VÌ SAO CHÚNG TA THÍCH BÈ PHÁI ?

JONATHAN HAIDT

Trích: Tư Duy Đạo Đức – Vì Sao Những Người Tốt Bị Chia Rẽ Bởi Chính Trị Và Tôn Giáo; Trương Thúy Ngân dịch; NXB Chính Trị Quốc Gia Sự Thật.

 

Trong những ngày kinh khủng sau vụ tấn công 11 tháng 9 năm 2001, tôi cảm thấy một niềm thôi thúc rất bản năng đến nỗi tôi còn không dám thú nhận với bạn bè: tôi muốn dán hình lá cờ Mỹ lên xe ô tô của mình.

Niềm thôi thúc này có vẽ như tự nhiên xuất hiện, không có mối liên quan nào tới bất cứ việc gì tôi đã làm cả. Cứ như thể có một hộp báo động cổ xưa đã nằm sâu trong đầu tôi với dòng chữ ghi là, “Trong trường hợp bị nước ngoài tấn công, hãy đập vỡ kính và ấn nút” vậy. Tôi không biết rằng hộp báo động nằm đó, nhưng khi bốn chiếc máy bay đập vỡ kính và ấn nút thì tôi mới thấy dâng trào cảm giác là một công dân Mỹ. Tôi muốn làm gì đó, cái gì cũng được, để ủng hộ cho đội của tôi (là nước Mỹ). Giống như nhiều người khác, tôi đi hiến máu và ủng hộ tiền cho  Hội chữ thập đỏ. Tôi cởi mở hơn với người lạ và hay giúp đỡ họ hơn. Và tôi cũng muốn thể hiện tình yêu đội mình bằng cách treo cờ Mỹ lên cho mọi người thấy.

Nhưng tôi là một giáo sư đại học, mà giáo sư đại học thì không làm như thế. Vẫy cờ và chủ nghĩa dân tộc là thuộc về những người theo phe bảo thủ. Giáo sư đại học thì phải là những người đại đồng theo chủ nghĩa tự do biết nhìn rộng ra thế giới, và rất ngại nói rằng nước mình tốt hơn các nước khác. Nếu nhìn thấy xe ô tô nào ở trường UVA mà dán cờ Mỹ, bạn có thể chắc chắn rằng chiếc xe đó thuộc về một thư ký hay lao công nào đó.

Sau 3 ngày với một mớ hỗn độn cảm xúc mà trước đây chưa từng trải qua, tôi đã tìm ra cách giải quyết cho vấn đề của mình. Tôi dán cờ Mỹ ở một góc của kính sau, và dán cờ Liên hợp quốc ở bên góc còn lại. Như vậy nghĩa là tuyên bố rằng tôi yêu đất nước tôi, nhưng đừng lo, tôi không đặt quốc gia của mình cao hơn các quốc gia khác, và sự việc này, dù sao cũng là một cuộc tấn công đến toàn thế giới, đúng không?

Từ đầu cuốn sách tới giờ tôi đã dựng nên một chân dung bản chất con người có vẻ hơi yếm thế một chút. Tôi đã nói rằng Claucon đúng và rằng chúng ta quan tâm đến việc tỏ ra đúng đắn hơn là thật sự đúng đắn. Trực giác đến trước, lý lẽ chiến lược đến sau. Chúng ta nói dối, gian lận, và bỏ qua những tiêu chuẩn đạo đức khi ta nghĩ không ai phát hiện ra, và sau đó dùng tư duy đạo đức để bảo vệ thanh danh và biện minh cho những việc mình làm. Chúng ta tin vào những lý lẽ thêu dệt này đến nỗi thuyết phục được cả chính bản thân rằng mình là người đức hạnh.

Tôi thực sự tin rằng bạn có thể hiểu được phần lớn tâm lý học đạo đức bằng cách nhìn nó dưới góc nhìn của lợi ích cá nhân,và nếu vậy thì có thể dễ dàng dùng thuyết chọn lọc tự nhiên của Darwin để giải thích ở tầng lớp cá nhân. Gien là ích kỷ, và những gien ích kỷ tạo nên những con người với các môđun tâm lý khác nhau, mà một vài trong số chúng khiến cho chúng ta nhân ái một cách có chiến lược, không phải vào mọi lúc hoặc với tất cả mọi người. Bộ óc chính nghĩa của chúng ta được định hình bởi chọn lọc máu mủ cộng với lòng nhân ái có qua có lại tăng cường bởi những câu chuyện ngôi lê đôi mách và khả năng bảo vệ thanh danh. Đó là thông điệp của gần như tất cả những cuốn sách nói về nguồn gốc tiến hóa của đạo đức, và tất cả những gì tôi nói từ đầu tới giờ chưa có gì mâu thuẫn với những điều đó cả.

Nhưng trong phần III của cuốn sách này tôi sẽ cho bạn thấy vì sao hình ảnh đó vẫn chưa hoàn chỉnh. Đúng, con người thường ích kỷ, và nhiều hành động đạo đức, chính trị và tôn giáo của chúng ta có thể được hiểu như là những tấm màng mỏng manh để che giấu việc đeo đuổi lợi ích cá nhân. (Chỉ cần nhìn vào sự giả tạo của nhiều chính trị gia và các nhà lãnh đạo tôn giáo sẽ thấy). Nhưng cũng đúng là con người thích kết bè phái. Chúng ta thích tham gia vào các đội nhóm, câu lạc bộ, liên minh, và các loại phường hội. Chúng ta hoạt động vì lý tưởng của nhóm và sát vai với những người xa lạ để đạt được mục đích chung, nhiệt tình đến nỗi như thể bộ óc ta được thiết kế để làm việc nhóm vậy. Tôi không nghĩ ta có thể thấu hiểu đạo đức, chính trị và tôn giáo cho đến khi ta có cái nhìn toàn cảnh về sự kết bè phái của con người cũng như nguồn gốc của nó. Chúng ta không thể hiểu đạo đức của những người bảo thủ hay mô hình xã hội kiểu Durkheim mà tôi đã đề cập ở chương trước, nhưng chúng ta cũng chẳng thể hiểu chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản hay chủ nghĩa công cộng của phe cảnh tả được.

Để tôi diễn tả một cách chính xác hơn. Khi tôi nói bản chất con người là ích kỷ, ý tôi là bộ óc chúng ta chứa những cơ chế tâm lý giúp chúng ta giỏi vận động cho những lợi ích của chính mình trong quá trình cạnh tranh với người khác. Khi tôi nói rằng bản chất con người cũng là thích bè phái, ý tôi là bộ óc chúng ta cũng có những cơ chế tâm lý giúp ta giỏi vận động cho lợi ích của nhóm, trong công cuộc cạnh tranh với các nhóm khác. Mặc dù ta không thánh thiện gì nhưng cũng có lúc chúng ta là những động đội tốt.

Nói theo cách này thì nguồn gốc của cơ chế bè phái lại trở nên khó hiểu. Ngày nay chúng ta có tâm lý bè phái là do những cá nhân thích bè phái từ xa xưa đã đánh bại những cá nhân không thích bè phái trong cùng một nhóm? Nếu vậy thì đây là quá trình chọn lọc tự nhiên bình thường ở tầm cá nhân. Và nếu vậy thì đây là loại bè phái Glaucon – tức là con người chỉ quan tâm đến việc tỏ ra  trung thành chứ không phải trung thành thật sự. Hay là chúng ta có tâm lý bè phái (chẳng hạn phản xạ muốn tập trung quanh lá cờ) bởi vì những nhóm thành công trong việc tập hợp và hợp tác đã chiến thắng những nhóm không biết đoàn kết? Nếu vậy thì tôi lại đang động đến quá trình gọi là “chọn lọc nhóm”, mà chọn lọc nhóm thì đã bị giới khoa học cho là dị giáo từ những năm 1970 rồi.

 

Bình luận


Bài viết mới

  1. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT KHỞI LÒNG SÙNG MỘ
  2. QUẢN LÝ NĂNG LƯỢNG THAY VÌ THỜI GIAN CỦA BẠN
  3. KIÊN TRÌ ĐẾN LÚC THÀNH CÔNG