TỪNG PHÚT TỪNG GIÂY, KHÔNG NGỪNG KHƠI NGUỒN KIẾN THỨC CHO CON

TRẦN HÂN

Trích: Phương Pháp Giáo Dục Con Của Người Mỹ - Giúp Trẻ Tự Lập Trưởng Thành; Người dịch: Thanh Nhã; NXB Phụ Nữ.

Allex rất thích những lúc được ở bên cạnh cha, vì đó là lúc cậu học được rất nhiều điều lý thú. Một ngày cuối tuần, khi allex đang vui vẻ chơi bắn súng nước trong phòng, khắp nơi trên cửa sổ, sàn nhà đều là dấu vết của trò nghịch ngợm, đến cả cha khi vừa mới bước vào nhà cũng bị “dính đạn”. “Con yêu, con có biết người ta dùng nước để làm gì không ?”, cha vừa lau nước dính trên mặt, vừa hỏi alex.

“Có thể chơi trò té nước và có thể bơi ạ”, alex cầm cây súng nước trong tay, cao giọng trả lời.

“Không sai. Nước còn nhiều công dụng khác nữa, con có biết không ? Nếu con có thể kể ra được 10 công dụng của nước, cha sẽ thưởng cho con” – cha nói.

Alex đặt súng xuống, suy nghĩ một lúc rồi nói: “Nước có thể dùng để giặt quần áo, tắm, nấu cơm, nuôi cá, tưới cây…”, cậu bé kể ra tất cả những gì mình biết.

“Hoàn toàn chính xác, trừ những câu trả lời bị lặp lại thì tổng cộng có 15 câu đúng”, cha cười rồi nói tiếp: “Con biết không, sự sống đầu tiên trên 2 trái đất cũng bắt nguồn từ nước đấy”.

“Thật hả cha? Con người cũng sinh ra từ trong nước ạ?”. Trí tò mò của Allex bắt đầu trỗi dậy. Cậu bé đã hoàn toàn quên mất cây súng nước và tập trung mọi sự chú ý về câu chuyện của cha. Cha nhẫn nại giảng giải cho Allex rất nhiều điều liên quan đến nước. Chẳng hạn, tại sao trái đất lại được gọi là thủy cầu, nước có những thể dạng nào, tại sao phải tiết kiệm nguồn tài nguyên nước… Thông qua sự giảng giải của cha, Alex không chỉ tỏ ra hứng thú với các sinh vật cổ đại trên trái đất mà còn hình thành cả thói quen tiết kiệm nước, kể từ đó, cậu bé cũng không bao giờ nghịch súng nước nữa.

Trong câu chuyện trên, khi Alex nghịch ngợm làm nước ướt cả căn phòng, người cha không những không nổi giận phê bình cậu mà còn khéo léo thu hút sự chú ý của cậu từ cây súng nước vào câu chuyện về những công dụng của nước. Điều này không chỉ chấm dứt được trò nghịch ngợm của cậu bé mà còn dạy cậu rất nhiều điều bổ ích. Đây chính là cách làm thông minh mà cha mẹ ở Mỹ thường sử dụng để truyền đạt kiến thức cho con cái. Họ nắm bắt cơ hội từ những hành vi của trẻ, những bối cảnh trong cuộc sống, những đồ vật yêu thích để giúp trẻ tìm hiểu thế giới xung quanh một cách tự nhiên nhất. Họ rất ít khi chỉ tập trung vào một vấn đề để dạy cho trẻ. Trong những giờ lên lớp, giáo viên cũng thường bắt đầu bài giảng bằng những câu chuyện thú vị và thông qua quá trình thảo luận của học sinh để dẫn dắt vào vấn đề chính. Họ cho rằng, phương pháp giảng dạy tự nhiên như vậy không chỉ khiến trẻ cảm thấy không bị buồn tẻ, nhàm chán mà còn có tác động tích cực cho trẻ trong việc tiếp thu kiến thức.

Theo quan niệm của các bậc cha mẹ ở Mỹ, bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu, cha mẹ cũng có thể truyền đạt kiến thức cho con. Cha mẹ sẽ tận dụng mọi cơ hội để giúp trẻ có thể học hỏi một cách tự nhiên nhất. Ví dụ như khi đi đường, có thể dạy cho trẻ một số luật giao thông đơn giản, khi mặc quần áo, có thể dạy chúng biết phân biệt chất liệu của trang phục hay khi sửa chữa đồ đạc, có thể dạy cho chúng cách sử dụng các loại công cụ. Người Mỹ cho rằng, ngoài những kiến thức đã học trong nhà trường, trẻ có thể học được rất nhiều kiến thức thực tiễn từ xã hội. Vậy, họ đã khơi nguồn kiến thức cho trẻ như thế nào?

Tiếp xúc với các sự vật muôn màu muôn vẻ ngay từ khi còn nhỏ

Người Mỹ quan niệm rằng, các bậc cha mẹ không nên hạn chế thời gian và không gian học tập của con cái. Họ luôn tận dụng mọi tình huống để kích thích cảm hứng học tập của trẻ. Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ đã được tiếp xúc với rất nhiều sự vật, sự việc. Khi con mới biết bò, cha mẹ thường đặt rất nhiều đồ vật xung quanh như đồ chơi, tranh ảnh, quần áo… để chúng tự ý chơi đùa. Khi con bắt đầu biết chữ, ngoài việc mua cho con những sách tranh minh hoạ, cha mẹ còn hướng dẫn chúng học tập từ những bối cảnh xung quanh quen thuộc như đọc chữ trên bao bì, nhãn mác… tất cả đều là tư liệu giúp cha mẹ truyền thụ kiến thức cho con. Hơn nữa, phương pháp giảng dạy gắn liền với thực tế này sẽ giúp trẻ dễ dàng tiếp thu kiến thức hơn. Ngoài ra, cha mẹ thường cho con cái gần gũi với thiên nhiên, để con có kiến thức về các sinh vật sống trên trái đất, hình thành quan niệm về thế giới quan, nhân sinh quan đúng đắn.

Học tập từ những trò chơi, những sai lầm

Thông qua những trò chơi để tiến hành giáo dục là phương pháp thường gặp ở Mỹ. “Ham chơi là thiên tính của trẻ”, cha mẹ không hạn chế việc con cái chơi đùa, họ cho rằng, chơi đùa chính là bài học đầu tiên của trẻ, có thể giúp trẻ học được nhiều kiến thức cũng như có phương pháp học tập tốt. Các hoạt động ngoại khoá của trẻ em Mỹ thường rất phong phú, ngoài giờ học chính, các em có rất nhiều thời gian để vui chơi, những trò chơi vui vẻ giúp các bé tự hoàn thiện khả năng của mình. Thông thường, dù bận đến đâu, cha mẹ cũng sẽ dành thời gian để chơi đùa cùng con. Trong quá trình chơi, họ sẽ khơi nguồn cảm hứng học tập cho trẻ, như vậy không chỉ giúp trẻ tiếp thu kiến thức nhanh hơn mà còn khiến tình cảm gia đình trở nên gần gũi hơn.

Rút ra bài học từ những sai phạm cũng là một cách mà cha mẹ người Mỹ thường dùng để truyền đạt kiến thức cho con. Khi trẻ làm sai, cha mẹ sẽ bình tĩnh hướng dẫn và định hướng những hành vi, tư tưởng cho con, một mặt để chúng nhận ra sai lầm của mình, mặt khác sẽ chỉ dạy chúng những hành vi đúng đắn. Từ đó, trẻ sẽ không tự ti sau lỗi lầm của mình mà còn kích thích khả năng học hỏi cho trẻ, giúp chúng can đảm để đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống. Đây cũng là một trong những nguyên nhân giải thích tại sao trẻ em Mỹ yêu thích những thách thức, và ham mê khám phá.

Thỏa mãn trí tò mò của con

Cha mẹ ở Mỹ luôn coi trọng trí tò mò của trẻ. Họ thường tận tình giảng giải cho con, đáp ứng một cách cao nhất trí tò mò của chúng. Cha mẹ cho rằng, tò mò là sự khởi đầu cho những nhận thức của trẻ đối với thế giới, là lối đi ngắn nhất trên con đường tiếp thu kiến thức. Một nghiên cứu cho rằng, những trẻ có trí tò mò lớn thường rất thông minh, khả năng tiếp thu cũng hơn hẳn so với những đứa trẻ khác. Cha mẹ ở Mỹ thường cùng với con tìm hiểu tri thức hay khám phá các hiện tượng trong thực tiễn cuộc sống. Ngoài việc giải đáp những thắc mắc của trẻ, họ còn hướng dẫn chúng mở rộng kiến thức, làm phong phú thêm kiến thức một cách tự nhiên.

Cha mẹ ở Mỹ là những người luôn nhìn thấy những kiến thức từ cuộc sống và không bao giờ bỏ lỡ thời cơ để truyền đạt lại tri thức cho trẻ. Không cần phải quy định thời gian bắt con học tập, không cần bố trí phạm vi học tập, mà cha mẹ luôn để con tự giác học hỏi trong không khí thoải mái, tự do nhất. Cho nên, trong quá trình giáo dục con cái, chúng ta hãy tham khảo cách làm của người Mỹ, hãy để trẻ tiếp thu kiến thức một cách thoải mái và vui vẻ nhất.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. RỐT CUỘC MỘT CÂN ĐỒNG CÓ GIÁ LÀ BAO NHIÊU?
  2. TỪ NHỎ CON ĐÃ BIẾT SÁCH VỞ LÀ NGỌT NGÀO
  3. CON YÊU, CON PHẢI HIẾU KÍNH VỚI CHA MẸ

Bài viết mới

  1. TÂM BÌNH AN TRƯỚC NHỮNG KHÓ KHĂN KHÔNG THỂ TRÁNH
  2. LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ ĐƯỢC “NĂNG LỰC LÀM NGƯỜI”
  3. MỘT CÁI NHÌN RÕ RÀNG VỀ CHÍNH MÌNH: NHỮNG ĐỐI TRỊ VỚI SỰ KIÊU MẠN