VUN ĐẮP CHO NGÂN HÀNG TÌNH CẢM

STEPHEN R. COVEY

Trích: 7 Thói Quen Tạo Gia Đình Hạnh Phúc- The 7 Habits of Highly Effective Families; Biên Dịch: Vương Khánh Ly-Phan Khánh Giang; Nguyễn Thu Giang - Nguyễn Chương; NXB. Trẻ

Có một cách hết sức thực tiễn, hữu dụng để hiểu và áp  dụng ý tưởng về tính chủ động, về tiếp cận vấn đề từ bên trong, về chú tâm vào Vòng tròn Ảnh hưởng: đó là sử dụng hình ảnh ẩn dụ “Tài khoản Ngân hàng Tình cảm”.

Tài khoản Ngân hàng Tình cảm là hình ảnh tượng  trưng cho chất lượng các mối quan hệ của bạn với mọi người. Giống như các tài khoản của ngân hàng tài chính, bạn có thể gửi vào, rút ra. Bạn gửi vào khi bạn chủ động làm những việc có thể xây dựng niềm tin trong các mối quan hệ, và bạn rút ra khi bạn hành động phản ứng làm giảm niềm tin của mọi người với bạn. Vào một thời điểm nhất định, sự cân bằng của niềm tin trong tài khoản của bạn sẽ quyết định việc bạn có thể giao tiếp tốt và giải quyết những rắc rối với người khác hay không.

Nếu bạn có số dư cao trong tài khoản với một thành viên nào đó trong gia đình, mức độ tin tưởng của thành viên đó với bạn cũng cao. Việc giao tiếp giữa bạn và người ấy sẽ tự do và cởi mở. Thậm chí bạn có thể phạm lỗi trong quan hệ của mình, nhưng số dư tình cảm hiện có sẽ bù đắp cho phần rút ra khi bạn phạm lỗi.

Nhưng nếu số dư trong tài khoản của bạn thấp, thậm chí bị âm, lúc ấy sự tin tưởng hầu như bằng 0, và không thể có được sự giao tiếp thực sự giữa hai người. Chẳng khác nào bạn đang đi trên một cánh đồng bị cài đầy mìn, bạn phải luôn cẩn thận với từng bước chân. Bạn phải suy xét từng lời nói của mình, vì ngay cả khi ý định của bạn có tốt đi nữa nhưng vẫn bị người kia hiểu lầm.

Hãy nhớ lại câu chuyện về anh bạn của tôi, người đã “tìm lại được cậu con trai của mình”. Bạn có thể nói rằng tài khoản tình cảm của anh ta với cậu con trai đã bị thâm hụt 100$, 200$, hay thậm chí 10.000$. Không có niềm tin, không có sự trao đổi thực sự nào, không thể ngồi lại cùng nhau để giải quyết vấn đề.

Khi người bố càng cố gắng, tình hình lại càng tệ hơn. Nhưng sau đó anh bạn tôi đã chủ động thay đổi. Anh tiếp cận vấn đề từ bên trong, và trở thành tác nhân của sự thay đổi. Anh ấy đã thôi không phản ứng lại cậu con trai. Và điều đó mang lại một số dư lớn trong tài khoản của anh trong Ngân hàng Tình cảm. Anh đã lắng nghe một cách chân thành, qua đó cậu con trai cảm thấy được tôn trọng, được hiểu và được cảm thông.

Một trong những vấn đề lớn nhất của văn hóa gia đình là xu hướng phản ứng lại, dẫn đến việc liên tục rút ra khỏi tài khoản tình cảm thay vì gửi thêm vào. Hãy suy xét về một ngày điển hình của một cậu thiếu niên mà người bạn của tôi, giáo sư Glen C. Griffin, đưa ra. Hãy xem việc giao tiếp theo kiểu này có ảnh hưởng gì tới cán cân trong tài khoản ở Ngân hàng Tình cảm của bạn hay không. Hãy nhớ, yêu là một động từ. Một trong những lợi ích lớn nhất mà Thói quen sống chủ động mang lại là bạn lựa chọn gửi vào thay vì rút ra. Trong bất kỳ tình huống nào, luôn luôn có những việc mà bạn có thể làm để cho mọi quan hệ của bạn trở nên tốt đẹp.

Một ông bố dượng đã chia sẻ kinh nghiệm của mình như sau:

Tôi luôn tự thấy mình là một người trung thực và chăm chỉ.

Tôi thành công trong công việc và trong quan hệ với vợ con, ngoại trừ đứa con gái 15 tuổi của tôi, Tara.

Tôi đã nỗ lực rất nhiều để hàn gắn mối quan hệ rạn nứt với cô con gái, nhưng chẳng mang lại kết quả gì. Nó  không tin tưởng tôi. Mỗi khi tôi cố gắng để giải quyết sự khác biệt giữa chúng tôi thì tình hình lại tồi tệ thêm.

Sau đó tôi được biết về Ngân hàng Tình cảm, và một câu hỏi đã thực sự làm tôi phải suy nghĩ nghiêm túc: “Hãy tự vấn bản thân, xem sự hiện diện của mình có giúp cho mọi thứ vui vẻ và tốt đẹp hơn hay không?”.

Trái tim tôi đã trả lời là: “Không. Trong cái nhìn của Tara thì sự hiện diện của tôi chỉ làm cho mọi thứ tồi tệ hơn”.

Điều đó thực sự làm tôi rất đau đớn.

Sau cú sốc ban đầu đó, tôi nhận ra sự thật đáng buồn chỉ có thể thay đổi khi tôi đổi thay chính mình, đổi thay tình cảm của mình. Tôi không những phải cư xử khác đi, mà còn cần  phải thể hiện tình thương thực sự với cô con gái của mình. Tôi phải chấm dứt mọi sự chỉ trích, đổ lỗi lên đầu nó, và từ bỏ ý nghĩ kết tội nó là nguyên nhân dẫn đến mối quan hệ không tốt. Những điều một thiếu niên phải nghe trong một ngày:

6:55 A.M. Dậy đi, nếu không con sẽ bị muộn bây giờ.

7:14 A.M. Này, con phải ăn sáng đã chứ.

7:16 A.M. Sao con giống như các nhân vật trên mấy bộ phim rác rưởi thế hả. Lấy cái gì tử tế mà mặc đi.

7:18 A.M. Đừng quên đổ rác đấy.

7:23 A.M. Mặc áo khoác vào. Con không thấy ngoài trời lạnh lắm à. Con không thể đi bộ tới trường trong thời tiết thế này đâu.

7:25 A.M. Mẹ mong là con sẽ về thẳng nhà sau khi tan học, và làm bài tập xong xuôi rồi mới được đi chơi đấy nhé.

5:42 P.M. Con quên không đổ rác rồi. Tại con mà rác sẽ ngập đến tận cổ cho tới tận tuần sau đấy.

5:46 P.M. Cất ngay cái ván trượt đi. Ai đó lỡ giẫm lên, ngã gãy cổ bây giờ.

5:55 P.M. Ăn tối thôi! Tại sao mẹ cứ phải tìm con mỗi khi đến giờ ăn thế nhỉ. Đáng lẽ là con phải giúp mẹ dọn bàn chứ.

6:02 P.M. Mẹ phải gọi con xuống ăn tối thêm bao nhiêu lần nữa đấy?

6:12 P.M. Tại sao con xuống ăn cơm mà vẫn cứ đeo tai nghe, và nghe thứ nhạc ầm ĩ đấy thế hả? Con có nghe mẹ nói gì không? Bỏ mấy thứ đó ra khỏi tai con ngay.

6:16 P.M. Đồ đạc của con cần phải được sắp xếp gọn gàng lại ngay. Phòng gì mà bày ra hàng đống lộn xộn. Con phải bắt đầu tự lo cho mình đi chứ. Nhà này không phải là một cung điện, không có người phục vụ con đâu.

6.36 P.M. Tắt trò chơi điện tử đi, lấy bát sạch ở trong máy rửa bát ra, cho bát bẩn vào. Khi mẹ bằng tuổi của con, chẳng có cái máy rửa bát nào hết, mẹ toàn phải rửa bát bằng tay thôi đấy.

Giữa hai cha con. Tôi cần phải chấm dứt mọi sự tranh cãi và áp đặt suy nghĩ của tôi lên đứa con gái.

Tôi biết, hoặc là mình phải hành động ngay, hoặc là không bao giờ. Tôi tự hứa: trong 30 ngày, mỗi ngày tôi sẽ gửi vào tài khoản ở Ngân hàng Tình cảm của tôi với Tara 5 lần, tuyệt đối không rút ra một lần nào.

Ban đầu tôi muốn tới gặp và nói cho Tara biết những điều mà tôi vừa nhận ra, nhưng sau khi suy xét, tôi thấy đây chưa phải là lúc để dạy bảo. Bây giờ là lúc phải hành động, là “gửi vào”. Vào cuối ngày hôm đó, khi Tara đi học về, tôi chào nó bằng một nụ cười thật tươi: “Hôm nay con thế nào?”. Nó chỉ đáp lại vắn tắt, “Thì bố thấy rồi đấy!”. Tôi đành nuốt sự ấm ức và cư xử như thể không nghe thấy điều đó. Tôi cười, đáp lại: “Bố chỉ tự hỏi không biết hôm nay con gái bố học ở trường thế nào thôi mà”.

Trong suốt nhiều ngày sau đó, tôi phải cố gắng kiên trì để thực hiện cam kết của mình. Tôi để những mẩu giấy “nhắc nhở” mình khắp nơi, thậm chí là ở gương chiếu hậu của xe hơi. Tôi phải né tránh những lời nói chua cay của nó. Điều đó chẳng dễ dàng với tôi chút nào, vì từ trước tới nay tôi đã quen phản ứng tức khắc. Từng mỗi việc trải qua đều giúp tôi càng nhận ra quan hệ giữa tôi và con gái từ trước tới nay đã trở thành sự nhạo báng lẫn nhau như thế nào. Trước kia tôi chỉ toàn muốn con gái mình phải sửa đổi, thay vì chính tôi phải làm điều gì đó để mọi thứ tốt đẹp hơn.

Khi tôi chú tâm vào việc thay đổi suy nghĩ và hành động của chính mình, tôi bắt đầu nhìn nhận Tara theo một hướng khác. Tôi chớm nhận ra khát khao được yêu thương của cô con gái. Khi tôi bỏ qua những phản ứng tiêu cực, tôi cảm thấy mình có sức mạnh để yêu thương con nhiều hơn mà không hề có sự phẫn uất hoặc bực bội bên trong.

Tôi thấy mình bắt đầu làm những việc nho nhỏ cho con gái – một cách bất giác, tự nhiên. Khi Tara đang học bài, tôi nhẹ nhàng đi vào phòng và bật đèn lên. Tara hỏi “Chuyện này có nghĩa là gì vậy? ”, tôi đáp lại “Bố chỉ nghĩ là nếu đèn sáng hơn thì con sẽ đọc sách tốt hơn”.

Cuối cùng, sau hai tuần, Tara nhìn tôi đầy dò xét và hỏi: “Bố có cái gì đó khang khác. Chuyện gì đang diễn ra vậy?”.

Tôi nói: “Bố cảm thấy bản thân bố phải thay đổi một chút. Chỉ vậy thôi. Cảm ơn Chúa, giờ đây bố có thể bày tỏ tình yêu thương của bố dành cho con, và đối xử với con theo cách mà lẽ ra bố phải làm từ lâu rồi”.

Những lúc ở nhà, hai bố con tôi bắt đầu dành nhiều thời gian chỉ để trò chuyện và lắng nghe lẫn nhau. Đã hai tháng trôi qua, mối quan hệ của chúng tôi trở nên gắn bó và tích cực hơn rất nhiều. Dù chưa thể hoàn hảo, nhưng điều quan trọng là chúng tôi đã thay đổi. Sự khó chịu đã biến mất. Từng ngày trôi qua, niềm tin và tình thương yêu lại tăng lên. Tất cả có được nhờ một việc thật đơn giản mà sâu sắc: đó là gửi vào mà không rút ra khỏi tài khoản ở Ngân hàng Tình cảm – được thực hiện một cách kiên trì, chân thành. Khi bạn làm điều đó, bạn sẽ bắt đầu nhìn mọi người theo một cách khác, không còn vị kỷ mà vị tha.

Tôi đoan chắc một điều, nếu bạn hỏi con gái tôi là bây giờ nó nghĩ gì về bố nó, nó sẽ trả lời không chần chừ: “Bố à? Chúng tôi là những người bạn. Tôi tin tưởng bố”.

Bạn có thể thấy được cách thức áp dụng Thói quen sống chủ động của ông bố vừa nêu trên, nhằm tạo nên sự thay đổi thực sự trong mối quan hệ với cô con gái. Hãy để ý xem ông ấy đã sử dụng cả 4 kỹ năng như thế nào. Hãy xem cách mà  ông nhìn nhận lại bản thân mình và cô con gái, nhìn lại  toàn bộ tình huống một cách khách quan để nhận biết chuyện gì đang diễn ra. Hãy xem cách ông ấy so sánh giữa những điều đang diễn ra với những điều mà lương tâm ông mách bảo. Ông đã nhận ra điều gì là có thể. Thông qua sự tưởng tượng, ông ấy có thể hình dung ra một viễn cảnh khác với những gì từng diễn ra. Ông ấy đã sử dụng sức mạnh ý chí của mình để hành động.

Và khi ông bố đã sử dụng cả 4 kỹ năng, hãy xem điều gì đã xảy ra. Mọi chuyện được cải thiện đáng kể – không chỉ trong quan hệ mà còn cả trong cảm nhận của ông bố và cô con gái về chính bản thân mình. Dường như có một luồng gió mới xua tan đi không khí nhiễm độc tồn tại bấy lâu nay. Ông đã gửi vào tài khoản tình cảm rất nhiều lần, vì ông không còn để ý tới những lỗi lầm của người khác, mà chú tâm vào Vòng tròn Ảnh hưởng của mình, vào những gì ông có thể tác động được. Ông thực sự trở thành một tác nhân của sự thay đổi.

Hãy nhớ, khi bạn chỉ chăm bẵm vào những nhược điểm của người khác, lúc đó bạn tự đánh mất đi sức mạnh của 4 kỹ năng, khiến cho đời sống tình cảm của bạn trở thành hệ quả thụ động theo cách mà người khác đối xử với bạn. Bạn đã đem trao sức mạnh kiểm soát của mình, vào tay người khác.

Nhưng nếu bạn tập trung vào Vòng tròn Ảnh hưởng, tập trung làm giàu thêm tài khoản trong Ngân hàng Tình cảm của mình, xây dựng những mối quan hệ dựa trên sự tin tưởng và tình yêu vô điều kiện: bạn sẽ tác động lên người khác theo hướng tích cực!

—–?☘️?—–

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. THÓI QUEN THỨ BA: ƯU TIÊN NHỮNG VIỆC QUAN TRỌNG
  2. LẤY NGUYÊN TẮC LÀM TRUNG TÂM
  3. MỘT SỐ THÁCH THỨC CỦA KỶ NGUYÊN MỚI

Bài viết mới

  1. LỜI RĂN DẠY CỦA KHỔNG TỬ
  2. “LÀM VIỆC” CŨNG LÀ “LÀM NGƯỜI”
  3. CÁCH GIỮ TẬP TRUNG KHI BẠN BẮT ĐẦU CHÁN MỤC TIÊU CỦA MÌNH