VẤN ĐỀ SỐNG CHẾT TRONG THIỀN HỌC VIỆT NAM

GS. NGUYỄN ĐĂNG THỤC

Trích: Thiền học Việt Nam; Tác giả: Nguyễn Đăng Thục; NXB: Thuận Hóa, Năm 1997

—*—

Trên đây chúng ta thấy Cứu Chỉ bất mãn với Khổng Mặc và Trang Lão và cả hai chủ trương Hữu vi và Vô vi đều không giải quyết cho Sư vấn đề then chốt “Liễu Sinh Tử” = hiểu thấu lẽ sống chết. Và Sư đã tìm cho Thiền học mới thỏa mãn.

 Trí Thiền Sư.

Cũng một chủ trương tương tự là Trí Thiền Sư, cuối thế kỷ XII, thủa nhỏ học cử nghiệp đỗ Tiến Sĩ. Một hôm được nghe Thiền Sư Giới Nghiệp giảng Kim Cương, đến câu :

“Hết thảy hiện tượng có hình, như mộng ảo bọt nước, như hạt sương và cũng như tia chớp. Nên xem như thế cả.”

Ông chợt cảm ngộ than rằng :

“Sáu lời của Đức Như lai, chẳng phải bài đặt hão huyền. Tất cả sự vật trong thế gian này đều hư ảo không thật. Chỉ có Đạo là thật, ta còn cầu tìm chi nữa? Vả lại Nho gia có thể giảng về cái đạo của Vua Tôi, Cha Con, Phật Pháp có thể nói cái công của Bồ Tát, Thanh Văn. Hai giáo lý tuy khác nhau đều quy về một mối. Tuy nhiên thoát khỏi cái khổ sống chết , dứt đường Hữu Vô, chỉ có thích giáo mới có thể giải quyết được. ”

Trên đây Trí Thiền sư cũng đồng quan điểm với Cứu Chỉ Thiền Sư, không thỏa mãn với chủ trương Hữu Vô của Nho học và Lão học, vì không giải quyết được vấn đề sống chết, không đưa đến cứu cánh “Liễu Sinh Tử”, chỉ có Phật học mới có khả năng. Chúng ta thử xét xem các Thiền sư Việt Nam thời Lý đã tìm thấy ở Phật học phương pháp “Liễu Sinh Tử” ấy như thế nào?

 Vân Phong – Thiện Hội.

Trước hết đối với Thiền sư Vân Phong và Thiện Hội vấn đề Sinh Tử là một đại sự. Vân Phong là bậc cao đệ của Thiện Hội, thầy thường bảo trò rằng:

“Hội – Sống chết là việc lớn, phải hiểu cho triệt để.
Phong – Khi sống chết đến thì tránh thế nào?
Hội – Cố lấy chỗ không sống chết mà tránh vào đấy!
Phong – Chỗ không sống chết như thế nào?
Hội – Trong nơi sống chết tìm hiểu lấy mới được!
Phong – Làm thế nào mà hiểu được?
Hội – Con hãy đi, tối nay đến đây.
Phong đúng hẹn lại tìm đến.
Hội – Chờ đến sáng mai, có đông đủ sẽ chứng minh cho!
Phong bừng tỉnh ngộ, mới lễ tạ thầy.
Hội – Con thấy đạo lý thế nào?
Phong – Đệ tử nay đã lĩnh ý.
Hội – Con lĩnh ý thế nào?

Vân Phong bèn giơ nắm tay nói: – Bất tiếu hiểu cái này là đủ!”

Cái lối trả lời của loại “cơ bổng vấn đáp” ấy đã giải thích ở trên, nay chỉ xin nhấn mạnh vào điểm các Thiền sư Việt Nam lấy vấn đề sống chết làm đại sự, làm trọng tâm của đạo học, và chỉ Phật học mới giải quyết được. Theo Thiện Hội thì phải tìm trong sinh tử lấy chỗ không có sinh tử. Còn Vân Phong hiểu bằng một nắm tay! Cái lối hiểu bí mật ấy khác gì như Thế Tôn giơ một bông hoa sen trước đám đông đến nghe thuyết pháp, mọi người ngơ ngác, riêng có Ma Ha Gia Diệp mỉm cười ngầm hiểu được thôi.

Muốn hiểu rõ hơn ý nghĩa của cử chỉ giơ nắm tay này của Vân Phong về vấn “Liễu Sinh Tử”, chúng ta phải so sánh với Thiền sư Quảng Nghiêm (1122 – 1191).

 Quảng Nghiêm.

Sư Quảng Nghiêm thủa nhỏ mồ côi, theo cậu là Bảo Nhạc bắt đầu phát tâm. Đến khi Sư Nhạc mất, Quảng Nghiêm đi khắp bốn phương thăm hỏi đạo Thiền. Một hôm nghe Trí Thiền xiển hóa ở Chùa Phúc Thánh, hạt Điền Lãnh, giảng đến Tuyết Đậu Ngữ Lục có chuyện hai vị học giả là Đạo Ngô và Tiệm Nguyên đến nhà người Chết hỏi lẽ Sống Chết. Quảng Nghiêm hình như có thấy mở mang trong tâm trí, mới hỏi Trí Thiền:

“Quảng Nghiêm – Câu chuyện ấy cổ nhân nói ở trong sinh tử còn có lý không?

Trí Thiền – Anh cảm thấy được cái lý ấy không?

Quảng Nghiêm – Cái lý vô sinh tử như thế nào?

Trí Thiền – Chỉ tìm hiểu lấy ở trong sinh tử là được.

Quảng Nghiêm – Hiểu là vô sinh, không có sống!

Trí Thiền – Tức là tự hiểu rồi!

Nghe nói thế Sư Quảng Nghiêm liền vỡ nghĩa, liền hỏi:

Quảng Nghiêm – Giữ lấy và tuân theo thế nào?

Trí Thiền – Đã hiểu lại giống như chưa hiểu?

Sư Quảng Nghiêm liền lễ tạ”.

Lúc sắp thị tịch, Thiền sư Quảng Nghiêm có kết luận ý nghĩa “Liễu Sinh Tử” của mình vào bài kệ:

Ly tịch phương ngôn tịch diệt khứ
Sinh vô sinh hậu thuyết vô sinh
Nam nhị tự hữu sung thiên chí
Hưu hướng Như Lại hành xứ hành

? Dịch :

Lìa tịch hãy nói tịch diệt đi
Sinh vô sinh rồi thuyết vô sinh
Tài trai có chí tung hoành
Hãy khoan theo bước tiến hành Như Lai.

Trên đây chúng ta đã thấy bốn cách hiểu thấu triệt vấn đề Sống Chết (Liễu Sinh Tử) của bốn Thiền sư trứ danh là: Thiện Hội, Vân Phong, Trí Thiền và Quảng Nghiêm.

Thiện Hội bảo phải tìm giác ngộ ở trong cõi sinh tử lấy cái nghĩa ở chỗ vô Sinh Tử. Như thế là cái chỗ vô Sinh Tử không phải là một chỗ, là một vị trí nào ở thời gian không gian như người ta thường đã tưởng tượng một cách mê tín vào cõi Thiên Đường hay Địa Ngục ngoài thế gian. Nhưng cái gì vô sinh vô tử trong cõi sinh tử này? Thiện Hội không nói ra lời, làm như thế trốn tránh câu trả lời thẳng thắn khi Vân Phong hỏi dồn vào chân tường, chỉ bảo “hãy đi, tối đến trả lời”, rồi lại đuổi đi “sớm mai, chứng minh” v.v… Như thế mà cuối cùng Vân Phong bảo đã hiểu. Đến khi Thầy hỏi lại xem hiểu như thế nào, thì Trò lại giơ nắm tay lên một cách bí mật! Thay vì cái lối trả lời của Thầy bằng cách “hỏi vặn lại” Trò, kể ra đã bí hiểm rồi, đến lượt Trò trả lời Thầy bằng một động tác “giơ nắm tay” còn bí hiểm hơn.

Số là trong truyền thống Thiền học, như chúng ta đã thấy người ta tâm truyền cho nhau “dĩ tâm truyền tâm” và hết sức tránh dùng đến ngôn ngữ, văn tự, vì “thư bất tận ngôn, ngôn bất tận ý” (Dịch truyện) = “viết không hết lời, nói không hết ý”. Vì “Danh khả danh phi thường danh, đạo khả đạo phi thường đạo” = “Khái niệm có thể gọi tên thì không phải khái niệm (concept) vĩnh cửu, đạo lý có thể thuyết ra được thì không phải đạo lý vĩnh cửu”. Cho đến Khổng Tử hay thuyết nhân nghĩa, giảng đạo đức như thế mà về già cũng được: “Dư dục vô ngôn”. Như thế đủ thấy các vị đạo học tổ sư cũng đã thấy có cái gì không thể dùng lối diễn tả ước lệ của nhân quần xã hội để trình bày ra cho chính xác được. Alan W. Watts, tác giả: “The Way Of Zen” nhận xét rất sáng suốt:

“Nhiệm vụ của giáo dục là tạo con trẻ thích ứng với xã hội, chúng sinh sống ở đấy bằng cách chỉ định cho chúng phải thuộc và công nhận những điều lệ giao dịch, nhờ đấy mà xã hội được bảo tồn. Trước hết có tiếng nói: Người ta dạy cho trẻ nhận một vật, người ta trỏ vào bằng ngón tay trỏ cái này là cái “Cây” chứ không phải là cái “Cối”. Chúng ta chẳng khó khăn gì để hiểu rằng danh từ “cây” là ước lệ. Có điều cả đến danh từ phân loại sự vật cũng thuộc về ước lệ, ấy là điều không hiển nhiên lắm. Người ta phải dạy đứa trẻ không những danh từ gì áp dụng cho vật gì mà còn sự phân loại tùy theo xã hội của nó đã mặc nhiên công nhận để phân biệt vật nọ với vật kia, để hoạch định biên giới trong kinh nghiệm hàng ngày chúng ta. Ví dụ công lệ khoa học quyết định con lươn là con rắn hay con cua là con cá, và công lệ ngữ pháp xác định kinh nghiệm nào phải gọi là đối tượng với kinh nghiệm nào phải gọi là sự, hay động tác.

Những công lệ như thế vũ đoán đến mức nào thì chúng ta thấy được ngay khi chúng ta thử hỏi xem cái nắm tay ta (đối tượng) đi đâu lúc ta xòe tay ra? Đối tượng biến đi một cách mầu nhiệm, vì một động tác đã bị một danh từ thường chỉ định một vật làm cho lu mờ. Ở tiếng Âu Tây động tác và đối tượng thường được phân biệt rõ rệt, nếu chẳng phải luôn luôn hợp lý. Nhưng một số lớn chữ hán vừa là động từ lẫn danh từ. Vì thế nên ai tư tưởng theo lối Tàu không thấy khó khăn để thấy rằng đối tượng cũng là động tác, danh từ cũng là động tác, rằng thế giới của chúng ta là một mớ quá trình liên hệ nhau hơn là những cá thể đặc thù độc lập.”

Đấy là trường hợp “nắm tay” của Vân Phong trả lời Thiện Hội. Nắm tay chữ Hán Việt là Quyền vừa có nghĩa là một danh từ chỉ vào động tác thu ngón tay lại thành nắm tay. Vậy cái nắm tay của Vân Phong giơ lên, không có gì hơn ngụ ý vật đối tượng (objet) và động tác (sujet) hợp làm một. Đấy là một trực giác, thuần túy kinh nghiệm, cho rằng cái lý vô sinh tử đồng nhất với cái lý sinh tử, cái ta sống chết tương đối hợp nhất với cái ta không sống chết tuyệt đối, như cái nắm tay với cái việc nắm ngón tay lại thành nắm tay. Vì không thể phân biệt được chủ thể (sujet) với đối tượng (objet) nên không thể dùng danh từ ngôn ngữ để trình bày.

Đến Quảng Nghiêm và Trí Thiền, thì vấn đề “Liễu Sinh Tử” là phải đứng ở trong sinh tử để tự tìm hiểu cái lý vô sinh tử, nghĩa là hiểu như là mình không sống không chết, không còn thắc mắc với sống chết nữa, như thế là “tự liễu”. “Tự liễu” như thế là đồng nhất với cái thể tính tự nhiên, cho nên Quảng Nghiêm bảo làm thế nào mà “bảo nhậm” nghĩa là giữa lấy và noi theo đúng cái trạng thái vô sinh tử ấy, thì Trí Thiền trả lời là “hiểu rồi giống như chưa hiểu”. Vì biết như thế là thành như thế (connaitre être) nghĩa là thực hiện được cái mình hiểu thấu rồi thì có khác gì biết với không biết? Biết là còn có sở tri và năng tri, nay sở tri (objet) với năng tri (sujet) là một rồi thì đâu còn vấn đề biết với không biết nữa. Đạo sĩ Ấn Siddhes Warananda, giảng triết học Ấn Độ ở Đại học Toulouse, có viết trong bài bạt cho bản dịch “Nhất Tâm” (Mental cosmique) của Thiền sư Tầu Hi Vận, dòng Hoàng Bá: (Adyar Paris 1951).

“Trong sự tìm Tuyệt đối, chúng ta phải trút sạch tất cả điều kiện của tinh thần, nghĩa là tất cả suy tưởng. Chỉ đến lúc ấy thực tại mới tự biểu lộ ra với tất cả tính trong sáng. Này đây một sự mô tả kỳ diệu của một thiền sư: “Trước khi bắt đầu học tập khoa Thiền, thì núi vẫn là núi, nước vẫn là nước; đến khi nhờ có một Sư phụ chỉ giáo, đệ tử được hé thấy tia sáng chân lý Thiền, thì núi không còn là núi và nước không phải là nước nữa; về sau, đến khi đệ tử thực sự đạt tới cảnh giới yên tĩnh giác ngộ thì núi lại trở lại là núi và nước lại trở lại là nước”.

Đấy cũng chính là ý nghĩa câu trả lời của Trí Thiền cho Quảng Nghiêm: “Hiểu thấu rồi giống hệt như chưa hiểu thấu” “Ký liễu hoàn đồng vị liễu”. Bởi thế mà Quảng Nghiêm mới bảo trong câu kệ cái lý sinh tử ấy phải hiểu qua Thuần túy tinh kinh nghiệm ấy không phải kết quả của suy tưởng, mà là của cuộc đời phấn đấu, nỗ lực để biến đổi con người hiện lại thành con người khác. Và như thế phải bắt đầu phấn đấu từ cái vị trí cảnh ngộ hiện tại trở đi, nhẫn nại, can đảm, âm thầm, chớ nên mơ màng hướng theo chỗ Như Lai đi mà đi. Lý sống chết sẽ dần thể hiện ra ở thâm tâm mình cho đến lúc hoàn toàn liễu ngộ, không còn phân biệt sống chết như hai danh từ trừu tượng có, không nữa, vì lý sống chết ở đây không phải là nguyên lý của sống chết mà là cái điều lý vận hành của một thể tính ẩn hiện, biến hóa mà chúng ta hiện tại nhìn là sống chết.

 Trí Bảo – Đạo Huệ.

Thiền sư Trí Bảo (mất 1191) nghe tiếng Thiền sư Đạo Huệ (mất 1153) ở Tiên Du đang diễn hóa, bèn đến hỏi điều thắc mắc về đạo :

Trí Bảo – Sống tự đâu đến, chết đi về đâu ? “Sinh tòng hà lai, tử tòng hà khứ ?”

Đạo Huệ – Sống không có ở đâu đến, chết không có đi về đâu! “Sinh vô sở tòng lai, tử vô sở tòng khứ”!

Trí Bảo – Chẳng phải rơi vào chỗ vu vơ trống rỗng ư ? “Mạc thị thoát lạc không xứ ma?”

Đạo Huệ – Bản tính chân thật huyền diệu viên mãn, thể tự không hư tịch tĩnh, tự tại vận động tác dụng không thể đồng nhất với sống chết, cho nên bảo sống không tự ở đâu đến, chết không về đâu (vì còn đâu mà đến mà về nữa, trước sau trong vòng không hư vậy). “Chân tình diệu viên, thể tự không tịch. Vận dụng tự tại bất đồng sinh tử, thị cố sinh vô sở tòng lai, tử vô sở tòng khứ.”
Trí Bảo nghe nói xong liền giác ngộ, nói :

Bất nhân phong quyển phù vân tận.
Tranh kiến thanh thiên vạn lý thu.

? Dịch :

Không nhờ gió cuốn mây đi sạch.
Sao thấy trời quang vạn dặm thu.

Đạo Huệ – Ngươi thấy cái chi ? “Nhữ kiến cá thập ma?”

Trí Bảo :

Tương thức man thiên hạ!
Tri âm năng kỷ nhân?

? Dịch :

Quên biết khắp thiên hạ!
Tri âm đặng mấy ai?

Bèn bái biệt về núi.

Trên đây xét về nguyên lai của sống chết, Đạo Huệ lấy quan điểm Bản thể Chân Như đồng nhât, bình đẳng để trả lời, cho bản thể như biển nước vô biên, mà sông chết chỉ là sự lên xuống nhấp nhô của sống nước. Như vậy thì lên xuống nhấp nhô cũng chỉ ở trong mặt bể nước mà thôi.

 Trí Bát.

Với Trí Bát (1049 – 1118) thì Sinh Tử là lẻ tất nhiên, đã tất nhiên thì còn ngạc nhiên hay thắc mắc làm chi ? Nhưng phải chăng là thái độ túc mệnh (fatalisme) ? Hãy xét lời kệ của Sư khi nhập tịch :

Hữu tử tất hữu sinh
Hữu sinh tất hữu tử
Tử vi thế sở bi
Sinh vi thế sở hỷ
Bi hỷ lưỡng vô cùng
Hốt nhiên thanh bỉ thử
Ư chư sinh tử bất quan hoài
Úm tô lô tất lý!

? Dịch :

Có chết tất có sống
Có sống tất có chết
Chết thế gian khóc
Sống thế gian mừng
Khóc mừng đều vô cùng
Bỗng nhiên phân kia khác
Sống chết chẳng quan hoài
Um tô lô tất lại !!!

Như vậy là Trí Bát cho vấn đề sinh tử là lẽ tất nhiên của sự vật, người ta quan tâm đến vô ích, chỉ phải thay đổi thái độ chủ quan của mình đi thôi.

 Bảo Giác.

Đây cũng là thái độ của thiền sư Bảo Giác khi truyền tâm ấn cho Tĩnh Giới, vào khoảng niên hiệu Chính Long Bảo Ứng (1163 – 1173) :

– “Sinh , lão, bệnh, tử là cái lẽ thường nhiên ở đời, riêng ta làm sao mà thoát khỏi được?” “Sinh lão bệnh tử thế chi thường nhiên, khởi ngộ độc miễn?”

Rồi phá lên cười mà đọc bài kệ thị tịch :

Vạn pháp qui không vô sở ỷ
Quy tịch Chân Như mục tiền ky
Đạt ngộ tâm viên vô sở chỉ
Thủy thủy tâm nguyện mân tâm nghĩa

? Dịch :

Vạn vật trở về Không hư hết chỗ nương
Trở về yên lặng Chân Như, Cơ trươc mắt
Đạt tới giác ngộ Tâm viên mãn không vạch ra được
Cũng như nước với nước, tâm với trăng, nghĩa của tâm lặn.

Ở đây không phải thái độ túc mệnh, mà là thái độ đạt tới một cảnh giới viên mãn tự túc của tâm như trăng chìm vào nước, đáy nước tìm trăng, không tìm thấy cái ý nghĩa hợp lý tương đối của tâm nữa. Như thế là giác ngộ cái nghĩa Thường nhiên qua Thiên nhiên như “Thủy nguyệt, Nguyệt tâm” = Trăng nước, trăng tâm” đến thực tại sống động “Tự nhiên nhi nhiên” như ở Ni Sư Diệu Nhân (1042 -1115) đã nói ở trên :

Sinh, lão, bệnh, tử
Tự cổ thường nhiên
Dục cầu xuất ly
Giải phộc thiêm triền
Mê chi, cầu Phật
Hoặc chi, cầu Thiền
Thiền, Phật bất cầu
Uổng khẩu vô ngôn!

Nghĩa là vấn đề sinh tử không vấn đề tri thức siêu hình có thể giải quyết được, mà là vấn đề “ngậm miệng không nói” tức là thực hiện bằng cả tình, ý, trí, bằng cả thâm tâm đến chỗ bình thản thản nhiên, không đau đáu vào đấy, cũng không quay đi mà biến thành chính lẽ sông vậy.

 Đại Sả.

Làm thế nào để có thể biến sinh tử thành chính lẽ sống được, đó là điều mà Lý Anh Tông rất thắc mắc, mới đem hỏi Thiền Sư Đại Sả (1110 – 1171) :

– Trẫm nhiều nỗi phiền hoặc, có cách gì chữa được không ? “ Trẫm đa phiền hoặc, hà thuật trị chi?”

Sư thưa :

– Phép thập nhị nhân duyên (pratitya-samutpada nidãnas) là cái căn bản sống chết tuần hoàn, muốn lấy cái đó mà chữa, ấy là thuốc vậy.

Vua lại hỏi ý nghĩa thế nào? Sư thưa :

– Vô minh nhân duyên hành, mới đến cảnh lo thường khổ não. Muốn cầu Phật Bích Chi (Pratycka Buddha) cần thuyết thập nhị nhân duyên (nidãnas) nên tu sữa trong thân này thì không còn nghiệp (karma) phiền não nữa.

Vua lại hỏi :

– Như thế thì trẫm nên phải tĩnh tâm tu tập?
Sư thưa :

– Khi nào cấm chỉ được nghiệp thức đến chỗ yên tĩnh thì ấy là phiền não lắng trong, không có phép nào khác để giải thoát phiền não.

Trên đây chúng ta thấy được vấn đề sinh tử là một đại sự cho nhà Vua, vì là đầu mối của phiền não. Chúng ta ai cũng muốn sống, sống mãi, nhất là sống như một nhà Vua. Nhưng cả đến nhà Vua cũng như người thường đều phải chết, điều ấy chắc chắn. Đấy là thân phận con người, chúng sinh. Và chính đấy là thực kiện, là đề tài cơ bản của tất cả triết học hay đạo học. Người ta bắt đầu suy nghĩ, thắc mắc, lo âu vì người ta đau khổ. Hễ bắt đầu người ta ý thức điều gì, vật gì là tự thấy đứng trước sự mâu thuẫn, bởi vì người ta chỉ cảm thấy tồn tại, có thật ở tại cá nhân mình phân biệt với chung quanh, và đứng ở giữa chúng sinh đều cùng một đòi hỏi ấy cả. Tất cả tâm hồn người ta đều phát triển trong vòng tương đối lưỡng nguyên mâu thuẫn của hai địch thủ, cái ta và cái không phải ta. Cái hình ảnh đồng nhất tính người ta luôn luôn bị chia xẻ, giằng co về hai đầu cực đoan, Ngã và Phi Ngã. Và thần Chết, hình ảnh của hư vô, không tồn tại, không có thực hiện ra lù lù trong tưởng tượng hay tình cảm với tất cả lo sợ nó đem lại. Đấy là điều nhà Vua đang áy náy.

Nhà Sư đưa thuyết Nhân Duyên là giáo lý cốt cán của Phật giáo để giải đáp. Tất cả sự vật trong thế gian, đều tồn tại quan hệ với nhau, không có cá tính riêng tồn tại. Chừng nào chưa ý thức điều ấy thì còn đau khổ, vì bị lệ thuộc vào ảo ảnh cho là thật có, tồn tại. Vậy muốn hết phiền não thì phải tu tập cho cái tâm hết vọng động, hết bỏ mồi bắt bóng, hết cả nghiệp thức tính toán suy bì, ngõ hầu tâm được an tĩnh như nước không nổi sóng, bao nhiêu vẩn đục lắng chìm, mà phiền não theo đấy tiêu tan. Theo Đại Sả thì mối phiền não chính của người ta là sinh tử, mà sinh tử căn bản tuần hoàn như vòng nhân duyên của Đức Phật dạy. Tuần hoàn là vòng thời tiết, xuân sinh, hạ trưởng, thu liễm, đông tàng, của nguồn sống sinh sinh dịch hóa không gián đoạn, đấy là cảnh tượng thiên nhiên bày ra trước mắt hầu như để ngầm bảo dẫn dụ chúng ta vậy. Nhưng chúng ta đã mê muội vô minh tự ý thức mình đứng tách ra ngoài nguồn sống vũ trụ, phân biệt cái này cái kia, ngoại giới với nội giới, tùy theo cái tính “hiếu ố chi dục” dần dần ly khai với cái Tâm linh vũ trụ “Thiên địa chi tâm”. Đấy là bắt đầu vô minh nó hành động ở thân tâm mình, mà Nghiệp thức cứ nối tiếp hỗ tương như cái dây xích giằng co vô tận. Đấy là vòng Luân hồi (Samsara) do Nghiệp báo (Karma) tạo nên. Cắt đứt được Nghiệp thức đi thì luân hồi hết, mà tâm cá nhân lại nối được với nguồn sống tâm linh tuần hoàn bất tuyệt ở vũ trụ.

Nguồn sống vũ trụ ấy biểu hiện ra điều lý tuần hoàn của thời tiết, nhịp điệu sinh thành hóa dục của muôn vật cũng gọi tắt là Lý, là Pháp (Dharma Samatana) Đạo lý vĩnh cửu theo nhà Phật.

 Thường Chiếu.

Cho nên Thường Chiếu đời Lý Cao Tông mới trả lời môn đệ như sau:

Có Thầy Tăng hỏi:

– Khi vật ngã hỗ tương bám víu làm nhân duyên cho nhau thì như thế nào? “ Vật ngã phàn duyên thời như hà?”

Thường Chiếu đáp:

– Quên cả vật ngã, tâm tính không thường còn, chợt sinh chợt mất, khoảnh khắc không dừng lại, còn ai là phàn duyên bám víu? Sinh ra là vì có vật mới sinh, mất đi vì vật mất, chỗ sở đắc của Pháp kia là thường xuyên không sinh, không diệt.

Ở đây Thường Chiếu đồng nhất vấn đề sinh tử với vật ngã, vì có sự mê vọng chấp vào Ngã đối lập với vật ngoại như là hai thế giới biệt lập xung đột cho nên mới phân biệt hai phương diện của một vận động ra sinh tử hay sinh diệt. Vật ngã là do tâm ý thức mà ra, tâm là tác dụng của tính bản thể, tác dụng luôn luôn sinh diệt, tác dụng không phát động thì có chi sinh diệt nữa, cho nên Vật Ngã cùng còn, cùng mất, bản tính không tác dụng phân hóa đối đãi nữa, hoàn toàn lắng chìm thanh tĩnh thì thường tồn (permanent) mà không có sinh diệt.

 Thuần Chân.

Bởi vậy mà Thuần Chân đời Lý Nhân Tông khi sắp viên tịch mới thuyết bài kệ này cho đệ tử là Thiền sư Bản Tịch:

Chân tính thường vô tính
Hà tằng hữu sinh diệt
Thân thị sinh diệt pháp
Pháp tính vị tằng diệt.

? Dịch:

Bản tính Chân Như thường không cá tính
Làm sao có thể từng sinh diệt?
Thân thể là hiện tượng sinh diệt.
Thể tính của hiện tượng chưa từng sinh diệt.

Đây là Thuần Chân phân ra hai phương diện của Thực tại là Thể tính và Tác dụng, hay Thể và Dụng như ở Triết Tây gọi là Essence và Existence, hay Phật giáo gọi là Samsara = Luân hồi và Nirvana = Niết bàn. Phân ra như thế chẳng qua để nhượng bộ cho thường thức hay trừu tượng hóa những kinh nghiệm của đời sống hàng ngày. Sự thực trong vũ trụ không có gì tồn tại độc lập, có cá tính tồn tại riêng biệt tuyệt đối. Tất cả đều tương đối như có với không, sinh với diệt, Niết bàn với Luân hồi. Chừng nào còn đi tìm Niết bàn là vì còn ở trong Luân hồi, đến khi đạt đến Niết bàn thực sự rồi thì Luân hồi cũng mất theo. Đấy là tùy theo quan điểm nhìn vậy. Ở trong cái ý thức thuần lý thì có Vật và Ngã là hai lưỡng nguyên, vượt lên ý thức trực giác hợp cả tình lẫn lý thì Vật mất mà Ngã cũng mất.

 Thông Sư.

Điểm này Thông Sư Đại sĩ cuối thời nhà Lý, giải thích cho ta rõ hơn.

Có người hỏi Thông Sư:

Như thế nào là hạng người xuất thế? “Như hà thị xuất thế nhân?”

Thông Sư đáp:

– Chẳng thấy có cổ nhân dạy rằng: Chỉ xem ngũ uẩn (sắc: hình tướng; thọ: tri giác; tưởng: ý thức; hành: động tác; thức: tri thức) đều không hư, tứ đại (thủy, hỏa, địa, phong) không có tự ngã, chân tâm không có hình ảnh, không đi, không lại, lúc sống tính không đến, lúc chết tính không đi, thâm sâu, đầy đủ, yên lặng, tâm chủ quan với cảnh khách quan như một. Được như thế thì bừng hiểu thấu ngay lập tức, không bị lệ thuộc vào ba giới (dục, sắc, vô sắc giới). Như thế là hạng người xuất thế vậy. Nhất là không được có mảy may xu hướng.

Lại hỏi:

– Thế nào là ý nghĩa vô sinh? “Như hà thị vô sinh nghĩa?”

Thông Sư đáp:

– Phân biệt các uẩn trên đây thì thấy tính của nó vọng không hư, yên lặng. Không hư không giới hạn cho nên không thể diệt, đấy là ý nghĩa vô sinh, không có diệt thì cũng không có sinh.

Lại hỏi:

– Như thế nào là cái lý vô sinh? “Như hà thị vô sinh lý?”

Thông Sư đáp:

– Cái công việc điều hòa năm uẩn làm rõ tính không hư ra. Tính đã không hư vô giới hạn thì không có thể diệt, đấy là cái lý vô sinh, nghĩa là có lý vô sinh mới có sự việc điều hòa ngũ uẩn.

Như thế có nghĩa là ở tâm ta thường có năm tác dụng sắc, thọ, tưởng, hành, thức, hoạt động biến hiện sinh diệt không một lúc ngừng. Những tác dụng ấy ngụ có cái gì tác dụng ra, ấy là thể tính của tâm, có thể tính mới có sự điều hòa. Những thể tính của tâm vốn không có tướng, không có hình ảnh “Chân tâm vô tướng” như Thông Sư đã nói, chỉ thấy ở đâu có tác dụng thì phải có cái gì tác dụng ra, cho nên bảo là cái sự điều hòa năm uẩn, điều lý tác dụng của tâm khiến người ta thấy có thể tính bên trong tiềm tàng không hình tướng, không cho phép giới hạn vào những danh lý khái niệm cố định cho nên bảo là Tính Không. Cái ấy là bản thể mà Kinh Hoa Nghiêm gọi là Lý, còn tác dụng của nó gọi là Sự. Sự với Lý không dời nhau, Sự ở trong Lý biểu hiện ra, Lý ẩn đàng sau Sự mà điều động. Khi nào “Sự Lý vô ngại” nghĩa là giữa bản thể và tác dụng, tính Không và sắc tướng, Niết bàn và sinh tử không còn chống đối, trở ngại, xung đột nữa, đấy là Lý Nghĩa vô sinh, vì sinh không còn mâu thuẫn với diệt. Tóm lại những tác dụng của tâm hay là Nghiệp thức tuy phân biệt ra sắc, thọ, tưởng, hành, thức hiện lên biến đi nhưng vẫn tương quan với nhau mà tồn tại, đấy là Nghĩa vô sinh. Sở dĩ tương quan tồn tại là vì có một cơ bản tồn tại thường xuyên là thể tính hay tâm thể, đấy là Lý vô sinh vì thể tính không lệ thuộc vào điều kiện, thời gian không gian, tự nó vô hạn là tính Không (Sunyata).

W. Watts nhận xét rất tinh vi rằng:

“Theo thuyết Pháp giới = Dharmadhatu) của Hoa Nghiêm Kinh (Avatamsaka Sutra) thì hòa điệu riêng của vũ trụ được thể hiện khi nào mỗi sự vật có được khả năng tự tại, tự là mình, tự do, hồn nhiên không có sự can thiệp. Hay là nói cách chủ quan hơn, thì cốt để cho mọi vật tự nhiên nhi nhiên, không tự tách mình khỏi vũ trụ, và không cố ý định xếp đặt vũ trụ. Như vậy thì thái độ ấy với thái độ khó mặc con tạo xoay vần có sự khác nhau thâm thúy, ví như cách chúng ta cử động chân tay, chúng ta không cần phải lấy tay nhấc từng cẳng chân lên một mới có thể đi được. Thân thể cá nhân như vậy là một cơ thể, một hệ thống “sự sự vô ngại” nghĩa là mỗi sự vật tự nó đầy đủ, tự nhiên, tự động. Và một Đức Phật ý thức được rằng tất cả vũ trụ là bản thân mình, một hòa điều kỳ diệu từ bên trong hơn là có sự can thiệp ngoại lai”.

(The Way Of Zen – Mentor book – New York 1929. Tr 78)

Chính với ý nghĩa ấy mà Thông Sư đã giải đáp cho đệ tử khi hỏi:

• Thế nào là Phật? “Như hà thị Phật?”

Thông Sư đáp:

• Bản tâm là Phật, cho nên Đường Tam Tạng Huyền Trang nói: “Chỉ cốt hiểu thấu cơ bản của tâm, cho nên gọi là “tổng trì ngộ Pháp vô sinh” có tên là diệu giác”.

Diệu giác là cái Biết Bản thể cùng cực huyền diệu của Phật tâm nhờ có Trí Huệ (Prajna) có thể thâm nhập vào bản tính của thực tại nó khích động lòng từ bi ( karuna) bác ái đối với tất cả chúng sinh trong vòng mê muội. Nhờ cái tâm vừa trí vừa tình, hay là Bi Trí hoặc Diệu Giác ấy mà Bồ tát đã vào Niết bàn lại trở về cõi Sinh tử Luân hồi, vì Giác ngụ ý Sắc = hình tướng là Không mà Diệu ngụ ý Không tức là Sắc = hình tướng. Do đấy mà Niết bàn cũng là Luân hồi, mà Sinh tử cũng là vô sinh nhìn ở quan điểm Bản thể hay Tâm Địa. Ở đấy thiện ác, phải trái của thường thức đã phân biệt, so sánh, suy bì không còn ý nghĩa nữa, vì những giá trị ấy thuộc về bình diện nhân sinh tương đối trong điều kiện thời gian không gian, còn ở đây là bình diện vũ trụ siêu nhiên thì tuyệt đối không còn đối đãi nữa. Bởi thế mà Tức Lự Thiền Sư, khi mới theo học Thông Thiền Đại Sĩ, có cử chỉ lạ lùng như sau:

“Thường trong ngày giải hạ, Tức Lự đặt bẫy bắn được một con chim bồ cốc đem biếu Thầy. Đại Sĩ kinh ngạc hỏi:

• Con đã làm Tăng sao còn phạm giới sát sinh, ngày sau quả báo làm thế nào?

Tức Lự thưa:

• Chính con lúc làm, không thấy có vật ấy, cũng không thấy có thân con này, và cũng không biết có việc quả báo sát sinh, cho nên con mới làm như thế.

Thông Thiền nghe nói biết là hạng có căn lợi khí của Pháp, mới cho vào tĩnh thất mật truyền rằng:

• Nếu con dùng sức đến tận tâm điền địa thì dù còn có phạm vào tội lỗi ngũ nghịch thất già cũng được thành Phật!

Đấy là tu đạt đến Tâm Địa Diệu Giác, cũng là “ Pháp vô sinh”, vượt lên trên tất cả mâu thuẫn của Sinh tử, thiện ác, thị phi ở bình diện tương đối lưỡng nguyên.

Bảo Giác Thiền Sư (1173) nói:

Tâm Đức Như Lai không thể hiểu được. Chỉ nên dùng cái trí vô lượng mới biết được tâm Ngài, ví như khoảng không hư là nơi hết thảy mọi loài nương tựa đó. Ấy là trí tuệ Đức Như Lai cũng giống như thế.

Bảo Giác ví tâm ấy như Ngọc Nhật Quang Mani huyền diệu như Mặt Trời mọc lên đánh tan ngay lập tức hết sương mù đem tối lo âu, không phải soi sáng dần dần tùng bộ phận một như lý trí đau đáu suy nghĩ:

Đắc thành chính giác hãn bằng tu
Chỉ vi lao lung trí tuệ ưu
Nhận đắc Ma ni huyền diệu lý
Chỉ như thiên thượng hiển kim ô.

? Dịch:

Tu thành chính giác hiếm nên công
Trí tuệ lo âu thoát khỏi vòng
Nhận được Nhật quang huyền diệu lý
Bầu trời chói lọi một vầng hồng.

Tâm Như Lai Diệu giác hành động với sức mầu nhiệm của tình yêu vô hạn, không so sánh phân biệt mà thông cảm bao dung khác với Lý trí.

Trí giả do như nguyệt chiếu thiên
Quang hàm trần sát chiếu vô biên
Nhược nhân yêu thức tu phân biệt
Lĩnh thượng phù sơ tỏa mộ yên.

? Dịch:

Trí tuệ sáng soi ngập một trời
Sáng soi cát bụi cả nơi nơi
Người ham trí thức lo phân biệt
Đỉnh núi mơ màng tỏa mù hơi.

Vì tâm Diệu Giác ấy vừa là chủ động và là hành động, hồn nhiên vô tư cho nên không bị Nghiệp thức chi phối nữa. Đấy là Tâm Thiên Địa không phân biệt hồn nhất “vô vi nhi vô bất vi” “ không có dụng tâm làm trong việc làm”, cho nên có thể bảo là sát sinh mà vẫn thành Phật. Ở đây có thể mượn bài thơ của Emerson để chứng minh cái ý nghĩa “dụng đáo giá điền địa” = “sử dụng đến tâm địa ấy” của Thông Thiền nói trên:

Brahma = Phạm Thiên Hay Đại Ngã
If the red slayer think he says
Or if the slain think he is slain
They know not well the subtle ways
I keep, and pass, and turn again
(W. IX 195 – Emerson: A modern anthologi – Laurell ed.)

? Dịch:

Đao phủ máu me tưởng mình giết
Hay tử hình tưởng mình bị giết
Đạo diệu huyền ngươi đều chưa biết
Ta ở, Ta đi, không vĩnh biệt!

Cái Ta “Bất biến ứng vạn biến” ấy là Diệu Giác tâm vô sinh tử, đã giải quyết được nỗi thắc mắc lo âu chính yếu của các Thiền Sư Việt Nam đời nhà Lý. Đấy là vấn đề “Liễu sinh tử” rất trọng đại mà các Ngài đã thực hiện, kể từ Cứu Chỉ Thiền Sư, cho đến các chư vị Thiền Sư: Trí, Thiện Hội, Vân Phong, Quảng Nghiêm, Trí Bảo, Đạo Huệ, Trì Bát, Bảo Giác, Đại Sả, Thường Chiếu, Thuần Chân, Thông Sư v.v… mỗi người một khía cạnh đã nhìn thấu suốt vấn đề, xây dựng thành nền tảng cho tinh thần hợp nhất Tam giáo, nhờ đấy mà các tín ngưỡng có thể thông cảm với nhau hòa hợp.

Nhưng giải pháp Liễu sinh tử đây; như chúng ta thấy không phải là một hệ thống siêu hình học thuần túy tri thức, nó là một khoa tu luyện, căn cứ vào thực nghiệm thâm tâm. Người ta có lo âu đau khổ thì mới tìm thuốc chữa, thì mới nghiên cứu triết học siêu hình, ngõ hầu thấy được ánh sáng chân lý để giải quyết lo âu. Ở đây sự lo âu chẳng phải là tầm thường, nó là lo âu về sống chết. Cho nên chẳng phải lý thuyết suông, suy luận trừu tượng có thể mang lại thuốc chữa cho căn bệnh hiểm nghèo. Sự lo âu về sống chết đâu phải triết học hệ thống có thể tiêu trừ. Muốn tiêu trừ thì ít ra phải có phương pháp làm biến đổi căn bản con người mắc bệnh, từ một tâm hồn này sang một tâm hồn khác, biến đổi đến cả thân phận con người đi. Đấy là cái tâm Diệu Giác mà các Thiền Sư Việt Nam trên đây đã thực nghiệm bản thân, đem lại cho chính bản thân họ giải pháp thực tế, là một đời sống mới, một tâm hồn mới, một sức tín ngưỡng vững chắc như kim cương để phá tan các mối hoài nghi, lo âu về sống chết. Sống chết là đầu mối lo âu của nhân loại, và nhân loại vì lo âu nên mới có tôn giáo này, tôn giáo khác, triết học nọ, triết học kia, cả đến khoa học nghệ thuật cũng do đấy mà phát sinh, cho nên không lạ gì thấy các Thiền Sư đời Lý đã chú ý đặc biệt đến vấn đề sinh tử, coi như một Đại Sự! “Sinh tử sự đại”.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. BỐN GIAI ĐOẠN CỦA CUỘC ĐỜI
  2. VĂN HÓA TÂM LINH

Bài viết mới

  1. LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ ĐƯỢC “NĂNG LỰC LÀM NGƯỜI”
  2. MỘT CÁI NHÌN RÕ RÀNG VỀ CHÍNH MÌNH: NHỮNG ĐỐI TRỊ VỚI SỰ KIÊU MẠN
  3. NGƯỜI NÀO PHÔ TRƯƠNG, KẺ ĐÓ TỰ TI