ra xa nhau khoảng 8 – 10 inch (20 – 25cm). Rồi từ từ đưa hai bàn tay sát lại gần nhau đến khi cảm thấy có một lực đẩy bàn tay bạn ra đến mức bạn phải dùng thêm một chút lực để đưa bàn tay vào gần nhau. Lúc này, bạn đã chạm được vào rìa một trong những cơ thể năng lượng của mình. Nếu hai bàn tay của bạn cách nhau 1 – 1,25 inch (2,5 – 3cm), bạn đã chạm vào rìa cơ thể dĩ thái của mình (vầng thứ nhất của hào quang). Nếu hai bàn tay của bạn cách nhau 3 – 4 inch (7,5 – 10cm), bạn đã chạm vào rìa ngoài cơ thể cảm xúc của mình (vầng thứ hai của hào quang). Giờ thì đưa hai bàn tay lại gần nhau hơn một cách hết sức cẩn thận đến khi bạn có thể thực sự cảm nhận được rìa ngoài cơ thể cảm xúc, hoặc trường năng lượng của bàn tay phải chạm vào da bàn tay trái. Đưa lòng bàn tay phải lại gần lòng bàn tay trái thêm khoảng 1 inch (2,5cm). Cảm nhận cảm giác ngứa ran trên mu bàn tay trái khi trường năng lượng của bạn chạm vào nó. Trường năng lượng của bàn tay phải đã đi xuyên qua bàn tay trái!

Giờ lại tách hai bàn tay ra và giữ chúng cách nhau khoảng 7 inch (18cm). Hướng ngón trỏ tay phải vào lòng bàn tay trái, đảm bảo đầu ngón tay cách lòng bàn tay khoảng 0,5 – 1 inch (1,25 – 2,5cm). Sau đó, vẽ các hình vòng tròn lên lòng bàn tay. Bạn cảm thấy gì? Có ngưa ngứa không? Đó là gì?

Để đèn phòng sáng nhẹ, đặt hai bàn tay sao cho các đầu ngón tay hướng vào nhau. Giữ hai bàn tay trước mặt ở khoảng cách chừng 2 ft (60cm). Hãy nhớ dùng một mặt tường màu trắng trơn làm nền. Thả lỏng mắt rồi nhẹ nhàng nhìn chăm chú vào khoảng không gian giữa các đầu ngón tay – các đầu ngón tay nên cách nhau khoảng 1,5 inch (4cm). Đừng nhìn vào ánh sáng chói. Thả lỏng mắt. Bạn nhìn thấy gì? Di chuyển các đầu ngón tay lại gần nhau hơn rồi lại tách ra xa hơn. Điều gì diễn ra tại khoảng không gian giữa các ngón tay? Bạn nhìn thấy gì xung quanh bàn tay? Từ từ đưa một bàn tay lên và hạ một bàn tay xuống sao cho các ngón tay khác nhau chỉ vào nhau. Giờ thì sao? Khoảng 95% số người thực hành bài tập này nhìn thấy thứ gì đó. Mọi người đều cảm nhận được gì đó. Đáp án cho những câu hỏi trên sẽ được trình bày ở cuối chương này.

Sau khi thực hành những bài tập này và những bài tập ở Chương 9 về quan sát hào quang của người khác, bạn có thể bắt đầu nhìn thấy một vài vầng hào quang đầu tiên như trong Hình 7-1A (xem Phụ lục hình màu). Sau này, khi đã quan sát thạo các vầng bậc thấp, bạn có thể thực hành những bài tập nhận thức tri giác cao hơn được trình bày ở Chương 17, 18 và 19. Khi ngày càng mở được con mắt thứ ba (luân xa sáu), bạn sẽ bắt đầu nhìn được các vầng cao hơn của hào quang (xem Hình 7-1B, Phụ lục hình màu).

Giờ thì bạn đã cảm nhận, quan sát và trải nghiệm được các vầng bậc thấp của hào quang, chúng ta hãy chuyển sang mô tả chúng.

Giải phẫu hào quang

Từ các quan sát, người ta đã tạo ra nhiều hệ thống để xác định trường hào quang. Tất cả các hệ thống này đều chia hào quang thành các vầng và xác định các vầng đó theo vị trí, màu sắc, hình thù, độ dày, độ sáng, độ lưu động và chức năng. Mỗi hệ thống đều nhằm đáp ứng cho kiểu công việc mà cá nhân đó đang “thực hiện” với hào quang. Hai hệ thống giống với của tôi nhất là hệ thống của Jack Schwarz, gồm hơn bảy vầng và được mô tả trong cuốn sách của ông, Human Energy Systems (tạm dịch: Hệ thống năng lượng con người), và hệ thống của Đức Rosalyn Bruyere thuộc Trung tâm Chữa lành ánh sáng tại Glendale, bang California. Hệ thống của Bruyere là hệ thống bảy vầng và được được mô tả trong cuốn sách của bà là Wheels of Light, A Study of the Chakras (tạm dịch: Bánh xe ánh sáng, một nghiên cứu về luân xa).

Bảy vầng của trường hào quang

Tôi đã quan sát bảy vầng này trong quá trình hành nghề tham vấn và chữa lành. Ban đầu, tôi chỉ có thể nhìn được những vầng bậc thấp vốn đậm đặc và dễ nhìn nhất. Theo thời gian, tôi ngày càng nhận biết được nhiều vàng hơn. Để nhận biết được vầng càng cao, tôi lại càng cần phải mở rộng hơn ý thức của mình. Tức là, để nhận biết được các vầng cao hơn, như vầng thứ năm, thứ sáu và thứ bảy, tôi sẽ phải đi vào trạng thái thiền, thường là nhắm mắt. Sau nhiều năm thực hành, tôi thậm chí còn bắt đầu nhìn được quá cả vầng thứ bảy, tôi sẽ trình bày qua về chuyện này ở cuối chương.

Các quan sát về hào quang đã hé lộ cho tôi thấy một mô hình trường nhị nguyên thú vị. Các vầng số lẻ của trường năng lượng con người có cấu trúc cao, giống như mô hình sóng ánh sáng dừng, trong khi các vầng số chẵn lại gồm những chất lưu có màu chuyển động liên tục. Những chất lưu này chảy qua hình thể được các sóng ánh sáng dừng tạo nên. Hướng của dòng chảy phần nào chịu sự chi phối của hình thái ánh sáng dừng, bởi lẽ chất lưu chảy dọc theo các đường ánh sáng dừng. Bản thân những hình thái ánh sáng dừng cũng lấp lánh, như thể chúng được tạo thành từ nhiều xâu ánh sáng nhỏ tí hon, nhấp nháy dồn dập, mỗi xâu ánh sáng nhấp nháy theo một tốc độ khác nhau. Những đường ánh sáng dừng này dường như có các điện tích nhỏ xíu chạy dọc theo chúng.

Như vậy, các vầng thứ nhất, thứ ba, thứ năm và thứ bảy đều có cấu trúc rõ ràng, còn các vầng thứ hai, thứ tư và thứ sáu gồm các chất giống chất lưu thì không có cấu trúc cụ thể. Thực tế, chúng có hình thể là vì chúng chảy qua cấu trúc của các vầng số lẻ, và do đó phần nào sử dụng hình thể của các vầng có cấu trúc. Mỗi vầng nối tiếp đều thâm nhập hoàn toàn tất cả các vầng bên dưới, bao gồm cả cơ thể vật lý. Vì vậy, phạm vi của cơ thể cảm xúc vượt ngoài cơ thể dĩ thái và bao gồm cả cơ thể dĩ thái và cơ thể vật lý.

Trên thực tế, mỗi cơ thể không phải là một “vầng”, mặc dù chúng ta có thể quan sát thấy như vậy. Đúng hơn, nó là một phiên bản mở rộng hơn của bản thể mỗi người, vốn chứa đựng bên trong nó những hình thái khác hạn chế hơn.

Từ góc nhìn của người làm khoa học, có thể xem mỗi vầng là một mức rung động cao hơn, chiếm cùng khoảng không gian như các mức rung động thấp hơn nó và mở rộng phạm vi ra xa hơn. Để nhận biết từng vầng, tâm thức của người quan sát phải chuyển lên mỗi mức tần số mới tương ứng. Như vậy là chúng ta có bảy cơ thể đều chiếm cùng một khoảng không gian vào cùng một thời điểm, cái sau lại mở rộng hơn cái trước, một hiện tượng mà chúng ta hiếm khi bắt gặp trong cuộc sống hằng ngày “thông thường”. Nhiều người phỏng đoán sai lầm rằng hào quang giống như một củ hành có thể bóc từng lớp vỏ một. Không phải là như vậy.

Các vầng có cấu trúc chứa đựng mọi hình thái mà cơ thể vật lý có, bao gồm nội tạng, mạch máu, v.v., và những hình thái bổ sung mà cơ thể vật lý không chứa đựng. Có một dòng chảy năng lượng thẳng đứng dao động lên xuống trong trường năng lượng ở tủy sống. Nó vượt ra ngoài cơ thể vật lý, lên quá đầu và xuống quá xương cụt. Tôi gọi nó là dòng năng lượng thẳng đứng chính. Bên trong trường năng lượng con người có các cuộn xoáy hình nón được gọi là luân xa. Đỉnh nhọn của chúng chĩa vào dòng năng lượng thẳng đứng chính, và đầu mở của chúng kéo dài đến đường rìa của mỗi vầng trong trường năng lượng mà chúng khu trú.

Bảy vầng và bảy luân xa của trường hào quang

Mỗi vầng trông đều khác nhau và có chức năng riêng. Mỗi vầng của hào quang gắn với một luân xa. Tức là vầng thứ nhất gắn kết với luân xa thứ nhất, vầng thứ hai gắn kết với luân xa thứ hai, và cứ thế. Đây là những khái niệm chung và sẽ trở nên phức tạp hơn khi chúng ta đi sâu thêm vào chủ đề này. Tạm thời chúng ta sẽ liệt kê chúng ra để bạn có được cái nhìn tổng thể. Vầng thứ nhất của trường và luân xa thứ nhất gắn kết với chức năng thể chất và cảm giác vật lý – cảm nhận cơn đau và khoái lạc về mặt thể xác. Vầng thứ nhất gắn kết với chức năng tự động và tự nhiên của cơ thể. Vầng thứ hai và luân xa thứ hai thường gắn kết với khía cạnh cảm xúc của con người. Chúng là phương tiện giúp chúng ta biểu lộ cảm xúc và có đời sống tình cảm. Vầng thứ ba gắn kết với đời sống tinh thần, với tư duy tuyến tính. Vầng thứ tư gắn kết với luân xa tim, là phương tiện giúp chúng ta biểu lộ tình yêu, không chỉ với người bạn đời của chúng ta, mà với cả nhân loại nói chung. Luân xa thứ tư là luân xa chuyển hóa năng lượng của tình yêu. Vầng thứ năm là vầng gắn kết với một ý chí bậc cao vốn liên hệ mật thiết hơn với ý chí thiêng liêng bên trong chúng ta. Luân xa thứ năm gắn kết với sức mạnh của lời nói, việc chuyển hóa lời nói thành hiện thực, việc lắng nghe và chịu trách nhiệm cho hành động của chúng ta. Vầng thứ sáu và luân xa thứ sáu gắn kết với tình yêu thượng giới. Nó là thứ tình yêu vượt ra khỏi giới hạn tình yêu của con người và chứa đựng mọi sự sống. Nó quan tâm cũng như hỗ trợ bảo vệ và nuôi dưỡng mọi sự sống. Nó bao bọc mọi hình thái của sự sống như là những hiện thân quý giá của Thượng đế. Vầng thứ bảy và luân xa thứ bảy gắn kết với hiểu biết, tâm trí bậc cao và sự hợp nhất lớn hơn giữa cấu tạo thể chất và tâm linh của chúng ta.

Như vậy là trong hệ thống năng lượng của chúng ta có các vị trí cụ thể tương ứng với các cảm giác, cảm xúc, suy nghĩ, ký ức và những trải nghiệm phi vật chất mà chúng ta giãi bày với các bác sĩ và chuyên gia trị liệu. Nắm được mối tương quan giữa các triệu chứng cơ thể và vị trí của chúng sẽ giúp chúng ta hiểu bản chất của các loại bệnh khác nhau và bản chất của cả sức khỏe lẫn bệnh tật. Do đó, việc nghiên cứu về hào quang có thể là cầu nối giữa y học truyền thống và những vấn đề tâm lý của chúng ta.

Vị trí của bảy luân xa

Vị trí của bảy luân xa chính trên cơ thể vật lý được minh họa trong Hình 7-2A tương ứng với đám rối thần kinh chính của cơ thể vật lý tại từng vùng của cơ thể.

Tiến sĩ David Tansley, một chuyên gia về radionics’, trong cuốn sách của ông là Radionics and the Subtle Bodies of Man (tạm dịch: Radionics và cơ thể vi tế của con người) đã nêu rõ rằng bảy luân xa chính được hình thành tại những điểm mà ở đó các đường ánh sáng dừng giao nhau 21 lần.

Hai mươi mốt luân xa phụ nằm tại những điểm mà ở đó các dải năng lượng giao nhau 14 lần (xem Hình 7-2B). Chúng nằm ở những vị trí sau: một ở phía trước mỗi bên tai, một ở phía trên mỗi bên ngực, một ở điểm hai xương đòn giao nhau, một ở trong mỗi lòng bàn tay, một ở trong mỗi lòng bàn chân, một ở ngay phía sau mỗi bên mắt (không có trong hình minh họa), một liên hệ với mỗi tuyến sinh dục, một ở cạnh gan, một gắn với dạ dày, hai gắn với lá lách, một nằm phía sau mỗi bên đầu gối, một nằm gần tuyến ức và một nằm gần đám rối thái dương. Các luân xa này chỉ có đường kính khoảng 3 inch (7,5cm) và cách cơ thể 1 inch (2,5cm). Hai luân xa phụ ở hai lòng bàn tay vô cùng quan trọng trong chữa lành. Tại những điểm mà các đường năng lượng giao nhau bảy lần, có những cuộn xoáy còn nhỏ hơn được hình thành. Có rất nhiều trung tâm năng lượng nhỏ xíu tại những điểm mà các đường năng lượng giao nhau ít lần hơn. Tansley nói rằng những cuộn xoáy nhỏ xíu này rất có thể tương ứng với các huyệt châm cứu của y học Trung Hoa.

Mỗi luân xa chính ở phía trước cơ thể được ghép cặp với một luân xa đối ứng ở phía sau cơ thể, và cùng với nhau chúng được xem là mặt trước và mặt sau của một luân xa. Các mặt trước liên quan đến cảm xúc, các mặt sau liên quan đến ý chí, và ba luân xa ở trên đầu liên quan đến các hoạt động trí não của một người (xem Hình 7-3). Như vậy, luân xa thứ hai có các thành phần là 2A và 2B, luân xa thứ ba có các thành phần là 3A và 3B, cứ thế cho tới luân xa thứ sáu. Có thể xem luân xa thứ nhất và thứ bảy là một cặp nếu muốn, bởi chúng là những điểm mở của dòng năng lượng thẳng đứng chính chạy lên xuống dọc theo xương sống, nơi toàn bộ các luân xa đều hướng vào.

Mũi nhọn hay đỉnh của các luân xa, nơi chúng liên kết với dòng năng lượng chính, được gọi là gốc hoặc tâm của luân xa. Bên trong các tâm điểm này là những dấu niêm kiểm soát sự trao đổi năng lượng giữa các vầng của hào quang thông qua luân xa đó. Tức là, mỗi một luân xa trong bảy luân xa chính đều có bảy vầng, mỗi vầng tương ứng với một vầng của trường hào quang. Ở các vầng khác nhau, luân xa trông cũng khác nhau – tôi sẽ trình bày chi tiết hơn ở phần mô tả mỗi vầng. Để chảy từ vầng này sang vầng khác thông qua luân xa nào, năng lượng phải đi qua dấu niêm trong gốc của luân xa đó. Hình 7-4 minh họa trường hào quang với toàn bộ bảy vầng thâm nhập nhau, cũng như toàn bộ bảy vầng thâm nhập nhau của luân xa.

Có thể thấy năng lượng từ trường năng lượng vũ trụ chảy vào toàn bộ những luân xa này (xem Hình 7-3). Mỗi cuộn xoáy năng lượng đều đang hút hoặc đồng bộ với năng lượng từ trường năng lượng vũ trụ. Chúng dường như hoạt động giống như các lốc xoáy mà chúng ta thường thấy trong nước hay trong không khí, chẳng hạn như xoáy nước, lốc, vòi rồng và bão. Đầu mở của một luân xa bình thường trong vầng thứ nhất của hào quang có đường kính khoảng 6 inch (15cm) và cách bề mặt cơ thể 1 inch (2,5cm).

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. THỰC HÀNH KHÁM PHÁ BỨC TƯỜNG NỘI TẠI CỦA BẠN

Bài viết mới

  1. NUÔI DƯỠNG TRÍ TÒ MÒ
  2. HIỂU VỀ NỖI ĐAU KHỔ CỦA CHÚNG TA
  3. LỜI RĂN DẠY CỦA KHỔNG TỬ