TỪ SỰ THẤU CẢM ĐẾN TÂM ĐẠI BI

MATTHIEU RICARD

Trích từ Chương 4 trong sách “Lòng Vị tha: Sức mạnh của Tâm Đại bi để thay đổi Bản thân và Thế giới”, xuất bản bởi Little, Brown và Nhóm Nghiên cứu, 2015. Tác giả: Matthieu Ricard. BH dịch sang tiếng Việt. MH biên tập. Nguồn:https://info-buddhism.com/Empathy-Compassion-Neuroscience...

LÒNG VỊ THA – SỨC MẠNH CỦA TÂM ĐẠI BI ĐỂ THAY ĐỔI BẢN THÂN VÀ THẾ GIỚI

——

Matthieu Ricard, sinh năm 1946, là tu sĩ Phật giáo, nhà văn và nhiếp ảnh gia Tây Tạng. Ông đã có nhiều tác phẩm bán chạy nhất (Best Selling), là một diễn giả tại nhiều diễn đàn đa quốc gia như Hội nghị Kinh tế thượng đỉnh ở Davos, Hội nghị Tổng Hạnh Phúc Xã hội tại Liên Hợp Quốc, và tại TED.

Ông hợp tác trong nhiều dự án sách ảnh Phật giáo Hy Mã Lạp Sơn, hành trình đến giác ngộ, và hành trình bất động: Từ một Hermitage ở dãy Hy Mã Lạp Sơn. Ngài là dịch giả của nhiều tác phẩm Phật giáo, bao gồm cuốn “The Life of Shabkar” (Cuộc đời của Shabkar).

Cuộc đối thoại với phụ thân, Jean-Francois Revel, một triết gia nổi tiếng người Pháp, trong cuốn sách “The Monk and the Philosopher” (Nhà sư và Triết gia), là cuốn sách bán chạy nhất ở châu Âu, đã được dịch sang 21 thứ tiếng. Hai cuốn “The Quantum” và “Lotus” (đồng tác giả với Trịnh Xuân Thuận) phản ánh sự quan tâm sâu sắc của ông về khoa học và Phật giáo.

Ông được giới truyền thông gọi là “Người Hạnh phúc nhất thế giới” vì tham gia nhiều nghiên cứu khoa học của đại học Wisconsin–Madison về hạnh phúc.

——

Vào năm 2007, cùng với Tania Singer, tôi đã làm việc tại phòng thí nghiệm thần kinh học của Rainer Goebel ở Maastricht, với tư cách là cộng tác viên và là chuột bạch trong một chương trình nghiên cứu về sự thấu cảm. Tania yêu cầu tôi làm tăng cảm giác thấu cảm mạnh mẽ bằng cách tưởng tượng về những người đang chịu đựng nỗi đau khổ tột cùng. Tania đã sử dụng kỹ thuật fMRI (chụp cộng hưởng từ chức năng) mới đang áp dụng tại Goebel. Lợi thế của nó là theo dõi được ngay lập tức các thay đổi trong hoạt động của não bộ theo thời gian thực (fMRI-rt), trong khi dữ liệu thường không thể phân tích ngay được. Theo quy trình của loại thí nghiệm này, thiền giả, bản thân tôi trong trường hợp này, phải thay đổi luân phiên hai mươi lần hoặc nhiều hơn giữa các giai đoạn khi hình thành được một trạng thái tinh thần cụ thể, ở đây là sự thấu cảm, với những khoảnh khắc thư giãn tâm ở trạng thái trung dung, mà không nghĩ đến bất cứ điều gì cụ thể hoặc áp dụng bất kỳ phương pháp thiền định nào.

Trong lúc tạm dừng, sau một chuỗi thời gian thiền định đầu tiên, Tania hỏi tôi: “Anh đang làm gì vậy? Nó trông không giống như những gì chúng ta thường thấy chút nào khi người ta cảm thấy đồng cảm với nỗi khổ của người khác”. Tôi giải thích rằng tôi đã thiền định về tâm Đại bi vô điều kiện, cố gắng cảm nhận một cảm giác mạnh mẽ về tình yêu thương và lòng tốt không chỉ đối với những người đang chịu đau khổ, mà còn với tất cả chúng sinh.

Trên thực tế, việc phân tích dữ liệu một cách đầy đủ được tiến hành sau đó đã xác nhận rằng mạng lưới não bộ được kích hoạt bằng thiền định về tâm Đại bi rất khác với những mạng lưới liên quan đến sự thấu cảm mà Tania đã nghiên cứu trong nhiều năm. Trong các nghiên cứu trước đây, những người chưa học về thiền định đã được cho quan sát một người ngồi gần máy quét và bị điện giật ở tay đầy đau đớn. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng một phần của não bộ có liên quan đến nỗi đau của những đối tượng quan sát được kích hoạt khi thấy ai đó đang hứng chịu nỗi đau. Họ đau khổ khi nhìn thấy sự đau khổ của người khác. Chính xác hơn, hai khu vực của não, phần thùy nhỏ ở não trước và vòng cung vỏ não, được kích hoạt mạnh mẽ trong suốt phản ứng thấu cảm đó và hoạt động của chúng tương quan với trải nghiệm cảm xúc tiêu cực từ sự đau đớn.¹

Khi tôi thiền định về tình yêu thương vị tha và tâm Đại bi, Tania nhận thấy các mạng lưới não bộ được kích hoạt rất khác nhau. Cụ thể, mạng lưới liên kết với cảm xúc tiêu cực và đau khổ không được kích hoạt trong suốt quá trình thiền về tâm Đại bi, trong khi một số vùng não theo truyền thống liên quan đến cảm xúc tích cực, chẳng hạn như cảm giác liên kết và tình mẫu tử lại được kích hoạt.²

Chỉ có thấu cảm mới khiến bạn mệt mỏi chứ không phải Tâm Đại bi

Từ thí nghiệm ban đầu này đã hình thành nên công trình khám phá những khác biệt này để phân biệt rõ ràng hơn giữa sự cộng hưởng thấu cảm với nỗi đau của người khác và tâm Đại bi được kinh nghiệm bởi nỗi đau khổ đó. Chúng ta cũng biết rằng cộng hưởng thấu cảm với nỗi đau có thể dẫn đến tình trạng kiệt quệ và đau khổ khi nó lặp đi lặp lại nhiều lần. Nó ảnh hưởng đến những người bị suy sụp tinh thần khi mối lo lắng, căng thẳng hoặc áp lực mà họ phải đối mặt trong đời sống nghề nghiệp tác động lên họ đến mức họ không thể tiếp tục làm việc. Kiệt sức ảnh hưởng đến những người phải đối mặt hàng ngày với những đau khổ của người khác, đặc biệt là các nhân viên chăm sóc sức khỏe và xã hội. Tại Hoa Kỳ, một nghiên cứu đã chỉ ra rằng 60% nhân viên y tế đã và đang phải chịu đựng từ việc bị kiệt sức, và một phần ba đã bị ảnh hưởng đến mức phải tạm ngừng công việc của họ.³

Trong quá trình thảo luận với Tania và các cộng tác viên của cô ấy, chúng tôi nhận thấy rằng tâm Đại bi và tình yêu thương vị tha gắn liền với những cảm xúc tích cực. Vì vậy, chúng tôi đi đến ý tưởng rằng kiệt sức trên thực tế là một loại “mệt mỏi vì sự thấu cảm” chứ không phải là “mệt mỏi vì tâm Đại bi.” Thực tế, tâm Đại bi không dẫn đến đau khổ và chán nản, mà củng cố sức mạnh của tâm, sự cân bằng nội tâm của chúng ta, và lòng quyết tâm đầy can đảm và yêu thương của chúng ta để giúp đỡ những người đang đau khổ. Về bản chất, theo quan điểm của chúng tôi, tình yêu thương và tâm Đại bi không bị kiệt quệ và không làm chúng ta mệt mỏi hay kiệt sức, mà trái lại giúp chúng ta vượt qua mệt mỏi và điều chỉnh nó khi xảy ra.⁴

Khi một thiền giả đạo Phật rèn luyện tâm Đại bi, họ bắt đầu bằng cách suy ngẫm về những đau khổ gây ra cho chúng sinh và về nguyên nhân của những đau khổ này. Để làm được điều này, thiền giả tưởng tượng ra những hình thức đau khổ khác nhau này càng thực tế càng tốt, cho đến khi chúng trở nên không kham nổi. Cách tiếp cận thấu cảm này có mục đích là tạo ra một khát vọng sâu sắc để khắc phục những đau khổ ấy. Nhưng vì ước muốn đơn giản này là không đủ, người ta phải nuôi dưỡng quyết tâm làm mọi thứ nhằm giải tỏa chúng. Thiền giả được dẫn dắt để quán chiếu về những nguyên nhân sâu xa của đau khổ, chẳng hạn như vô minh, thứ làm sai lệch nhận thức của một người về thực tại, hoặc các độc tố tinh thần, như là hận thù, ham muốn và ghen tị, những thứ liên tục tạo ra nhiều đau khổ hơn. Sau đó, tiến trình này dẫn đến việc gia tăng sự sẵn sàng và mong muốn hành động vì lợi ích của người khác.

Việc rèn luyện tâm Đại bi đi đôi với việc rèn luyện tình yêu thương vị tha. Để nuôi dưỡng tình yêu này, thiền giả bắt đầu bằng cách tưởng tượng một người nào đó gần gũi với mình, những người mà họ cảm thấy có lòng tốt vô biên. Sau đó, thiền giả cố gắng từng chút một để mở rộng lòng tốt tương tự này đến tất cả chúng sinh, giống như một mặt trời chói lọi chiếu sáng mọi thứ trên đường đi của nó mà không phân biệt.

Ba chiều hướng này – tình yêu thương người khác, sự thấu cảm (cộng hưởng với nỗi đau của người khác) và tâm Đại bi – được liên kết một cách tự nhiên. Khi tình yêu thương vị tha đối diện với đau khổ, nó biểu hiện thành tâm Đại bi. Chuyển hóa này được khởi lên bởi sự thấu cảm, điều cảnh báo cho chúng ta về sự kiện rằng người kia đang đau khổ. Người ta có thể nói rằng khi tình yêu thương vị tha đi qua lăng kính thấu cảm, nó sẽ trở thành tâm Đại bi.

Quan điểm của Thiền giả

Hãy quay lại cuộc thí nghiệm: buổi đầu tiên vào sáng hôm sau dành cho sự thấu cảm. Điều này liên quan đến việc làm nảy sinh cảm giác thấu cảm mãnh liệt nhất có thể với nỗi đau của một người khác, chẳng hạn như một người thân. Ý tưởng là định tâm hoàn toàn vào sự thấu cảm, mà không đánh thức tình yêu thương vị tha hay tâm Đại bi, và không để chúng tự phát lộ. Bằng cách tách sự thấu cảm theo cách này, chúng tôi hy vọng phân biệt sự thấu cảm rõ ràng hơn với tâm Đại bi và xác định chính xác hơn các vùng não cụ thể mà nó kích hoạt.

Suốt buổi thiền định, tôi định tâm tốt nhất có thể để tạo ra trạng thái tinh thần đã lựa chọn – sự thấu cảm – để làm cho nó rõ ràng, ổn định và mãnh liệt nhất có thể. Tôi sẽ khơi lại nó nếu nó yếu đi, và khiến nó sinh khởi nếu sự phân tâm tạm thời làm nó tan biến. Trong suốt buổi thí nghiệm, kéo dài khoảng một tiếng rưỡi, các khoảng thời gian thiền định, kéo dài khoảng một phút, được xen kẽ với khoảng thời gian ngừng lại ba mươi giây.

Vào một ngày nọ, một chủ đề thiền định về sự thấu cảm được cung cấp cho tôi thông qua một bộ phim tài liệu đáng buồn của BBC mà tôi đã xem vào đêm hôm trước. Nó nói về điều kiện sống của những đứa trẻ khuyết tật cả về thể chất lẫn tinh thần trong một bệnh viện ở Romani; mặc dù những đứa trẻ được cho ăn và tắm rửa hàng ngày, nhưng thực tế chúng đã bị phó mặc cho số phận. Hầu hết chúng đều gầy khủng khiếp. Một đứa yếu đến mức bị gãy chân chỉ vì đi bộ. Các phụ tá chỉ giới hạn ở việc gắn một thanh nẹp tạm thời vào chân của bé và bỏ mặc bé trên pallet một mình. Khi tụi nhỏ được tắm rửa, hầu hết chúng đều rên rỉ đau đớn. Một đứa trẻ khác, cũng gầy trơ xương, đang ngồi dưới đất ở góc một căn phòng trống, mơ hồ gật đầu, đôi mắt trống rỗng. Tất cả tụi nhỏ dường như lạc lối trong sự cam chịu bất lực đến mức chúng không màng ngước mắt lên nhìn những phụ tá đang tiến về phía chúng. Mỗi tháng, có vài đứa trẻ chết.

Tôi cũng tưởng tượng ra một người thân của tôi, bị thương nặng trong một vụ tai nạn xe hơi, nằm bê bết máu bên vệ đường vào ban đêm, không được giúp đỡ; sự ghê sợ trước cảnh tượng đẫm máu này trở nên hòa lẫn với nỗi đau của tôi.

Vì vậy, trong gần một giờ, xen kẽ với những khoảng thời gian trung tính ngắn ngủi, tôi hình dung ra những nỗi đau khổ không tên này một cách mãnh liệt nhất có thể. Bắt đầu cộng hưởng với nỗi đau này sớm trở nên không thể chịu đựng được. Trong tâm mình, tôi không biết làm thế nào để gắn kết với những đứa trẻ này và cảm thấy khá bất lực. Chỉ một giờ đồng hồ cảm giác thấu cảm mãnh liệt tách rời khỏi tình yêu thương và tâm Đại bi đã khiến tôi kiệt sức.

Sau đó, tôi nghe thấy Tania hỏi qua tai nghe xem liệu tôi có sẵn sàng thực hiện thêm một lần nữa qua máy quét không, chúng tôi có thể chuyển ngay sang thiền định về tâm Đại bi, vốn đã được lên lịch vào buổi chiều.

Tôi nhiệt liệt đồng ý, tôi đã cảm thấy thiếu vắng tình yêu thương và tâm Đại bi biết bao nhiêu từ việc kinh nghiệm chỉ riêng sự thấu cảm. Tôi chỉ vừa mới chuyển hướng thiền định của mình sang tình yêu thương và tâm Đại bi thì trạng thái tinh thần của tôi chuyển hóa hoàn toàn. Những hình ảnh đau khổ của những đứa trẻ vẫn hiện hữu và mạnh mẽ, nhưng thay vì tạo ra trong tôi cảm giác đau khổ và bất lực khó có thể chịu đựng, giờ đây tôi cảm thấy một lòng dũng cảm sâu sắc, ấm lòng gắn liền với tình yêu thương vô hạn dành cho những đứa trẻ ấy.

Bây giờ khi đang thiền định về tâm Đại bi, tôi cảm thấy như mình đã mở ra một cánh cổng chảy tràn yêu thương thấm vào nỗi đau của những đứa trẻ ấy. Mỗi nguyên tử đau khổ đã được thay thế bằng một nguyên tử yêu thương. Khoảng cách ngăn trở tôi với chúng đã bị xóa nhòa. Thay vì không biết làm thế nào để tiếp cận dù là tiếp xúc mỏng manh nhất với đứa trẻ yếu ớt đang rên rỉ, hoặc là người đẫm máu đó, bây giờ tinh thần của tôi ôm các cháu vào lòng, tắm cho các cháu với sự dịu dàng và tình cảm. Và tôi tin rằng, trong một tình huống thực tế, tôi có thể bao bọc được những đứa trẻ này với một sự dịu dàng vốn luôn làm cho chúng cảm thấy dễ chịu.

Một số người sẽ phản đối rằng không có gì là vị tha trong tất cả những điều đó và thiền giả chỉ làm lợi cho bản thân bằng cách giảm bớt nỗi đau buồn của mình. Câu trả lời đầu tiên của tôi cho điều đó là không có hại gì khi thiền giả tự giải thoát mình khỏi các triệu chứng đau buồn. Điều này có thể có tác dụng gây tê liệt và có rủi ro khiến người ấy chú tâm vào vào chính bản thân mình, phương hại đến sự hiện diện ân cần mà anh ta có thể trao cho một người đau khổ. Sau đó, và đây là điểm quan trọng nhất, không thể phủ nhận những cảm xúc và các trạng thái tinh thần có tác động lây lan. Nếu ai đó ở trước mặt một người đang đau khổ cảm thấy đau khổ tột cùng, điều đó chỉ có thể làm trầm trọng thêm sự khó chịu về tinh thần của người đang đau khổ. Mặt khác, nếu người đến giúp đỡ tỏ ra nhân từ và toát ra vẻ bình tĩnh ôn hòa, và có thể ân cần với người khác, thì chắc chắn bệnh nhân sẽ được an ủi bởi thái độ này. Cuối cùng, người cảm thấy được tâm Đại bi và lòng nhân từ có thể phát triển sức mạnh của tâm và khát khao đi đến giúp đỡ người khác. Tâm Đại bi và tình yêu thương vị tha có một khía cạnh ấm áp, yêu thương và tích cực mà sự thấu cảm “đứng độc lập” dành cho nỗi đau khổ của người khác không có.

Trở lại thí nghiệm cá nhân của tôi, trong khi tôi quan sát thấy rằng thiền định về sự thấu cảm đối phó với một giới hạn, đó là sự kiệt sức, trái lại, đối với tôi dường như người ta không thể thấy mệt mỏi vì tình yêu thương hay tâm Đại bi. Trên thực tế, những trạng thái tâm này vừa nuôi dưỡng lòng can đảm của tôi thay vì làm suy yếu nó, vừa củng cố quyết tâm của tôi giúp đỡ người khác mà không tăng thêm đau khổ của mình. Tôi tiếp tục đối mặt với đau khổ, nhưng tình yêu thương và tâm Đại bi đã trao cho tôi phẩm chất mang tính xây dựng trên con đường của mình tiếp cận nỗi đau khổ của người khác, mở rộng khuynh hướng và quyết tâm của tôi đi đến giúp đỡ họ. Vì vậy, theo quan điểm của tôi, rõ ràng là nếu có một “mệt mỏi do sự thấu cảm” dẫn đến hội chứng cạn kiệt cảm xúc, thì không có sự mệt mỏi do tình yêu thương và tâm Đại bi.

Một khi dữ liệu được phân tích đầy đủ, Tania giải thích rằng kèm theo sự đảo ngược trong kinh nghiệm của tôi là những biến đổi đáng kể về hoạt động trong các vùng cụ thể của não. Những biến đổi này chủ yếu ảnh hưởng đến phần thùy nhỏ ở não trước và vòng cung vỏ não trước gắn liền với thấu cảm. Nhóm nghiên cứu đặc biệt nhận thấy rằng, khi tôi chuyển sang tâm Đại bi, một số vùng não nhất định thường được kích thích bởi cảm xúc tích cực sẽ được kích hoạt nhiều hơn so với khi tôi duy trì sự thấu cảm. Những nghiên cứu này vẫn đang tiếp tục cho đến ngày nay và các ấn phẩm khoa học tiếp tục được ra mắt.⁵

Bằng cách kết hợp giữa khảo sát nội quan chính xác với việc phân tích dữ liệu do máy quét cung cấp, kinh nghiệm “người thứ nhất” – kinh nghiệm của thiền giả – được hướng dẫn kết hợp với kinh nghiệm “người thứ ba”, của nhà nghiên cứu. Ở đây chúng ta có thể đánh giá cao những lợi ích của sự kết hợp như vậy giữa các thiền giả dày dạn và các nhà khoa học cho việc nghiên cứu.

Tania Singer và các đồng nghiệp của cô kể từ đó đã đảm nhận một nghiên cứu dọc,⁶một dự án có tên là “ReSource”, nhằm mục đích đào tạo một nhóm tình nguyện viên mới vào nghề trong suốt một năm về các lĩnh vực nhận thức và tình cảm xã hội khác nhau mà tối cần thiết cho sự phát triển động lực thuận xã hội và tâm Đại bi.⁷

Trước khi tham gia vào một dự án sâu rộng như vậy, các nhà nghiên cứu đã thực hiện một chương trình đào tạo kéo dài một tuần với các đối tượng mới thực hành thiền về tình yêu thương vị tha và về thấu cảm. Nghiên cứu sơ bộ này đã chỉ ra rằng, đối với hầu hết mọi người, thấu cảm nổi lên khi đối mặt với đau khổ của người khác có tương quan với các cảm giác hoàn toàn tiêu cực – đau đớn, đau khổ, lo lắng, chán nản. Dấu hiệu thần kinh của thấu cảm tương tự như của các cảm xúc tiêu cực. Nói chung, chúng ta biết rằng các mạng lưới thần kinh liên quan đến thấu cảm với nỗi đau của người khác (phần thùy nhỏ ở não trước và vòng cung vỏ não) cũng được kích hoạt khi bản thân chúng ta cảm thấy đau.

Tania Singer và các đồng nghiệp của cô đã chia các đối tượng thành hai nhóm. Một nhóm thiền định về tình yêu thương và tâm Đại bi, trong khi nhóm kia chỉ tập trung vào sự thấu cảm. Kết quả đầu tiên cho thấy sau một tuần thiền định hướng về tình yêu thương vị tha và tâm Đại bi, các đối tượng mới tập đã nhìn nhận các đoạn phim về những người đau khổ theo cách tích cực và nhân từ hơn nhiều. “Tích cực” ở đây không hề có nghĩa là những người quan sát coi đau khổ là có thể chấp nhận được, mà là họ phản ứng với nó bằng những trạng thái tinh thần mang tính xây dựng, như dũng cảm, tình mẫu tử, quyết tâm tìm ra cách giúp đỡ, chứ không phải là những trạng thái tinh thần “tiêu cực”, những gì, thay vào đó, tạo ra sự đau khổ, chán ghét, chán nản và né tránh.⁸

Hơn nữa, sự thấu cảm không còn tương quan một cách có hệ thống với nhận thức tiêu cực và đáng lo ngại về nỗi đau khổ của những người khác. Sự thay đổi này được cho là do sự việc những đối tượng này đã được huấn luyện để cảm thấy nhân từ đối với người khác trong mọi tình huống. Do đó, họ có thể tiếp cận với tình huống khó khăn bằng tình yêu thương và tâm Đại bi, đồng thời thể hiện khả năng phục hồi khi đối mặt với nỗi đau của những người khác. Khả năng phục hồi được định nghĩa là khả năng của một bệnh nhân để sống sót và vượt qua một tình huống chấn thương hoặc thử thách bằng cách dồn hết các nguồn lực bên trong mình. Đó cũng là khả năng của người quan sát để vượt qua cảm giác đau khổ ban đầu của họ và thay thế vào đó bằng lòng nhân từ và tâm Đại bi tích cực. Dữ liệu đo lường hoạt động não của những đối tượng mới tập này cũng cho thấy rằng mạng lưới thần kinh của cảm giác liên kết và tâm Đại bi được kích hoạt, điều này không đúng với nhóm chỉ thiền định về sự thấu cảm.

Mặt khác, khi các đối tượng dành một tuần để nuôi dưỡng riêng sự thấu cảm, và bước vào sự cộng hưởng cảm xúc với những đau khổ của người khác, họ tiếp tục liên kết phản ứng thấu cảm của họ với các giá trị tiêu cực, và cho thấy nhận thức gia tăng về nỗi đau khổ của chính họ, đôi khi đến mức không thể kiểm soát được cảm xúc của mình. Đối với những đối tượng này, tác động tiêu cực tăng lên khi họ xem các đoạn phim chiếu cảnh đau khổ. Nhóm người này cũng trải qua những cảm giác tiêu cực hơn đối với những cảnh đời thường diễn ra hàng ngày, điều này cho thấy rằng việc rèn luyện sự cộng hưởng thấu cảm làm tăng độ nhạy cảm với những ảnh hưởng tiêu cực trong các tình huống thông thường. Một trong những người tham gia tiết lộ rằng lúc cô nhìn những người xung quanh khi đang đi tàu hỏa vào buổi sáng, cô ấy bắt đầu thấy đau khổ ở khắp mọi nơi.⁹

Nhận thức được những tác động gây bất ổn này, Tania Singer và Olga Klimecki đã bổ sung thêm phần rèn luyện về tình yêu thương vị tha (một giờ mỗi ngày) sau một tuần chỉ dành cho sự thấu cảm. Sau đó, họ quan sát thấy rằng sự bổ sung này đã cân bằng lại những tác động tiêu cực từ việc rèn luyện riêng về sự thấu cảm: những ảnh hưởng tiêu cực giảm xuống mức ban đầu và tác động tích cực tăng lên. Ở đây, những kết quả này cũng liên quan đến những thay đổi tương ứng trong mạng lưới não bộ có liên quan tương ứng theo thứ tự với tâm Đại bi, ảnh hưởng tích cực và tình mẫu tử.¹⁰Ngoài ra, các nhà nghiên cứu có thể chứng minh rằng một tuần rèn luyện tâm Đại bi đã làm tăng hành vi thuần xã hội trong một cái tôi ảo tưởng vốn được phát triển đặc biệt để đo lường xu hướng giúp đỡ người khác.¹¹

Trong phòng thí nghiệm thần kinh học của Richard Davidson ở Madison, Wisconsin, nhà nghiên cứu người Pháp Antoine Lutz và các đồng nghiệp của ông cũng đã nghiên cứu hiện tượng này. Họ đã chỉ ra rằng trong số mười sáu thiền giả cấp cao tạo ra một trạng thái của tâm Đại bi, các vùng não liên quan đến tình mẫu tử và cảm xúc liên kết – như thùy giữa (chứ không phải phần thùy nhỏ ở não trước đối với nỗi đau) – cũng như các vùng liên quan đến “lý thuyết về tâm ”(tưởng tượng ra ý tưởng của những người khác) được kích hoạt bằng cách lắng nghe bản ghi âm những giọng nói thể hiện sự đau khổ, điều này không xảy ra ở những người mới tập thiền.¹² Những quan sát này xác nhận thực tế rằng những người hành thiền có kinh nghiệm đều vừa nhạy cảm hơn và vừa quan tâm hơn đến những đau khổ của người khác và rằng họ phản ứng không phải bằng cách trải qua sự đau khổ gia tăng, mà bằng cảm giác về tâm Đại bi, và người ta có thể “rèn luyện” để đạt được những trạng thái tâm này.

Thấm nhuần Thấu cảm với Tâm Đại bi

Gần đây tôi đã nói chuyện với một y tá; giống như hầu hết các đồng nghiệp của mình, cô ấy thường xuyên phải đối mặt với những đau khổ và những vấn đề của những bệnh nhân mà cô ấy chăm sóc. Cô ấy nói với tôi rằng trong khóa đào tạo mới mà nhân viên chăm sóc sức khỏe phải trải qua, điều đáng chú ý được đặt ra “sự cần thiết của việc giữ khoảng cách cảm xúc với bệnh nhân,” những người mà bây giờ thường được gọi là “khách hàng”, để tránh tình trạng kiệt sức đáng hổ thẹn gây ảnh hưởng tới rất nhiều nhân viên chăm sóc sức khỏe. Người phụ nữ này, một người rất ấm áp và chỉ có sự hiện diện thôi cũng khiến tôi yên tâm, sau đó tâm sự với tôi: “Thật kỳ lạ, tôi cảm thấy như thể tôi đang đạt được điều gì đó khi chăm sóc những người đang đau khổ, nhưng khi tôi nói về ‘sự đạt được’ này với các đồng nghiệp của tôi, tôi cảm thấy hơi có lỗi khi cảm thấy điều gì đó tích cực.” Tôi đã mô tả ngắn gọn cho cô ấy về sự khác biệt dường như tồn tại giữa tâm Đại bi và nỗi đau khổ do sự thấu cảm mang lại. Sự khác biệt này khớp với với kinh nghiệm của cô và chứng minh rằng cô không có lý do gì để cảm thấy có lỗi. Trái ngược với nỗi đau khổ do thấu cảm mang lại, tình yêu thương và tâm Đại bi là những trạng thái tích cực của tâm, giúp củng cố khả năng bên trong của một người để đối mặt với đau khổ của người khác và chăm sóc cho họ tốt hơn. Nếu một đứa trẻ nhập viện, sự hiện diện của một người mẹ yêu thương ở bên, người nắm tay và an ủi bé bằng những lời dịu dàng chắc chắn sẽ giúp nó tốt hơn là sự lo lắng của một người mẹ ngập tràn đau khổ do thấu cảm mang lại, người mà không thể chịu đựng được cảnh đứa con bị bệnh của mình, đi đi lại lại trên hành lang. Được trấn an bằng những lời giải thích của tôi, cô y tá nói với tôi rằng mặc dù đôi khi cô ấy có chút e ngại, nhưng quan điểm này phù hợp với với kinh nghiệm của cô ấy với tư cách là một người chăm sóc. Sự thấu cảm thực sự cần thiết để khởi sinh của tâm Đại bi, nhưng không gian của tâm Đại bi đó nên đủ rộng lớn để sự thấu cảm không biến thành nỗi đau khổ không thể kiềm chế được.

Trong khuôn khổ của nghiên cứu sơ bộ này, dường như hợp lý đối với những ai có nghề nghiệp bao gồm chăm sóc hàng ngày cho những người đang chịu đau đớn nên được huấn luyện về tình yêu thương vị tha và tâm Đại bi. Một khóa huấn luyện như vậy cũng sẽ giúp những người thân gần gũi (cha mẹ, con cái, vợ /chồng) đang chăm sóc người bệnh hoặc người khuyết tật. Tình yêu thương vị tha tạo ra trong chúng ta một không gian tích cực, đóng vai trò như một liều thuốc giải độc cho đau khổ do thấu cảm mang lại, và ngăn cản cộng hưởng cảm xúc sinh sôi cho đến khi nó trở nên tê liệt và gây ra đặc trưng kiệt quệ về cảm xúc của tình trạng kiệt sức. Nếu không có sự hỗ trợ của tình yêu thương và tâm Đại bi, sự thấu cảm đứng riêng biệt giống như một cái máy bơm điện mà không có nước lưu thông qua đó: nó sẽ nhanh chóng nóng lên và cháy máy. Vì vậy, sự thấu cảm nên diễn ra trong không gian rộng lớn hơn nhiều của tình yêu thương vị tha. Việc xem xét đến khía cạnh nhận thức của tâm Đại bi cũng rất quan trọng, hay nói cách khác là thấu hiểu các mức độ đau khổ khác nhau và những nguyên nhân biểu thị hoặc tiềm ẩn của nó. Do đó, chúng ta sẽ có thể đặt bản thân vào việc phục vụ những người khác bằng cách giúp đỡ họ một cách hiệu quả trong khi vẫn gìn giữ được sức mạnh nội tâm, lòng tốt và bình yên bên trong của chúng ta. Như nhà tâm lý học người Pháp Christophe Andre đã viết, “Chúng ta cần sự dịu dàng và sức mạnh của tâm Đại bi. Chúng ta càng sáng suốt về thế giới, chúng ta càng chấp nhận nhìn nó theo đúng như nó là, chúng ta càng dễ dàng chấp nhận hơn rằng chúng ta không thể đối mặt với tất cả những đau khổ gặp phải trong đời sống của mình trừ khi chúng ta có được sức mạnh này và sự dịu dàng này.”¹³

—o0o—

“Mặc dù sự thấu cảm là yếu tố quan trọng để có các tương tác xã hội thành công, nhưng việc chia sẻ quá nhiều cảm xúc tiêu cực của người khác có thể là sai lầm và trở thành nguồn gốc của sự kiệt sức. … Ngược lại, việc rèn luyện tâm Đại bi tiếp theo đó có thể đảo ngược sự gia tăng ảnh hưởng tiêu cực và tương phản với gia tăng báo cáo bản thân về ảnh hưởng tích cực. … Chúng tôi kết luận rằng việc rèn luyện tâm Đại bi có thể phản ánh một chiến lược đối phó mới để vượt qua nỗi đau khổ do thấu cảm mang lại và củng cố khả năng phục hồi.” – Trích dẫn từ “Mô hình khác biệt về chức năng dẻo dai của não sau khi huấn luyện về tâm Đại bi và sự thấu cảm”.

—o0o—

Chú thích

[1] Để biết tóm tắt về 32 nghiên cứu về sự thấu cảm đối với cơn đau, xem Lamm, C., Decety, J., & Singer, T. Bằng chứng phân tích tổng hợp cho các mạng lưới thần kinh chung và riêng biệt liên quan đến nỗi đau và sự thấu cảm đối với cơn đau được trải qua trực tiếp. Neuroimage, 54 (3), 2011, trang 2492–2502.

[2] Sự gia tăng phản ứng tích cực thông qua tâm đại bi có liên quan đến việc kích hoạt mạng lưới đại não bao gồm các khu vực của vỏ não trán ổ mắt, vùng thể vân bụng, phần bụng chỏm não, nhân của thân não, nhân cạnh vách, thùy đảo trung gian, pallidum và puta-men, tất cả các vùng não trước đây liên quan đến tình yêu thương (đặc biệt là tình mẫu tử), cảm giác thuộc về và sự hài lòng. Trong trường hợp thấu cảm, các khu vực này là phần thùy nhỏ ở não trước và vỏ não trung gian. Klimecki, O. M., và cộng sự. (2012), sđd. cit .; Klimecki, O., Ricard, M., & Singer, T. (2013), Trong ấn phẩm đã dẫn.

[3] Felton, J. S. Sự kiệt sức như là một thực thể lâm sàng – tầm quan trọng của nó đối với nhân viên y tế. Occupational Medicine, 48 (4), 1998, trang 237–250.

[4] Để có sự phân biệt về thần kinh giữa tâm Đại bi và nỗi muộn phiền do thấu cảm, xem Klimecki, O., & Singer, T., “Nỗi mệt mỏi muộn phiền do sự thấu cảm hay là mệt mỏi do tâm Đại bi? Tổng hợp các phát hiện từ nghiên cứu về sự thấu cảm trong tâm lý học và thần kinh học xã hội.” Trong Oakley, B., Knafo, A., Madhavan, G., & Wilson, D. S., Chủ nghĩa vị tha Bệnh lý, Nhà xuất bản Đại học Oxford, 2011, trang 368–383.

[5] Singer, T., & Bolz, M. (eds.) (2013), op. cit .; Klimecki, O., Ricard, M., & Singer, T. (2013), op. cit. Ấn phẩm gần đây nhất là Klimecki, O., Leiberg, S., Ricard, M., & Singer, T. Mô hình khác biệt về chức năng dẻo dai của não sau khi được huấn luyện tâm Đại bi và sự thấu cảm. thần kinh học về Nhận thức Xã hội và Tình cảm, 2013.

[6] Biểu thức này chỉ định một nghiên cứu nhằm quan sát sự tiến triển của các đối tượng trong một quá trình dài hàng tháng, hoặc thậm chí hàng năm.

[7] Bornemann B., & Singer, T., “Giao thức đào tạo nghiên cứu tài nguyên.” Trong Singer, T., & Bolz, M. (eds.), Tâm Đại bi: Kết nối Thực hành và Khoa học, 2013, một cuốn sách đa phương tiện [sách điện tử].

[8] Klimecki, O. M., et al. (2012). Trong ấn phẩm đã dẫn.

[9] Ở cấp độ thần kinh, các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy rằng việc huấn luyện cộng hưởng sự thấu cảm làm tăng hoạt động trong một mạng lưới liên quan đến cả sự thấu cảm với nỗi đau của người khác và trải nghiệm đau đớn của chính mình. Mạng lưới này bao gồm phần thùy nhỏ ở não trước và vỏ não trung gian trước (MCC). Singer, T., & Bolz, M. (eds.) (2013), trong ấn phẩm đã dẫn.

[10] Chính xác hơn, những vùng này bao gồm vỏ não trán ổ mắt, vùng thể vân bụng và vỏ não trước. Đối với khóa huấn luyện, những người tham gia đã được tiếp nhận ý niệm về metta, một từ có nghĩa là “tình yêu thương vị tha” trong tiếng Pali. Các hướng dẫn mà những người tham gia nhận được chủ yếu tập trung vào khía cạnh của lòng tốt và những lời chúc nhân từ (“Cầu mong bạn hạnh phúc, sức khỏe dồi dào, v.v.”). Khóa huấn luyện bao gồm cả ngày dành cho giáo viên, sau đó là thực hành nhóm hàng ngày, một giờ vào mỗi buổi tối. Những người tham gia cũng được khuyến khích luyện tập tại nhà.

[11] Klimecki. O. M., et al. (2012), trong ấn phẩm đã dẫn.

[12] Lutz, A., Brefczynski-Lewis, J., Johnstone, T., & Davidson, R. J. Điều chỉnh mạch thần kinh của cảm xúc bằng thiền định về tâm đại bi: Tác dụng của chuyên môn thiền định. PLoS One, 3 (3), 2008, e1897.

[13] Christophe André, Các Cảm xúc và Tâm trạng, Polity Press, 2012, trang 250.

 

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. PHÁ BỎ VÒNG THÙ HẬN
  2. ĐI TÌM BẢN NGÃ
  3. HÀNH ĐỘNG SINH RA TA – CÁI VÔ HẠN TRONG LÒNG BÀN TAY

Bài viết mới

  1. KHÔNG LÀM HẠI
  2. HÒA HỢP TỪ NHỮNG ĐỐI KHÁNG
  3. LỢI ÍCH CỦA TINH THẦN TU TẬP