TỰ DO TRONG KỶ LUẬT – HẠNH PHÚC TẠI TÂM

GYALWANG DRUKPA XII

Trích: Hạnh Phúc Tại Tâm; Biên dịch: Drukpa Việt Nam; NXB Tôn Giáo

Tạo dựng thói quen hay rèn luyện các kỹ năng như thiền định hay chính niệm đều cần lòng kiên nhẫn và tinh thần kỷ luật. Điều đó đòi hỏi sự quyết tâm bởi tâm ta hay có xu hướng chống đối, luôn viện dẫn đủ loại lý do để né tránh thay đổi. Song tôi khuyên bạn chớ mềm lòng, đừng ngại học hỏi và hoàn thiện mình. Thay đổi giúp khơi nguồn cảm hứng và giúp ta trở nên tỉnh giác, nhạy bén, đầy ngẫu hứng, quyết đoán và can đảm. Với tâm hứng khởi, bạn cũng truyền nhiều cảm hứng và tình yêu cuộc sống đến với mọi người.

Trong tiếng Phạn, từ “kỷ luật” là “shila”, nghĩa là “làm dịu, làm mát”. Khi tâm trí hay cảm xúc của chúng ta nóng bừng, bứt rứt, kỷ luật giống như chiếc quạt thổi làn gió mát để ta thư giãn. Hẳn bạn biết rõ cảm giác khó chịu mỗi khi mình (hay nói đúng hơn là “tâm mình”) mất bình tĩnh. Bạn cũng biết rằng để tự giúp mình, chúng ta cần tự chủ, cần nương vào kỷ luật hay giới luật. Giả sử, bạn nhận thấy mình có thói quen ăn uống vô độ và đang bị tăng cân; thú ăn uống nay không còn là nguồn vui mà trở thành sự thèm khát và là nguồn gốc bệnh tật cùng những xúc tình tiêu cực như cảm giác tội lỗi. Đây là lúc bạn thực sự cần kỷ luật thép để đối trị thói quen, chấn chỉnh chính mình, trở lại mạnh khỏe cân đối như xưa.

Thông thường khi quyết định thay đổi một điều gì, chúng ta cảm thấy khó khăn miễn cưỡng. Nhưng nếu kiên trì thực hành bằng cách nhìn lại mục đích của việc mình làm đồng thời tìm các cách khác nhau để tạo động lực và cảm hứng cho bản thân, bạn sẽ chạm tới ngưỡng mà ở đó kỷ luật trở thành “shila” – đó là sự mát mẻ trong tâm hồn, là khoảnh khắc chứng ngộ, khi bạn hiểu những gì bạn đang làm thực sự có ý nghĩa đối với bản thân, bạn cảm nhận điều đó trong sâu thẳm trái tim và trong tâm mình.

Đó là lý do vì sao việc trưởng dưỡng tâm có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Thay đổi và tạo dựng thói quen mới, như việc ăn uống điều độ chẳng hạn, sẽ là bất khả thi nếu ta không chịu quán chiếu thấu đáo. Chúng ta khó có thể thành công bất kỳ điều gì khi tâm chưa sẵn sàng. Chính vì vậy, chúng ta cần nhấc mình rằng cuộc sống là món quà vô giá và tự hỏi: tại sao chúng ta lại tự làm ô nhiễm cả thân và tâm mình bằng việc tiêu thụ quá nhiều những thứ độc hại. Hãy nhớ rằng chúng ta thật may mắn khi có thể lựa chọn sử dụng những loại thực phẩm tốt cho cơ thể, có thể rèn luyện sức khỏe và nâng cao thể lực mỗi ngày. Thái độ đúng đắn cùng lối sống lành mạnh sẽ bổ trợ cho nhau mang lại kết quả tốt đẹp cho những nỗ lực của chúng ta.

Như vậy, hạnh phúc bắt nguồn từ một thái độ đúng đắn. Chúng ta hiểu ra rằng hạnh phúc không phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài và chính tâm ta đang giữ chiếc chìa khóa. mở cánh cửa hạnh phúc nội tại. Đức Milarepa, một nhà thơ, một bậc đại thành tựu giả Tây Tạng đã từng nói, “Tôn giáo. của tôi là được sống và được chết không hối tiếc”. Chỉ bấy nhiêu từ mà chứa đựng khát vọng của cả nhân loại, đó là: được sống hết mình, dũng cảm và tận dụng từng phút giây cuộc đời để đạt hạnh phúc.

Lựa chọn hạnh phúc – Điều tâm niệm

  • Bạn luôn luôn có thể lựa chọn hạnh phúc, vì hạnh phúc là tự tính của bạn.
  • Lựa chọn hạnh phúc là bên bỉ rèn luyện để trụ vững khi bị hoàn cảnh xô đẩy.
  • Cách bạn nhìn nhận thế giới này phụ thuộc ở nơi bạn.
  • Đừng sợ vấp ngã, hãy nhớ rằng bạn luôn có đủ can đảm để đứng lên và bước tiếp.
  • Hãy kiểm tra động cơ hành động của bạn mỗi ngày.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. TÂM TA TẠO NÊN TOÀN BỘ THẾ GIỚI
  2. SỐNG HÒA HỢP VỚI CẢM XÚC CỦA BẠN
  3. TRƯỞNG DƯỠNG TÂM TỪ BI

Bài viết mới

  1. SỬ DỤNG HIỆU QUẢ SIÊU NĂNG LỰC QUYỀN LỰC & TÁC ĐỘNG
  2. CÂU TRẢ LỜI ĐÃ CÓ SẮN TRONG CÂU HỎI – PHẬT GIÁO TRONG THẾ GIỚI TÂN TIẾN NGÀY NAY
  3. THẦY VÀ ĐỆ TỬ