TỰ DO

JIDDU KRISHNAMURTI

Trích: Đánh Thức Trí Thông Minh; Ban dịch thuật Thiện Tri Thức; NXB. Thiện Tri Thức

Chia xẻ một tâm tự do. “Nếu chúng ta gặp gỡ cái này, đó thực sự là một đóa hoa huyền nhiệm”. Tại sao con người không có cái này? Sợ hãi. “Sống” là không sống. Những lời chữ được cho là bản chất. Hao phí năng lượng. “Tâm trưởng thành thì không có so sánh… không có đo đạc”. Hiệu lực của “đời sống bạn sống mỗi ngày… không hiểu nó bạn sẽ chẳng bao giờ hiểu thương yêu, cái đẹp hay cái chết”. Qua phủ định, cái độc nhất vốn là khẳng định hiện bày.

Thật thích thú và đáng bỏ công nếu chúng ta có thể cùng nhau chia xẻ một tâm không khốn khổ, nó vốn tự do, không có những hàng rào, nó thấy những sự vật như chúng là, nó thấy rằng có một khoảng cách của thời gian chia tách con người với thiên nhiên và với đồng loại, nó thấy ý nghĩa của thời gian và không gian khủng khiếp, đáng sợ, nó biết cái gì thực sự là tính chất của thương yêu. Nếu chúng ta có thể chia xẻ cái này – không phải một cách trí thức, khôn khéo, triết lý, mà thực sự chia xẻ nó, nếu chúng ta có thể làm điều đó thì tôi nghĩ mọi vấn đề của chúng ta sẽ chấm dứt. Nhưng sự chia xẻ này không phải với người khác trước, mà người ta phải trước tiên tự mình có nó. Bấy giờ khi bạn có nó bạn sẽ có nó dồi dào. Và khi có sự dồi dào này, cái một và cái nhiều là như nhau, như một cái cây đầy lá, trong đó một lá thì hoàn hảo và là phần của toàn thể cái cây.

Nếu chúng ta có thể, buổi chiều nay, chia xẻ tính chất này, không phải với diễn giả, mà bằng cách có nó rồi chia xẻ nó. Bấy giờ vấn đề chia xẻ không sanh khởi nữa. Nó giống như một đóa hoa đầy hương chẳng biết gì đến chia xẻ, nhưng luôn luôn có ở đó cho bất kỳ người nào đi qua cũng được thưởng thức. Và dù người rất gần trong vườn hay rất xa, tất cả đều như nhau đối với đóa hoa, bởi vì nó tràn đầy hương, thế nên nó chia xẻ với mọi sự. Nếu người ta gặp gỡ cái này, đó thực sự là đóa hoa huyền nhiệm. Nó chỉ có vẻ huyền nhiệm bởi vì chúng ta thì quá đầy xúc cảm và tình cảm, các thứ này thì có rất ít ý nghãi; người ta có thể thương cảm, rộng lượng, rất tốt, dịu dàng và cực kỳ lịch sự nhưng tính chất của nó, như tôi đã nói, thì hoàn toàn khác với mọi cái này. Và không ngạc nhiên tự hỏi tại sao những con người không có cái này. Họ sinh con, họ hưởng thụ tình dục, sự âu yếm, một tính chất cùng nhau chia xẻ cái gì đó với đồng với đồng bạn, bạn bè, nhưng cái này – tại sao họ không có nó? Bởi vì khi nó hiện diện, bây giờ mọi vấn nạn nào có thể có đều chấm dứt. Và bạn có tự hỏi một cách ơ thờ, vào dịp nào đó, khi bạn đi bộ trong một đường phố bẩn thỉu, hay ngồi trên một chiếc xe buýt, hay khi bạn bên bờ biển trong một kỳ nghỉ, hay trong rừng với chim, cây, suối và thú hoang, có bao giờ bạn hỏi – tại sao con người này, đã từng sống hàng triệu năm, tại sao nó không có cái này, đóa hoa không phai màu phi thường này?

Chúng ta sống một cuộc đời đơn điệu, cùn lụt trong môi trường của những rắc rối và lo âu của chúng ta đến độ chúng ta không hề hỏi câu này. Và nếu chúng ta tự hỏi câu này (như chúng ta đang làm, dưới tán cây này trong một buổi chiều bình lặng, với tiếng ồn của những con quạ), tôi tự hỏi cái gì là sự trả lời của chúng ta. Câu trả lời của các bạn thì theo sự căng thẳng của chính các bạn trong khi hỏi, và sự khẩn cấp của nó. Nhưng chúng ta không căng thẳng cũng không khẩn cấp, và chúng ta không khẩn cấp hay căng thẳng bởi vì chúng ta không có năng lượng. Nhìn bất cứ cái gì, một con chim, một con quạ trên cành tự trang điểm bộ lông, nhìn vào đó với tất cả con người của bạn, với mọi tai, mắt, dây thần kinh, tâm thức và lòng, nhìn vào nó một cách trọn vẹn, đòi hỏi năng lượng, không phải năng lượng kém cỏi của một tâm thức phân tán vì chiến đấu, tự hành hạ, đầy những gánh nặng. và như vậy nó không có năng lượng là đam mê.

Và nếu chúng ta hỏi, không phải với sự tò mò mà với tất cả đam mê chúng ta có, bấy giờ câu trả lời là gì? Nhưng chắc các bạn sợ đam mê, vì đối với phần lớn con người đam mê là tham dục, đam mê phát nguồn từ dục tình và mọi cái đó. Hay đam mê có thể được cảm nhận qua sự đồng hóa với đất nước chúng ta thuộc về, hay đam mê đối với thần linh nhỏ nào đó, do bàn tay và trí óc làm ra; và như vậy với chúng ta đam mê đúng ra là một cái gì đáng sợ bởi vì nếu chúng ta có một đam mê như vậy chúng ta không biết nó sẽ đem chúng ta đi đâu. Và thế nên chúng ta rất cẩn thận đưa nó vào kênh, xây dựng hàng rào quanh nó bằng những quan niệm, lý tưởng triết học, vậy mà năng lượng ấy được yêu cầu để giải quyết câu hỏi phi thường này (và nó hoàn toàn phi thường nếu bạn đặt nó cho chính bạn một cách thành thật và trực tiếp), tại sao những con người chúng ta, sống trong những gia đình với con cái, bao quanh bởi mọi ồn ào và bạo lực của thế giới, tại sao, khi có một cái bao trùm tất cả mọi cái này, tại sao chúng ta không có nó? Tôi tự hỏi, có phải bởi vì chúng ta thực sự không muốn tìm ra nó? Bởi vì để tìm ra cái gì, phải có tự do, tìm ra cái tôi nghĩ, cái tôi cảm nhận, cái gì là những động cơ của tôi, tìm ra, không phải chỉ phân tích trí thức, mà để tìm ra, phải có tự do để nhìn. Nhìn cái cây đó bạn phải tự do khỏi kiến thức; tự do là một tính chất của tâm, nó không thể có được bằng từ bỏ hay hy sinh. Bạn có theo dõi mọi điều này, hay tôi đang nói với những ngọn gió và lá? Tự do là một tính cách của tâm, nó thiết yếu cho cái thấy. Nó không phải giải thoát khỏi cái gì, đó không phải là tự do, đó chỉ là một phản ứng. Nếu bạn hút thuốc và bạn bỏ thuốc, rồi bạn nói, “Tôi tự do”, bạn không thực sự tự do, giải thoát dù bạn có thể tự do khỏi, giải thoát khỏi thói quen riêng biệt ấy. Tự do liên quan đến toàn thể bộ máy tạo thói quen, và để hiểu toàn bộ vấn đề thói quen này người ta phải tự do nhìn vào cơ cấu của nó. Có lẽ chúng ta cũng sợ sự tự do đó; và bởi thế chúng ta đặt tự do đó thật xa chúng ta, nơi một thiên đường hay một cõi trời nào đó.

Thế nên có lẽ lý do chúng ta không có năng lượng của sự đam mê này để tìm ra tại sao tính cách thương yêu thì thiếu vắng trong chúng ta. Chúng ta có mọi thứ khác, tham lam, ghen tị, mê tín, sợ hãi, sự xấu xí của cuộc sống nhỏ hẹp bẩn thỉu, tất cả tiếp diễn bốn năm mươi năm và chúng trở thành một lề thói tạo hình cho tâm thức, làm nó cùn lụt, nặng nề, hay chỉ thông thái trong một chiều hướng.

Có thể, mà chắc chắn như vậy, mỗi chúng ta quá sợ đời sống, bởi vì không hiểu toàn bộ tiến trình sống này, chúng ta không bao giờ có thể hiểu đó không phải là sống. Các bạn hiểu chứ? Cái chúng ta gọi là sống, sự chán mệt mỗi ngày, cuộc chiến đấu mỗi ngày, xung đột mỗi ngày trong và ngoài bạn, những đòi hỏi giấu kín, những mong muốn giấu kín, những tham vọng, những tàn bạo, và gánh nặng khổng lồ của phiền não có ý thức hay không ý thức – cái đó chúng ta gọi là sống, không phải sao? Chúng ta có thể cố gắng trốn thoát nó, đi đến chùa, đến câu lạc bộ, theo một Guru mới, hay trở nên một híppy hay uống rượu hay vào một nhóm nào hứa hẹn với chúng ta điều gì đó – mọi cách để trốn thoát. Trong sợ hãi ẩn tàng vấn nạn chính của cái chúng ta gọi là sống (sợ không hiện hữu, sợ bị vướng mắc, với mọi khổ đau lớn lao nó mang theo – làm sao để không dính mắc – sợ hãi cái không biết, sợ hãi ngày mai, sợ vợ bạn bỏ bạn, sợ không có đức tin và bị cô lập, đơn độc, thất vọng luôn luôn), cái này chúng ta gọi là sống, một trận chiến, một hiện hữu bị hành hạ với những tư tưởng rào chắn. Chúng ta sống như vậy bởi vì đó là cuộc đời của chúng ta, với những khoảnh khắc sáng suốt đôi khi, mà chúng ta bám níu một cách điên cuồng.

Xin các bạn chớ chỉ nghe những lời nói và chớ để chúng đưa đi xa; những giải thích, định nghĩa, diễn tả, thì không phải là sự kiện. Sự kiện ấy là đời sống của bạn, sự kiện là bạn có ý thức rõ nó hay không, và bạn không thể biết rõ nó qua những lời của diễn giả; nếu bạn kẹt trong những lời diễn tả hiện trạng của các bạn, chắc chắn bạn sẽ lạc mất. Và đó là hiện trạng của chúng ta – chúng ta lạc lõng, bị bỏ rơi bởi vì chúng ta đã chấp nhận những lời chữ, lời chữ, lời chữ. Thế nên xin các bạn, chớ bị nhốt giữ trong lời chữ, mà xem chính các bạn, xem trông đời sống của các bạn, cuộc sống hàng ngày mà bạn gọi là sống, gồm đến chỗ làm, thi cử, có một công việc làm hay không có, sợ hãi, áp lực gia đình và xã hội, truyền thống, sự hành hạ của cái không xảy đến, sự bất trắc của cuộc sống, sự buồn chán của đời sống chẳng có nghĩa gì. Bạn có thể cho đời sống ý nghĩa nào đó, bạn có thể sáng chế ra như những triết gia và những nhà thần học đã làm, như người có tôn giáo đã làm. Nhưng ý nghĩa đó chỉ được nuôi dưỡng bằng lời chữ trong khi bạn cần thực chất; bạn được nuôi dưỡng bằng những lời chữ, bạn thỏa mãn với những lời chữ. Thế nên để hiểu cuộc sống này chúng ta phải nhìn nó: tiếp xúc thân mật với nó, không có không gian và thời gian khoảng giữa bạn và nó. Bạn không có khoảng giữa thời gian-không gian này khi bạn có sự đau đớn sâu xa về thân thể, khi bạn hành động, khi bạn không lý thuyết hóa, bạn không cãi cọ về có hay không có Atman (Chân ngã), linh hồn hay không có linh hồn, bạn không bắt đầu trích dẫn Gita, Upanishad, kinh Koran, hay Kinh thánh hay vị thánh nào đó. Bấy giờ bạn mặt đối mặt với đời sống hiện thực. Đời sống là chuyển động kia, nó là hoạt động, cái đang làm, cái đang suy nghĩ, cái đang cảm nhận, những sợ hãi, tội lỗi, sự thất vọng – đó là đời sống. Và người ta phải tiếp xúc sâu sắc với nó. Và người ta không thể tiếp xúc sống động, đam mê, mãnh liệt, nếu có sợ hãi.

“Nếu chúng ta gặp gỡ cái này, đó thực sự là một đóa hoa huyền nhiệm”

Sợ hãi là cái khiến chúng ta tin, dù tin một ý thức hệ hay ý niệm thần quyền. Mọi thứ này đều sanh từ sợ hãi; rõ ràng mọi thần linh là kết quả của sự đau khổ của chúng ta; và khi chúng ta tôn thờ họ chúng ta đang tôn thờ sự đau khổ của chúng ta, sự cô đơn, tuyệt vọng, khốn khổ và phiền não của chúng ta. Chớ nghe những lời này – nó là đời sống bạn, không phải là đời sống của tôi. Bạn phải đối mặt với cái này thế nên bạn phải hiểu sợ hãi. Và bạn không thể hiểu sợ hãi nếu bạn không hiểu đời sống. Bạn phải hiểu sự ghen tỵ của bạn, sự tham lam của bạn – chúng chỉ là những biểu hiện của sợ hãi. Và bạn có thể hiểu một cách toàn bộ (không phải chỉ trí thức, vì nếu như thế thì không toàn bộ), bạn có thể hiểu toàn bộ và việc đó giống như nhìn mặt trời lặn với tâm, với lòng, với mắt và với hệ thần kinh của bạn; bấy giờ bạn hiểu. Và hiểu ghen tỵ, tham lam, tàn ác, bạo lực (hiểu chúng và chú ý trọn vẹn ngay khoảnh khắc cái gì xảy ra, ngay khoảnh khắc bạn cảm nhận chúng), bấy giờ, nếu bạn hiểu nó, bạn sẽ hiểu sợ hãi. Nhưng bạn chớ xem sợ hãi là cái gì trừu tượng. Rốt rồi sợ hãi cũng hiện hữu trong liên hệ với cái gì đó. Bạn không sợ người hàng xóm, chính phủ, vợ bạn hay chồng bạn, sợ cái chết và vân vân? Bạn phải quan sát, không phải sợ hãi, mà tra hỏi cái gì đem sợ hãi đến.

Bây giờ chúng ta sẽ khảo sát sống là gì, cái mà chúng ta bám vào một cách quá tuyệt vọng, sự sống của đời sống hàng ngày, đơn điệu, bi thảm – đời sống của người trưởng giả, của hạng trung bình, hạng bị áp bức – bởi vì tất cả chúng ta đều bị áp bức bởi xã hội, bởi văn hóa, bởi tôn giáo, bởi những tu sĩ, bởi những lãnh đạo, bởi những vị thánh, và trừ phi bạn hiểu điều này, còn không bạn sẽ không bao giờ hiểu sợ hãi; thế nên chúng ta đang hiểu sự sống này và cũng hiểu cội nguồn lớn lao của sợ hãi, nó được gọi là cái chết. Và để hiểu nó bạn phải có năng lượng, đam mê lớn lao. Bạn biết như thế nào chúng ta hao phí năng lượng của chúng ta (tôi không nói là bằng tình dục, nó là một việc rất nhỏ, chớ cho đó là cái gì lớn lao một cách không cần thiết), mà người ta phải tra hỏi trực tiếp, không phải theo Shankara hay người nào khác, họ đã sáng chế cách trốn thoát khỏi đời sống riêng biệt của họ.

Để tìm ra sống là gì, chúng ta không chỉ phải có năng lượng mà còn tính chất đam mê được duy trì, và trí năng không thể duy trì đam mê. Và để có đam mê này người ta phải tra hỏi sự hao phí năng lượng. Người ta có thể thấy rằng có sự hao phí năng lượng trong việc theo người nào đó – bạn hiểu chứ? – có một người lãnh đạo, có một Guru, bởi vì khi bạn theo thì bạn bắt chước, sao chép, phục tùng, bạn thiết lập thẩm quyền và do đó năng lượng của bạn hao tán. Hãy quan sát điều này; xin hãy làm việc này. Bạn cũng thấy bạn hao phí năng lượng như thế nào khi có sự thỏa hiệp. Bạn có biết thỏa hiệp là gì? Chỉ có thỏa hiệp khi có so sánh. Và chúng ta, từ thời thơ ấu, đã được huấn luyện để so sánh giữa cái chúng ta là và người đứng đầu lớp; so sánh chính chúng ta với chúng ta hôm qua, cao cả hay đê tiện, với hạnh phúc chúng ta cảm nhận hôm qua, cái đến với chúng ta bất ngờ không báo trước, sự thú vị khi nhìn một cái cây, những đóa hoa, khuôn mặt một đứa trẻ, đàn ông hay đàn bà, và rồi chúng ta so sánh cái ngày hôm nay với ngày hôm qua. Sự so sánh này, sự đo đạc này, là bắt đầu của thỏa hiệp. Xin hãy nhìn điều này cho chính bạn. Hãy tìm ra chân lý của nó, rằng khoảnh khắc bạn có một sự đo lường, so sánh, bạn đã thỏa hiệp với cái đang là. Khi bạn nói người kia là ở trong công ty nọ, y kiếm được nhiều tiền, y là trưởng của cái này cái nọ, bạn đang so sánh, phán đoán, cho người này là quan trọng, không phải như những con người, mà theo cấp độ, tính cách, khả năng kiếm tiền, nghề nghiệp, bằng cấp và một lô chữ đàng trước tên họ; và như vậy bạn so sánh, so sánh chính bạn với người khác, dù “người khác” là một vị thánh, một anh hùng, một thần linh, một ý tưởng, hay một ý thức hệ, và mọi cái này nuôi dưỡng thỏa hiệp, nó là một hao phí năng lượng khổng lồ. Thế nên, người ta thấy đây là một hao phí năng lượng và năng lượng bị hao phí khi bạn thỏa thích trong sự ý niệm hóa, trong những lý thuyết: có linh hồn hay không có linh hồn, có một Atman hay không có một Atman – đó không phải là sự hao phí thì giờ, hao phí năng lượng sao? Khi bạn đọc hay nghe hay nghiên cứu không ngừng, bình luận về Gita hay những Upanishad – chỉ nghĩ về nó! – sự vô lý của việc này! – sự trẻ con của việc này! Tất cả điều này cho thấy sự không trưởng thành vốn là một hao phí năng lượng.

Tâm thức chưa trưởng thành so sánh chính nó với cái đang là và cái nên là, nhưng đây chỉ là tâm thức chưa trưởng thành so sánh. Tâm thức trưởng thành thì không có so sánh, tâm thức trưởng thành thì không cân đo. Tôi không biết bạn có bao giờ nhìn vào chính bạn và xem bạn tự so sánh mình với người khác như thế nào không. Chúng ta nghĩ và vận hành trong thế giới so sánh, cân đo ấy. Và nếu hỏi và quan sát, có lẽ bạn đã nói, “Không còn so sánh nữa, không còn so sánh với người nào nữa, dù với tài tử đẹp nhất.” Bạn biết cái đẹp không ở trong tài tử, cái đẹp là cái gì toàn thể, không trong khuôn mặt, trong vóc dáng, trong nụ cười, mà nơi nào có một tính chất thông hiểu toàn bộ, cái toàn thể của con người; khi ấy có cái nhìn, có cái đẹp. Xin hãy xem nó trong chính bạn, thử nó, làm nó. Hãy tìm ra cho chính bạn, bạn có thể sống chăng, không lý thuyết nhưng thực tế, mà không có so sánh, đo lường, không bao giờ dùng những lời “tốt hơn” hay “hơn nữa”. Hãy thấy cái xảy ra. Chỉ một tâm trưởng thành như vậy mới không hao phí năng lượng. Chỉ một tâm trưởng thành như vậy mới có thể sống một cuộc đời rất giản dị, tôi muốn nói một cuộc đời đích thực giản dị, không phải cái được gọi là giản dị của người có một bữa ăn, một cái áo – đó chỉ là bề ngoài – mà là cái tâm không đo lường và do đó không hao phí năng lượng.

Vậy là đến điểm then chốt. Chúng ta đang hao phí năng lượng và bạn cần năng lượng này để hiểu cách sống kỳ quái này. Và chúng ta phải hiểu nó, đó là sự vật duy nhất chúng ta có, không phải những thần linh, những kinh sách, những lý tưởng; cái bạn có là vật này – sự hành hạ hàng ngày, sự lo âu mỗi ngày. Và hiểu nó, hãy tiếp xúc với nó, tức là không có không gian giữa bạn như là người quan sát và sự vật như là tuyệt vọng, và để được như vậy bạn phải có năng lượng lớn lao, có hướng. Có năng lượng ấy, nó không thể tiêu tan – khi điều này xảy ra bạn sẽ hiểu sống là gì. Bấy giờ không còn sợ hãi đời sống, sự chuyển động của đời sống. Bạn biết một chuyển động là gì chứ? Một chuyển động không có kết thúc và không có bắt đầu, và bởi thế chuyển động tự nó là cái đẹp, cái vinh quang. Các bạn có theo dõi điều này không?

Thế nên đời sống là chuyển động này và để hiểu nó phải có tự do, phải có năng lượng. Và hiểu cái chết là hiểu cái gì liên hệ chặt chẽ với đời sống. Bạn biết, cái đẹp (không phải trong tranh vẽ, không trong một người, không trong cái cây hay trong đám mây hay trong mặt trời lặn), cái đẹp không lìa khỏi thương yêu. Và nơi có thương yêu và cái đẹp thì có đời sống và cũng có cái chết. Bạn không thể tách lìa cái này khỏi cái kia. Ngay lúc bạn tách lìa bèn có xung đột, không có tương giao. Thế nên chúng ta đã nhìn, có lẽ không phải rất chi tiết hay rộng lớn, nhưng chúng ta đã nhìn vào đời sống.

Bây giờ chúng ta hãy xem xét, đi vào câu hỏi về cái chết. Bạn có hỏi tại sao bạn kinh sợ cái chết? Hiển nhiên hầu hết mọi người đều sợ. Một số người thậm chí không muốn biết về nó, hay nếu có, họ muốn tôn vinh nó. Hay một số người sáng chế ra một lý thuyết, một đức tin, một sự trốn thoát – một trốn thoát về tâm lý như phục sanh hay tái sanh. Phần nhiều người sống ở phương Đông tin vào tái sanh, nghĩa là, một thực thể trường tồn, hay một trí nhớ cộng đồng, được sanh trở lại trong đời tới – có phải không? Đó là cái mọi người chúng ta tin ; có một cơ hội tốt hơn, sống đầy đủ hơn, tự hoàn thiện mình, bởi vì đời này quá ngắn, đời này không thể cho bạn mọi kinh nghiệm, mọi niềm vui, mọi kiến thức, thế nên, chúng ta hãy có một đời tiếp theo! Bạn muốn một đời kế tiếp ở đó bạn sẽ có thời gian và không gian để tự hoàn thiện, thế nên bạn có đức tin ấy. Đây là trốn thoát sự kiện – chúng ta không quan tâm có hay không có tái sanh, hoặc có hay không có sự tương tục. Điều này hẳn đòi hỏi một phân tích khác. Chúng ta có thể thấy sơ qua rằng cái có tương tục là cái đã là, cái đã là trong hôm qua sẽ tiếp tục trong hôm nay, rồi hôm nay đến ngày mai. Và một tương tục như vậy nằm trong thời gian và không gian. Điều này không phải là trí thức, bạn có thể quan sát nó rất đơn giản. Và chúng ta sợ hãi cái được gọi là sự chết. Chúng ta không chỉ sợ sống mà chúng ta cũng sợ điều không biết này. Có thật chúng ta sợ cái không biết, hay sợ cái biết, sợ mất cái đã biết? Nghĩa là, gia đình, những kinh nghiệm của bạn, cuộc sống đơn điệu hàng ngày của bạn – cái biết – ngôi nhà, mảnh vườn, nụ cười bạn đã quen thuộc, thức ăn bạn đã ăn ba mươi năm, cũng một thức ăn, cũng một khí hậu, cũng cùng những cuốn sách, cũng một truyền thống – bạn sợ phải mất những cái đó, phải không? Chứ làm sao bạn có thể sợ cái mà bạn không biết?

Thế nên tư tưởng không chỉ sợ mất cái biết mà tư tưởng còn sợ cái không biết, cái chết. Như chúng ta đã nói, sợ hãi không thể thoát khỏi, nhưng nó có thể được hiểu chỉ khi nào những cái làm phát sanh sợ hãi được hiểu. Con người khắp mọi thời đã đẩy xa cái chết. Cái chết là cái gì có khoảng cách, khoảng cách thời gian-không gian giữa đời sống và cái mà chúng ta gọi là chết. Tư tưởng đã phân chia điều này, phân chia cái sống khỏi cái chết, tư tưởng giữ nó tách rời. Hãy thâm nhập điều này, thưa các bạn, rất đơn giản nếu làm điều đó. Tư tưởng giữ nó tách lìa bởi vì tư tưởng nói, “tôi không biết tương lai là gì.” Tôi có thể có một số lý thuyết nếu tôi tin vào tái sanh, nghĩa là tôi phải cư xử, làm việc, hành động bây giờ. Cái bạn làm bây giờ là hệ trọng khi bạn chết – nhưng bạn không tin cách ấy. Bạn tin vào tái sanh như một ý tưởng, một ý niệm tiện lợi, nhưng mơ hồ, thế nên bạn không chăm sóc cái bạn làm bây giờ. Bạn không thực sự tin vào nghiệp dù bạn nói rất nhiều về nó. Nếu bạn thực sự, thiết cốt tin vào nó, như khi bạn tin vào sự kiếm tiền, vào kinh nghiệm tình dục, bấy giờ mỗi lời nói, mỗi cử chỉ, mỗi chuyển động của con người bạn là hệ trọng, bởi vì bạn sẽ trả giá nó trong đời tới. Thế nên niềm tin ấy sẽ đem lại kỷ luật lớn lao – nhưng bạn không tin, và nó thành một loại trốn thoát, bạn sợ hãi vì bạn không muốn buông bỏ.

Và bạn buông ra cái gì? Hãy nhìn vào điều này. Khi bạn nói, “Tôi sợ buông ra” – bạn sợ cái gì? Buông ra cái gì? Hãy nhìn kỹ vào nó. Gia đình bạn, mẹ bạn, vợ bạn, con bạn? Có bao giờ bạn tương quan với họ? Hay bạn chỉ tương quan với một ý tưởng, một hình ảnh? Và khi bạn nói, “Tôi sợ buông ra, tách lìa” – bạn nghĩ tách lìa khỏi cái gì? Những trí nhớ? Hẳn là những trí nhớ, những trí nhớ về lạc thú, những trí nhớ về sự trở nên một người địa vị, những trí nhớ về tính cách của bạn, về những bạn bè của bạn – chỉ là những trí nhớ. Và bạn sợ mất những nhớ tưởng đó. Nhưng dù thích thú hay không thích thú, những trí nhớ là gì? Chúng chẳng có bản chất nào cả. Thế nên bạn sợ buông ra cái gì chẳng có giá trị thật tế nào, trí nhớ là cái có tương tục, một bó trí nhớ, một đơn vị, một trung tâm.

Thế nên khi người ta hiểu cuộc sống, nghĩa là khi người ta hiểu ghen ghét, lo âu, tội lỗi và thất vọng và khi người ta vượt khỏi và ở trên chúng, bấy giờ đời sống và cái chết là rất đan kết với nhau. Bấy giờ sống là chết. Bạn biết nếu bạn sống theo những trí nhớ, những truyền thống và cái bạn “nên là”, bạn không đang sống. Nhưng nếu bạn vứt tất cả cái đó, nghĩa là chết với mọi cái bạn biết – giải thoát khỏi cái biết – đây là cái chết, và bấy giờ bạn sống. Bạn đang sống, không phải trong một thế giới tưởng tượng của những ý niệm mà thực sự sống, không theo kinh điển Veda, Upanishad. Cái vững chắc là đời sống bạn sống mỗi ngày, đó là đời sống duy nhất bạn có, và không hiểu nó, bạn sẽ không bao giờ hiểu thương yêu, cái đẹp và cái chết.

Chúng ta trở lại với điều khởi nguyên này, đó là: tại sao không có ngọn lửa này trong lòng chúng ta. Bởi vì nếu bạn khảo sát kỹ càng điều đã được nói (không ngôn từ, trí thức, mà khảo sát nó trong tâm thức, trong lòng), bấy giờ bạn sẽ biết tại sao bạn không có nó. Nếu bạn biết tại sao bạn không có nó, nếu bạn cảm thấy điều đó và sống với điều đó, nếu bạn đam mê trong sự tìm kiếm tại sao bạn không có nó, bấy giờ bạn sẽ thấy rằng bạn có nó. Qua phủ định toàn triệt, cái vật độc nhất vốn là khẳng định sẽ hiển lộ, đó là thương yêu. Như sự khiêm tốn, bạn không thể trau dồi thương yêu. Khiêm tốn hiện diện khi có sự chấm dứt toàn bộ tự phụ, khoe khoang, nhưng bấy giờ bạn không hề biết khiêm tốn là gì. Đối với một người biết khiêm tốn phải là gì thì đó là một người tự đắc. Cũng như vậy khi bạn đem toàn thân tâm bạn để tìm ra cách của đời sống, để thấy cái đang thực sự “là” và vượt khỏi nó, và khước từ toàn triệt, toàn bộ đời sống đã được sống cho đến bây giờ, trong chính sự khước từ cái xấu xí, bạo lực ấy, trong sự khước từ trọn vẹn ấy, cái kia bèn hiện bày. Nhưng bạn sẽ không bao giờ biết nó. Một người biết rằng mình là im lặng, hay biết rằng mình thương yêu, thì không biết thương yêu là gì, im lặng là gì.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. SỐNG LÀ QUAN SÁT LẮNG NGHE
  2. CÁI ĐANG LÀ

Bài viết khác của tác giả

  1. SỰ TRỐNG KHÔNG NỘI TÂM (VÔ TÂM) LÀ THOÁT KHỎI THAM MUỐN
  2. KRISHNAMURTI VỀ Ý NGHĨ
  3. TÔI KHÔNG BIẾT

Bài viết mới

  1. LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ ĐƯỢC “NĂNG LỰC LÀM NGƯỜI”
  2. MỘT CÁI NHÌN RÕ RÀNG VỀ CHÍNH MÌNH: NHỮNG ĐỐI TRỊ VỚI SỰ KIÊU MẠN
  3. NGƯỜI NÀO PHÔ TRƯƠNG, KẺ ĐÓ TỰ TI