VĂN HÓA TÂM LINH

GS. NGUYỄN ĐĂNG THỤC

Văn hóa vốn là sản phẩm tinh thần của nhân loại trong sự điều hòa thích ứng với hoàn cảnh địa lý lịch sử để sinh tồn. Nó là sản phẩm tập thể của loài người, chỉ có thể sinh sống và phát triển trong đoàn thể, trong nhân quần xã hội. Bởi vậy mà một đoàn thể người đã có địa bàn sinh hoạt riêng biệt, có một lịch sử tranh đấu lâu dài với ý chí độc lập thì ắt phải có sáng tạo văn hóa với một tinh thần thích hợp cho điều kiện thực tế sinh tồn của nó. Cái tinh thần văn hóa ấy không phải tự trên trời mờ mịt rơi xuống, mờ phải tự dưới đất mọc lên, ví như bông hoa hay trái quả chỉ có mầu sắc hương vị đặc biệt của khí hậu hay thổ ngơi sản sinh ra nó.

Thiền học cũng chính là một đặc trưng văn hóa do điều kiện sinh tồn đặc biệt của nhân loại cõi Lĩnh Nam, đất Giao Chỉ chỗ các trào lưu văn hóa ngưng tụ. Hay là như nhà khảo cổ học Olov Jansé trong viện “Đông Phương Bác Cổ” (E.F.E.O) đã mệnh danh cho tập “Việt Nam Carrefour de Peuples et de Civilisations” – (France – Asie – Tokyo) “Việt Nam, ngã tư các dân tộc và văn minh”.

Giao Chỉ sớm là đầu mối giao thông đường biển giữa Trung Hoa và Ấn Độ, có quan hệ đối với việc du nhập Phật giáo và Bà La Môn giáo vào Đông Nam Á. Sách Tùy Thư quyển 31. mục Địa lý chí ghi chép rằng:

“Từ phía Nam dãy Ngũ Lĩnh có hơn hai mươi quân,… Nam Hải, Giao Chỉ mỗi nơi là một đô hội, đều ở gần biển, có nhiều tê giác, voi, đồi mồi, ngọc châu kỳ lạ báu quý, cho nên nhà buôn đến đông để làm giàu”.

Sự giao thông của đất Giao Chỉ với bên ngoài vào thời Tần Hán rất đáng chú ý. Căn cứ vào sử Tầu người ta có thể suy biết rằng Giao Chỉ ở về phía Tây Nam Trung Hoa, đất tiếp giáp biển, người Nam Dương và các nước khác đều do đường biển để vào Trung Hoa, phần nhiều phải qua Giao Chỉ để vào lục địa. Thời Tây Hán (206. Tr. C.N) Trung Hoa và Ấn Độ đã có giao thông trên biển. Một hai thế kỉ trước kỷ nguyên, vết chân của Sứ Thần Nam Hải như bán đảo Mã Lai, quần đảo Nam Dương đã thấy còn ghi chép trong lịch sử. Từ Hán Vũ Đế các cửa biển giao thông với ngoài có Nhật Nam, Hợp Phố. Cho đến Đông Hán, Nhật Nam ở Giao Chỉ trở nên con đường qua lại bắt buộc của các nước hải ngoại đến cống hiến nhà Hán. Trong sử Tầu còn ghi chép tên các nước ấy như: Diệp Điều Quốc (Java), Thiện Quốc (Bắc Birmanie), Thiên Trúc Quốc (Ấn Độ), Đại Tần Quốc (Rome).

Từ Hán đến Lục Triều sự giao thông đường biển của Giao Chỉ với bên ngoài thực có quan hệ mật thiết với sự du nhập của Phật giáo vào Trung Hoa. Bởi thế mà cuối thế kỷ thứ II Tây Nguyên mới có sự biểu dương tinh thần tống hợp văn hóa Trung Hoa và Ấn Độ ở “Nam Giao Học Tổ” là Sĩ Nhiếp “thâu nạp nhân sĩ không giới hạn vào Nho sĩ”, “ra vào các Sãi xông trầm đi theo hai bên”, và nhất là Mâu Bác với sách “Lý Hoặc Luận”, trong đó tác giả đã nêu cao tinh thần tổng hợp:

“Xét lý thuyết trong kinh Phật, xem yếu lý của sách Lão Tử, giữ lấy bản tính điềm đạm, nhìn cái hành động vô vi, rồi ngó lại sự đời khác nào như đứng lên trên trời mà nhìn xuống khe hang, lên đỉnh cao mà thấy gò đống vậy”.

Đấy là khuynh hướng tổng hợp của văn hóa Giao Chỉ, bấy giờ là nơi gặp gỡ giao lưu giữa văn hóa Trung Hoa từ phương Bắc xuống và văn hóa Ấn Độ từ ngoài biển Tây Nam vào. Truyện thần thoại Chử Đồng Tử là Tổ dòng Đạo Việt Nam, sùng bái Thần Tiên, từng được Phật Đĩnh Quang ở hải đảo truyền cho Phật Pháp, thực đã bộc lộ được cái khuynh hướng văn hóa cởi mở của “ngã tư dân tộc và văn minh” Việt Nam vậy. Cái khuynh hướng tổng hợp văn hóa ấy đã tìm được cái tinh thần đặc biệt của nó ở Thiền Tông, một thực nghiệm tâm linh siêu danh lý suy luận, một “Giáo ngoại biệt truyền”, nghĩa là “truyền thống đặc biệt ngoài cả giáo lý”, tức là cái tinh thần khai phóng lên trên các hệ thống đóng cửa độc tôn thâu hóa có sáng tạo, “đồng qui nhi thù đồ”. Cùng một loài với thực nghiệm tâm linh mà W. James đã mô tả trong “The Varieties Of Religions Experence” (Thực nghiệm tôn giáo khác nhau).

“Cái sự vượt lên trên tất cả biên giới thông thường giữa cá nhân và Tuyệt đối ấy là sự thành tựu lớn của tâm linh thực hiện. Trong trạng thái tâm linh thực hiện chúng ta vừa trở nên hợp nhất với Tuyệt đối vừa ý thức cái sự hợp nhất của chúng ta. Đấy là truyền thống tâm linh không gián đoạn và thành công ít có thay đổi vì khí hậu và tín điều khác nhau. Ở Ấn Độ giáo, ở Tân Bá Lạp Đồ học, ở Hồi Giáo, ở tâm linh Cơ Đốc Giáo, ở Whitman học, chúng ta đều thấy có một luận điệu nhắc đi láy lại, đến nỗi về những phát biểu tâm linh có một sự đồng tâm nhất trí vĩnh viễn, khiến cho nhà phê phán phải dừng lại để suy nghĩ. Và nó đạt tới điều này như người ta đã nói là điển tịch tâm linh có một sự đồng tâm nhất trí vĩnh viễn, khiến cho nhà phê phán phải dừng lại để suy nghĩ. Và nó đạt tới điều này như người ta đã nói là điển tịch tâm linh không có thời đại và xứ sở khai sinh. Luôn luôn nói về cái đồng nhất tính giữa con người với Thượng Đế, lời nói của nó có trước ngôn ngữ và nó không bao giờ già cỗi”.

(William James – The Varieties Of Religions Experience A. Mentor Book)

Tập sách “Thiền Học Việt Nam” này muốn trình bày “điển tịch tâm linh” của một số Thiền Sư Việt Nam đã thực hiện trên đất Giao Chỉ thời Bắc thuộc và thời bắt đầu trở nên lãnh thổ Đại Việt. Ngoài tinh thần chung của tâm linh thực hiện thế giới, nó còn mang nặng mầu sắc dân tộc của nó nữa. Vẻ chung đáng quí bao nhiêu thì vẻ riêng càng nên quí bấy nhiêu.

Gia Định ngày 20 tháng 10 năm 1966
Tác giả Cẩn Chí.

THIỀN HỌC VIỆT NAM – Nguyễn Đăng Thục – NXB Thuận Hóa, 1997.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. CUỘC ĐỜI TU ĐẠO CỦA VUA TRẦN THÁI TÔNG (1218-1277)
  2. VĂN HÓA
  3. SỰ PHÁT TRIỂN XÃ HỘI VÀ VĂN MINH NHÂN LOẠI

Bài viết khác của tác giả

  1. BỐN GIAI ĐOẠN CỦA CUỘC ĐỜI
  2. VẤN ĐỀ SỐNG CHẾT TRONG THIỀN HỌC VIỆT NAM

Bài viết mới

  1. THỰC HÀNH BỒ ĐỀ TÂM
  2. LÒNG TỰ TRỌNG
  3. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT KHỞI LÒNG SÙNG MỘ