TƯ DUY THÍCH ỨNG

BÙI CHÍNH HƯNG

Trích: Tư Duy Hội Nhập - Chìa khóa bình an, hạnh phúc và thành công; NXB Hà Nội, THAIHABOOKS.

Thế giới liên tục đổi thay, phải luôn thích ứng đổi thay chính mình.

Luận giải: Tư duy này ý nói chúng ta đang sống trong một thế giới hội nhập, đây không phải là một thế giới đóng và bế quan tỏa cảng. Đặc trưng của thế giới hội nhập là thay đổi liên tục, nhiều khi thay đổi nhanh đến chóng mặt. Chúng ta hãy quan sát sự ra đời liên tục của các mẫu mã điện thoại ngày nay cứ vài tháng một lần thì cảm nhận được ngay tốc độ của sự thay đổi.

Bạn có hình dung được là ngày nay, trung bình sau khi tốt nghiệp đại học 3 năm, còn đối với tiến sỹ là 5 năm, mà bạn không có điều kiện làm việc trong lĩnh vực mình học, kiến thức chuyên môn của bạn từng được học đã trở nên lạc hậu cũng như trình độ chuyên môn lại quay trở về lớp 12 rồi không? Vì thế, bạn rất cần cẩn thận với những kinh nghiệm bạn đã từng có được từ mấy chục năm về trước nhé, kẻo không nó lạc hậu rồi và kéo lùi lịch sử lại đấy. Thế thì những kinh nghiệm đó là nghiệm lại mà kinh!

Thế đấy, trung bình cứ 5 năm, lượng tri thức của toàn thế giới tăng gấp đôi! Thế thì chúng ta phải làm gì đây? Chúng ta phải luôn thích ứng cho phù hợp với thời cuộc theo sự thay đổi của chính nó. Nhưng thay đổi bằng cách nào? Bằng cách chúng ta đổi thay chính con người của mình. Mình đổi thay đi, cho phù hợp với thời cuộc mới ấy. Mình phải tu rèn chính mình, phải trở nên hoàn thiện và có giá trị hơn, phải học, học nữa, học mãi để thay đổi, để thích ứng chứ sao nữa, mình phải biết tin học, phải học tiếng Anh, phải giỏi kỹ năng mềm, phải v.v. và v.v… nữa. Và chúng ta phải liên tục tu rèn và học hỏi như vậy vì thế giới hội nhập của chúng ta liên tục đổi thay mà, thế thì chúng ta mới thích ứng được. Bạn có nghĩ thế không?

Thế thì vất vả lắm! Tớ cũng cao tuổi rồi, có học cũng chẳng vào, trong khi hiện tại tớ đang rất thoải mái, tiện nghi mà, đâu cần phải học thêm gì? Mình thích ứng, thay đổi có khi lại còn mất cả quyền lực, quyền lợi hiện đang có, bao nhiêu là lực cản nữa… mình đâu nhất thiết phải thay đổi đâu? Ôi! nghe có vẻ như không tệ một chút nào.

Thế thì bạn cứ đợi đến khi nào mình tụt hậu hẳn, thua thiệt đủ đường, toàn diện, bị dồn vào thế đường cùng, không còn cơ hội chủ động được nữa mà lệ thuộc hết vào kẻ khác đi rồi thì hãy thay đổi. Tức là, với nhân viên bán điện thoại là vài tháng không học thêm các tính năng và cách sử dụng mẫu điện thoại mới, với cử nhân là 3 năm không cập nhật kiến thức chuyên môn tiếp, với tiến sỹ là 5 năm không cập nhật kiến thức ấy. Lúc đấy là tụt hậu hẳn đấy! Thế thì bạn hãy lùi lại và tôn trọng thế hệ trẻ hơn mình đi, chỉ vì nó chịu học còn mình thì không. Và bài học nhãn tiền là nếu chúng ta đứng yên hoặc thay đổi chậm trong khi người khác, nước khác thay đổi, thích ứng nhanh, chúng ta vẫn tụt hậu, và sẽ ngày càng tụt hậu xa hơn nữa nếu chính chúng ta không chịu thay đổi, không chịu thích ứng. Thế thì cái giá mà chúng ta phải trả cho sự thay đổi khi nó buộc phải diễn ra đó sẽ vô cùng lớn, có thể phải trả cả bằng máu, mạng sống, cuộc đời, danh dự, đất tổ ông cha,… chứ không còn đơn thuần chỉ là tiền bạc nữa vì đó là cái giá của những cuộc cách mạng.

Nhưng chưa có gì đảm bảo giá đó đổi được điều bạn muốn đâu nhé. Những kẻ thông minh sẽ không dại gì tự ru ngủ mình để bị đẩy vào thế kiểu đường cùng như vậy. Bạn có đồng tình thế?

Và có điều này bạn cần biết. Không thay đổi ngay, cuộc đời của bạn tuy chỉ hơi tệ đi nhưng có khi, có thể cũng vẫn còn “tạm ổn”, nhưng thế hệ con cháu bạn sẽ lãnh đủ từ việc thiếu trách nhiệm ngày hôm nay của bạn với tương lai, từ việc bạn không thay đổi, không thích ứng, không hành động hoặc cản trở hành động thay đổi ngày hôm nay. Cứ xem các vấn đề như an toàn vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm môi trường, thay đổi khí hậu, kinh tế và thể chế tụt hậu, quyền con người… thì biết.

Thế nên, cho dù có vất vả, có rủi ro, có hy sinh một chút quyền lợi hay sự tiện nghi ở thời điểm hiện tại, bạn vẫn phải thích ứng, thay đổi vì giá phải trả cho thay đổi ở thời điểm hiện tại là thấp nhất trong khi mình vẫn dư sức chấp nhận được. Thích ứng là cách phản ứng sáng suốt với sự thay đổi. Có thể phải trả giá một chút, nhưng không có cách nào khác rẻ hơn nếu bạn muốn tiếp tục thành công trong tương lai hội nhập. Thích ứng hay là chết là mệnh lệnh của cuộc chơi.

Xác định lại tâm thế, cuộc chơi cũng sẽ không vất vả, rủi ro như bạn nghĩ. Bản lĩnh và chuẩn bị tốt, bạn sẽ kiểm soát tốt được sự thay đổi này và thành quả sẽ bù lại xứng đáng cho tất cả những vất vả của bạn. Bạn có dám chơi?

Không! Bạn phải chơi và phải chơi cho xuất chúng! THÀNH QUẢ TUYỆT VỜI chỉ đến với người hiểu, CHẤP NHẬN LUẬT CHƠI VÀ CHƠI ĐẾN CÙNG với quyết tâm cao nhất, để quyết dành cho mình những thành công xứng đáng nhất, không giới hạn từ thế giới hội nhập trong thời đại toàn cầu hóa.

Đồng ý! Nhưng bằng cách nào đây?

À rất đơn giản. Bằng cách luôn học hỏi, tu rèn không ngừng, đổi mới chính mình để thay đổi và thích ứng, đơn giản thế thôi. Cứ học đi, cứ tu rèn đi, bạn sẽ thay đổi và thích ứng tuyệt vời hơn những gì bạn nghĩ.

Và tư duy này sẽ tiếp thêm động lực và sức mạnh cho bạn, nhất định thế: Thế giới liên tục đổi thay, phải luôn Thích ứng đổi thay chính mình. Chúc bạn thành công.

Liên hệ bản thân

Sau khi đọc xong phần luận giải tư duy này, bạn hãy dành ra 1 phút để suy nghĩ về nó và hỏi chính mình: bạn quyết định phải làm gì nhé. Hãy liệt kê nó vào sổ tay của bạn để thực hiện. Tuyệt vời! Chúc bạn thành công.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. HÀNH ĐỘNG TẬP TRUNG

Bài viết mới

  1. TÔI NHƯNG KHÔNG PHẢI LÀ TÔI – HT. THÍCH THÁNH NGHIÊM
  2. KORA – ĐI TRONG ÂN SỦNG
  3. SỰ HỒN NHIÊN NGUYÊN THỦY