ĐƯƠNG ĐẠO
Trích: Pháp Bảo Đàn Kinh Giảng Giải – Phẩm Phó Chúc; NXB Thiện Tri Thức; 2016
?KINH
Trước hết phải nêu ba khoa pháp môn, động dụng ba mươi sáu phép đối, mọc ra lặn vào đều là đạo tràng Bồ đề. Nói tất cả pháp mà chẳng lìa tự tánh.
Bỗng có người hỏi các ông về pháp, thì nói ra đều có đôi cặp, đều dùng pháp đối, đến và đi làm nhân cho nhau. Rốt ráo hai pháp đều trừ bỏ hết, không có chỗ đến.
Ba khoa pháp môn là: Ấm, Giới, Nhập. Ấm là năm ấm sắc thọ tưởng hành thức. Nhập là mười hai nhập, ngoài thì sáu trần sắc thanh hương vị xúc pháp, trong thì sáu cửa mắt tai mũi lưỡi thân ý. Giới là mười tám giới, sáu trần, sáu cửa, sáu thức.
Tự tánh bao gồm vạn pháp, gọi là Hàm tàng thức, nếu khởi suy nghĩ tức là chuyển thức. Sanh ra sáu thức, ra sáu cửa, thấy sáu trần. Mười tám giới như vậy đều từ tự tánh khởi dụng.
?BÌNH GIẢNG
Cuộc đời, thế giới chúng ta kinh nghiệm được đều được gói tròn trong năm ấm, mười hai nhập và mười tám giới. Nói rút gọn là căn (cửa), trần, thức. Những yếu tố này duyên sanh lẫn nhau và tương tác lẫn nhau để tạo thành cuộc đời và thế giới ta đang sống.
Ở trước, khi đại ngộ Lục Tổ đã nói “tự tánh hay sanh muôn pháp”, ở đây ngài cũng nói “tự tánh bao gồm vạn pháp”. Nhưng ở đây ngài giảng theo tám thức từ Kinh Lăng Già, mà Sơ tổ Bồ Đề Đạt Ma đã trao cho các đệ tử.
Tự tánh bao gồm tất cả các pháp, và tự tánh vốn thanh tịnh nên các pháp đều thanh tịnh. Tự tánh ấy là trí, và khi có nhiễm ô thì gọi là Hàm tàng thức, tức là đã có vô minh. Vô minh sinh hành, hành sinh thức, thức sinh danh sắc, danh sắc sinh sáu cửa, sáu cửa sinh xúc, xúc sinh thọ, thọ sinh ái, ái sinh thủ, thủ sinh hữu, hữu sinh sanh, sanh sinh lão tử. Đây là vòng mười hai nhân duyên tương thuộc sanh nhau và tiếp nối nhau tạo thành sự tương tục của sanh tử.
Khi tự tánh đã là thức, Hàm tàng thức, thì có sự “chuyển thức”, tức là sự sanh ra cái tiếp theo. Sanh ra, chuyển thức là cái động ban đầu, cái vô minh phân biệt ban đầu, từ đây có sáu thức, sáu căn, sáu trần, có ta người, có tôi và thế giới, có thương ghét… tức là các pháp riêng rẽ nhau, phân mảnh, không còn là “tự tánh bao gồm muôn pháp”, không còn là một tự tánh, một Phật tánh, một Pháp thân.
Tóm lại chuyển thức là trí chuyển thành thức, tánh chuyển thành tướng, lìa tự tánh tự tịnh tự định để chạy theo tướng.
Tu là đưa các pháp về tự tánh, đó là công phu “ở nơi tướng mà lìa tướng, ở nơi niệm mà vô niệm, vô trụ là tánh vốn sẵn của người” (Phẩm Định Huệ thứ 4), để thấy tất cả là một, tất cả các tướng đều là một tánh. Thấy tánh là thấy tất cả tướng đều là một tánh, không có ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng. Tất cả là Chân Như, là Viên thành thật tánh.
Thật ra, “mười tám giới như vậy đều từ tự tánh khởi dụng”, tự tánh nhiễm ô, thì sự khởi dụng thành ra mười tám giới nhiễm ô của sanh tử. Còn tự tánh thanh tịnh thì khởi dụng ra mười tám giới thanh tịnh của Niết Bàn vì “bản tánh của sanh tử là Niết Bàn”.
Cụ thể người tu có thấy tất cả pháp trước mắt, bên ngoài và bên trong là “tự tánh khởi dụng” không. Thấy được như thế tức là sống trong tánh.
?KINH
Nếu tự tánh nhiễm tà thì khởi ra mười tám cái tà, nếu tự tánh là chánh thì khởi ra mười tám cái chánh. Nếu dụng xấu ác tức là dụng của chúng sanh, dụng thiện lành tức là dụng của Phật.
Dụng do đâu có? Do tự tánh mà có.
Ngoại cảnh vô tình có năm pháp đối: trời đối với đất, mặt trời đối với mặt trăng, sáng đối với tối, âm đối với dương, nước đối với lửa. Đây là năm pháp đối.
Pháp tướng ngôn ngữ có mười hai pháp đối: lời đối với pháp, có đối với không, có sắc đối với không sắc, có tướng đối với không tướng, hữu lậu đối với vô lậu, sắc đối với Không, động đối với tịnh, trong đối với đục, phàm đối với thánh, tăng đối với tục, già đối với trẻ, lớn đối với nhỏ. Đó là mười hai pháp đối.
Tự tánh khởi dụng có mười chín pháp đối: dài đối ngắn, tà đối chánh, si đối huệ, ngu đối trí, loạn đối định, từ đối độc, giới đối sai, thẳng đối cong, thật đối hư, hiểm đối bằng, phiền não đối Bồ đề, thường đối vô thường, bi đối hại, mừng đối giận, rộng lượng đối bỏn xẻn, tới đối lui, sanh đối diệt, pháp thân đối sắc thân, hóa thân đối báo thân. Đó là mười chín pháp đối.
Ba mươi sáu pháp đối ấy nếu hiểu mà dùng thì đó là đạo, thông suốt tất cả kinh pháp, ra vào lìa cả hai bên.
?BÌNH GIẢNG
Cái khởi dụng để có ra ba mươi sáu pháp đối nhau tạo thành chủ thể và đối tượng, ta và người, ta và thế giới đều có nền tảng là tự tánh, hiện hữu trên tự tánh và tiêu tan trong tự tánh. Cho nên chính tự tánh giải quyết cho các sự đối nhau không cùng tạo thành sanh tử này.
Chúng ta thấy năm pháp đối nhau của “ngoại cảnh vô tình”, cái mà ở trên gọi là trần, thì sự phân biệt đối nghịch là chuyện tự nhiên có rất ít thức phân biệt thương ghét, ta người, ta và thế giới. Khi có mặt trời thì không có mặt trăng, khi có sáng thì không có tối…
Khi có ngôn ngữ của con người chen vào thì chính ngôn ngữ làm cho sự đối nghịch nặng nề hơn, sự phân biệt càng nhiều, cái ta và cái của ta, thích và không thích, giá trị và không giá trị.
Ở mười chín pháp đối nhau, thức phân biệt càng sâu sắc vi tế hơn, đâm sâu rễ vào toàn bộ hiện hữu để thế gian trở thành đối nghịch không thể cứu chữa, là tôi thiện anh ác, tôi đúng anh sai, tôi trí anh ngu… đưa đến chiến tranh không dứt.
Để thoát khỏi cuộc sanh tử duyên sanh tương thuộc nhưng đối nghịch nhau này, người tu phải trở lại cái nền tảng khởi dụng chưa bị nhiễm ô. Để giải quyết đối pháp, phải học và thực hành lời dạy của Lục Tổ: “Dụng do đâu có? Do tự tánh mà có”.
Như nếu cứ thấy sóng, cứ sống với nơi sóng thì cả đời dồn dập đau khổ, đối nghịch. Còn thấy tất cả sóng khởi dụng từ đại dương, là những biểu hiện của đại dương thì tất cả là đại dương, hết đối nghịch, hết chiến tranh.
Ba mươi sáu tướng đối đãi ấy nếu hiểu mà dùng, nghĩa là chúng chỉ là phương tiện, “ở nơi tướng mà lìa tướng”, ở nới tướng mà “chẳng phải tướng”, thì đó là đạo, dùng tướng mà lìa cả hai bên thì ngay khi dùng bèn là giải thoát, vì “bình đẳng như mộng huyễn”, “dụng vốn vô sanh”, “tánh tướng như như”.
Người tu hành cả ngày sống trong các pháp đối, “nếu hiểu mà dùng thì đó là đạo”. Đạo là cái mà chúng ta vẫn dùng hàng ngày vậy.